Ngoại tổng quát là một chuyên khoa quan trọng trong y học, tập trung vào chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cần can thiệp phẫu thuật liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể như hệ tiêu hóa, đại tràng, tuyến giáp, tuyến tụy, túi mật, dạ dày, hậu môn – trực tràng. Vậy ngoại tổng quát gồm những bệnh gì? Hãy cùng giải đáp qua bài viết của Diag.

Khoa ngoại tổng quát là gì?

Khoa ngoại tổng quát là một chuyên ngành y khoa chuyên về chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, nội tiết, gan, mật, tuyến tụy, hậu môn – trực tràng và các cơ quan khác. Đây là một trong những chuyên khoa phổ biến nhất tại các bệnh viện, hỗ trợ điều trị từ những ca phẫu thuật đơn giản đến phức tạp.

Các lĩnh vực chính trong khám khoa ngoại tổng quát gồm:

  • Phẫu thuật tiêu hóa: Điều trị các bệnh về ruột non hoặc già, đại tràng, dạ dày (bao tử) bằng phương pháp nội soi hoặc phẫu thuật mở.
  • Phẫu thuật gan – mật – tụy: Giải quyết bệnh như viêm tụy cấp, sỏi.
  • Phẫu thuật tuyến giáp: Can thiệp các bệnh về bướu giáp, ung thư tuyến giáp.
  • Phẫu thuật hậu môn – trực tràng: Điều trị trĩ, nứt hậu môn, rò hậu môn bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu hoặc cắt bỏ hoàn toàn.
ngoại tổng quát gồm những bệnh gì
Ngoại tổng quát liên quan đến hệ tiêu hóa, nội tiết, gan, mật, tuyến tụy, hậu môn – trực tràng và các cơ quan khác

Bác sĩ ngoại tổng quát là người chuyên chẩn đoán, điều trị bằng phẫu thuật và theo dõi hậu phẫu cho bệnh nhân mắc các bệnh cần can thiệp ngoại khoa. Đây là một lĩnh vực quan trọng vì nhiều bệnh không thể điều trị nội khoa mà bắt buộc phải phẫu thuật để loại bỏ tổn thương hoặc ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Bệnh hệ tiêu hóa

  • Viêm ruột thừa: Đây là tình trạng viêm cấp tính của ruột thừa, một phần nhỏ nằm ở đoạn đầu của ruột già. Khi bị tắc nghẽn do phân, sỏi thận hoặc nhiễm trùng, bộ phận này có thể viêm và sưng to, gây đau dữ dội ở vùng hố chậu phải.
  • Tắc ruột: Xảy ra khi ruột bị chặn lại do dính, xoắn hoặc khối u, khiến thức ăn, dịch tiêu hóa không thể lưu thông.
  • Viêm phúc mạc: Viêm phúc mạc là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng trong khoang bụng, thường do thủng bao tử, viêm ruột thừa vỡ, tắc ruột hoại tử.

Bệnh gan – túi mật – tuyến tụy

  • Sỏi mật: Sỏi hình thành do sự lắng đọng cholesterol hoặc muối mật trong túi mật, có thể gây tắc nghẽn và viêm nhiễm.
  • Viêm tụy cấp: Là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của tuyến tụy, thường do sỏi hoặc uống rượu nhiều.

Bệnh hậu môn – trực tràng

  • Trĩ, nứt hậu môn, rò hậu môn: Nếu bệnh nặng, cần phẫu thuật cắt trĩ hoặc điều trị bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu.
  • Ung thư đại trực tràng: Cần xét nghiệm sinh thiết, nội soi, chụp CT để chẩn đoán.

Khám ngoại tổng quát là khám những gì?

Khám ngoại tổng quát là bước quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh ngoại khoa, đánh giá mức độ nghiêm trọng và xác định phương pháp điều trị phù hợp, có thể là điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật. Quy trình khám ngoại tổng quát có thể khác nhau tùy vào từng bệnh nhân, quy trình của từng cơ sở y tế nhưng thường bao gồm thăm khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và đánh giá tiền phẫu nếu cần phẫu thuật.

Thăm khám với bác sĩ ngoại khoa

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc hỏi bệnh sử, tìm hiểu các triệu chứng hiện tại và khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình để sàng lọc nguy cơ bệnh tật. Đây là một bước quan trọng giúp bác sĩ khoanh vùng nguyên nhân và quyết định chỉ định các xét nghiệm phù hợp.

Một số yếu tố quan trọng mà bác sĩ sẽ đánh giá:

  • Triệu chứng bệnh hiện tại: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa, sụt cân không rõ nguyên nhân…
  • Tiền sử bệnh cá nhân: Đã từng mắc các bệnh liên quan đến ngoại tổng quát hay chưa.
  • Tiền sử gia đình: Có ai trong gia đình mắc bệnh ung thư tiêu hóa, tuyến giáp, tiểu đường, bệnh tim mạch…hay không.
ngoại tổng quát gồm những bệnh gì
Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc hỏi bệnh sử, tìm hiểu các triệu chứng hiện tại và khai thác tiền sử bệnh lý cá nhân

Bác sĩ chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

Dựa trên tình trạng sức khỏe và triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu nhằm xác định nguy cơ bệnh và mức độ tổn thương của cơ quan cần điều trị.

  • Xét nghiệm chuyên sâu: Xét nghiệm chuyên sâu giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, phát hiện virus, vi khuẩn trú ngụ trong cơ thể.
    • Xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu để đánh giá chức năng gan, thận, tim mạch.
    • Xét nghiệm dấu ấn ung thư (AFP, CEA, CA 19-9, PSA) để phát hiện ung thư gan, đại tràng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt.
    • Xét nghiệm vi khuẩn HP để chẩn đoán nhiễm khuẩn bao tử.
  • Chụp MRI: MRI là kỹ thuật hình ảnh cao cấp giúp phát hiện ung thư toàn thân, đánh giá tổn thương não, tim mạch, thận, xương khớp… mà không sử dụng tia X.
  • CT-scan: CT-Scan sử dụng tia X để dựng hình ảnh 3D, giúp phát hiện khối u, chấn thương, viêm nhiễm và tắc nghẽn trong các cơ quan nội tạng.
  • Chụp X-quang: Đây là phương pháp hình ảnh đơn giản, thường được chỉ định để đánh giá hệ hô hấp, tiêu hóa, xương khớp.
  • Siêu âm đa chiều: Siêu âm là phương pháp không xâm lấn, giúp kiểm tra nhanh các vấn đề liên quan đến tim mạch, tiêu hóa, gan, mật, tụy, thận.
  • Nội soi NBI: Nội soi NBI là phương pháp tiên tiến giúp phát hiện ung thư vòm họng, bao tử, đại tràng sớm hơn so với nội soi thông thường.

Thăm khám với bác sĩ gây mê

Nếu bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, bác sĩ sẽ yêu cầu khám tiền mê trước khi tiến hành can thiệp ngoại khoa. Đây là bước quan trọng giúp đảm bảo an toàn trong quá trình phẫu thuật.

  • Đánh giá sức khỏe trước gây mê: Bác sĩ gây mê sẽ kiểm tra:
    • Tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân.
    • Các bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao.
    • Chức năng phổi để đánh giá khả năng thở sau gây mê.
  • Kiểm soát nguy cơ tai biến khi gây mê: Bác sĩ gây mê sẽ chọn loại thuốc mê phù hợp với từng bệnh nhân để tránh sốc phản vệ, phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng.

Khi nào cần khám ngoại tổng quát?

Bệnh nhân nên chủ động thăm khám bác sĩ khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường liên quan đến khoa ngoại tổng quát hoặc khi được chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa khác.

Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh ngoại khoa

Nếu gặp phải các dấu hiệu sau, bệnh nhân nên đi khám ngoại tổng quát càng sớm càng tốt để chẩn đoán và điều trị kịp thời:

  • Đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội, đột ngột
  • Rối loạn tiêu hóa kéo dài
  • Chảy máu tiêu hóa
  • Sưng đau vùng bẹn, bụng dưới

Khi có chỉ định kiểm tra từ bác sĩ chuyên khoa khác

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể được bác sĩ nội tiêu hóa, ung bướu, tiết niệu hoặc nội tiết chỉ định khám ngoại tổng quát nếu nghi ngờ có vấn đề cần can thiệp ngoại khoa, chẳng hạn:

  • Bác sĩ nghi ngờ ung thư đường ruột, polyp đại tràng hoặc viêm ruột mãn tính cần sinh thiết hoặc phẫu thuật cắt bỏ.
  • Bác sĩ phát hiện sỏi mật lớn hoặc viêm túi mật tái phát nhiều lần cần phẫu thuật cắt túi mật.
  • Bác sĩ phát hiện khối u ở tuyến giáp, tụy, dạ dày…có chỉ định cắt bỏ hoặc làm sinh thiết để đánh giá tính chất ác tính.

Khi cần phẫu thuật hoặc theo dõi sau phẫu thuật

Nếu bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc các bệnh lý ngoại khoa cần điều trị bằng phẫu thuật, việc khám ngoại tổng quát sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể và lựa chọn phương pháp phù hợp. Ngoài ra, nếu bệnh nhân đã phẫu thuật trước đó, bệnh nhân cũng cần tái khám định kỳ để theo dõi quá trình hồi phục, kiểm soát biến chứng sau mổ và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết.

Khi cần tầm soát bệnh ngoại khoa định kỳ

Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh ngoại khoa nên đi khám định kỳ để tầm soát sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời. Tầm soát sớm giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, nâng cao hiệu quả điều trị, điều dưỡng và giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Lời kết

Khoa ngoại ngoại tổng quát gồm những bệnh gì là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo đó, khoa ngoại tổng quát chuyên điều trị các bệnh lý về hệ tiêu hóa, gan, đại tràng, tuyến giáp, tuyến tụy, mật, hậu môn – trực tràng. Việc khám và chẩn đoán sớm thông qua xét nghiệm máu, nội soi, chụp CT, chụp MRI, X-quang, siêu âm… giúp phát hiện bệnh kịp thời, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, hồi phục và tránh biến chứng nguy hiểm.