Xét nghiệm sinh hóa là gì?
Xét nghiệm sinh hóa là phương pháp phân tích các chất hóa học trong cơ thể để đánh giá tình trạng sức khỏe hoặc chẩn đoán bệnh lý. Xét nghiệm thường kiểm tra dựa trên các mẫu như máu, nước tiểu, phân, nước bọt hoặc dịch cơ thể. Qua đó xác định sự hiện diện, nồng độ hoặc hoạt độ của các chất có trong mẫu, như enzyme, hormone, protein và khoáng chất.
Dựa vào kết quả xét nghiệm sinh hóa, bác sĩ có thể đánh giá tổng quát về chức năng của nhiều cơ quan quan trọng. Điều này rất hữu ích trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc biệt là những bệnh nguy hiểm như viêm gan, đái tháo đường hoặc xơ vữa động mạch.
Trên thực tế có nhiều loại xét nghiệm sinh hóa khác nhau, dựa trên loại mẫu được sử dụng để phân tích. Phổ biến là các nhóm xét nghiệm sinh hóa như máu, nước tiểu, nước bọt, dịch cơ thể và phân. Tùy theo mục đích mà mỗi loại xét nghiệm cung cấp thông tin cụ thể về hoạt động và trạng thái của các cơ quan bên trong cơ thể.
Vì sao cần làm xét nghiệm sinh hóa máu?
Xét nghiệm sinh hóa máu là phương pháp kiểm tra nồng độ và hoạt độ của các chất hóa học có trong máu. Bằng cách phân tích mẫu máu, có thể đo lường nồng độ các chất như enzyme, protein, đường, lipid, và các khoáng chất quan trọng. Từ đó hiểu rõ về hoạt động của các cơ quan như tim, gan, thận, và hệ tuần hoàn.
Xét nghiệm hóa sinh máu là nhóm quan trọng và rất phổ biến, đặc biệt là trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nó giúp phát hiện sớm, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm cũng như các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Chẳng hạn như các rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng các cơ quan, tình trạng viêm nhiễm hoặc mất cân bằng điện giải.
Xét nghiệm thường được chỉ định ở những trường hợp như:
- Có triệu chứng bất thường: Mệt mỏi kéo dài, sụt cân không rõ nguyên nhân, phù nề, đau tức ngực, hoặc khó thở.
- Theo dõi và kiểm soát nhiều tình trạng như tiểu đường type 2, cao huyết áp, hoặc bệnh gan thận.
- Đánh giá sức khỏe tổng quát trước khi thực hiện phẫu thuật hoặc can thiệp y tế.
Các phương pháp xét nghiệm sinh hóa máu phổ biến
Hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm sinh hóa máu được ứng dụng trong thực tiễn lâm sàng. Trong đó, các xét nghiệm sinh hóa thường quy đóng vai trò quan trọng trong quy trình thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lý.
- Phương pháp đo điện hóa: Đo các phản ứng điện hóa của các chất trong máu thông qua thiết bị điện cực nhạy cảm. Khi các chất hóa học trong máu tham gia phản ứng tại bề mặt điện cực sẽ tạo ra dòng điện hoặc thay đổi điện thế. Từ đó giúp xác định được nồng độ của các chất như glucose hoặc ion.
- Phương pháp quang phổ hấp thụ: Sử dụng ánh sáng để đo nồng độ các chất trong máu. Khi ánh sáng có bước sóng xác định chiếu qua mẫu, các chất trong máu sẽ hấp thụ một phần ánh sáng. Máy phân tích sẽ đo lượng ánh sáng bị hấp thụ để tính toán nồng độ của chất cần kiểm tra, như glucose, cholesterol hoặc protein.
- Phương pháp điện cực: Sử dụng các đầu dò chuyên biệt để đo nồng độ ion cụ thể trong máu, như natri và kali. Điện cực sẽ phát hiện sự thay đổi điện thế khi tương tác với các ion, từ đó xác định được nồng độ của chúng.
- Phương pháp enzyme: Sử dụng enzyme để xúc tác phản ứng hóa học nhằm phát hiện và đo lường nồng độ các chất cụ thể trong máu. Phản ứng sẽ tạo ra sản phẩm phụ hoặc tín hiệu mà thiết bị phân tích có thể đo lường, giúp xác định lượng chất cần kiểm tra.
Xét nghiệm sinh hóa máu gồm những gì?
Việc xác định các chỉ số sinh hóa máu rất quan trọng trong việc chẩn đoán tình trạng sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể. Hiện tại có hơn 25 chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu.
1. Chỉ số về gan
ALT (SGPT), AST (SGOT), Gamma GT, và Alkaline Phosphatase là các chỉ số men gan quan trọng trong đánh giá sức khỏe của gan. Chúng phản chức năng, mức độ tổn thương và khả năng chuyển hóa của gan. Trong đó, ALT và AST thường tăng cao khi gan bị tổn thương. GGT và ALP được dùng để đánh giá chức năng, phát hiện tắc nghẽn hoặc tổn thương ở đường mật.
Xét nghiệm còn kiểm tra nồng độ bilirubin, bao gồm bilirubin trực tiếp và gián tiếp. Đây là những sản phẩm phân hủy của hồng cầu, cho thấy khả năng chuyển hóa và bài tiết chất thải của gan.
Ngoài ra, chỉ số albumin và protein toàn phần cũng rất quan trọng giúp đánh giá khả năng tổng hợp protein của gan. Nồng độ các chất này thấp có thể phản ánh sự suy giảm chức năng gan trong việc thực hiện các chức năng thiết yếu.
Chỉ số xét nghiệm gan bình thường ở nam giới:
- AST (SGOT): < 37 U/L.
- ALT (SGPT): < 45 U/L
- GGT: < 55 U/L.
- ALP: 50 – 518 U/L.
- Bilirubin toàn phần: 0.8 – 283.8 µmol/L.
- Bilirubin trực tiếp: 0.8 – 12.1 µmol/L.
- Albumin: 28 – 51 g/L.
- Protein toàn phần: 64 – 83 g/L.
Chỉ số xét nghiệm gan bình thường ở nữ giới:
- AST (SGOT): < 31 U/L.
- ALT (SGPT): < 34 U/L.
- GGT: < 38 U/L.
- ALP: 44 – 518 U/L.
- Bilirubin toàn phần: 0.8 – 283.8 µmol/L.
- Bilirubin trực tiếp: 0.8 – 12.1 µmol/L.
- Albumin: 28 – 50 g/L.
- Protein toàn phần: 64 – 83 g/L.
2. Chỉ số về thận
Kiểm tra sức khỏe thận thường tập trung vào các chỉ số liên quan đến chức năng lọc và bài tiết chất thải của thận. Trong đó, creatinine máu và urea máu là hai chỉ số chính để đánh giá mức độ lọc của thận. Nồng độ các chất này tăng cao có thể là dấu hiệu suy giảm chức năng thận.
Xét nghiệm acid uric cũng được chỉ định trong đánh giá sức khỏe thận. Nếu acid uric cao hơn mức bình thường biểu hiện nguy cơ suy thận, nhiễm trùng hoặc bệnh gout. Acid uric giảm có thể gợi ý các bệnh như hội chứng Fanconi hoặc bệnh Wilson.
Chỉ số xét nghiệm thận bình thường ở nam giới:
- Creatinine máu: 0.7 – 1.3 mg/dL.
- Urea máu: 1.8 – 9.2 mmol/L.
- Acid uric: 0.09 – 0.75 mmol/L.
Chỉ số xét nghiệm thận bình thường ở nữ giới:
- Creatinine máu: 0.6 – 1.1 mg/dL.
- Urea máu: 1.8 – 7.5 mmol/L.
- Acid uric: 0.09 – 0.75 mmol/L.
3. Chỉ số đường huyết
Để đánh giá mức đường huyết, chỉ số quan trọng nhất là glucose máu lúc đói (đường đói). Đây là xét nghiệm đo lượng glucose trong máu sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Chỉ số này đặc biệt hữu ích nhằm phát hiện các tình trạng rối loạn đường huyết, chẳng hạn như tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.
Ngoài ra, HbA1c (Hemoglobin A1c) là một xét nghiệm khác được sử dụng để đánh giá mức đường huyết trung bình trong 2 – 3 tháng gần đây. Mức HbA1c cao cho thấy lượng đường trong máu của bạn đã cao trong một thời gian dài. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường như tổn thương thần kinh hoặc bệnh tim mạch.
Nếu cần đánh giá toàn diện hơn, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT). Chỉ số này giúp kiểm tra khả năng cơ thể xử lý glucose sau khi uống dung dịch đường. Người bệnh sẽ cần lấy mẫu vào hai thời điểm là lúc đói và sau ăn 2 tiếng để đánh giá đường huyết chính xác.
Chỉ số xét nghiệm đường huyết bình thường:
- Đường huyết lúc đói: < 5.6 mmol/L (100 mg/dL).
- HbA1c: < 5.7% (39 mmol/mol).
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống – lúc đói: < 5.6 mmol/L (100 mg/dL).
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống – sau ăn 2 tiếng: < 7.8 mmol/L (140 mg/dL).
4. Chỉ số mỡ máu và tim mạch
Để đánh giá mỡ máu cần đo lường các chỉ số gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C, và triglyceride. Đây là những xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện sớm tình trạng rối loạn lipid máu, cũng như có hướng theo dõi và điều trị hiệu quả. Từ đó tránh được những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe tim mạch như xơ vữa động mạch hoặc đột quỵ.
- LDL-C: Loại cholesterol dễ gây tích tụ mảng bám trong động mạch. LDL-C thường làm tăng nguy cơ xơ vữa và bệnh tim mạch.
- HDL-C: Giúp vận chuyển cholesterol dư thừa về gan để xử lý và đào thải, giúp đảm bảo sức khỏe tim mạch.
- Triglyceride: Dạng chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nồng độ triglyceride cao cũng góp phần làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch.
Rối loạn lipid máu kéo dài có thể dẫn đến nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm. Do đó cần phải xét nghiệm thêm các chỉ số liên quan như hs-CRP, Troponin T, Troponin I, hoặc CK-MB.
- CRP hoặc hs-CRP: Đo lường nồng độ CRP – một chỉ số phản ánh tình trạng viêm trong cơ thể. Nồng độ CRP cao tường chỉ ra nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, ngay cả khi các yếu tố khác có thể không xuất hiện.
- Troponin T và Troponin I: Các protein được giải phóng và máu khi cơ tim bị tổn thương. Kiểm tra nồng độ troponin thường nhằm mục đích chẩn đoán chính xác các nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim.
- CK-MB (Creatine Kinase-MB): Đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá những tổn thương ở tim.
Chỉ số xét nghiệm mỡ máu và tim mạch bình thường:
- Cholesterol toàn phần: < 5.18 mmol/L.
- LDL-C: < 2.59 mmol/L.
- HDL-C: ≥ 1.04 mmol/L.
- Triglyceride: < 1.7 mmol/L.
- hs CRP: ≤ 5 mg/L.
- hs Troponin T: ≤ 14 ng/L.
- hs Troponin I (nam giới): ≤ 34.2 ng/L.
- hs Troponin I (nữ giới): ≤ 15.6 ng/L.
- CK-MB: < 25 U/L.
5. Chỉ số các chất điện giải
Sự thay đổi nồng độ các chất điện giải thường liên quan đến các vấn đề rối loạn chức năng thận, mất nước, hoặc mất cân bằng axit-bazơ. Để phát hiện sớm các tình trạng này, bạn cần xét nghiệm kiểm tra các ion quan trọng như Natri (Na⁺), Kali (K⁺), và Clo (Cl⁻). Trong một số trường hợp, các ion như Canxi (Ca²⁺), Magie (Mg²⁺), hoặc Phosphat vô cơ (PO₄³⁻) cũng rất cần thiết.
- Natri (Na⁺): Điều hòa chức năng thần kinh, cơ, và sự phân bố dịch trong cơ thể.
- Kali (K⁺): Có vai trò quan trọng đối với hệ thần kinh và sự co của cơ, điều hòa nhịp tim…
- Clorua (Cl⁻): Giúp kiểm soát sự phân bố dịch và cân bằng pH trong cơ thể. Clorua thường được kiểm tra chung với các chất điện giải khác để chẩn đoán và theo dõi các bệnh về gan thận, suy tim…
- Canxi (Ca²⁺): Đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc xương và răng. Ion này còn tham gia vào quá trình co cơ, dẫn truyền tín hiệu thần kinh, đông máu và điều hòa nhịp tim.
- Magie (Mg²⁺): Tham gia vào các phản ứng bên trong cơ thể như sản xuất năng lượng, tổng hợp protein, và điều hòa chức năng cơ bắp, thần kinh.
- Phosphat vô cơ (PO₄³⁻): Hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng (ATP), cân bằng acid-base, và hoạt động của các enzyme. PO₄³⁻ còn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và sửa chữa tế bào.
Chỉ số xét nghiệm chất điện giải (ion đồ) bình thường:
- Natri (Na⁺): 132 – 145 mmol/L.
- Kali (K⁺): 3.4 – 4.7 mmol/L.
- Clorua (Cl⁻): 95 – 113 mmol/L.
- Canxi (Ca²⁺): 1.9 – 2.6 mmol/L.
6. Chỉ số dấu ấn ung thư
Dấu ấn ung thư là các chất được sản xuất bởi tế bào ung thư hoặc bởi cơ thể phản ứng với ung thư. Đây là những chỉ số quan trọng giúp tầm soát, theo dõi hoặc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh ung thư khác nhau. Trong đó, những dấu ấn phổ biến là AFP, CEA, CA-125, và PSA toàn phần.
- AFP (Alpha-Fetoprotein): Hỗ trợ phát hiện sớm và chẩn đoán bệnh ung thư gan, buồng trứng hoặc tinh hoàn.
- CEA (Carcinoembryonic Antigen): Giúp theo dõi đáp ứng điều trị và kiểm tra tái phát của ung thư đại tràng, trực tràng, tủy tuyến giáp, phổi, vú, gan, tuyến tụy, dạ dày, buồng trứng.
- CA-125: Giúp phát hiện sớm ung thư buồng trứng.
- PSA toàn phần (Prostate-Specific Antigen): Thường được sử dụng để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. Chỉ số PSA cần phải được đánh giá đồng thời với nhiều xét nghiệm khác để đánh giá đúng mức độ ung thư.
Một dấu ấn ung thư tăng cao không phải lúc nào cũng khẳng định có ung thư. Bởi các chỉ số này có thể tăng cao do nhiều tình trạng khác ngoài ung thư, như bệnh lý lành tính hoặc viêm. Do đó, bác sĩ thường kết hợp kết quả dấu ấn ung thư với các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết để đưa ra kết luận chính xác.
Chỉ số dấu ấn ung thư bình thường:
- AFP: ≤ 8.78 ng/mL.
- CEA: ≤ 5 ng/mL.
- CA 125: ≤ 35 U/mL.
- PSA toàn phần: ≤ 4 ng/mL.
7. Chỉ số vi chất dinh dưỡng
Vi chất dinh dưỡng là những loại vitamin và khoáng chất cần thiết đối với cơ thể con người. Trong đó, phổ biến là vitamin D giúp kiểm tra tình trạng xương và hệ miễn dịch. Vitamin B12 và folate (vitamin B9) liên quan đến chức năng thần kinh và sản xuất hồng cầu. Sắt, ferritin và transferrin thường phản ánh tình trạng thiếu máu hoặc thừa sắt.
Ngoài ra, một số khoáng chất khác như Kẽm (Zn), Canxi (Ca), và Magie (Mg) cũng được chỉ định xét nghiệm. Các chỉ số này giúp đánh giá tổng quát sức khỏe của xương, cơ bắp và hệ thần kinh.
Nhóm chỉ số này giúp phát hiện tình trạng thiếu hụt hoặc thừa vi chất. Kết quả xét nghiệm có giá trị cao trong việc hỗ trợ bác sĩ đưa ra các biện pháp phù hợp để cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều này bao gồm các giải pháp điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc bổ sung dưỡng chất cần thiết.
Chỉ số vi chất dinh dưỡng bình thường:
- 25-OH Vitamin D: 30 – 150 ng/mL.
- Vitamin B12: 187 – 883 pg/mL.
- Folate (vitamin B9): > 3.9 ng/mL.
- Sắt (nam giới): 2.9 – 31.3 µmol/L.
- Sắt (nữ giới): 2.9 – 30.4 µmol/L.
Những xét nghiệm sinh hóa thường gặp khác
Chỉ số xét nghiệm sinh hoá nước tiểu
Đây là những chỉ số phản ánh nồng độ của thành phần và các chất hóa học có trong nước tiểu. Trong đó, một số chỉ số quan trọng gồm:
- pH nước tiểu: Giúp kiểm tra độ acid hoặc kiềm, liên quan đến sỏi thận hoặc rối loạn chuyển hóa.
- Glucose niệu: Thường tăng khi đường huyết cao bất thường, như trong bệnh đái tháo đường.
- Ketone niệu: Phản ánh quá trình đốt cháy chất béo, có thể gặp khi nhịn đói kéo dài hoặc khi bệnh tiểu đường không được kiểm soát.
Ngoài ra, xét nghiệm cũng đo lường nồng độ hemoglobin và leukocytes giúp phát hiện nhiễm trùng hoặc tổn thương đường tiết niệu. Các chất như bilirubin và urobilinogen đánh giá chức năng gan. Trong khi đó, creatinine và acid uric giúp kiểm tra sức khỏe thận cũng như nguy cơ sỏi thận.
Chỉ số xét nghiệm sinh hoá dịch cơ thể
Nhóm xét nghiệm này phân tích các thành phần hóa học có trong nhiều loại dịch cơ thể. Cụ thể là dịch não tủy, dịch màng bụng, dịch màng phổi và dịch khớp.
- Protein: Đánh giá tình trạng viêm, nhiễm trùng, hoặc như ung thư.
- Glucose: Giúp phát hiện các bệnh như viêm màng não do vi khuẩn (khi glucose giảm) hoặc các rối loạn chuyển hóa.
- Lactate: Được đo trong dịch não tủy để phát hiện tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc thiếu oxy tại các mô.
- Enzyme: Các enzyme (như LDH, amylase) trong dịch cơ thể được sử dụng để chẩn đoán tổn thương mô hoặc bệnh lý đặc hiệu.
Chỉ số xét nghiệm sinh hoá phân
Đây là các chỉ số xét nghiệm được phân tích dựa trên mẫu phân. Kết quả xét nghiệm có giá trị trong đánh giá tình trạng tiêu hóa, hấp thu, các bệnh lý đường ruột hoặc các cơ quan liên quan.
- Chất béo trong phân: Đánh giá lượng chất béo có trong mẫu phân để phát hiện các rối loạn về khả năng hấp thu chất béo.
- Hồng cầu ẩn trong phân: Hỗ trợ chẩn đoán sớm các bệnh lý như loét dạ dày, viêm đại tràng, polyp, hoặc ung thư đường tiêu hóa.
- Elastase tụy: Giúp đánh giá chức năng tụy ngoại tiết. Giảm elastase trong phân có thể chỉ ra suy tụy hoặc viêm tụy mạn tính.
- Elastase tụy: Hỗ trợ đánh giá chức năng gan và khả năng bài tiết bilirubin qua đường tiêu hóa.
Chỉ số xét nghiệm sinh hoá nước bọt
Xét nghiệm sinh hóa nước bọt là một phương pháp phổ biến giúp đánh giá nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Trong đó bao gồm những vấn đề về nội tiết, miễn dịch và chuyển hóa. Nhờ vào tính chất không xâm lấn mà nó được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thăm khám sức khỏe tổng quát.
- Amylase nước bọt: Nồng độ enzyme này tăng cao có thể phản ánh căng thẳng hoặc các bệnh lý liên quan đến tuyến nước bọt.
- pH nước bọt: Giúp đánh giá nguy cơ sâu răng, bệnh nướu răng hoặc các vấn đề về tiêu hóa liên quan đến cân bằng pH cơ thể.
- Immunoglobulin A (IgA): Một dấu hiệu của sức khỏe miễn dịch tại chỗ. Đo IgA giúp phát hiện các tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc viêm nhiễm vùng miệng.
Chỉ số xét nghiệm sinh hoá mồ hôi
Mồ hôi cũng là một mẫu bệnh phẩm hữu ích để đánh giá sức khỏe của một người. Phương pháp này thường được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa, điện giải và một số bệnh di truyền.
- Kali (K⁺): Giúp đánh giá sự mất cân bằng điện giải, đặc biệt ở người bị rối loạn chuyển hóa hoặc mất nước nghiêm trọng.
- Urea và Creatinine: Sự hiện diện của 2 chất này cho thấy có sự tích tụ chất thải nitrogen trong cơ thể. Điều này thường liên quan đến rối loạn chức năng thận.
- Cytokines và dấu ấn viêm: Kiểm tra các dấu ấn viêm như IL-6 hoặc TNF-alpha trong mồ hôi. Từ đó giúp đánh giá tình trạng viêm toàn thân hoặc phản ứng miễn dịch.
Xét nghiệm sinh hóa máu bao nhiêu tiền?
Chi phí xét nghiệm sinh hóa máu hiện nay rất đa dạng, dao động từ 22.000 – 350.000 VND/xét nghiệm hoặc cao hơn. Lưu ý rằng mức giá này chưa bao gồm các phí dịch vụ đi kèm. Những xét nghiệm càng chuyên sâu thì mức giá sẽ tăng cao tương ứng.
Bạn có thể tham khảo mức giá các xét nghiệm hóa sinh máu ở Diag: Tại đây
Lưu ý:
- Cách đọc các chỉ số xét nghiệm sinh hóa trong bài viết chỉ mang tính tham khảo.
- Cách đọc kết quả xét nghiệm sinh hóa máu trong bài viết được áp dụng theo thang đo của Trung Tâm Y Khoa Diag. Mỗi tờ xét nghiệm sinh hóa máu tại Diag đều ghi chú rõ kết quả này dựa trên thang đo nào.
- Mọi kết quả xét nghiệm cần được kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa để ánh giá đúng tình trạng sức khỏe.
Lời kết
Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu phổ biến. Đây là những thông số quan trọng, phản ánh tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Do đó, việc tìm hiểu cách đọc chỉ số xét nghiệm rất cần thiết để bạn chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe.