Khi bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường liên quan đến tim mạch vành, để kiểm tra chính xác nhất tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân cần thực hiện những phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành để có kết luận và hướng điều trị tốt nhất cho từng trường hợp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ chẩn đoán bệnh lý tim mạch có bao nhiêu phương pháp phổ biến và mục đích cụ thể của từng phương pháp này là gì.

Bệnh mạch vành còn được gọi là bệnh tim do xơ vữa động mạch, xảy ra khi động mạch bị hẹp, xuất phát từ nguyên nhân khi các mảng bám vào lòng mạch cản trở quá trình lưu thông máu khiến động mạch bị xơ vữa và cứng hơn.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời rất sẽ dẫn đến những bệnh lý tim mạch nguy hiểm đe dọa đến tính mạng như suy tim, nhồi máu cơ tim

Thông qua phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời

Ngày nay, nhờ vào sự tiến bộ của y khoa, thông qua những phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành giúp tăng hiệu quả trong việc chẩn đoán và phát hiện bệnh lý tim mạch như sau: 

Phương Pháp Đo Điện Tâm Đồ

Cách chẩn đoán bệnh mạch vành đơn giản và ít tốn kém nhất hiện nay là thông qua kết quả của đo điện tâm đồ.

Đo điện tâm đồ (ECG) là phương pháp được đánh giá cao trong việc phát hiện bệnh lý tim mạch, không gây đau đớn và không xâm lấn.

Khi thực hiện đo điện tâm đồ, bệnh nhân sẽ nằm trên giường trong tư thế nằm ngửa, sau đó các bác sĩ sẽ dán 10 miếng dính điện cực lần lượt vào các vị trí ở lồng ngực, cánh tay và chân của bệnh nhân.

Quá trình thực hiện đo điện tâm đồ chỉ mất khoảng 10 phút, thông qua đồ thị được ghi lại trên máy tính sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những bất thường liên quan đến hoại tử cơ tim, thiếu máu cơ tim hay những biến chứng do bệnh lý tim mạch gây ra như rối loạn nhịp tim, dày thành tim…

Tuy nhiên phương pháp đo điện tâm đồ kiểm tra tim mạch không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác 100%, có những trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh mạch vành nhưng đo điện tâm đồ lại không phát hiện ra những dấu hiệu bất thường liên quan.

Lúc này, nếu có nghi ngờ các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm khác để khẳng định chắc chắn hơn.

Điện Tâm Đồ Gắng Sức

Phương pháp điện tâm đồ gắng sức thường được áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, suy tim, bệnh lý van tim và theo dõi tiến triển của bệnh suy mạch vành.

Đây là phương pháp không xâm lấn, không gây chảy máu, nhằm kiểm tra tình trạng thiếu hụt máu cung cấp nuôi tim khi cơ thể phải hoạt động gắng sức, cần nhiều năng lượng.

Điện tâm đồ gắng sức giúp phát hiện bất thường của tim mạch khi hoạt động gắng sức

Khi thực hiện đo điện tâm đồ gắng sức, bệnh nhân sẽ phải khởi động trên thiết bị đo điện tâm đồ, thường được sử dụng chủ yếu là thảm chạy hoặc xe đạp đứng yên có bộ phận tích điện, cứ cách khoảng 3 phút sẽ gia tăng tốc độ của thảm chạy cho đến nhận thấy dấu hiệu của việc cần phải ngừng thực nghiệm gắng sức lại.

Siêu Âm Tim

Siêu âm là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay, khá quen thuộc đối với bệnh nhân trong việc chẩn đoán bệnh, có ưu điểm là không gây đau đớn nên khiến nhiều bệnh nhân yên tâm hơn khi được chỉ định tiến hành siêu âm chẩn đoán. Nhưng cũng không ít người thắc mắc rằng liệu siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành hay không?

Siêu âm tim trong bệnh mạch vành thường giúp phát hiện bệnh mạch vành khi đã tiến triển vào giai đoạn muộn, có sự xuất hiện của việc buồng tim bị rối loạn vận động. Tuy nhiên, cần trang thiết bị y tế hiện đại cùng kinh nghiệm của bác sĩ mới có thể đem đến kết quả có độ chính xác cao.

Siêu âm tim là phương pháp không gây đau đớn, có độ an toàn cao

Thông qua sóng siêu âm trên đầu dò sẽ thu được hình ảnh của trái tim đang hoạt động trên màn hình máy tính, giúp các bác sĩ quan sát và đánh giá được chức năng của tim mạch, van tim và sự vận động của thành tim có diễn ra bình thường hay không.

Trong trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh mạch vành, do lượng máu nuôi tim không đủ đáp ứng khi nhánh mạch vành bị xơ hoá và tổn thương sẽ trở nên kém vận động hoặc rơi vào trạng thái không hoạt động. Nhờ đó, giúp phát hiện được những bất thường ở tim mạch của bệnh nhân.

Siêu Âm Tim Gắng Sức

Cũng giống như siêu âm tim, đối với siêu âm tim gắng sức các bác sĩ sẽ dùng một đầu dò đặt lên ngực bệnh nhân, thông qua sóng siêu âm sẽ thu được hình ảnh của tim lúc hoạt động.

Nhưng có điểm khác biệt là siêu âm tim gắng sức sẽ được thực hiện sau khi bệnh nhân tiến hành nghiệm pháp gắng sức (hoạt động gắng sức) nhằm so sánh kết quả giữa hình ảnh rối loạn vận động bất thường lúc gắng sức và lúc không vận động khi thành cơ tim nghỉ ngơi.

Xét Nghiệm Máu

Xét nghiệm máu là một trong các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tim mạch thường được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có những bệnh liên quan như đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu… có khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng suy tim.

Không những vậy, xét nghiệm máu còn hỗ trợ trong việc điều chỉnh lượng thuốc kịp thời nhằm hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn theo từng giai đoạn bệnh nhờ vào kết quả xét nghiệm máu trước khi bệnh nhân sử dụng thuốc, trong giai đoạn sử dụng và sau khi sử dụng thuốc điều trị.

Những xét nghiệm máu được tiến hành phổ biến như đo nồng độ các chất điện giải trong máu, xét nghiệm sinh hoá máu bao gồm đo đường huyết, đo nồng độ cholesterol… xét nghiệm chức năng tuyến giáp, định lượng nồng độ B-type natriuretic peptide trong máu.

Phương Pháp Chẩn Đoán Hình Ảnh

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được áp dụng để chẩn đoán sớm bệnh lý liên quan đến tim mạch như:

Chụp X quang lồng ngực: Giúp hỗ trợ trong việc đánh giá chức năng tim, loại trừ những dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn do các nguyên nhân khác gây nên như ho, tràn dịch màng phổi, viêm phổi.

Khi có những bệnh lý liên quan đến tim mạch, thông qua hình ảnh phim chụp X quang  các bác sĩ sẽ thấy được những bất thường như bóng tim to, chỉ số tim hoặc lồng ngực tăng cao hơn mức 0,5…

Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến trong bệnh lý tim mạch

Chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành: Đây là phương pháp hiện đại, giúp thu được hình ảnh giải phẫu của mạch vành trên phim chụp, cũng như đánh giá được mức độ vôi hóa động mạch vành, tình trạng hẹp động mạch và những bất thường liên quan đến tim mạch khác một cách rõ ràng và có độ chính xác cao.

Chụp cộng hưởng từ tim: Còn được gọi là chụp MRI, đây là phương pháp giúp thu được hình ảnh có độ phân giải cao, nhờ đó giúp các bác sĩ quan sát đánh giá chi tiết được những tổn thương liên quan đến tim mạch.

Chụp MRI còn có khả năng tái tạo 3D, thời gian chụp nhanh chóng, không gây ra tác dụng phụ so với phương pháp chụp CT hay chụp X quang. Đây là một trong những phương pháp có ý nghĩa trong việc chẩn đoán, tiên lượng và định hướng điều trị đối với bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch.

Chụp phóng xạ tưới máu cơ tim( MPI – Myocardial Perfusion Imaging): Đây là một trong những phương pháp có độ an toàn và chính xác cao, không gây xâm lấn, giúp đánh giá được mức độ của bệnh mạch vành như tình trạng thiếu máu cơ tim, mức độ hẹp động mạch, cùng những tổn thương do bệnh lý tim mạch gây ra.

Thông Tim Và Chụp Động Mạch Vành

Một trong những các xét nghiệm đánh giá chức năng tim hiện đại nhất được áp dụng hiện nay là thông tim và chụp động mạch vành qua da.

Đối với phương pháp này sẽ được tiến hành trong phòng can thiệp tim mạch được trang bị những thiết bị y tế hiện đại, có màn hình huỳnh quang giúp tăng độ sáng hỗ trợ thực hiện chụp động mạch vành qua da.

Chụp động mạch vành qua da có giá trị chẩn đoán cao đối với bệnh mạch vành

Thông qua đường động mạch đùi hoặc động mạch quay, các bác sĩ sẽ bắt đầu đưa ống thông lên tim của bệnh nhân đến nhanh động mạch vành, rồi tiếp tục bơm một dung dịch đặc biệt còn được gọi là chất cản quang đến động mạch vành nhờ vào đường ống thông.

Nhờ vào thủ thuật này sẽ giúp đánh giá được chính xác hình dạng, vị trí, kích thước và mức độ hẹp của mạch vành hiển thị trên màn hình huỳnh quang.

Mặc dù thông tim và chụp động mạch vành qua da là phương pháp có xâm lấn, gây chảy máu, nhưng sẽ không gây đau đớn cho bệnh nhân nhờ vào việc gây tê tại chỗ. Đối với phương pháp này sẽ không gây mê để giảm thiểu rủi ro xảy ra biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Tuỳ thuộc theo tình trạng bệnh nhân các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân tiến hành thực hiện những phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành khác nhau. Nhưng nhìn chung, những phương pháp này đều có giá trị góp phần chẩn đoán và định hướng điều trị bệnh lý tim mạch, có độ an toàn cao, ít gây đau đớn và hạn chế được những rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên, những phương pháp này thường chỉ có giá trị để đánh giá tình trạng bệnh và chức năng tim trong thời điểm làm xét nghiệm. Chính vì thế khi có kết quả, bệnh nhân cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ và thăm khám định kỳ để có sự chẩn đoán chính xác trong những tiến triển tiếp theo của bệnh, giúp việc điều trị đem lại kết quả cao.

Hãy chọn chi nhánh gần bạn để thăm khám và nhận kết quả trực tuyến nhanh chóng.