Bệnh lý gan mật là bệnh phổ biến hiện nay, làm suy giảm chức năng gan mật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Nguyên nhân gây ra các bệnh lý này nổi bật nhất là chế độ ăn uống sai cách. Như vậy một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học là điều hết sức quan trọng mà bệnh nhân mắc bệnh lý gan mật cần nắm rõ để hỗ trợ quá trình điều trị đạt kết quả cao, nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Tìm Hiểu Về Bệnh Lý Gan Mật Là Gì?

Gan là bộ phận đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cơ thể, giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng như lipid, glucid, protid, vitamin và khoáng chất, đồng thời có chức năng khử độc ra khỏi cơ thể.

Dịch mật lại là bộ phận giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn như chất béo, vitamin… Hỗ trợ quá trình tiêu hoá diễn ra một cách hiệu quả.

19DHR1GC0yATMgdIlcOsGROpiptx8q1Ih7yyTFg0fosEx9u3ZiELRe3YmjWe9dOAYXxijMzo3fOhltBd_1615191641.jpg
Gan mật đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cơ thể

Khi gan bị tổn thương cũng kéo theo chức năng của dịch mật bị ảnh hưởng. Nguyên nhân của bệnh lý gan mật phần lớn liên quan mật thiết đến chế độ dinh dưỡng và thói quen của người bệnh.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu bất thường liên quan đến chức năng gan mật, cần đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác.

Thông qua việc siêu âm bệnh lý gan mật, nếu có nghi ngờ các bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành thêm các xét nghiệm chức năng gan để nhận biết xơ gan, suy gan, cùng các bệnh lý gan mật khác để có phác đồ điều trị thích hợp.

Bệnh lý gan mật làm suy giảm chức năng gan, việc hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng cũng bị kém đi dẫn đến sức khoẻ của người bệnh bị giảm sút một cách nghiêm trọng.

Một số bệnh lý gan mật phổ biến là bệnh viêm gan, viêm túi mật, xơ gan, sỏi mật, ung thư gan… gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Nếu không được phát hiện sớm, nguy cơ dẫn đến biến chứng và tử vong rất cao.

Nguyên Tắc Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Mắc Bệnh Lý Gan Mật

Nhìn chung, khi mắc bệnh lý gan mật thì việc thay đổi thói quen ăn uống theo hướng khoa học và lành mạnh là điều cần thiết. Trong chế độ ăn uống, trước tiên người bệnh cần nắm rõ nguyên tắc sau đây:

Hạn chế mỡ trong thức ăn

Việc hạn chế chất béo có hại là điều đầu tiên mà bệnh nhân mắc bệnh lý gan mật phải lưu ý. Khi gan bị tổn thương có nguy cơ dẫn đến thoái hoá mỡ gan.

GtXja6BsXZr64PfvlD4I58OpuNZOaTdzKwmpclgUSYkzuEhowG31HeAIhGCPhvxC9CQv1SKNTcLnF4k0_1615191743.jpg
Bệnh nhân mắc bệnh lý gan mật cần tránh xa thức ăn chứa nhiều dầu mỡ

Việc ăn quá nhiều chất béo sẽ khiến chức năng gan bị suy giảm một cách nhanh chóng, tăng lượng chất độc có trong máu, từ đó khiến bệnh thêm nghiêm trọng.

Tăng cường thực phẩm giàu glucid

Trong gan có dự trữ một lượng glycogen, đây là một dạng chuyển hoá của glucid trong thức ăn giúp chống độc và khử độc cho cơ thể.

Khi gan bị tổn thương thì lượng glycogen cũng giảm đi. Chính vì thế, cần tăng cường những loại thực phẩm giàu glucid để tạo ra được nhiều glycogen. Bên cạnh đó, còn giúp làm chậm quá trình xâm nhập của lipid vào gan gây suy giảm chức năng gan.

Tăng cường thực phẩm giàu protein

Protein giúp làm giảm quá trình thoái hoá mỡ gan, bảo vệ chức năng gan. Một chế độ dinh dưỡng tăng cường protein rất có lợi cho bệnh nhân gan mật. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu protein như các loại thịt nạc không có mỡ, uống sữa, bổ sung các loại đậu đã được nấu nhừ.

Chế Độ Dinh Dưỡng Tốt Cho Bệnh Lý Gan Mật

1. Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Viêm Gan

Một trong những bệnh lý gan mật phổ biến nhất là bệnh viêm gan, bao gồm viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính. Tuỳ thuộc vào loại viêm gan sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau.

Chế độ ăn uống đối với bệnh nhân viêm gan cấp tính

Vào giai đoạn đầu của bệnh viêm gan cấp tính: Bệnh nhân gặp triệu chứng sốt kèm buồn nôn, hoặc có cảm giác buồn nôn: Nên dùng nước đường, nước ép hoa quả, hoặc có thể luộc rau lên rồi lấy nước để uống.

Nếu tình trạng buồn nôn kéo dài, người bệnh có cảm giác chán ăn cần bổ sung glucoza 20% nhỏ giọt qua tĩnh mạch.

Khi bệnh nhân đã hết sốt và buồn nôn: Vào giai đoạn này bệnh nhân nên dùng thức ăn lỏng, thanh đạm như cháo hoặc súp, phở, uống sữa tách bơ, sữa đặc có đường và bổ sung các loại hoa quả tươi.

R55rKEeLWRoHZngRWxWqicnsRrjFnNPyZRU47oTVKZuhP552hDzvPj91P42Zth4KGGrearJGE6h1MRyZ_1615191832.jpg
Có thể sử dụng cháo lỏng khi tình trạng sốt và buồn nôn đã chấm dứt

Đối với giai đoạn hồi sức: Tiếp tục cho bệnh nhân uống sữa chứa nhiều protein và methionin nhằm tăng khả năng bảo vệ gan.

Thực phẩm thứ 2 nên bổ sung vào giai đoạn này là trứng. Trong trứng chứa nhiều protein và acid amin, nên dùng trứng gà tốt hơn trứng vịt, vì trứng gà có ít lipid hơn. Ngoài ra, nên bổ sung protein từ các loại thịt nạc, cá và đậu phụ.

Bệnh nhân nên chú ý việc ăn uống với những thực phẩm tốt cho gan vào giai đoạn này và theo dõi diễn biến bệnh sát sao vì không thể tiên lượng được diễn biến bệnh nên cần sự cẩn thận tối đa, cũng như phối hợp với bác sĩ trong điều trị.

Chế độ ăn uống đối với bệnh nhân viêm gan mạn tính

Đối với bệnh nhân viêm gan mạn tính, chức năng gan có thể suy giảm trong thời gian dài, thậm chí phải sống chung với tình trạng này cả đời. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng phù hợp và kéo dài rất quan trọng, ngăn ngừa chuyển biến xấu của bệnh.

Việc thay đổi thời tiết đột ngột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân viêm gan mạn, bên cạnh đó cần nắm rõ những lưu ý quan trọng trong việc ăn uống như sau:

  • Nên ăn thành nhiều bữa phụ để cơ thể dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng.
  • Tránh ăn những loại hải sản như tôm, cua, ốc các loại… Vì những loại thực phẩm này làm tăng nguy cơ dị ứng.
  • Nên chọn những loại thực phẩm tươi mới để chế biến đặc biệt là cá và trứng.
  • Không nên dùng những thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ. Nên sử dụng chất béo có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, quả bơ… Cách chế biến cũng rất quan trọng, nên hạn chế các món ăn chiên, xào.
  • Khẩu phần ăn nên bổ sung các thực phẩm giàu tinh bột từ gạo, bột mì, khoai, ngô…
  • Bổ sung các loại trái cây có vị ngọt, mật ong, bánh ngọt rất tốt cho bệnh nhân viêm gan mạn tính.

Khi bệnh nhân bị viêm gan mạn tính sẽ có những đợt tiến triển, cần ăn theo chế độ dinh dưỡng đối với bệnh nhân viêm gan cấp.

2. Chế Độ Dinh Dưỡng Đối Với Bệnh Nhân Xơ Gan

Đối với bệnh nhân xơ gan thì chế độ dinh dưỡng hợp lý là một cách hỗ trợ điều trị cực kỳ hiệu quả. Bên cạnh đó, còn giúp cải thiện tình trạng bệnh và phục hồi chức năng gan.

Xơ gan chưa cổ trướng (Xơ gan còn bù)

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein theo công thức 1,5 đến 2g/ kg cân nặng/ ngày từ các loại thịt trắng như thịt lợn, thịt gà, cá, sữa đã tách bơ, trứng gà và giá đỗ. (Tương tự như bệnh viêm gan cấp).
  • Hạn chế các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều chất béo, món chiên, xào. Nên thế bằng chất béo có nguồn gốc thực vật như các loạt dầu hạt và tránh nấu thức ăn ở nhiệt độ cao.

Đường bột: Nên ăn các loại thực phẩm giàu đường bột như ngô, khoai, gạo, mật ong, các loại hoa quả ngọt cũng rất tốt cho bệnh xơ gan chưa cổ trướng.

NTCdH7aJBFEmmoYypg9ODBglLEj0ocEkrdl6hxw534Wsx8sotj5jH8dncpP89OlloPz2awhKy2XOL73R_1615191911.jpg
Cần bổ sung đường bột từ thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân xơ gan
  • Chất xơ và vitamin: Bên cạnh đường bột thì cần bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh, các loại củ quả có màu đỏ cam như cà rốt, cà chua, bí đỏ, đu đủ…
  • Việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày cũng rất cần thiết cùng với các loại thực phẩm sẽ giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Xơ gan cổ trướng (Xơ gan mất bù)

Đối với xơ gan cổ trướng, bệnh nhân cần tuân theo những nguyên tắc sau:

  • Hạn chế việc nạp quá nhiều chất đạm, muối, tăng cường bổ sung từ rau và các loại hoa quả.
  • Cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bổ sung các loại nước ép, hoa quả và đồ uống giúp nhuận tràng như trà hoa atiso, trà xanh…

3. Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Hôn Mê Gan

Giai đoạn cuối của bệnh lý gan chính là hôn mê gan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Trong chế độ dinh dưỡng cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không nạp protein vào cơ thể qua các loại thực phẩm cũng như không truyền các dung dịch aminoacid vào cơ thể bệnh nhân. Nhưng việc truyền amino axit mạch nhánh lại có thể làm giảm hội chứng não do hôn mê gan gây ra.
  • Để hạn chế việc thoái hoá protein cần cung cấp nhiều năng lượng từ glucid và lipid khoảng 1700 – 1800 calo/ ngày.
  • Bổ sung vitamin B1, vitamin C thông qua đường tiêm.
  • Cần bổ sung thêm thuốc nhuận tràng.
  • Bệnh nhân sẽ phải truyền dung dịch glucose 30%, 1000ml/ ngày và cả insulin với mức phù hợp theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Khi bệnh nhân có dấu hiệu cho thấy bệnh có tiến triển tốt, tiếp tục tăng thêm 20g protein/ngày. Nên ưu tiên bổ sung protein có nguồn gốc thực vật đặc biệt là sữa đậu nành và đậu xanh.

4. Chế Độ Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Túi Mật Và Ống Mật

Viêm túi mật cấp tính

Đối với bệnh nhân bị viêm túi mật cấp tính cần để túi mật có thời gian nghỉ ngơi nhiều, vì thế trong việc ăn uống cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo và protein, tốt nhất là nên loại bỏ hoàn toàn (sẽ khiến túi mật phải tăng cường co bóp).

1iJy36oLpzEGyhS3fDsvNdMoz3hdZFsQUu73CwyHwMz5RgFzCK0OBEHqmKslwBVKS0eFFz56h8PIcwx2_1615192005.jpg
Nên sử dụng các loại sữa đã tách bơ khi bị viêm túi mật cấp tính

Chế độ ăn phù hợp nhất là bổ sung glucid từ gạo, khoai, bột ngũ cốc, nước đường, nước luộc rau, sữa tách bơ, thực phẩm giàu chất xơ giúp nhuận tràng và nên ăn nhạt.

Viêm túi mật mạn tính

Đối với bệnh nhân viêm túi mật mạn tính dễ gặp tình trạng rối loạn tiêu hoá, trong chế độ ăn uống cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Hạn chế chất béo: Chất béo sẽ làm ảnh hưởng đến gan, cản trở bài tiết, gây đầy bụng.
  • Bổ sung protein: Bổ sung protein với lượng phù hợp từ thịt nạc không mỡ. Nên sử dụng thịt tươi nấu đơn giản không nêm mặn. Protein từ thực vật nên nấu kỹ, ninh nhừ hoặc nghiền nát để dễ tiêu hoá.
  • Bổ sung thức ăn giàu glucid giúp cơ thể dễ tiêu hoá. Tuy nhiên, không nên ăn bánh kẹo chế biến từ socola, cacao và bánh ngọt. Các loại trái cây có vị ngọt và rau củ cũng nên bổ sung đầy đủ.

Bệnh nhân bị sỏi mật

Đối với bệnh nhân bị sỏi mật, trong chế độ dinh dưỡng cần lưu ý:

  • Hạn chế hoặc tránh xa các thực phẩm chứa cholesterol như dầu mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng… sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi cholesterol.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giúp nhuận tràng, giàu chất xơ như rau và trái cây.

Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống chứa nhiều tanin dễ gây ra tình trạng táo bón, tạo điều kiện cho vi khuẩn đường ruột phát triển gây bệnh viêm túi mật, viêm tá tràng, dễ tạo sỏi mật.

ftcKHyv6YDoc9eNGwKYeMOt9EVNpCmd7HBPB2fMwJUGfwurAlM6hnH3V3Xtr2nEK3j9glbxNJjkSbsPe_1615192075.jpg
Bổ sung trái cây giúp nhuận tràng vào khẩu phần ăn rất tốt cho bệnh nhân bị sỏi mật

Như vậy, đối với bệnh lý gan mật thì việc tuân theo một chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp là điều vô cùng cần thiết giúp cải thiện chức năng gan mật. Từ đó, giúp việc điều trị bệnh có tiến triển tốt. Bệnh nhân nên nắm rõ nguyên tắc ăn uống và áp dụng theo từng loại bệnh để có kết quả phục hồi tốt nhất.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.