Vô sinh có đến tháng không? Biện pháp điều hòa chu kỳ kinh
Phụ nữ vô sinh có kinh nguyệt không?
Nhiều phụ nữ thắc mắc “Vô sinh có đến tháng không?”, “Vô sinh thì có kinh nguyệt không?” hay “Kinh nguyệt đều có vô sinh không?”. Câu trả lời là CÓ. Phụ nữ vẫn có thể trải qua chu kỳ đều đặn nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thụ thai hay vô sinh.

Phụ nữ có kinh nguyệt đều đặn nhưng vẫn bị vô sinh có thể do những nguyên nhân sau:
- Chất lượng trứng kém hoặc rối loạn rụng trứng: Mặc dù hành kinh đều nhưng nếu chất lượng trứng không tốt hoặc có vấn đề trong quá trình rụng trứng, việc thụ thai có thể bị ảnh hưởng. Có kinh quá dài (35 ngày trở lên), quá ngắn (dưới 21 ngày), không đều hoặc vắng mặt có thể là dấu hiệu chỉ ra rằng bạn không rụng trứng.
- Tắc ống dẫn trứng hoặc vấn đề về tử cung: Các vấn đề như tắc ống dẫn, u xơ tử cung, u buồng trứng có thể ngăn cản trứng gặp tinh trùng hoặc phôi thai làm tổ trong tử cung, dẫn đến vô sinh mặc dù vẫn có kinh bình thường.
- Vấn đề về nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai ngay cả khi chu kỳ kinh nguyệt đều. Ví dụ, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể gây ra kinh nguyệt đều nhưng không có rụng trứng thực sự.
- Yếu tố từ đối tác nam giới: Vô sinh không chỉ phụ thuộc vào phụ nữ. Vấn đề về tinh trùng của đối tác nam giới cũng có thể là nguyên nhân gây vô sinh, mặc dù người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều.
Mối quan hệ giữa kinh nguyệt và sức khỏe sinh sản
Kinh nguyệt là một phần quan trọng trong sinh sản của phụ nữ. Chu kỳ kinh phản ánh sự phối hợp giữa não bộ, hormone, buồng trứng và tử cung. Do đó, sự đều đặn và tính chất của kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cung cấp nhiều thông tin về sức khỏe.
- Kinh nguyệt là “tín hiệu” từ hệ sinh sản: Kinh nguyệt bình thường là dấu hiệu phản ánh rằng cơ thể đang rụng trứng đều đặn, nội tiết hoạt động bình thường và không có vấn đề lớn tại buồng trứng hoặc tử cung. Những yếu tố này đều rất quan trọng để thụ thai. Tuy nhiên, kinh nguyệt đều không có nghĩa là chắc chắn rụng trứng hoặc có trứng chất lượng tốt. Một số người vẫn có chu kỳ đều nhưng rối loạn phóng noãn, làm giảm khả năng thụ tinh.
- Rối loạn kinh nguyệt có thể cảnh báo vô sinh: Các bất thường về kinh nguyệt như: vô kinh (không có máu kinh trong ≥3 tháng), kinh nguyệt quá thưa (>35 ngày/lần), kinh nguyệt không đều hoặc kéo dài quá mức có thể là biểu hiện của các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn về nội tiết, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hoặc suy buồng trứng sớm. Những vấn đề này có thể dẫn đến giảm khả năng sinh hoặc vô sinh.
- Kinh nguyệt và chức năng nội tiết: Sự hoạt động ổn định của hormone như estrogen, progesterone, LH và FSH giúp duy trì kinh nguyệt đều đặn. Mọi rối loạn về nội tiết (do stress, suy giáp, tăng prolactin, v.v…) đều có thể ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng và sinh sản.
- Nguyên nhân khác:
- Tắc ống dẫn trứng
- Lạc nội mạc tử cung
- Bất thường ở tử cung hoặc cổ tử cung
- Nguyên nhân từ phía bạn tình (tinh trùng yếu, ít…)

Biện pháp điều hòa kinh nguyệt
Dưới đây là một số biện pháp giúp điều hòa kinh hiệu quả:
- Chế độ ăn uống cân bằng: Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp ổn định hormone sinh sản. Hãy tăng cường thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin B6, D và omega-3 từ cá, rau xanh, hạt, trái cây. Tránh thực phẩm nhiều đường tinh luyện, caffeine và rượu để hạn chế rối loạn về nội tiết, thiếu máu, gây mệt mỏi, đau ốm. Đồng thời, giữ cân nặng ổn định giúp duy trì quá trình rụng trứng đều đặn.
- Tập thể dục hợp lý: Vận động thường xuyên như yoga, đi bộ hoặc bơi nhẹ giúp tăng tuần hoàn máu, hỗ trợ hormone ổn định. Tuy nhiên, tập luyện quá mức có thể gây mất kinh do giảm estrogen, nên cần lựa chọn bài tập phù hợp với thể trạng.
- Giảm stress: Căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến vùng dưới đồi – nơi kiểm soát hormone sinh sản. Căng thẳng nhiều có thể gây rối loạn hoặc mất kinh tạm thời. Do đó, hãy duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ và thư giãn hợp lý.
- Dùng thuốc theo chỉ định: Thuốc tránh thai nội tiết hoặc thuốc hỗ trợ rụng trứng có thể được kê để điều hòa chu kỳ, đặc biệt với người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị bệnh lý nền: Các bệnh lý như PCOS, suy giáp, lạc nội mạc hay u xơ ở tử cung có thể làm rối loạn kinh nguyệt. Việc điều trị triệt để các nguyên nhân này sẽ giúp kinh nguyệt trở lại ổn định.
- Khám và xét nghiệm định kỳ: Xét nghiệm hormone như FSH, LH, prolactin… kết hợp siêu âm giúp đánh giá chức năng buồng trứng, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường như u nang, u xơ, tắc vòi trứng.
Lời kết
Vô sinh có kinh nguyệt không là câu hỏi khiến nhiều phụ nữ băn khoăn, đặc biệt khi họ vẫn thấy chu kỳ của mình đều đặn. Tuy nhiên, việc có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn không đảm bảo rằng phụ nữ không gặp vấn đề về sinh sản. Một số người vẫn có thể rụng trứng và có kinh bình thường nhưng lại gặp trở ngại ở các bước quan trọng khác như thụ tinh, làm tổ hoặc do các nguyên nhân tiềm ẩn như tắc ống dẫn, u xơ tử cung, hoặc lạc nội mạc tử cung. Nếu bạn đang cố gắng mang thai trong một thời gian dài mà chưa thành công, đừng ngần ngại tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm và hỗ trợ đúng cách.
2. https://www.nyreproductivewellness.com/news/do-you-have-periods-if-youre-infertile
3. https://lomalindafertility.com/infertility/women/amenorrhea/
4. https://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/irregular-periods-and-getting-pregnant
5. https://www.newhopefertility.com/blog/regular-periods-but-not-getting-pregnant/