Không chỉ người lớn tuổi, người trẻ ngày nay cũng dễ dàng rơi vào trạng thái mất ngủ, trằn trọc khó ngủ dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Vậy tại sao lại bị mất ngủ, cùng Diag tìm hiểu nhé!
1. Mất Ngủ Là Gì?
Mất ngủ, hay khó ngủ và đi kèm mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc,… được chẩn đoán là chứng rối loạn mất ngủ. Cụ thể, theo Mayo Clinic, khi rơi vào chứng rối loạn mất ngủ, bạn sẽ khó vào giấc, khó cảm thấy buồn ngủ, hoặc khiến bạn dậy sớm và không thể quay trở lại giấc ngủ.
Chứng rối loạn giấc ngủ được chia thành 2 loại chính, là rối loạn mất ngủ dài hạn và rối loạn giấc ngủ ngắn hạn.
Rối Loạn Mất Ngủ Cấp Tính (Ngắn Hạn)
Thông thường, người trưởng thành sẽ trải qua rối loạn mất ngủ ngắn hạn, kéo dài khoảng vài ngày cho đến vài tuần. Theo một vài nghiên cứu cho thấy, khoảng 15% đến 20% người trưởng thành sẽ gặp tình trạng mất ngủ ngắn hạn vài lần bất kỳ trong năm.
Mất ngủ ngắn hạn thường gây ra bởi các nguyên nhân bên ngoài, chẳng hạn như stress vì công việc, hay các sự kiện đột ngột như như ly dị, có người thân vừa qua đời,…
Khi tình trạng mất ngủ kéo dài trên một tháng hoặc hơn, bạn có thể đã chuyển qua giai đoạn nặng hơn là rối loạn mất ngủ dài hạn.
Rối Loạn Mất Ngủ Mạn Tính (Dài Hạn)
Khi bạn bị mất ngủ kéo dài từ 3 tháng trở lên, với ít nhất 3 lần/tuần hay lặp lại trong nhiều năm sẽ được xem là rối loạn mất ngủ dài hạn. Khác với rối loạn mất ngủ ngắn hạn, vào ban ngày người bị mất ngủ sẽ mệt mỏi và giảm sự tập trung. Ước tính cho thấy, có khoảng 10% người lớn sẽ bị mất ngủ dài hạn.
Mất ngủ dài hạn thường xảy ra khi bạn trải qua, hay chịu đựng quá nhiều ảnh hưởng từ công việc, chuyện học hành cũng như xã hội, gia đình. Ngoài ra, chứng rối loạn mất ngủ mạn tính cũng có thể xảy ra do đảo lộn giờ giấc sinh hoạt, hoặc ăn quá trễ vào buổi tối.
2. Độ Tuổi Nào Thường Bị Rối Loạn Mất Ngủ?
Tuy không có một lý do cụ thể dẫn đến chứng rối loạn mất ngủ, các đối tượng dưới đây cần chú ý vì có nguy cơ cao xảy ra là:
– Người lớn tuổi trên 60 tuổi: Vì sức khỏe và cấu trúc giấc ngủ có sự thay đổi, kéo theo hình thành chứng rối loạn mất ngủ.
– Phụ nữ: Sự chuyển đổi hormone xuyên suốt chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt giai đoạn mãn kinh có tác động quan trọng đến giấc ngủ vì phụ nữ có thể bị vã mồ hôi hoặc nóng bừng đột ngột. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng dễ bị mất ngủ.
– Dễ bị tỉnh giấc vì ảnh hưởng từ bên ngoài.
– Rối loạn lo âu.
– Rối loạn sức khỏe tâm lý hoặc thể chất.
– Chịu khối lượng lớn áp lực.
– Không có lịch trình ổn định.
– Sử dụng cồn quá mức.
– Có họ hàng gần mắc chứng rối loạn mất ngủ.
3. Dấu Hiệu Của Rối Loạn Mất Ngủ Là Gì?
Khi gặp chứng rối loạn mất ngủ, bạn sẽ có những dấu hiệu như sau:
– Khó ngủ, hoặc ngủ không sâu.
– Thức dậy sớm ngoài ý muốn.
Dần dà, việc khó ngủ sẽ dẫn đến dấu hiệu sau:
– Mệt mỏi.
– Ảnh hưởng khả năng tập trung/trí nhớ.
– Năng suất làm việc giảm.
– Dễ bị cáu gắt.
– Dễ mắc lỗi.
Ngoài ra, người lớn sẽ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn mất ngủ nếu tốn hơn 30 phút để rơi vào giấc ngủ hoặc nửa đêm bị thức giấc kéo dài từ 30 phút trở lên.
4. Làm Gì Để Hạn Chế Rối Loạn Mất Ngủ?
Để hạn chế chứng rối loạn mất ngủ và giúp ngủ sâu, ngon giấc hơn, bạn sẽ cần:
– Duy trì cố định 1 khung giờ đi ngủ và thức dậy, kể cả ngày cuối tuần.
– Tích cực hoạt động để tăng chất lượng giấc ngủ.
– Kiểm tra các loại thuốc đang dùng gây mất ngủ hay không.
– Giữ phòng ngủ gọn gàng, sạch sẽ và chỉ sử dụng cho việc đi ngủ hoặc quan hệ tình dục.
– Tạo ra thói quen thường nhận trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm nước nóng, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ.
– Để phòng ngủ tối và hoàn toàn yên tĩnh.
– Tránh hoặc giảm thiểu các giấc ngủ ngắn.
– Tránh hoặc hạn chế cà phê, cồn và nicotine.
– Tránh hoặc hạn chế ăn quá nhiều trước giờ đi ngủ.
– Không xem thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
– Không kiểm tra đồng hồ để kiểm tra thời gian bản thân rơi vào giấc ngủ.
Ngoài ra, nếu tình trạng mất ngủ hoặc khó rơi vào giấc ngủ quá lâu, bạn cần thực hiện thăm khám và nhận sự hướng dẫn từ bác sĩ. Qua các câu hỏi được đặt, bác sĩ sẽ nắm rõ tình trạng của bạn, đồng thời kết hợp các bài kiểm tra để xác định cụ thể.
Nguồn: Mayo Clinic, Sleep Foundation
* Bài viết được tham vấn chuyên gia y tế thuộc Diag. Tuy nhiên, các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo và không thay thế tư vấn y khoa. Trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin đã cung cấp, vui lòng nhận sự chỉ định từ chuyên gia y tế.