Glucose là gì?
Glucose là một loại đường đơn (monosaccharide) với công thức hóa học là C₆H₁₂O₆. Chất này thường tồn tại trong những thực phẩm hàng ngày, đặc biệt là có nhiều trong gạo, bánh mì, khoai tây và trái cây. Nhờ tính chất dễ hấp thụ, glucose nhanh chóng được chuyển hóa và đóng vai trò như một nguồn năng lượng chính cho cơ thể.
Xem thêm: Công thức cấu tạo glucose
Nguồn gốc của glucose
Glucose đến từ thực phẩm mà chúng ta ăn, chủ yếu là trong các loại thực phẩm giàu carbohydrate như gạo và bánh mì. Khi tiêu thụ thực phẩm, cơ thể sẽ tiến hành quá trình tiêu hóa để phân giải carbohydrate thành glucose và các loại đường đơn khác. Sau đó glucose được hấp thụ vào máu qua thành ruột, được vận chuyển đến các tế bào để cung cấp năng lượng.
Ngoài ra, glucose còn được sản xuất từ các nguồn khác trong cơ thể qua quá trình gluconeogenesis. Những nguồn glucose không phải carbohydrate khi đi vào cơ thể sẽ được tổng hợp ở gan và thận, bao gồm các axit amin (từ protein) và glycerol (từ mỡ). Trong trường hợp cơ thể không nhận đủ glucose từ thực phẩm (do nhịn ăn) thì quá trình gluconeogenesis sẽ diễn ra. Phản ứng này sẽ tạo ra đường mới, có vai trò duy trì glucose trong máu ở mức cần thiết để cung cấp năng lượng cho tế bào.
Xem thêm: Glucose khan
Chức năng chủ yếu của glucose đối với cơ thể
Glucose là một chất vô cùng quan trọng. Trong đó, vai trò của glucose được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau.
1. Cung cấp năng lượng cho tế bào
Glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Khi được hấp thụ vào máu, glucose được các tế bào chuyển hóa thành năng lượng dưới dạng ATP (adenosine triphosphate). Đây là chất mang năng lượng mà tế bào cần sử dụng để thực hiện các hoạt động sống của cơ thể.
Các cơ quan như gan, thận, cơ bắp, và não đều phụ thuộc vào glucose để duy trì chức năng và hoạt động bình thường. Trong đó, não là cơ quan cần nhiều năng lượng nhất. Tế bào thần kinh sẽ liên tục sử dụng glucose để duy trì chức năng nhận thức, cảm xúc và điều phối vận động của cơ thể. Nhờ vào glucose mà một người có thể suy nghĩ, làm việc, học tập và ghi nhớ thông tin một cách lâu dài, hiệu quả.
2. Lưu trữ năng lượng dưới dạng glycogen
Khi nạp một lượng glucose quá nhiều dẫn đến dư thừa thì phần dư này sẽ được cơ thể giữ lại dưới dạng glycogen để làm năng lượng. Glycogen là một dạng dự trữ của glucose và có thể được chuyển hóa ngược lại thành glucose để đáp ứng nhu cầu năng lượng khi cơ thể cần.
Việc dự trữ năng lượng này rất hữu ích trong những trường hợp như nhịn ăn hoặc tập luyện thể thao. Bởi các hoạt động này tiêu tốn nhiều năng lượng và cơ thể không thể được bổ sung thức ăn ngay lập tức. Do đó cơ thể sẽ nhanh chóng phân giải glycogen thành glucose thể bù đắp lại lượng năng lượng đã mất.
Hơn nữa, việc phân giải glycogen còn giúp duy trì mức đường huyết bình thường, khi lượng đường trong máu hạ thấp. Điều này rất quan trọng vì não bộ và các tế bào khác của cơ thể cần một nguồn cung cấp glucose ổn định để hoạt động.
3. Điều hòa các chức năng sinh lý và chuyển hóa
Chức năng sinh lý là những hoạt động tự nhiên của cơ thể giúp duy trì sự sống và các hệ cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, và thần kinh. Trong đó, glucose sẽ cung cấp năng lượng cho các hoạt động này để tư duy, tập trung và hoạt động cơ bắp.
Ngoài ra, glucose còn có thể được tổng hợp thành glycogen hoặc chuyển hóa thành axit béo cho cơ thể sử dụng. Nhờ vào những quá trình này mà glucose giúp cơ thể luôn hoạt động ổn định. Từ đó góp phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể.
Xem thêm: Quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể
Những loại đường glucose quan trọng trong cơ thể
Glucose tồn tại ở nhiều dạng khác nhau trong cơ thể người. Mỗi dạng có vai trò cùng chức năng riêng biệt trong quá trình duy trì năng lượng và chuyển hóa.
- Glucose tự do trong máu (Free Glucose): Còn được gọi là đường huyết. Dạng glucose này được chuyển hóa để tạo ra năng lượng (ATP) phục vụ cho các hoạt động sống của tế bào.
- Glycogen: Dạng dự trữ của glucose. Khi cơ thể thiếu năng lượng thì glycogen được phân giải thành glucose để cung cấp năng lượng và ổn định đường huyết.
- Glucose trong tế bào (Intracellular Glucose): Được giữ lại bên trong tế bào. Nó có thể được sử dụng trực tiếp để tạo năng lượng hoặc chuyển thành glycogen để lưu trữ. Ngoài ra, nó cũng tham gia vào quá trình tổng hợp protein và axit béo. Đồng thời hỗ trợ chức năng tăng trưởng và sửa chữa tế bào.
- Glucose-6-phosphate (G6P): Dạng glucose đã được phosphoryl hóa ngay sau khi được hấp thụ vào tế bào. G6P có thể được sử dụng để tạo năng lượng, tổng hợp glycogen hoặc sản xuất NADPH, ribose.
Mối liên hệ giữa glucose và mức đường huyết
Mối liên hệ này có thể được giải thích qua cách thức hoạt động của insulin và glucagon. Bởi đây là hai hormone chính trong cơ chế điều hòa đường huyết của cơ thể.
Insulin được sản xuất và tiết ra bởi các tế bào beta trong tuyến tụy. Khi ăn và có sự gia tăng đường huyết, tuyến tụy sẽ tiết insulin để giúp tế bào dễ dàng hấp thụ glucose có trong máu. Bằng cách này, tế bào có thể sử dụng glucose ngay lập tức để lấy năng lượng hoặc lưu trữ dưới dạng glycogen. Nhờ insulin mà lượng glucose máu giảm về mức ổn định, tránh tình trạng dư thừa gây tăng đường huyết có thể gây tiểu đường.
Glucagon cũng được sản xuất bởi tuyến tụy nhưng hoạt động ngược lại với insulin, nghĩa là giúp tăng lượng glucose trong máu. Glucagon có nhiệm vụ kích thích quá trình phân giải glycogen thành glucose để bổ sung năng lượng cho cơ thể. Điều này giúp đường huyết tăng trở lại đến mức ổn định khi không có nguồn năng lượng mới từ thực phẩm. Cơ chế này thường diễn ra khi cơ thể đang hoạt động thể chất hoặc nhịn ăn.
Có thể thấy, lượng glucose trong máu phản ánh chính xác mức đường huyết tại một thời điểm nhất định. Khi có sự dao động đường huyết thì glucose sẽ được cơ thể kiểm soát và điều chỉnh về mức bình thường. Đây là mối quan hệ chặt chẽ và không thể tách rời trong mọi trường hợp.
Điều gì xảy ra nếu glucose không được kiểm soát tốt?
Nếu nạp vào cơ thể quá nhiều glucose, sẽ dẫn đến tăng mức đường huyết và nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong đó bao gồm các nguy cơ dẫn đến đái tháo đường loại 2.
- Tăng dự trữ mỡ: Một phần glucose dư thừa sau khi nạp vào sẽ được chuyển hóa thành mỡ và lưu trữ trong các tế bào mỡ. Điều này gây tăng cân và làm tăng nguy cơ béo phì. Đây là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh lý như tiểu đường type 2, cao huyết áp, và biến chứng tim mạch.
- Kháng insulin: Cơ thể thường phản ứng với lượng glucose dư thừa bằng cách sản xuất nhiều insulin để xử lý. Tuy nhiên, việc sản xuất insulin quá mức trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin. Đây là hiện tượng giảm khả năng hấp thụ đường và có thể dẫn đến tiểu đường type 2.
- Tác động xấu lên gan: Cơ thể có thể chuyển một phần glucose dư thừa thành triglycerides (mỡ máu) để lưu trữ. Nếu lượng mỡ máu tích trữ quá mức sẽ gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Tình trạng này nếu không kiểm soát tốt sẽ gây suy giảm chức năng gan, thậm chí là viêm gan hoặc xơ gan.
- Rối loạn trao đổi chất: Nếu cơ thể phải liên tục chuyển hóa glucose dư thừa sẽ làm giảm sự hấp thụ của nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng khác. Điều này lâu dần sẽ gây rối loạn chuyển hóa và làm suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan.
Xem thêm: Rối loạn dung nạp glucose
Khi nào cần kiểm tra glucose để tầm soát bệnh tiểu đường?
Tăng glucose trong máu dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường. Do đó cần kiểm tra đường huyết định kỳ, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao. Trong đó bao gồm những đối tượng:
- Có triệu chứng bệnh đái tháo đường: khát nhiều, tiểu nhiều, mất nước, mệt mỏi, luôn cảm thấy đói, mờ mắt, giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Người trên 45 tuổi.
- Thừa cân, béo phì, có lối sống ít vận động.
- Đang gặp các tình trạng huyết áp cao, mỡ máu cao.
- Có tiền sử bệnh tim do xơ vữa động mạch.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.
- Phụ nữ đã từng mắc tiểu đường thai kỳ.
Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên kiểm tra mức đường huyết định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để tầm soát tiểu đường. Nếu là đối tượng có nguy cơ cao thì có thể xét nghiệm sớm hơn hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Xét nghiệm càng sớm thì khả năng chữa trị hiệu quả càng cao.
Một số câu hỏi liên quan đến đường glucose
1. L-glucose là gì?
Đây là một dạng đồng phân của glucose nhưng không phải là dạng dễ sử dụng. Do đó, nó không tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Tuy nhiên, dạng này có thể hữu ích trong nghiên cứu khoa hoặc các ứng dụng công nghiệp sản xuất.
Xem thêm: 1g glucose bao nhiêu calo?
2. Uống đường glucose có tốt không?
Uống glucose có thể hữu ích trong những tình huống cần cung cấp năng lượng cho cơ thể ngay lập tức. Đặc biệt là trong các hoạt động thể thao cường độ cao hoặc khi bị hạ đường huyết. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.
3. Đường glucose có béo không?
Đường glucose có thể gây béo nếu tiêu thụ quá mức và không được cơ thể sử dụng hết. Phần glucose dư thừa sẽ được cơ thể chuyển hóa và lưu trữ dưới dạng mỡ. Việc này thường xảy ra khi tiêu thụ nhiều thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, hoặc đồ chế biến sẵn.
Xem thêm: Glucose niệu
Lời kết
Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về glucose. Việc tìm hiểu glucose là gì cùng nguồn gốc glucose sẽ giúp ích trong việc xây dựng lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này sẽ đảm bảo tránh được các nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và nhiều biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa glucose và HbA1c