Hạ glucose máu còn được gọi là hạ đường huyết. Đây là một tình trạng sức khỏe thường gặp ở nhiều người, đặc biệt là ở những người có thói quen sống kém lành mạnh. Vậy hạ glucose máu là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thế nào? Cùng Diag tìm hiểu chi tiết về hội chứng hạ glucose máu và cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả nhé.

Hạ glucose máu là gì?

Hạ glucose máu, hay hạ đường huyết, là tình trạng rối loạn chuyển hóa khiến mức glucose trong máu giảm xuống dưới mức bình thường. Tình trạng này xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa lượng glucose cung cấp và lượng tiêu thụ bên trong cơ thể. Trong đó, glucose là nguồn năng lượng chính để cơ thể duy trì hoạt động ổn định. Khi mức glucose giảm quá thấp, các cơ quan và hệ thống trong cơ thể có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện chức năng.

Cơ chế của hạ glucose máu liên quan đến sự thiếu hụt glucose cung cấp cho tế bào, gây gián đoạn hoạt động chuyển hóa năng lượng. Khi cơ thể không có đủ glucose, nó sẽ kích hoạt cơ chế sản xuất glucose từ gan hoặc giải phóng hormone để duy trì mức đường huyết. Tuy nhiên, nếu các cơ chế này không đủ mạnh hoặc bị cản trở thì vẫn không thể bù đắp lượng glucose máu cần thiết cho cơ thể.

Mệt mỏi và tay chân run rẩy là một dấu hiệu của hạ glucose máu.
Mệt mỏi và tay chân run rẩy là một dấu hiệu của hạ glucose máu.

Nguyên nhân giảm glucose máu

Do chế độ ăn uống

  • Bỏ bữa, ăn không đủ chất, thay đổi thời gian ăn hoặc lượng thức ăn: Khiến cơ thể không được cung cấp đủ carbohydrate để chuyển hóa thành glucose.
  • Uống rượu: Làm ức chế quá trình sản xuất glucose từ gan, từ đó glucose không được tạo mới để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Do vận động và tiêu hao năng lượng

  • Tập luyện thể thao hoặc lao động cường độ cao: Làm tăng sử dụng glucose để cung cấp năng lượng. Nếu không bổ sung đủ carbohydrate trước hoặc sau khi tập, mức đường máu có thể giảm mạnh.
  • Thời gian nhịn ăn kéo dài: Khiến cơ thể không nhận được năng lượng từ thực phẩm, đồng thời glycogen dự trữ cũng cạn kiệt. Từ đó dẫn đến hạ glucose máu, đặc biệt là ở những người có nhu cầu năng lượng cao.

Do bệnh lý hoặc rối loạn bên trong cơ thể

  • Rối loạn chức năng gan: Gan là cơ quan chính chịu trách nhiệm duy trì mức glucose trong máu thông qua dự trữ glycogen và tân tạo đường. Các bệnh như xơ gan, viêm gan nặng hoặc suy gan có thể làm giảm khả năng này.
  • Rối loạn hormone: Sự mất cân bằng trong hormone điều hòa đường huyết (glucagon, adrenaline) gây hạ đường huyết.
  • U tụy nội tiết Insulinoma: Khối u tuyến tụy sản xuất insulin quá mức, từ đó làm giảm đường huyết và có thể dẫn đến mãn tính. Điều này xảy ra ngay cả khi không có nhu cầu.
  • Nhiễm trùng nặng: Tình trạng này có thể làm tăng tiêu thụ glucose quá mức trong cơ thể, gây ra hạ đường huyết.
  • Bệnh di truyền: Một số rối loạn bẩm sinh ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose có thể dẫn đến hạ glucose máu. Trong đó bao gồm các bệnh như bệnh dự trữ glycogen hoặc rối loạn chuyển hóa acid béo.

Xem thêm: Cơ chế điều hòa glucose trong máu

Do liên quan đến điều trị bệnh lý

  • Thuốc insulin: Đây là loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2. Sử dụng insulin quá liều hoặc không phù hợp với lượng thực phẩm tiêu thụ sẽ gây hạ glucose máu ở bệnh nhân bệnh tiểu đường.
  • Thuốc hạ đường huyết đường uống: Các nhóm thuốc như sulfonylureas hoặc meglitinides có thể kích thích tiết insulin quá mức, làm giảm đường huyết nhanh chóng.
Tập thể thao quá sức có thể gây hạ đường huyết.
Tập thể thao quá sức có thể gây hạ đường huyết.

Các mức độ của hạ đường huyết

Hạ glucose máu nhẹ (Mức độ 1)

  • Mức glucose máu giảm, nằm trong khoảng từ 3.0 đến 3.9 mmol/L (54 – 70 mg/dL).
  • Cơ thể bắt đầu kích hoạt các cơ chế bù trừ để duy trì mức glucose cần thiết cho hoạt động, chủ yếu thông qua hormon như glucagon.
  • Đây là mức cảnh báo sớm, với các biểu hiện như run rẩy, đói, vã mồ hôi.

Hạ glucose máu trung bình (Mức độ 2)

  • Mức glucose máu giảm, nằm trong khoảng từ 2.22 đến 3.0 mmol/L (40 – 54 mg/dL).
  • Cơ thể gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp đủ glucose cho não và các cơ quan khác.
  • Triệu chứng thần kinh bắt đầu xuất hiện rõ rệt, có thể là lú lẫn, giảm tập trung, thay đổi hành vi.

Hạ glucose máu nặng (Mức độ 3)

  • Mức glucose máu giảm rất thấp dưới 2.22 mmol/L (40 mg/dL).
  • Đây là mức nguy hiểm, lúc này não không được cung cấp đủ năng lượng để duy trì các chức năng sống cơ bản.
  • Người bệnh không còn khả năng tự xử lý, có thể mất ý thức hoặc co giật. Cần sự can thiệp y tế gấp như tiêm glucagon hoặc truyền glucose tĩnh mạch.
  • Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn.
Mức độ hạ đường huyết trung bình thường có biểu hiện là giảm tập trung.
Mức độ hạ đường huyết trung bình thường có biểu hiện là giảm tập trung.

Triệu chứng hạ glucose máu

Biểu hiện lâm sàng của giảm glucose máu rất đa dạng. Chúng được chia thành hai nhóm: triệu chứng do kích thần kinh tự chủ và do thiếu glucose cung cấp cho não.

Triệu chứng do kích thích thần kinh tự chủ

Những triệu chứng này là phản ứng bù trừ của cơ thể khi nhận biết mức glucose máu giảm. Chúng xuất hiện khi glucose máu giảm nhẹ dưới 3.9 mmol/L (70 mg/dL).

  • Tay chân run rẩy.
  • Tim đập nhanh.
  • Đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt là ở trán, lòng bàn tay, và lòng bàn chân.
  • Lo lắng, hồi hộp.
  • Đói cồn cào.
  • Buồn nôn, đau bụng.

Triệu chứng do thiếu glucose cung cấp cho não

Glucose là nguồn năng lượng chính cho não bộ. Khi glucose máu giảm quá mức khiến não không thể hoạt động bình thường, gây ra các triệu chứng liên quan đến chức năng thần kinh.

  • Giảm tập trung, khó suy nghĩ hoặc xử lý thông tin.
  • Lú lẫn, trí nhớ kém, mất định hướng.
  • Hành vi bất thường như cáu gắt, la hét.
  • Yếu cơ, đi đứng loạng choạng, khó cầm nắm đồ vật.
  • Mất ý thức hoặc hôn mê.
  • Co giật.

Biến chứng do hạ đường huyết

Biến chứng cấp tính

  • Mất ý thức, hôn mê: Khi não không nhận đủ glucose, các chức năng thần kinh bị suy giảm nghiêm trọng và dẫn đến trạng thái hôn mê. Đây là biến chứng nguy hiểm và cần cấp cứu ngay. Nếu kéo dài có thể gây tổn thương não không hồi phục.
  • Co giật: Thiếu glucose trong não có thể gây co giật. Nếu kéo dài không được kiểm soát có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh trung ương hoặc tử vong.
  • Ngừng tim, suy hô hấp: Thiếu năng lượng nghiêm trọng có thể gây rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tim. Nguyên nhân do hệ thần kinh bị suy giảm khả năng điều khiển hô hấp và tuần hoàn.
  • Tai nạn, chấn thương: Người bệnh mất kiểm soát hành động, dễ bị ngã, gặp tai nạn giao thông hoặc tự gây tổn thương.

Biến chứng mãn tính

  • Suy giảm trí nhớ: Hạ glucose máu kéo dài gây tổn thương tế bào thần kinh, làm giảm khả năng ghi nhớ và nhận thức.
  • Rối loạn tâm thần: Người bệnh có nguy cơ cao gặp các vấn đề về tâm thần như lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn cảm xúc.
  • Sa sút trí tuệ: Hạ glucose máu mạn tính làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer.
  • Rối loạn nhịp tim: Các đợt hạ đường huyết gây stress trên cơ thể và kích thích hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến nguy cơ rối loạn nhịp tim.
  • Tổn thương mạch máu: Hạ glucose máu tái phát có thể gây tổn thương mạch máu do stress oxy hóa và viêm. Từ đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
  • Tổn thương gan: Gan phải hoạt động liên tục để chuyển hóa glycogen dự trữ nhằm bù đắp glucose máu bị thiếu. Tình trạng này kéo dài có thể làm suy giảm chức năng gan.
  • Tổn thương thận: Hạ đường huyết thường đi kèm với các rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.

Xem thêm: Hội chứng tăng glucose máu

Bệnh Alzheimer là một biến chứng sa sút trí tuệ thường gặp.
Bệnh Alzheimer là một biến chứng sa sút trí tuệ thường gặp.

Chẩn đoán điều trị giảm glucose máu

Tiêu chuẩn chẩn đoán hạ đường huyết theo ADA

Tiêu chuẩn Whipple được Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đưa ra nhằm chẩn đoán hạ đường huyết. Theo tiêu chuẩn này, hạ đường huyết được xác định khi có đủ 3 yếu tố:

  • Triệu chứng hạ đường huyết: Run rẩy, vã mồ hôi, lú lẫn, mất ý thức…
  • Mức glucose máu thấp: Đo được mức glucose máu giảm dưới ngưỡng chẩn đoán.
  • Hồi phục triệu chứng khi bổ sung glucose: Triệu chứng được cải thiện sau khi bổ sung glucose qua đường miệng hoặc tiêm/truyền tĩnh mạch.

Quá trình chẩn đoán dựa theo tiêu chuẩn Whipple bắt đầu bằng việc khai thác bệnh sử, triệu chứng, và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh. Sau khi đánh giá đủ thông tin lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm chuyên sâu như đo insulin, C-peptide, và proinsulin. Từ đó có thể chẩn đoán chính xác tình trạng.

Cuối cùng là bước chẩn đoán phân biệt. Đây là bước quan trọng nhằm loại trừ nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng hạ glucose máu. Trong đó bao gồm nguyên nhân hạ đường huyết sau ăn, tác dụng phụ của thuốc, tiêu thụ rượu, hoặc rối loạn nội tiết. Việc phân biệt này đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.

Xem thêm: Định lượng glucose máu thấp

Điều trị tình trạng hạ glucose máu

Điều trị hạ glucose máu tập trung vào việc nhanh chóng nâng mức glucose trong máu trở lại ngưỡng an toàn và ngăn ngừa tái phát. Quá trình điều trị thường qua hai giai đoạn chính: Xử lý cấp tính và kiểm soát lâu dài.

Xử lý cấp tính:

  • Bổ sung nhanh chóng khoảng 15 – 20g carbohydrate từ nước đường, nước trái cây hoặc viên glucose. Sau 15 phút, kiểm tra lại glucose máu; nếu vẫn dưới 70 mg/dL, tiếp tục bổ sung thêm carbohydrate.
  • Khi glucose máu ổn định, cần ăn thêm bữa ăn nhẹ chứa carbohydrate phức hợp (như bánh mì hoặc cơm) để duy trì đường huyết.
  • Trường hợp nặng sẽ cần can thiệp y tế ngay lập tức bằng cách tiêm glucagon, hoặc truyền dung dịch dung dịch glucose 10 – 20%.

Kiểm soát lâu dài:

  • Nếu hạ glucose máu do đái tháo đường: Cần điều chỉnh liều thuốc, thói quen ăn uống, hoặc kế hoạch luyện tập phù hợp.
  • Nếu hạ glucose máu không do đường: Cần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa để điều trị nguyên nhân gốc rễ. Quá trình điều trị có thể bao gồm phẫu thuật hoặc sử dụng thuốc ức chế insulin.
  • Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tự nhận biết triệu chứng, tự đo đường huyết thường xuyên và định kỳ. Đồng thời yêu cầu mang theo đồ ăn ngọt hoặc viên glucose để xử lý kịp thời nếu xảy ra hạ đường huyết.
Người bệnh thường được yêu cầu mang theo kẹo để xử lý hạ đường huyết kịp thời.
Người bệnh thường được yêu cầu mang theo kẹo để xử lý hạ đường huyết kịp thời.

Hướng dẫn phòng ngừa hạ glucose máu hiệu quả

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả bao gồm điều chỉnh thuốc, thói quen sống, theo dõi đường huyết thường xuyên, và nhận biết yếu tố nguy cơ:

  • Ăn đủ bữa, đúng giờ và tránh bỏ bữa, đặc biệt là ở người đang dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường hoặc insulin.
  • Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như yến mạch, bánh mì nguyên cám, rau xanh.
  • Bữa ăn chính cần được phân bổ hợp lý carbohydrate, protein và chất béo.
  • Bổ sung các bữa ăn nhẹ với trái cây, sữa chua không đường, hoặc các loại hạt. Đặc biệt cần thiết khi hoạt động thể chất kéo dài hoặc cách xa thời điểm dùng bữa chính.
  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Theo dõi chặt chẽ liều lượng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết. Nếu thay đổi liều lượng cần có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên trước và sau bữa ăn, trước khi tập thể dục và khi có triệu chứng của hạ glucose máu.
  • Theo dõi mức đường huyết trong các tình huống dễ dẫn đến hạ đường huyết.
  • Tập thể dục với cường độ và thời gian hợp lý, tránh tập luyện quá sức.
  • Luôn chuẩn bị sẵn viên glucose, nước trái cây hoặc kẹo ngọt để sử dụng khi có dấu hiệu hạ đường huyết trong khi tập luyện.
  • Bổ sung một bữa ăn nhẹ trước và sau khi tập luyện thể thao.

Lời kết

Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về vấn đề hạ glucose máu. Đây là một tình trạng khi lượng đường huyết giảm thấp dưới mức bình thường. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nếu kéo dài sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.