Table of Contents


Xét nghiệm BUN là một trong những loại xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng hoạt động của các bộ phận trong cơ thể như gan, thận… Loại xét nghiệm này cũng được sử dụng để đo lượng Nitơ có trong Ure (hay còn có tên gọi đầy đủ là urea nitrogen). Cần phân biệt rõ 2 loại xét nghiệm máu là Ure máu và BUN để loại trừ khả năng nhận định kết quả sai. Trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về mục đích xét nghiệm BUN để làm gì cũng như chỉ số xét nghiệm BUN.

Xét nghiệm BUN giúp xác định nồng độ Urea Nitrogen có trong máu đang ở mức báo động hay mức bình thường

1. Bạn Biết Gì Về Xét Nghiệm BUN?

BUN là viết tắt của cụm từ Blood Urea Nitrogen. Xét nghiệm BUN có chức năng đo hàm lượng Nitơ có trong ure. Xét nghiệm này hoàn toàn khác biệt so với xét nghiệm Ure máu được sử dụng để đo toàn bộ các phân tử Ure được chứa trong máu. Trong trường hợp sử dụng đơn vị mg/dl cần phân biệt hai khái niệm Ure và BUN để tránh nhận định các kết quả sai.

2. Xét Nghiệm BUN Để Làm Gì?

Việc thực hiện xét nghiệm BUN giúp xác định nồng độ Urea Nitrogen có trong máu đang ở mức báo động hay mức bình thường. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng và chức hoạt động của các cơ quan trong cơ thể như gan, thận. Trong trường hợp nếu như nồng độ Urea Nitrogen quá cao hoặc quá thấp được xem là dấu hiệu cảnh báo gan thận của bệnh nhân đang gặp phải một vấn đề nào đó hoặc một số tình trạng bất thường của sức khỏe.

3. Cơ Chế Bài Tiết Và Sản Sinh Urea Nitrogen Trong Cơ Thể Như Thế Nào?

Gan là bộ phận chính sản sinh ra amoniac, trong đó có chứa Nitro. Nitro kết hợp với các khí khác như Carbon, Hydro hay Oxy. Chất thải hóa học nào đó được tạo thành là Urea. Theo dòng máu di chuyển Urea sẽ chuyển dịch từ gan cho đến thận.

Thận thực hiện chức năng lọc bỏ Ure cùng một số các chất thải khác đến từ máu. Thông qua đường nước tiểu, những sản phẩm thải sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể. Ure được xem là sản phẩm thoái hóa của protein trong máu. Đây cũng là lượng chất thải được hình thành bởi khí nito cùng với các chất khác như carbon và hydro. Trong đó cơ thể người bao gồm cả 2 nguồn gốc ngoại sinh và nội sinh.

Với nguồn gốc ngoại sinh. Xuất phát từ những lượng thức ăn được nạp vào cơ thể hàng ngày. Hàm lượng dưỡng chất và protein có trong thức ăn sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành axit amin nhờ vào enzyme. Sau đó tái hấp thu thành hoạt chất hóa học NH3.

NH3 tiếp tục được chuyển hóa thành urê tại bộ phận gan (gan cũng là nơi tập trung diễn ra quá trình chuyển hóa Ure). Ure tiếp tục di chuyển từ gan xuống thận. Tại đây thận sẽ thực hiện chức năng lọc bỏ ure và nhiều loại chất thải khác từ máu. Những chất thải này di chuyển ra ngoài theo đường tiết niệu.

Cơ chế bài tiết và sản sinh Urea Nitrogen trong cơ thể bắt đầu từ gan

4. Cách Tính BUN Từ Ure

Tìm hiểu các thông tin liên quan đến xét nghiệm BUN cho thấy đây là loại xét nghiệm được thực hiện khá phổ biến ở những quốc gia phát triển. Trong đó có Hoa Kỳ, Áo. Mexico, Pháp, Đức. Một số nước còn lại, trong đó có Việt Nam thường dùng xét nghiệm Ure chứ không sử dụng định lượng BUN.

Khi sử dụng đơn vị mmol/l, lúc này Ure = BUN dẫn đến việc nhận định kết quả tương đối chính xác. Mặt khác khi định lượng đơn vị mg/dl với BUN và Ure sẽ cho các số liệu khác nhau. Chính vì vậy trong quá trình thực hiện xét nghiệm, các nhân viên y tế cũng như bệnh nhân cần nắm vững kiến thức tính BUN từ ure. Từ đó có những nhận định chính xác về chỉ số trong phiếu kết quả và ý nghĩa của xét nghiệm BUN.

Công thức chuyển đổi BUN từ ure như sau:

Ure (mg/dl)= BUN (mg/dl) x 2,14

Ure (mmol/l) = BUN (mmol/l)

BUN (mmol) = BUN (mg/dl) x 0,3571

Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, các nhân viên y tế cũng như bệnh nhân cần nắm vững kiến thức tính BUN từ ure

5. Các Quy Trình Tiến Hành Xét Nghiệm BUN Như Thế Nào ?

Xét nghiệm BUN là một trong những xét nghiệm quan trọng để xác định tình trạng sức khỏe cũng như đánh giá chức năng hoạt động của cơ thể. Tìm hiểu quy trình xét nghiệm BUN từ A-Z qua những bước sau:

5.1. Bước 1: Chỉ định thực hiện xét nghiệm

Ở một số trường hợp xét nghiệm BUN sẽ được bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện, trong đó bao gồm các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân đang có những dấu hiệu tổn thương thận hoặc gặp phải một số bệnh lý về thận.
  • Bác sĩ cần có những kết quả với chỉ số cụ thể để đánh giá các chức năng của gan thận.
  • Việc thực hiện xét nghiệm BUN cũng xác định được tính hiệu quả nhất định của quá trình điều trị lọc máu ở các bệnh nhân. Đặc biệt là đối với những bệnh nhân đang tiến hành chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc.

5.2. Bước 2: Quy trình chuẩn bị cho xét nghiệm

Đối với xét nghiệm BUN, thông thường trước khi thực hiện xét nghiệm bệnh nhân vẫn có thể ăn uống bình thường và không cần nhịn trước 6 tiếng như nhiều loại xét nghiệm khác. Tuy nhiên các bạn cần lưu ý tránh ăn quá nhiều thực ăn chứa protein.

Tuy nhiên cần lưu ý với một số trường hợp mẫu máu được sử dụng cho những xét nghiệm bổ sung khác các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ dặn dò chi tiết về những thứ cần chuẩn bị và kiêng cữ trước khi tiến hành thực hiện xét nghiệm. Bên cạnh đó để đánh giá chính xác nhất chức năng bài trừ chất thải trong máu của thận, việc chỉ định lấy mẫu máu để đo tỷ suất ước tính độ lọc cầu thận cũng vô cùng quan trọng

5.3. Bước 3: Thực hiện lấy máu làm xét nghiệm

Xét nghiệm BUN tương tự như với những phương pháp xét nghiệm máu thông thường. Quy trình thực hiện xét nghiệm bệnh nhân sẽ được lấy máu ở các vị trí bên trong khuỷu tay hoặc ở mu bàn tay. Mẫu máu sau khi được lấy sẽ được bảo quản trong một chiếc ống đựng huyết thanh hoặc ống đựng huyết tương chống đông. Sau đó ống đựng được bảo quản và chuyển tới phòng xét nghiệm để làm phân tích.

Xét nghiệm BUN tương tự như với những phương pháp xét nghiệm máu thông thường, bệnh nhân sẽ được lấy máu ở các vị trí bên trong khuỷu tay hoặc ở mu bàn tay

6. Ý Nghĩa Chỉ Số Xét Nghiệm BUN

Tìm hiểu chi tiết về ý nghĩa xét nghiệm BUN là một trong những lưu ý quan trọng để các bạn có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe sau khi có trên tay phiếu kết quả.

6.1. Chỉ số xét nghiệm BUN ở ngưỡng bình thường

Đơn vị mg/dL là đơn vị đo của kết quả xét nghiệm BUN (tại Mỹ) lẫn mmol/L (quốc tế). Trong khoảng giá trị Nito Ure máu bình thường trong ngưỡng như sau:

  • Ở nam giới trưởng thành: 8 – 24 mg/dL = 2,86 – 8,57 mmol/L
  • Ở phụ nữ trưởng thành: 6 – 21 mg /dl = 2,14 – 7,50 mmol/L

Ngưỡng phạm vi trung bình này cũng có thể tăng giảm phụ thuộc vào tham chiếu quy chuẩn áp dụng tại những phòng thí nghiệm khác nhau cũng như độ tuổi của người làm xét nghiệm. Trong đó, theo nhiều nghiên cứu chứng minh cho thấy các nồng độ Urea Nitrogen có xu hướng tăng cao hơn theo tuổi tác. Chính vì vậy mà chỉ số sẽ có  sự chênh lệch giữa người già và trẻ em.

Chỉ số BUN có thể tăng giảm phụ thuộc vào độ tuổi, chẳng hạn như chỉ số ở nam giới và nữ giới trưởng thành có thể có sự chênh lệch so với người già và trẻ em.

6.2. Chỉ số xét nghiệm BUN tăng

Như đã nói ở trên, đối với những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nồng độ Urea Nitrogen tăng cao cho thấy khả năng hoạt động của thận không thực sự tốt. Bên cạnh đó nếu kết quả xét nghiệm ở ngưỡng trên 50mg/dL (17,85 mmol/L) rất có thể đây là một trong những cảnh báo các nguy cơ mà thận đang gặp phải.
Bệnh nhân có thể đang mắc phải những vấn đề về thận như: Viêm vi cầu thận cấp, suy thận, viêm đài bể thận cấp, hoại tử ống thận cấp.

Một số nguyên nhân dẫn đến chỉ số BUN tăng cao:

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu do u, sỏi và phì đại tuyến tiền liệt
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh nhân có tiền sử bị nhồi máu cơ tim
  • Xuất huyết dạ dày
  • Choáng, sốc
  • Bệnh nhân bị bỏng nặng dẫn đến giảm thể tích Urea Nitrogen
  • Bị đói dẫn đến tăng chuyển hóa protein
  • Do chế độ ăn uống có chứa nhiều đạm khiến lượng protein hấp thụ vào tăng cao
  • Bệnh nhân bị bỏng nặng gây giảm thể tích
  • Do sử dụng một số loại thuốc như một vài nhóm thuốc kháng sinh và Corticosteroids.

6.3 Chỉ số BUN thấp hơn mức bình thường

Trong trường hợp chỉ số BUN thấp hơn mức bình thường thì đó có thể là dấu hiệu của tổn thương do gan hoặc do chế độ ăn uống. Cụ thể như: suy gian, suy dinh dưỡng, chế độ ăn uống thiếu protein, chế độ ăn uống chứa nhiều carbohydrate.

Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác bên cạnh xét nghiệm BUN để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Hy vọng với những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ có những thông tin hữu ích về xét nghiệm BUN và BUN trong xét nghiệm máu.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.