Negative nghĩa là gì trong xét nghiệm?
Kết quả “negative” hay “âm tính” có nghĩa là không phát hiện được dấu hiệu của mầm bệnh hoặc yếu tố mà xét nghiệm tìm kiếm. Kết quả này thường là dấu hiệu tốt, cho thấy bạn không bị bệnh hoặc không có vấn đề sức khỏe cụ thể liên quan đến xét nghiệm đó.
Kết quả negative thường gặp trong các xét nghiệm tìm kiếm virus, vi khuẩn, hoặc các chất thể trong cơ thể. Chẳng hạn như tìm virus HIV, virus SARS-CoV-2, và vi khuẩn lao phổi; hoặc các chất trong cơ thể như hormone, glucose, enzyme; hoặc các kháng nguyên, kháng thể. Nếu kết quả xét nghiệm các yếu tố này là âm tính (negative) nghĩa là chúng không hiện diện hoặc không vượt ngưỡng phát hiện.
Trường hợp kết quả xét nghiệm negative không chính xác
Trên thực tế, có nhiều trường hợp kết quả xét nghiệm cho ra âm tính nhưng không chính xác, được gọi là âm tính giả (false negative). Nghĩa là có thể bạn đã mắc bệnh nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy bạn không mắc bệnh.
- Thời điểm xét nghiệm không phù hợp: Xét nghiệm được thực hiện quá sớm hoặc quá muộn so với giai đoạn tiến triển của bệnh. Nếu thu thập mẫu khi đang trong giai đoạn cửa sổ với lượng virus thấp thì kết quả có thể là negative. Hoặc xét nghiệm kháng thể có thể âm tính nếu cơ thể chưa tạo đủ kháng thể sau khi phơi nhiễm.
- Độ nhạy của xét nghiệm thấp: Xét nghiệm có thể bỏ sót các ca nhiễm bệnh nếu độ nhạy không đủ cao. Yếu tố này thường gặp ở các xét nghiệm nhanh hoặc kit test nhanh.
- Chất lượng mẫu không đạt chuẩn: Mẫu không được lấy đúng cách, không đủ lượng hoặc bị nhiễm tạp chất. Những mẫu này sẽ làm giảm khả năng phát hiện tác nhân gây bệnh của xét nghiệm.
- Sử dụng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc trước khi xét nghiệm có thể khiến kết quả không chính xác. Ví dụ, người sử dụng kháng sinh trước khi xét nghiệm vi khuẩn có thể có kết quả âm tính dù thực sự bị nhiễm trùng.
- Thể trạng sức khỏe: Tình trạng sức khỏe hiện tại cũng ảnh hưởng đến kết quả. Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có thể không tạo ra đủ kháng thể để xét nghiệm phát hiện được.
Cần làm gì khi nhận kết quả xét nghiệm negative?
Mặc dù kết quả âm tính, nhưng vẫn không loại trừ khả năng bạn có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, nên trực tiếp thăm khám với bác sĩ để được đánh giá kết quả chi tiết. Nếu kết quả negative nhưng triệu chứng vẫn dai dẳng thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm lại ở thời điểm phù hợp.
Positive là gì trong xét nghiệm?
Kết quả “positive” hay “dương tính” nghĩa là mầm bệnh hoặc yếu tố mà xét nghiệm tìm kiếm đã được phát hiện trong mẫu. Điều này thường cho thấy cơ thể bạn đang có sự hiện diện của một tác nhân gây bệnh (như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng) hoặc một bất thường sinh học (như nồng độ chất vượt ngưỡng bình thường).
Ví dụ, nếu kết quả xét nghiệm COVID-19 cho thấy positive (dương tính) chứng tỏ bạn đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này là do xét nghiệm đã tìm thấy RNA của virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm.
Trường hợp kết quả xét nghiệm positive không chính xác
Kết quả positive không phải lúc nào cũng là bằng chứng chắc chắn của bệnh. Thực tế vẫn có một số yếu tố có thể gây ra kết quả dương tính giả (false positive). Điều này nghĩa là phiếu kết quả cho thấy dương tính nhưng thực tế là không mắc bệnh.
- Phản ứng chéo với các yếu tố không liên quan: Xét nghiệm phản ứng với các chất hoặc tác nhân khác không phải là mục tiêu cần tìm kiếm. Trong một số trường hợp, vi khuẩn hoặc virus có cấu trúc tương đồng nhau có thể gây phản ứng chéo. Từ đó cho ra kết quả dương tính ngay cả khi không mắc bệnh.
- Lỗi kỹ thuật trong xét nghiệm: Mẫu nhiễm tạp chất, hoặc sai sót y tế trong thiết bị và quy trình lấy mẫu. Nếu lấy mẫu PCR trong điều kiện không đảm bảo vô trùng có thể dẫn đến phát hiện sai DNA của một virus không liên quan.
- Độ đặc hiệu của xét nghiệm thấp: Độ đặc hiệu càng thấp thì khả năng xác định dương tính ở một người không mắc bệnh càng cao.
- Cơ thể đã loại bỏ tác nhân gây bệnh: Thường gặp trong xét nghiệm PCR để kiểm tra tình trạng nhiễm COVID-19. Một người đã khỏi bệnh thì RNA của virus SARS-CoV-2 không còn hoạt động, nhưng PCR vẫn có thể phát hiện. Từ đó dẫn đến kết quả dương tính giả.
- Tình trạng miễn dịch đặc biệt: Kết quả dương tính giả có thể xảy ra ở người có hệ miễn dịch bất thường hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Kháng thể từ các bệnh trước đó: Có thể làm sai lệch kết quả trong các xét nghiệm tìm kháng thể hiện tại.
Cần làm gì khi nhận kết quả xét nghiệm positive?
Bạn đừng quá lo lắng mà hãy tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá đúng kết quả. Trong trường hợp nghi ngờ dương tính giả, bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm lại hoặc sử dụng phương pháp khác để xác nhận kết quả. Khi có kết luận chính xác nhất về tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh và lên phương án điều trị.
Lời kết
Tóm lại, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về vấn đề ‘negative nghĩa là gì trong xét nghiệm’. Việc tìm hiểu kết quả xét nghiệm positive hay negative là rất quan trọng giúp bạn nắm rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình.