Trước khi xét nghiệm máu có được ăn không?
Thông thường, việc ăn uống có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Đặc biệt là những xét nghiệm có liên quan đến đường huyết, mỡ máu, hoặc các chỉ số khác trong huyết tương. Khi ăn, cơ thể tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng và làm thay đổi nồng độ các chất khác trong máu. Điều này khiến kết quả không chính xác, dẫn đến chẩn đoán hoặc đánh giá sai lệch. Do đó, xét nghiệm máu thường yêu cầu nhịn ăn để đảm bảo kết quả phản ánh đúng tình trạng sinh lý của cơ thể.
Tuy nhiên, vẫn có một số chỉ số xét nghiệm máu không bị ảnh hưởng bởi việc nhịn ăn. Điều này thường phụ thuộc vào mục đích kiểm tra, yêu cầu cụ thể của bác sĩ hoặc của phòng xét nghiệm.
Những xét nghiệm nào cần nhịn ăn và trong bao lâu?
Một số xét nghiệm máu yêu cầu nhịn ăn với khoảng thời gian nhịn ăn trước khi lấy mẫu như sau:
- Xét nghiệm đường huyết: Nhịn ăn từ 8 – 12 tiếng.
- Xét nghiệm mỡ máu: Nhịn ăn tối thiểu 12 tiếng.
- Xét nghiệm tim mạch: Nhịn ăn tối thiểu 12 tiếng.
- Xét nghiệm 3 tháng giữa thai kỳ: Nhịn ăn ít nhất 8 tiếng.
- Xét nghiệm 3 tháng cuối thai kỳ: Nhịn ăn từ 8 – 12 tiếng (để đo đường huyết ở thai phụ nhằm phát hiện đái tháo đường thai kỳ).
Lưu ý: Một số trường hợp khác nếu xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ có thể yêu cầu nhịn ăn tối thiểu từ 4 – 12 tiếng.
Xét nghiệm máu nào không cần nhịn ăn?
Những xét nghiệm máu không yêu cầu nhịn ăn trước khi thực hiện thường là:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC).
- Xét nghiệm tầm soát ung thư.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, trừ khi có định đặc biệt từ bác sĩ.
- Xét nghiệm các vitamin và khoáng chất.
- Xét nghiệm nhóm máu ABO và yếu tố Rh.
- Xét nghiệm beta hCG, NIPT.
- Sàng lọc bệnh truyền nhiễm: HIV, lậu, giang mai, viêm gan B, viêm gan C…
- Xét nghiệm giun sán.
- Xét nghiệm miễn dịch và viêm nhiễm: CRP, ANA, RF, kháng thể (IgG, IgM) …
- Xét nghiệm đông máu: thời gian PT, aPTT, INR.
Lưu ý: Mặc dù không cần nhịn ăn, nhưng bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nhân viên y tế để biết cách chuẩn bị tốt nhất.
Trước khi xét nghiệm máu cần làm gì?
Quan trọng nhất là cần tuân thủ đúng hướng dẫn và lời dặn của bác sĩ/kỹ thuật viên trước-trong-sau khi làm xét nghiệm. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng những vấn đề sau để đảm bảo kết quả xét nghiệm máu chính xác và phản ánh đúng tình trạng sức khỏe:
- Nhịn ăn trước khi lấy mẫu xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ/kỹ thuật viên.
- Chỉ được uống nước lọc và uống đủ nước trong suốt thời gian nhịn ăn.
- Thông báo với bác sĩ các loại thuốc điều trị, thực phẩm chức năng đang sử dụng. Hãy hỏi bác sĩ có cần ngưng sử dụng loại thuốc nào không, vì chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả.
- Tránh uống rượu, bia, cà phê, hoặc đồ uống có cồn, chứa nhiều đường ít nhất 24 tiếng trước khi lấy mẫu xét nghiệm máu.
- Tránh ăn thực phẩm giàu đường, mỡ tối thiểu 12 tiếng trước khi xét nghiệm máu.
- Ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng trước ngày xét nghiệm.
Lời kết
Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về yêu cầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm máu. Việc tìm hiểu xét nghiệm máu có cần nhịn ăn không là rất cần thiết. Điều này giúp đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác và phản ánh đúng tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.