Trong sinh hoạt hằng ngày, việc ngồi sai tư thế trong thời gian dài hoặc vận động một cách đột ngột gây áp lực lớn đến vùng lưng có thể dẫn đến giãn dây chằng lưng.
Tuỳ theo mức độ giãn dây chằng sẽ gây ra cơn đau khác nhau khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc di chuyển. Vậy khi nào giãn dây chằng trở nên nguy hiểm và cần đến gặp bác sĩ để điều trị? Liệu tình trạng này có gây ra biến chứng nguy hiểm nào không?
Giãn Dây Chằng Lưng Là Gì?
Dây chằng thắt lưng được cấu tạo bởi những sợi cơ liên kết, dày bao quanh khớp xương ở các đốt sống lưng. Dây chằng có nhiệm vụ là kết nối giữa các xương, giúp ổn định và bảo vệ đầu khớp.
Giãn dây chằng thắt lưng thường xảy ra trong trường hợp vận động quá sức, sai tư thế hoặc gặp phải chấn thương, khiến cho dây chằng thắt lưng bị kéo giãn ra một cách bất thường và bị tổn thương.
Khi bị giãn dây chằng thắt lưng sẽ khiến cho người bệnh gặp phải hạn chế trong sinh hoạt ngày thường và có những cơn đau kéo dài. Đối với giãn dây chằng thắt lưng thường được chia thành 2 cấp độ như sau:
Cơn đau nhẹ: Đây là cấp độ nhẹ nhất, dẫn đến sự hạn chế vận động ở mức vừa, thường người bệnh không xuất hiện tình trạng bị đau lưng dữ dội. Đối với trường hợp này, thường dây chằng sẽ tự phục hồi một cách nhanh chóng sau khoảng vài ngày và triệu chứng cũng giảm dần đi nếu nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh.
Tổn thương ở mức nghiêm trọng: Đây là tình trạng khá nặng, người bệnh xuất hiện những cơn đau lưng ở mức dữ dội, khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, người mệt mỏi và cản trở nhiều trong việc đi lại. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời mà kéo dài có thể dẫn đến diễn biến thêm nặng hơn và tiến triển thành mãn tính.
Một trong những nguyên nhân cơ học phổ biến gây ra đau lưng vùng thấp hay được biết đến là đau cột sống thắt lưng là do căng giãn cơ và dây chằng cạnh cột sống một cách quá mức gây nên.
Nguyên Nhân Gây Giãn Dây Chằng Thắt Lưng Là Gì?
Giãn dây chằng thắt lưng là một bệnh lý cơ xương khớp phổ biến, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng điển hình nhất thường do:
- Bị chấn thương có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến vùng lưng.
- Vận động sai tư thế hoặc dùng quá sức, thường gặp trong trường hợp ngồi làm việc, khiêng vác vật nặng, chơi thể thao, lúc ngủ sai tư thế trong thời gian dài, vặn mình một cách đột ngột…
- Bị rung xóc một cách thường xuyên như khi tiếp xúc với máy móc, động cơ trong môi trường làm việc.
- Dây chằng bị lão hoá tự nhiên theo thời gian, thường gặp ở người lớn tuổi.
Khi mang thai, phụ nữ cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị giãn dây chằng thắt lưng.
Nhưng trong một số trường hợp, dù bệnh nhân bị đau thắt lưng kéo dài nhưng quá trình thăm khám không tìm ra được bệnh lý hay sự tác động dẫn đến tình trạng này. Đây cũng có thể thuộc vào trường hợp với nguyên nhân ít gặp hơn do người bệnh gặp vấn đề tâm lý như căng thẳng quá mức, lo âu, bị bất thường ở hình dạng cột sống, thừa cân, béo phì.
Triệu Chứng Của Giãn Dây Chằng Thắt Lưng Như Thế Nào?
Triệu chứng của giãn dây chằng thắt lưng thường phụ thuộc vào mức độ tổn thương, nhưng thường có những đặc trưng tương tự với những bệnh lý liên quan đến xương khớp là cảm giác đau nhức ở vùng lưng kèm theo hạn chế trong quá trình vận động như:
- Cơn đau sẽ có biểu hiện khác nhau tùy trường hợp với những mức độ có thể nhẹ nhàng, kéo dài âm ỉ hoặc đau một cách đột ngột, nhất là khi người bệnh cúi gập người, xoay người, ho, mang vác vật nặng có tác động đến vùng lưng.
- Khi tình trạng nặng hơn, cơn đau có thể lan rộng xuống tận vùng mông, nhưng thường không gây ra ảnh hưởng đến chân. Trong trường hợp có tình trạng chân bị yếu, tê cứng, khó khăn trong việc đi vệ sinh có thể do dây thần kinh bị tổn thương, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra điều trị kịp thời.
- Khớp bị sưng viêm, nóng đỏ.
- Cứng khớp, nhất là vào buổi sáng sau khi thức dậy, gây khó khăn trong việc vận động ở vùng lưng. Thường sau khi xoa bóp cảm giác cứng khớp mới giảm đi, người bệnh mới có thể vận động một cách bình thường.
- Xuất hiện những cơn đau nhức, kèm cảm giác tê buốt, thường tăng lên khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi trời lạnh và ẩm thấp.
- Quan sát thấy vùng lưng mất đi đường cong tự nhiên, nguyên nhân là do cột sống bị lệch gây nên.
- Có cảm giác người mệt mỏi, đau nhức khó chịu toàn thân.
Khi những triệu chứng này bắt đầu xuất hiện và kéo dài sẽ khiến tinh thần của người bệnh sa sút, mất tập trung, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt ngày thường, công việc làm giảm chất lượng cuộc sống.
Sơ Cứu Khi Bị Giãn Dây Chằng Thắt Lưng
Giãn dây chằng lưng có nên chườm đá là thắc mắc chung của nhiều người khi muốn tìm hiểu cách sơ cứu đúng cách nếu giãn dây chằng thắt lưng xảy ra.
Mặc dù giãn dây chằng thắt lưng không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được sơ cứu đúng cách và điều trị sớm có nguy cơ chuyển thành mãn tính, điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này và ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ đứt dây chằng, khiến các khớp dễ gặp tổn thương và trở nên lỏng lẻo.
Trong khi sơ cứu đối với bệnh nhân bị giãn dây chằng lưng cần lưu ý những vấn đề như:
- Hạn chế cử động khi có những dấu hiệu bị giãn dây chằng lưng, việc vận động quá mạnh sẽ làm cho tình trạng tổn thương thêm nghiêm trọng, làm đứt dây chằng và kéo dài quá trình hồi phục.
- Không nên sử dụng các loại cao, dầu, hay miếng dán có tác dụng làm nóng sẽ khiến tình trạng căng dây chằng trầm trọng hơn, khó co lại như bình thường.
- Giãn dây chằng nên chườm đá lạnh ngay sau khi xảy ra chấn thương.
Điều Trị Giãn Dây Chằng Thắt Lưng
Giãn dây chằng bao lâu thì khỏi? Để biết được quá trình hồi phục của dây chằng cần căn cứ vào mức độ chấn thương của dây chằng và cả tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị như:
Nghỉ ngơi
Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân có cảm giác đau thắt lưng, nên chú ý nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động quá sức. Tư thế nằm tốt nhất là nằm ngửa, đầu, vai, mông và phần gót chân chạm giường, thả lỏng cơ thể. Tránh nằm trên nệm quá dày hoặc quá cứng sẽ khiến các mạch máu bị đè ép.
Chườm lạnh
Đối với giãn dây chằng lưng không nên chườm nóng mà thay vào đó là chườm lạnh, để tránh tình trạng dây chằng căng thêm, khó hồi phục. Việc chườm đá lạnh giúp co cơ và dây chằng, khiến người bệnh giảm cảm giác đau đớn. Chườm lạnh ở vị trí tổn thương nên thực hiện khoảng 30 phút, tốt hơn nữa là kết hợp massage nhẹ nhàng giúp kích thích tuần hoàn máu, là tăng cao hiệu quả giảm đau.
Tập yoga, massage
Yoga là một bộ môn giúp tăng cường sức dẻo dai của cơ thể, giúp xương khớp chắc khỏe và tốt cho cơ bắp lẫn dây chằng. Đối với người bị giãn dây chằng có thể tham khảo những bài tập yoga giúp nâng cao tinh thần và sức khỏe, thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục. Nhưng lưu ý nên tập theo quá trình, tránh những bài tập khó quá sức.
Việc xoa bóp, massage theo y học cổ truyền có tác dụng rất tốt để giảm đau, tăng cường quá trình lưu thông máu, điều hoà khí huyết và làm giảm tình trạng tắc nghẽn một cách đáng kể. Bạn có thể kết hợp những động tác massage ở hai bên cột sống mỗi ngày. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc tập vật lý trị liệu để thực hiện động tác đúng cách.
Điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp tổn thương ở mức độ nghiêm trọng, cơn đau nhức dữ dội không kiểm soát, gây khó khăn trong những sinh hoạt ngày thường thì phương pháp đưa ra là dùng thuốc điều trị. Không ít bệnh nhân quan tâm chữa giãn dây chằng lưng bằng thuốc nam có tốt không?
Đối với việc dùng thuốc cả tây y lẫn đông y có tác dụng điều trị hiệu quả, cải thiện tình trạng sưng đau. Nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để sử dụng thuốc đúng cách, hiệu quả nhất. Tránh việc sử dụng những loại thuốc qua truyền miệng hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra tác dụng phụ hoặc làm tình trạng thêm nghiêm trọng.
Điều trị ngoại khoa
Nếu quá trình điều trị nội khoa trong thời gian dài đối với những trường hợp đau thắt lưng không đạt hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định can thiệp bằng ngoại khoa, thường áp dụng trong những trường hợp cơn đau dữ dội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động của người bệnh.
Một số phương pháp điều trị khác áp dụng thường là đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng, kéo dãn cột sống, điều trị điện xung, châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại… phụ thuộc vào trường hợp bệnh sẽ có cách điều trị thích hợp nhất.
Dinh dưỡng
Ngoài việc quan tâm về phương pháp điều trị, cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vậy giãn dây chằng lưng nên ăn gì?
Nên bổ sung những loại thực phẩm chứa nhiều omega 3 giúp kháng viêm có nhiều trong thịt cá hồi, cá trích, quả bơ, các loại hạt. Tăng cường ăn nhiều rau củ quả giúp nạp đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tăng sức đề kháng. Sữa, những sản phẩm từ sữa giàu canxi rất tốt cho xương khớp cũng là những thực phẩm có lợi mà người bị giãn dây chằng lưng nên sử dụng ở mức hợp lý…
Ngoài ra, cũng nên hạn chế những loại thức ăn nhanh, không sử dụng chất kích thích, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều đạm… để tránh tình trạng sưng đau thêm nghiêm trọng. Cuối cùng, cần lưu ý uống đủ nước mỗi ngày để hạn chế tiết axit lactic trong các cơ là một trong những nguyên nhân gây ra cơn đau nhức.
Mặc dù giãn dây chằng lưng không phải là bệnh lý quá nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng người bệnh, nhưng nếu tình trạng kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và khiến cho vận động hằng ngày bị hạn chế. Vì thế, hiểu rõ giãn dây chằng thắt lưng là gì, cách sơ cứu và điều trị hiệu quả là cách tốt nhất giúp bảo vệ vùng lưng khỏi những tổn thương và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi gặp tổn thương.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.