Glucose niệu là gì?
Glucose niệu là tình trạng glucose (đường) xuất hiện trong nước tiểu. Thông thường, glucose được lọc qua cầu thận và được tái hấp thu gần như hoàn toàn ở ống thận. Do đó, nước tiểu của một người khỏe mạnh thường không chứa hoặc chứa rất ít glucose. Tuy nhiên, khi đường huyết vượt quá ngưỡng tái hấp thu của thận (khoảng 180 mg/dL), glucose sẽ bắt đầu xuất hiện trong nước tiểu.
Glucose niệu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi người bệnh không kiểm soát tốt mức đường huyết. Ngoài ra, các bệnh lý về thận (như suy thận hoặc hội chứng Fanconi) có thể làm giảm khả năng tái hấp thu glucose của thận. Tình trạng glucose niệu cũng có thể xảy ra do căng thẳng, phản ứng phụ của thuốc, hoặc khi đang trong giai đoạn thai kỳ.
Xem thêm: Công thức cấu tạo glucose
Ý nghĩa của xét nghiệm glucose niệu
Đây là xét nghiệm ban đầu để phát hiện các vấn đề sức khỏe có liên quan đến quá trình tái hấp thu glucose ở thận hoặc rối loạn điều hòa đường huyết. Kết quả xét nghiệm glucose trong nước tiểu tăng vượt ngưỡng an toàn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó bao gồm tiểu đường, rối loạn chức năng thận, hoặc các bệnh lý liên quan đến khả năng kiểm soát glucose của cơ thể.
Đối với người bệnh tiểu đường, xét nghiệm giúp đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết và phát hiện kịp thời các biến chứng. Glucose niệu dương tính cho thấy đường huyết đã vượt qua ngưỡng thận, là dấu hiệu cho thấy kiểm soát glucose máu không hiệu quả. Kết quả rất quan trọng trong việc hỗ trợ bác sĩ theo dõi để điều chỉnh liệu pháp điều trị và lối sống phù hợp. Từ đó tránh được những hệ quả nghiêm trọng do tiểu đường như bệnh tim mạch hoặc tổn thương thần kinh.
Xét nghiệm còn giúp phát hiện đái tháo đường thai kỳ ở phụ nữ mang thai. Nồng độ glucose trong nước tiểu có thể báo hiệu tình trạng đường huyết tăng cao mà chưa được kiểm soát. Điều này giúp mẹ và bác sĩ chủ động hơn trong việc theo dõi và đảm bảo sức khỏe thai kỳ luôn ổn định.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa glucose và HbA1c
Khi nào cần xét nghiệm glucose niệu?
Xét nghiệm glucose nước tiểu thường được chỉ định khi người bệnh nghi ngờ tiểu đường, bệnh lý về thận hoặc viêm đường tiết niệu. Đây là một bước cơ bản để kiểm tra xem đường huyết có vượt quá ngưỡng tái hấp thu của thận hay không. Một số dấu hiệu phổ biến như:
- Khát nước nhiều.
- Tiểu nhiều.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Vết thương chậm lành.
- Sụt cân bất thường hoặc không có nguyên nhân rõ ràng.
Ngoài ra, xét nghiệm glucose niệu còn được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Theo dõi và quản lý bệnh tiểu đường: Đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết và phát hiện sớm các biến chứng tiềm ẩn. Xét nghiệm glucose niệu cũng hỗ trợ theo dõi hiệu quả của phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường.
- Đánh giá chức năng thận: Được thực hiện người bệnh có các triệu chứng như sưng phù tay chân, đau vùng thận, nước tiểu màu đục hoặc tiểu bất thường.
- Phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ: Bác sĩ thường kết hợp thêm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT) để xác định chính xác tình trạng bệnh. Từ đó đưa ra biện pháp kiểm soát đường huyết kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
- Xác định tổn thương thận do thuốc: Bao gồm các loại thuốc có thể làm giảm khả năng tái hấp thu glucose của thận như corticosteroids, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế SGLT2.
- Hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý khác: Hội chứng Fanconi, hội chứng mắt não thận, bệnh cystinosis, bệnh Wilson, và rối loạn chuyển hóa tyrosine.
Xem thêm: Rối loạn dung nạp glucose
Cách đọc kết quả xét nghiệm glucose trong nước tiểu
Kết quả xét nghiệm glucose trong nước tiểu thường được biểu thị dưới dạng định tính hoặc định lượng. Do đó cách đọc sẽ tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm được sử dụng.
Phương pháp định tính
Đây là phương pháp được thực hiện bằng các que test nước tiểu. Kết quả thường thể hiện theo mức độ từ “âm tính” đến “dương tính mạnh” như sau.
- Âm tính (-): Kết quả xét nghiệm bình thường, cho thấy không có glucose trong nước tiểu hoặc nồng độ thấp dưới ngưỡng phát hiện.
- Dương tính nhẹ (+): Có một lượng nhỏ glucose trong nước tiểu. Kết quả này có thể xảy ra tạm thời do căng thẳng, chế độ ăn uống nhiều đường, hoặc khi mang thai.
- Dương tính trung bình (++): Kết quả xét nghiệm này có thể gợi ý tiểu đường hoặc rối loạn chức năng thận.
- Dương tính mạnh (+++ hoặc ++++): Kết quả xét nghiệm liên quan đến bệnh tiểu đường không kiểm soát hoặc bệnh lý thận nghiêm trọng.
Xem thêm: Glucose trong nước tiểu bao nhiêu là bình thường?
Phương pháp định lượng
Đây là phương pháp thường được sử dụng trong các bệnh viện, phòng thí nghiệm và phòng xét nghiệm y tế. Kết quả cho biết thông tin chính xác về nồng độ glucose trong nước tiểu, được đo bằng đơn vị mg/dL hoặc mmol/L.
- Dưới 15 mg/dL (0.83 mmol/L): Kết quả xét nghiệm bình thường, không có glucose trong nước tiểu hoặc nồng độ glucose niệu rất thấp.
- Từ 15 – 100 mg/dL (0.83 – 5.56 mmol/L): Nồng độ glucose niệu tăng nhẹ, có thể do chế độ ăn nhiều đường, stress tạm thời, hoặc do trong giai đoạn mang thai.
- Từ 100 mg/dL (5.56 mmol/L) trở lên: Nồng độ glucose niệu tăng cao. Kết quả xét nghiệm này thường do tiểu đường, tiểu đường thai kỳ, các bệnh lý liên quan đến thận hoặc khi thận bị tổn thương.
Xem thêm: Glucose khan
Lời kết
Tóm lại, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về glucose niệu. Đây là một chỉ số quan trọng trong đánh giá sức khỏe tổng thể, cũng như giúp phát hiện nhiều bệnh lý như tiểu đường type 2. Việc tìm hiểu glucose niệu là gì, nguyên nhân, và cách đọc chỉ số này rất hữu ích nhằm đảm bảo sức khỏe ổn định lâu dài.
Xem thêm: Glucose trong nước tiểu 500