Xét nghiệm máu đóng vai trò rất quan trọng trong y khoa và kiểm tra sức khỏe. Nó là một công cụ đặc biệt hữu ích trong nhiều trường hợp cần phát hiện sớm, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý. Vậy xét nghiệm máu là gì? Xét nghiệm máu để làm gì? Cùng Diag tìm hiểu chi tiết về loại xét nghiệm này qua bài viết bên dưới nhé.

Xét nghiệm máu là gì?

Đây là một phương pháp hỗ trợ chẩn đoán y khoa bằng cách phân tích các thành phần và đặc tính sinh hóa từ mẫu máu. Xét nghiệm máu là một bước quan trọng, cung cấp nhiều thông tin hữu ích về tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý cũng như phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khi chưa có biểu hiện lâm sàng.

Tại phòng xét nghiệm, mẫu máu sẽ được kiểm tra dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong đó bao gồm nhiều thông tin như số lượng tế bào, nồng độ các chất hóa học hoặc các đặc tính đông máu. Các xét nghiệm không chỉ đo lường các chỉ số cơ bản mà còn giúp xác định những thay đổi nhỏ nhất trong thành phần máu. Kết quả nhận được thường sẽ phản ánh chính xác một phần các sự biến đổi sinh học của cơ thể.

Xét nghiệm máu giúp phân tích nhiều chỉ số quan trọng của cơ thể.
Xét nghiệm máu giúp phân tích nhiều chỉ số quan trọng của cơ thể.

Xét nghiệm máu để làm gì?

Không chỉ cung cấp nhiều thông tin sức khỏe quan trọng, xét nghiệm máu còn giúp phát hiện các bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường hoặc mỡ máu. Ngoài ra, xét nghiệm còn đóng vai trò thiết yếu trong việc phát hiện sớm những bất thường hoặc nguy cơ tiềm ẩn. Trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm còn giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị.

  • Đánh giá sức khỏe tổng quát: Đo lường các chỉ số và thành phần sinh hóa máu, giúp đánh giá mức độ hoạt động của các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Đây là một bước quan trọng trong khám sức khỏe định kỳ, nhằm phát hiện sớm các bất thường mà không có triệu chứng rõ ràng.
  • Chẩn đoán các bệnh lý: Cung cấp thông tin chi tiết về các thay đổi trong thành phần máu hoặc chỉ số hóa sinh, giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. Nhiều xét nghiệm chuyên sâu có thể hỗ trợ xác định các rối loạn chức năng ở tim, gan, thận.
  • Theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị: Hỗ trợ theo dõi sự tiến triển của bệnh lý và đánh giá phản ứng của cơ thể với phương pháp điều trị. Từ đó xác định liệu pháp điều trị có đang mang lại kết quả như mong đợi hay không.
  • Phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn: Giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe ngay cả khi không có biểu hiện hoặc triệu chứng rõ ràng. Chẳng hạn như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường hoặc bệnh tim mạch.
  • Tầm soát dấu hiệu ung thư: Một số xét nghiệm được thiết kế đặc biệt để tìm kiếm các chất chỉ thị ung thư. Bao gồm PSA (đối với ung thư tuyến tiền liệt) hoặc CA-125 (đối với ung thư buồng trứng). Xét nghiệm giúp phát hiện sớm các loại ung thư, từ đó tăng khả năng điều trị thành công và kéo dài thời gian sống của bệnh nhân.
  • Xác định tình trạng dị ứng, nhiễm trùng: Đo lường sự gia tăng của các kháng thể để xác định tình trạng dị ứng với thực phẩm, động vật hoặc các chất khác. Xét nghiệm còn hữu ích trong việc phát hiện các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán đúng tình trạng và mức độ nghiêm trọng của nó.

Các loại xét nghiệm máu phổ biến

Hiện nay có rất nhiều loại xét nghiệm máu và được phân loại theo nhóm chức năng sinh học. Trong đó bao gồm các xét nghiệm máu cơ bản như: huyết học, sinh hóa, miễn dịch, đông máu, vi sinh và sinh học phân tử. Tùy loại xét nghiệm mà có cách xét nghiệm máu khác nhau, như phân tích thành phần máu hoặc tìm kháng nguyên, kháng thể.

1. Xét nghiệm máu huyết học

Đây là nhóm xét nghiệm phân tích các thành phần, đặc tính của máu và các yếu tố khác liên quan đến máu. Những xét nghiệm này được sử dụng như một công cụ giúp đánh giá sức khỏe tổng quát, chẩn đoán và theo dõi nhiều bệnh lý về máu.

  • Nhóm máu: Xác định nhóm máu của một người, bao gồm nhóm ABO (A, B, AB, O) và yếu tố Rh (Rh+ hoặc Rh-). Xét nghiệm rất hữu ích nhằm phục vụ truyền máu, ghép tạng, từ đó có hướng xử lý hiệu quả trước khi cần cấp cứu hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, xét nghiệm còn đặc biệt quan trọng giúp phát hiện nguy cơ bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi trong giai đoạn thai kỳ.
  • Công thức máu toàn phần (CBC): Đánh giá số lượng và chất lượng của hồng cầu, bạch cầu, huyết sắc tố, hematocrit, và tiểu cầu. Đây là xét nghiệm cơ bản giúp phát hiện và chẩn đoán các tình trạng như thiếu máu, nhiễm trùng, ung thư.
  • Hồng cầu lưới: Đo số lượng và tỷ lệ phần trăm của hồng cầu lưới trong máu, giúp đánh giá hoạt động của tủy xương trong việc sản xuất hồng cầu. Xét nghiệm rất hữu ích trong chẩn đoán và theo dõi điều trị thiếu máu, thiếu máu tan máu, hoặc hồi phục sau mất máu.

2. Xét nghiệm sinh hóa máu

Nhóm này tập trung phân tích các thành phần hóa học trong máu để đánh giá hoạt động của cơ quan và hệ thống sinh học trong cơ thể. Kết quả xét nghiệm có giá trị rất cao giúp phát hiện sớm bệnh lý, theo dõi và đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp y khoa. Xét nghiệm đặc biệt quan trọng giúp chẩn đoán các bệnh nguy hiểm như tiểu đường type 2, bệnh gan thận, rối loạn mỡ máu và điện giải.

  • Đường huyết: Đo lường nồng độ glucose trong máu để chẩn đoán và theo dõi bệnh đái tháo đường. Chỉ số này giúp nhận biết tình trạng hạ đường huyết, tăng đường huyết hoặc rối loạn dung nạp glucose. Từ đó hỗ trợ bác sĩ lên phương án điều trị phù hợp.
  • Protein: Đo nồng độ tổng protein và các loại protein quan trọng như albumin, globulin. Xét nghiệm này giúp phát hiện các bệnh lý như xơ gan, hội chứng thận hư, nhiễm trùng mạn tính hoặc rối loạn dinh dưỡng. Đồng thời, nó cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình trạng tổng quát của cơ thể.
  • Mỡ máu: Đo lường các thành phần lipid trong máu như cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C và triglyceride. Kết quả xét nghiệm giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch và đột quỵ.
  • Ion đồ: Phân tích nồng độ các ion quan trọng trong máu như natri, kali, canxi và clorua. Các ion này đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì cân bằng nước và điện giải, giúp ổn định hoạt động của hệ thần kinh, cơ và tim. Sự mất cân bằng điện giải có thể chỉ ra nhiều vấn đề như mất nước, suy thận hoặc rối loạn chức năng thận.
Xét nghiệm sinh hóa máu thường được sử dụng để chẩn đoán rối loạn mỡ máu.
Xét nghiệm sinh hóa máu thường được sử dụng để chẩn đoán rối loạn mỡ máu.

3. Xét nghiệm miễn dịch

Đây là nhóm xét nghiệm kiểm tra các thành phần liên quan đến hệ miễn dịch trong máu, cụ thể là kháng nguyên và kháng thể. Một số chất chỉ thị sinh học khác cũng được phát hiện qua xét nghiệm này, dựa trên sự tương tác đặc hiệu giữa kháng nguyên-kháng thể. Xét nghiệm miễn dịch rất hữu ích trong chẩn đoán, theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị của nhiều bệnh lý. Trong đó bao gồm các bệnh tự miễn, nhiễm trùng và nhiều rối loạn miễn dịch khác.

  • Viêm gan siêu vi: Phát hiện các kháng nguyên hoặc kháng thể đặc hiệu của virus viêm gan B và C. Xét nghiệm giúp xác định tình trạng nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính, mức độ miễn dịch sau tiêm vắc-xin và nguy cơ lây nhiễm.
  • CEA (Carcinoembryonic Antigen): CEA là một dấu ấn ung thư được sử dụng để phát hiện và theo dõi nhiều loại ung thư. Chỉ số này giúp bác sĩ theo dõi đáp ứng điều trị và kiểm tra tái phát của ung thư đại tràng, tủy tuyến giáp, trực tràng, phổi…
  • TSH (Thyroid-Stimulating Hormone): Đo lường hormone kích thích tuyến giáp TSH nhằm đánh giá chức năng tuyến giáp. Kết quả nồng độ TSH tăng cao cho thấy suy giám, trong khi TSH thấp thường liên quan đến cường giáp.
  • Giang mai (syphilis): Phát hiện kháng thể chống lại vi khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai. Đây là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lây qua đường tình dục, bên cạnh lậu và sùi mào gà.

4. Xét nghiệm đông máu

Xét nghiệm kiểm tra khả năng đông máu của cơ thể, bao gồm đo lường thời gian máu đông và các yếu tố liên quan đến quá trình này. Đây là nhóm xét nghiệm quan trọng trong việc chẩn đoán các rối loạn đông máu và nhiều bệnh lý huyết học. Đồng thời, nó cũng hữu ích trong việc chuẩn bị trước phẫu thuật, hoặc xử lý các tình trạng cấp cứu như xuất huyết, huyết khối.

  • Thời gian PT: Đo khoảng thời gian cần thiết để hình thành cục máu đông. Xét nghiệm giúp đánh giá con đường đông máu ngoại sinh và chức năng của các yếu tố đông máu I, II, V, VII, X. Thời gian PT kéo dài thường chỉ ra tình trạng thiếu hụt yếu tố đông máu, bệnh gan hoặc tác động của thuốc chống đông.
  • INR: Tương tự như thời gian PT, INR là chỉ số chuẩn hóa quốc tế nhằm đánh giá khả năng đông máu. Nó đặc biệt quan trọng trong việc theo dõi hiệu quả của thuốc chống đông như warfarin. Từ đó giúp điều chỉnh liều lượng thuốc để duy trì máu ở trạng thái không quá loãng (gây xuất huyết) hoặc quá đặc (gây huyết khối).
  • APTT: Giúp đánh giá con đường đông máu nội sinh và các yếu tố đông máu như VIII, IX, XI, XII. Xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn đông máu (như hemophilia) và theo dõi hiệu quả của thuốc chống đông heparin.

5. Xét nghiệm vi sinh

Nhóm xét nghiệm máu này giúp xác định sự hiện diện của vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Xét nghiệm rất hữu ích giúp chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng, xác định loại vi sinh vật gây bệnh và đánh giá khả năng kháng thuốc của chúng. Đây là nhóm rất quan trọng giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi diễn tiến của bệnh, cũng như lựa chọn đúng phương pháp điều trị.

  • Nhuộm gram: Kỹ thuật cơ bản để phân loại vi khuẩn thành hai nhóm – gram dương và gram âm, dựa trên cấu trúc thành tế bào. Kết quả nhuộm gram cung cấp thông tin nhanh chóng về đặc điểm vi khuẩn. Nó giúp bác sĩ lựa chọn được kháng sinh phù hợp trong các trường hợp cấp cứu hoặc nhiễm trùng nặng.
  • Định danh: Giúp xác định chính xác tên loài vi sinh vật gây bệnh thông qua nhiều kỹ thuật khác nhau. Bao gồm cấy mẫu bệnh phẩm trên môi trường đặc biệt hoặc quan sát đặc điểm hình thái của chúng. Đây là xét nghiệm quan trọng giúp bác sĩ hiểu rõ tác nhân gây bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
  • Kháng sinh đồ: Kiểm tra khả năng nhạy cảm của vi khuẩn với các loại kháng sinh khác nhau. Xét nghiệm giúp xác định loại thuốc nào có hiệu quả nhất trong việc tiêu diệt vi khuẩn đó. Kết quả xét nghiệm rất quan trọng nhằm tối ưu điều trị, tránh sử dụng kháng sinh không cần thiết và ngăn ngừa kháng kháng sinh.

6. Xét nghiệm sinh học phân tử

Xét nghiệm sử dụng phương pháp phân tích vật chất di truyền (DNA hoặc RNA) của các sinh vật hoặc tế bào trong cơ thể. Từ đó xác định đặc điểm di truyền, sự hiện diện của tác nhân gây bệnh hoặc đột biến gen. Xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, giúp phát hiện nhanh tác nhân gây bệnh chỉ từ số lượng rất nhỏ trong mẫu máu.

  • PCR: Kỹ thuật khuếch đại DNA hoặc RNA, cho phép tạo ra hàng triệu bản sao của một đoạn vật chất di truyền đặc hiệu. PCR có độ nhạy cao và cho kết quả nhanh, đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm. Phổ biến là các bệnh do virus như SARS-CoV-2 và HIV.
  • DNA/RNA: Phát hiện các rối loạn di truyền, bệnh lý ung thư, và nhiễm trùng. DNA được kiểm tra để xác định các đột biến gen hoặc bất thường về cấu trúc gây bệnh di truyền. Còn RNA được sử dụng để xác định hoạt động gen hoặc phát hiện virus như viêm gan C và SARS-CoV-2.
  • Genotype: Phân tích cấu trúc di truyền để xác định kiểu gen của một cá nhân hoặc vi sinh vật. Xét nghiệm này được sử dụng để phát hiện các đột biến gen liên quan đến bệnh lý di truyền. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong xác định chủng loại của virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.
Có thể phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 qua các xét nghiệm sinh học phân tử.
Có thể phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 qua các xét nghiệm sinh học phân tử.

Xét nghiệm máu biết được những bệnh gì?

Bệnh lý gan

Gan là cơ quan quan trọng thực hiện nhiều chức năng như chuyển hóa, giải độc, sản xuất protein và dự trữ năng lượng. Xét nghiệm máu giúp đánh giá tình trạng và chức năng gan, từ đó hỗ trợ phát hiện nhiều bệnh lý về gan.

  • Viêm gan: Thường do thói quen uống rượu bia, virus viêm gan hoặc tiền sử dụng thuốc. Xét nghiệm sẽ kiểm tra chỉ số men gan quan trọng AST và ALT, đồng thời đánh giá miễn dịch trước các virus viêm gan B hoặc C.
  • Xơ gan: Giai đoạn tổn thương gan nặng. Xét nghiệm máu có thể phát hiện giảm albumin, tăng bilirubin và rối loạn đông máu kéo dài. Một số xét nghiệm bổ sung như AFP có thể được sử dụng để tầm soát biến chứng ung thư gan do xơ gan.
  • Gan nhiễm mỡ: Xảy ra khi mỡ tích tụ quá mức trong tế bào gan, liên quan đến béo phì, đái tháo đường hoặc uống rượu. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ hoặc xơ gan.
  • Tắc nghẽn đường mật: Do sỏi mật hoặc khối u gây nên, làm cản trở dòng chảy mật từ gan đến ruột. Tình trạng này có thể được phát hiện qua sự gia tăng các chỉ số như bilirubin, GGT và ALP.
  • Ung thư gan: Sự tăng cao của AFP là một dấu hiệu cho thấy ung thư gan. Bên cạnh nguyên nhân nguyên phát, loại ung thư này cũng có thể là hệ quả của xơ gan.

Bệnh lý thận

Thận là cơ quan quan trọng có chức năng lọc máu, loại bỏ chất thải, giúp duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm máu là phương pháp hiệu quả để đánh giá chức năng thận và phát hiện sớm bệnh thận. Đồng thời, nó cũng hỗ trợ theo dõi tiến triển bệnh và đánh giá hiệu quả điều trị.

  • Suy thận: Tình trạng suy giảm chức năng thận, được phát hiện chỉ số creatinine và urea tăng cao. Suy thận cấp tính thường xảy ra đột ngột và có thể hồi phục nếu được điều trị kịp thời. Còn suy thận mạn tính thường tiến triển và không hồi phục, liên quan đến đai tháo đường hoặc cao huyết áp.
  • Hội chứng thận hư: Một rối loạn gây mất lượng lớn protein qua nước tiểu, dẫn đến giảm albumin trong máu. Đây là tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu không được điều trị.
  • Bệnh thận do đái tháo đường: Đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến gây bệnh thận, đặc biệt là suy thận mạn tính. Bệnh có thể được phát hiện qua chỉ số creatinine và urea máu tăng cao, kèm theo tăng glucose máu.
  • Rối loạn điện giải: Bao gồm tăng hoặc giảm natri, kali, canxi máu. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, co giật, hoặc suy yếu cơ.

Bệnh lý tim mạch

Xét nghiệm máu đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, và theo dõi bệnh lý tim mạch. Các chỉ số như mỡ máu, protein phản ứng viêm và nhiều dấu ấn sinh học khác cung cấp thông tin chi tiết về sức khỏe tim. Từ đó hỗ trợ bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị hoặc phòng ngừa hiệu quả.

  • Xơ vữa động mạch: Sự tích tụ mảng bám trong thành mạch máu, thường liên quan đến rối loạn lipid máu. Trong đó, giảm HDL-C, tăng LDL-C và triglyceride là các yếu tố nguy cơ chính của xơ vữa động mạch.
  • Nhồi máu cơ tim: Xảy ra khi dòng máu đến tim bị cản trở và dẫn đến tổn thương cơ tim. Để chẩn đoán, các xét nghiệm troponin T, troponin I hoặc CK-MB sẽ được thực hiện để đánh giá mức độ tổn thương cơ tim.
  • Suy tim: Tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, có thể được phát hiện qua chỉ số BNP hoặc NT-proBNP. Nồng độ BNP tăng cao cho thấy áp lực trong tim tăng, thường xảy ra trong suy tim cấp tính hoặc mạn tính.

Bệnh liên quan đến máu

Đây là nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến số lượng, chức năng, hoặc cấu trúc của các tế bào máu. Trong đó bao gồm các thành phần như hồng cầu, tiểu cầu và yếu tố đông máu. Để chẩn đoán các bệnh lý này sẽ cần thực hiện phân tích công thức máu, đông máu và các chất sinh hóa liên quan.

  • Thiếu máu: Xảy ra khi cơ thể thiếu hồng cầu hoặc hemoglobin, dẫn đến giảm khả năng vận chuyển oxy. Tình trạng này thường được phát hiện thông qua các chỉ số công thức máu toàn phần (CBC). Ngoài ra, một số xét nghiệm bổ sung như ferritin, sắt huyết thanh cũng hữu ích giúp xác định nguyên nhân thiếu máu.
  • Bệnh tự miễn liên quan đến máu: Một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống hoặc viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến các tế bào máu. Bên cạnh xét nghiệm công thức máu thì các chỉ số viêm (CRP, ESR) và kháng thể tự miễn (ANA) cũng rất hữu ích để chẩn đoán.
  • Nhiễm trùng huyết: Tình trạng nhiễm trùng nặng khi vi khuẩn hoặc độc tố của chúng xâm nhập vào máu. Xét nghiệm máu thường phát hiện tăng bạch cầu kèm theo các dấu hiệu viêm như CRP và procalcitonin tăng cao.
Nhiễm trùng huyết là một bệnh lý có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu.
Nhiễm trùng huyết là một bệnh lý có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu.

Bệnh lý nội tiết

Xét nghiệm máu giúp phát hiện các bệnh lý liên quan đến hệ thống nội tiết như tuyến giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận và tuyến yên. Đây là những tuyến quan trọng, chịu trách nhiệm sản xuất hormone điều hòa nhiều chức năng cơ thể. Việc xét nghiệm là rất cần thiết nhằm đo lường nồng độ hormone, giúp phát hiện các rối loạn ở những tuyến này.

  • Suy giáp và cường giáp: Đo lường nồng độ hormone TSH, FT3 và FT4 giúp đánh giá chức năng tuyến giáp. TSH tăng cao trong suy giáp và giảm thấp trong cường giáp, trong khi FT3 và FT4 thay đổi theo hướng ngược lại. Ngoài ra, kháng thể tuyến giáp như anti-TPO hoặc TRAb có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh Hashimoto hoặc Graves.
  • Hội chứng Cushing và bệnh Addison: Các bệnh lý liên quan đến sự thiếu hụt hoặc dư thừa hormone cortisol. Từ đó hỗ trợ trong việc đánh giá chức năng tuyến thượng thận. Hội chứng Cushing thường có cortisol cao, trong cortisol thấp liên quan đến bệnh Addison.
  • Rối loạn hormone sinh dục: Đo lường nồng độ các hormone như FSH, LH, estrogen, progesterone hoặc testosterone. Từ đó, hỗ trợ chẩn đoán những tình trạng liên quan đến dậy thì sớm/muộn, mãn kinh và sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ.

Bệnh lý chuyển hóa

Nhóm này bao gồm các bệnh lý hoặc rối loạn liên quan đến quá trình chuyển hóa năng lượng và các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu hoặc các hội chứng chuyển hóa khác. Những rối loạn này thường ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống, từ đó gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm.

  • Đái tháo đường: Tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose gây tăng đường huyết mãn tính. Xét nghiệm máu thường đo nồng độ đường đói, HbA1c để chẩn đoán và theo dõi bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra mức insulin để phân biệt giữa tiểu đường type 2 và type 1.
  • Rối loạn lipid máu: Tình trạng bất thường trong chuyển hóa chất béo, gây tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch. Xét nghiệm máu đo nồng độ cholesterol, LDL, HDL và triglyceride để phát hiện tình trạng này. Tăng LDL-C hoặc giảm HDL-C bất thường là các dấu hiệu chính của rối loạn lipid máu.
  • Nhiễm toan chuyển hóa: Tình trạng mất cân bằng axit-bazơ trong cơ thể, thường do suy thận hoặc đái tháo đường. Nhiễm toan chuyển hóa có thể gây rối loạn nhịp tim, suy giảm chức năng c, và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Vậy nên cần xét nghiệm máu đo pH, bicarbonate và các ion như natri, kali, clo để đánh giá tình trạng này.

Bệnh nhiễm trùng

Khi virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể sẽ gây nên các bệnh lý nhiễm trùng. Các tác nhân này thường gây viêm nhiễm và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe nếu không được điều trị sớm. Để chẩn đoán, xét nghiệm thường kiểm tra công thức máu, các dấu hiệu viêm và nhiều kỹ thuật khác để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh.

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, và nấm: Bao gồm những tình trạng nhiễm trùng như viêm gan siêu vi, cúm, HIV hoặc viêm phổi, viêm màng não. Nhiều loại virus có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể (IgG, IgM). Trong khi nhiều tình trạng nhiễm trùng khác có thể cần kiểm tra các dấu hiệu viêm như CRP hoặc ESR.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Thường do giun, sán, các loại amip, thường lây nhiễm qua thực phẩm hoặc nguồn nước kém vệ sinh. Tùy theo tình trạng mà có những cách xét nghiệm kháng nhau, thường là PCR hoặc ELISA.
  • Nhiễm trùng huyết: Tình trạng nhiễm trùng toàn thân rất nguy hiểm, xảy ra khi vi khuẩn hoặc độc tố của chúng lan vào máu. Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng giảm bất thường, trong khi CRP và procalcitonin tăng mạnh.

Bệnh ung thư

Đây là nhóm bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường và không kiểm soát của các tế bào trong cơ thể. Xét nghiệm máu đo lường các dấu ấn sinh học, chỉ số viêm hoặc phân tích DNA để phát hiện sự hiện diện và đặc điểm của khối u. Từ đó giúp sàng lọc ung thư, hỗ trợ theo dõi tiến triển bệnh hiệu quả của liệu pháp điều trị.

  • Ung thư gan: Có thể được phát hiện qua dấu ấn sinh học AFP. Chỉ số FP tăng cao bất thường là dấu hiệu nghi ngờ ung thư gan hoặc các khối u liên quan đến gan. Để chẩn đoán chính xác thì cần kết hợp với kết quả chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí và mức độ tổn thương gan.
  • Ung thư tuyến tiền liệt: Thường được phát hiện qua xét nghiệm PSA. Đồng thời cần được kết hợp với thăm khám lâm sàng và nhiều xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác. Bởi PSA tăng cao cũng có thể do nhiều tình trạng khác mà không phải ung thư tuyến tiền liệt.
  • Ung thư buồng trứng: Có thể được phát hiện qua xét nghiệm CA 125. Nồng độ CA 125 cao thường là dấu hiệu ung thư buồng trứng, nhưng vẫn có thể tăng do một số bệnh lý không phải ung thư.
  • Ung thư vú: Dấu ấn sinh học CA 15-3 và CEA thường được sử dụng để theo dõi ung thư vú, đặc biệt trong giai đoạn tái phát hoặc di căn. Các chỉ số này rất hữu ích để quản lý và theo dõi hiệu quả điều trị.

Xét nghiệm máu có chính xác không?

Các xét nghiệm máu hiện nay đều có độ chính xác rất cao và phản ánh đúng tình trạng sức khỏe. Điều này nhờ vào sự phát triển của công nghệ phân tích hiện đại và đội ngũ xét nghiệm. Mặc dù vậy, độ chính xác cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Bao gồm sự tuân thủ các hướng dẫn và kỹ thuật lấy mẫu, điều kiện bảo quản và tay nghề của kỹ thuật viên.

Quy trình xét nghiệm máu

Lưu ý trước khi lấy mẫu xét nghiệm máu

Tùy vào loại xét nghiệm sẽ có những yêu cầu cụ thể trước khi thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý chung trước khi làm xét nghiệm máu như sau:

  • Cung cấp đầy đủ thông tin bệnh sử, các loại thuốc hoặc TPCN đang sử dụng.
  • Nhịn ăn tối thiểu 8 – 12 tiếng trước khi lấy mẫu, thường áp dụng đối với các đường huyết, mỡ máu, tim mạch.
  • Không sử dụng chất kích thích như rượu bia, cafe.
  • Tránh vận động mạnh, căng thẳng hoặc hút thuốc trước khi xét nghiệm.

Các bước tiến hành xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu được thực hiện nhanh chóng và không quá khó khăn. Hiện tại, quy trình xét nghiệm máu tại Trung Tâm Y Khoa Diag diễn ra qua các bước sau:

  • Bước 1: Khử trùng vị trí lấy mẫu.
  • Bước 2: Dùng kim tiêm để lấy mẫu máu, và xử lý vết tiêm sạch sẽ.
  • Bước 3: Mẫu máu được lưu trữ và bảo quản ở điều kiện phù hợp.
  • Bước 4: Mẫu được phân tích bằng máy móc chuyên sâu tại phòng xét nghiệm.
  • Bước 5: Trả kết quả (tại quầy hoặc nhận qua SMS/Zalo) và nhận tư vấn từ bác sĩ.

Lời kết

Nhìn chung, xét nghiệm máu là một cách hữu ích và đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm tra sức khỏe. Các xét nghiệm máu cần thiết cho việc phát hiện sớm, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý khác nhau. Kết quả xét nghiệm có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với chẩn đoán hình ảnh để có kết luận chính xác về tình trạng bệnh.