Viêm tuyến giáp là một bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, thay đổi cân nặng và các vấn đề về sức khỏe lâu dài. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và kiểm soát bệnh. Vậy viêm tuyến giáp kiêng ăn gì? Điều trị bệnh như thế nào? Cùng Diag tìm hiểu nhé!

Tổng quan về bệnh viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là gì?

Viêm tuyến giáp (thyroiditis) là tình trạng viêm nhiễm hoặc rối loạn chức năng của tuyến giáp. Đây là một tuyến nằm ở cổ, chịu trách nhiệm sản xuất hormone giúp điều hòa nhiều chức năng cơ thể, bao gồm trao đổi chất và năng lượng. Viêm giáp có thể dẫn đến việc sản xuất hormone giáp quá mức hoặc không đủ, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe .

Phân loại viêm tuyến giáp

Viêm giáp có thể được phân loại thành ba dạng chính dựa trên mức độ và thời gian bệnh kéo dài. Mỗi dạng viêm giáp lại có các bệnh lý riêng biệt với nguyên nhân và biểu hiện khác nhau.

1. Viêm tuyến giáp cấp tính

Dạng này hiếm gặp và thường khởi phát đột ngột do nhiễm khuẩn. Người bệnh có biểu hiện đau dữ dội vùng cổ, sốt cao, tuyến giáp sưng nóng và có thể tạo áp-xe. Việc điều trị cần kháng sinh và đôi khi phải phẫu thuật dẫn lưu mủ.

2. Viêm tuyến giáp bán cấp

Đây là nhóm bệnh phổ biến hơn, diễn tiến trong vài tuần đến vài tháng. Dạng thường gặp nhất là viêm tuyến giáp De Quervain – xảy ra sau nhiễm virus đường hô hấp, gây đau vùng cổ, sốt nhẹ và mệt mỏi. Tuyến giáp mềm và đau khi chạm vào.

Ngoài ra còn có viêm tuyến giáp không đau, thường gặp ở phụ nữ sau sinh (gọi là viêm tuyến giáp sau sinh), hoặc ở người có bệnh lý tự miễn (viêm giáp thầm lặng). Các dạng này diễn tiến âm thầm, không gây đau nhưng có thể dẫn đến cường giáp rồi chuyển sang suy giáp tạm thời. Nếu viêm giáp sau sinh kéo dài có trể trở thành viêm giáp mạn tính.

Một số trường hợp viêm tuyến giáp còn liên quan đến tác dụng phụ của thuốc, như amiodarone, lithium hoặc thuốc điều trị ung thư. Chúng gây tổn thương mô tuyến giáp do độc tính trực tiếp hoặc phản ứng miễn dịch.

3. Viêm tuyến giáp mạn tính

Dạng mạn tính tiến triển chậm và kéo dài, thường do rối loạn tự miễn. Phổ biến nhất là viêm tuyến giáp Hashimoto – bệnh lý gây phá huỷ mô tuyến giáp, làm suy giảm chức năng tuyến theo thời gian. Người bệnh có thể không có triệu chứng rõ ràng ban đầu, nhưng dần dần xuất hiện các biểu hiện của suy giáp.

Một dạng hiếm gặp hơn là viêm tuyến giáp xơ hoá – tuyến giáp trở nên cứng như đá do mô xơ phát triển quá mức, có thể chèn ép khí quản hoặc thực quản, gây khó thở hoặc nuốt nghẹn.

Viêm giáp có thể được phân loại thành ba dạng chính dựa trên mức độ và thời gian bệnh kéo dài
Bệnh được phân loại thành ba dạng chính dựa trên mức độ và thời gian bệnh kéo dài

Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân, tùy thuộc vào dạng bệnh. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Rối loạn tự miễn: Là nguyên nhân chủ yếu gây viêm tuyến giáp mạn tính, đặc biệt trong bệnh Hashimoto và các dạng viêm tuyến giáp không đau (như viêm sau sinh, viêm giáp thầm lặng). Hệ miễn dịch tấn công nhầm vào mô tuyến giáp, gây viêm và suy giáp dần theo thời gian.
  • Nhiễm virus: Là nguyên nhân thường gặp của viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain, thường xảy ra sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus như cúm, coxsackievirus, hay adenovirus. Cơ chế bệnh sinh là phản ứng viêm hậu nhiễm.
  • Nhiễm khuẩn: Dẫn đến viêm tuyến giáp cấp tính – tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, thường do vi khuẩn gây mủ và sưng đau vùng cổ.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc như amiodarone, lithium, interferon hoặc thuốc điều trị ung thư (ức chế điểm kiểm soát miễn dịch) có thể gây viêm tuyến giáp do độc tính trực tiếp hoặc kích hoạt miễn dịch.
  • Điều trị ung thư: Hóa trị hoặc xạ trị vùng cổ có thể làm tổn thương mô tuyến giáp, gây viêm và ảnh hưởng đến chức năng tuyến.
  • Yếu tố di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp tự miễn có nguy cơ cao hơn bị viêm tuyến giáp, đặc biệt là Hashimoto hoặc viêm tuyến giáp sau sinh.

Dấu hiệu nhận biết viêm tuyến giáp

Các triệu chứng của bệnh có thể thay đổi tùy theo loại viêm và mức độ nghiêm trọng. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm mệt mỏi, thay đổi cân nặng đột ngột, rối loạn tâm trạng (như trầm cảm, lo âu), vấn đề về da và tóc (da khô, tóc rụng), cảm giác lạnh hoặc nóng, phù nề (sưng mặt, đặc biệt là quanh mắt).

Ngoài ra, viêm giáp còn có thể dẫn đến các triệu chứng đặc trưng của cường giáp và suy giáp:

  • Triệu chứng cường giáp: Tăng nhịp tim, hồi hộp, lo âu, tăng huyết áp, đổ mồ hôi nhiều, giảm cân dù thèm ăn, run tay, tóc mỏng và dễ rụng, khó ngủ, mệt mỏi.
  • Triệu chứng suy giáp: Mệt mỏi, uể oải, cảm thấy lạnh, da khô, tăng cân không rõ lý do, tóc thưa, táo bón, khó tập trung, giảm trí nhớ, trầm cảm.

Các triệu chứng này có thể khác nhau giữa các cá nhân và tùy thuộc vào loại viêm tuyến giáp, vì vậy việc thăm khám và xét nghiệm y khoa là rất quan trọng để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Các triệu chứng của bệnh có thể thay đổi tùy theo loại viêm và mức độ nghiêm trọng
Các triệu chứng của bệnh có thể thay đổi tùy theo loại viêm và mức độ nghiêm trọng

Bệnh viêm tuyến giáp cần kiêng ăn gì?

Tùy vào từng loại viêm giáp (cấp tính, bán cấp, mạn tính), chế độ ăn uống có thể có sự khác biệt. Dưới đây là những thực phẩm cần kiêng trong từng loại viêm giáp:

Viêm tuyến giáp cấp tính kiêng ăn gì?

Một số thực phẩm cần tránh để không làm tình trạng viêm trong giai đoạn này nặng thêm:

  • Thực phẩm chức năng bổ sung i-ốt hoặc rong biển/tảo biển: Người bệnh không nên tự ý bổ sung i-ốt liều cao từ thực phẩm chức năng hoặc ăn quá nhiều các loại rong biển, tảo biển đậm đặc i-ốt (đặc biệt là tảo bẹ) nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
  • Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol: Các thực phẩm như đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán có thể làm căng thẳng hệ miễn dịch và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm.
  • Đồ uống có cồn và caffein: Rượu và caffein có thể làm gia tăng viêm, gây mất ngủ, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
  • Thực phẩm chế biến sẵn và nhiều muối: Thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, đồng thời gây tác động xấu đến chức năng tuyến giáp. Ví dụ: xúc xích, pizza, mỳ ăn liền,…

Viêm tuyến giáp bán cấp kiêng ăn gì?

Viêm giáp bán cấp thường gây ra các triệu chứng như đau và sưng vùng cổ. Người bệnh cần tránh các thực phẩm có thể làm tăng tình trạng viêm, bao gồm:

  • Thực phẩm chứa Gluten: Gluten có thể làm tăng phản ứng viêm ở những người có cơ địa nhạy cảm, đặc biệt là với bệnh tự miễn. Tuy nhiên, chỉ nên kiêng nếu có chẩn đoán Celiac hoặc NCGS. Không khuyến cáo đại trà. Lúa mì, lúa mạch, các sản phẩm bánh mì, bánh quy là các thực phẩm có chứa gluten.
  • Thực phẩm chứa chất kích thích: Đồ uống có chứa caffein, đồ uống có cồn như rượu, và thực phẩm cay nóng có thể kích ứng dạ dày và làm tăng mức độ viêm.
  • Thực phẩm nhiều đường và carbohydrate tinh chế: Đường tinh chế và carbohydrate tinh chế có thể làm gia tăng viêm trong cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tuyến giáp. Vì vậy, nên tránh uống nước ngọt có gas, các loại bánh chế biến sẵn, kẹo, đồ ăn vặt,…
  • Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Những chất béo này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Chúng thường có trong thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh, bơ thực vật và các sản phẩm chế biến sẵn. Thay vào đó, nên ưu tiên dùng dầu ô liu, dầu hạt lanh hoặc bơ từ quả bơ để hỗ trợ quá trình hồi phục.
Viêm tuyến giáp kiêng ăn gì? Lời khuyên từ chuyên gia
Viêm tuyến giáp kiêng ăn gì? Lời khuyên từ chuyên gia

Viêm tuyến giáp mạn tính kiêng ăn gì?

Điều trị viêm tuyến giáp mạn tính nên tập trung vào các nguyên tắc ăn uống chống viêm và hỗ trợ sức khỏe tổng quát sẽ có lợi cho người bệnh tuyến giáp. Các thực phẩm nên kiêng bao gồm:

  • Các loại thực phẩm chứa goitrogens: Một số rau họ cải hoặc rau lá xanh như cải bó xôi, cải thảo, củ cải, đậu nành có thể giảm khả năng hấp thụ i-ốt và gây ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Vì vậy, cần ăn lượng vừa phải, đặc biệt nên ăn khi đã nấu chín. Không cần kiêng hoàn toàn.
  • Thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm nhiều muối: Muối và đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, pizza, thức ăn đóng hộp) có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone tuyến giáp và làm tăng huyết áp.
  • Thực phẩm có chất bảo quản và phẩm màu: Các chất này có thể làm tăng viêm và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Ví dụ: đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm chứa phẩm màu nhân tạo, chất bảo quản.
  • Thực phẩm chức năng hoặc rong biển/tảo biển có hàm lượng i-ốt liều cao: Người bệnh không nên tự ý bổ sung i-ốt liều cao từ thực phẩm chức năng hoặc ăn quá nhiều các loại rong biển, tảo biển đậm đặc i-ốt (đặc biệt là tảo bẹ) nếu không có chỉ định từ bác sĩ. Việc dư thừa i-ốt – tương tự như thiếu hụt – đều có thể làm rối loạn chức năng tuyến giáp, đặc biệt ở người có bệnh lý tuyến giáp tự miễn như Hashimoto.
  • Đường tinh luyện: Lượng đường cao trong chế độ ăn có thể gây tăng đường huyết, thúc đẩy phản ứng viêm và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Người bị viêm tuyến giáp mạn tính nên hạn chế bánh kẹo, nước ngọt, siro công nghiệp và các loại đồ ăn ngọt chế biến sẵn.
  • Chất béo không lành mạnh và rượu bia: Các loại chất béo chuyển hóa (trans fat), chất béo bão hòa có trong đồ chiên rán, thức ăn nhanh, cùng với việc tiêu thụ rượu bia thường xuyên có thể làm tăng stress oxy hóa, thúc đẩy viêm và làm rối loạn chức năng hormone tuyến giáp. Nên hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe tổng thể và kiểm soát triệu chứng.

Viêm tuyến giáp nên ăn gì?

Mặc dù có những thực phẩm cần kiêng, người bệnh viêm giáp cũng cần bổ sung các thực phẩm giúp giảm viêm và hỗ trợ chức năng tuyến giáp:

  • Đảm bảo đủ lượng i-ốt cần thiết: I-ốt rất quan trọng cho sản xuất hormone tuyến giáp. Cần cung cấp đủ lượng i-ốt khuyến nghị hàng ngày (RDA), tránh cả thiếu hụt lẫn dư thừa. Nguồn cung cấp iốt trong chế độ ăn thông thường bao gồm muối i-ốt, hải sản (ăn lượng vừa phải), trứng, sữa. Nhu cầu hàng ngày cho người lớn là khoảng 150 mcg.
  • Thực phẩm giàu selenium: Selenium giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi tổn thương và hỗ trợ sản xuất hormone. Có nhiều trong hạt Brazil (1–2 hạt/ngày là đủ), hạt hướng dương, cá ngừ và cá mòi.
  • Thực phẩm giàu omega-3: Omega-3 có tác dụng chống viêm, giúp giảm tổn thương mô tuyến giáp. Nên bổ sung từ cá hồi, cá thu, cá trích, hạt chia, hạt lanh hoặc dầu cá.
  • Rau quả tươi: Rau lá xanh, cà rốt, bí đỏ và quả mọng chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ tuyến giáp. Ưu tiên rau củ tươi, ít thuốc bảo vệ thực vật.
  • Chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, quả bơ, hạt chia, hạt óc chó cung cấp chất béo tốt, giúp giảm viêm và cân bằng hormone. Hạn chế chất béo bão hòa từ đồ chiên rán.
  • Các loại đậu: Đậu lăng, đậu xanh, đậu nành chứa nhiều protein thực vật, chất xơ và kẽm, giúp ổn định nội tiết và hỗ trợ tiêu hóa.
  • Sữa ít béo: Sữa và sản phẩm từ sữa cung cấp canxi, vitamin D, hỗ trợ xương và tuyến giáp. Chọn loại ít béo, ít đường để tránh tăng cân.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, gạo lứt, quinoa chứa chất xơ, vitamin B, giúp tiêu hóa tốt và hỗ trợ chuyển hóa năng lượng. Ưu tiên ngũ cốc chưa tinh chế.
  • Protein nạc: Thịt gà bỏ da, cá, trứng là nguồn protein chất lượng, ít chất béo bão hòa, giúp duy trì cơ bắp và hỗ trợ mô tuyến giáp.
Bệnh nhân viêm tuyến giáp nên bổ sung thực phẩm giàu selenium, omega-3, đậu, chất béo lành mạnh,...
Bệnh nhân viêm giáp nên bổ sung thực phẩm giàu selenium, omega-3, các l;oại đậu,…

Chăm sóc người bệnh viêm tuyến giáp – lời khuyên từ chuyên gia

Việc chăm sóc người bệnh viêm tuyến giáp đòi hỏi một chiến lược toàn diện, bao gồm cả điều trị y tế lẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý. Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia trong việc quản lý và chăm sóc bệnh nhân:

1. Theo dõi định kỳ
Bệnh nhân cần kiểm tra chức năng tuyến giáp thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị và phát hiện sớm các thay đổi trong cơ thể. Các xét nghiệm máu như TSH, FT4 và antithyroid peroxidase antibody sẽ giúp xác định tình trạng hoạt động của tuyến giáp.

2. Dùng thuốc theo chỉ dẫn
Việc sử dụng thuốc hormone tuyến giáp (levothyroxine) trong trường hợp viêm giáp mạn tính là cần thiết. Bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng và lịch trình dùng thuốc mà bác sĩ chỉ định để duy trì mức hormone ổn định, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa hormone.

3. Duy trì chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chức năng tuyến giáp. Người bệnh nên bổ sung đầy đủ i-ốt, selenium và vitamin D trong khẩu phần ăn. Đồng thời tránh các chất phụ gia, thực phẩm nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tuyến giáp như thực phẩm chứa goitrogen (như cải xoăn, đậu nành khi ăn quá nhiều).

4. Giảm stress
Căng thẳng là yếu tố có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm tuyến giáp. Các phương pháp giảm stress như thiền, yoga, và các bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm thiểu tác động của stress lên cơ thể.

5. Duy trì lối sống lành mạnh
Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn máu và sức khỏe tổng thể, đồng thời hỗ trợ trong việc duy trì mức cân nặng hợp lý. Điều này rất quan trọng đối với những bệnh nhân viêm tuyến giáp, đặc biệt là với những người gặp phải các vấn đề như suy giáp.

Lời kết

Kết luận, việc quản lý chế độ ăn uống đúng cách là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị viêm tuyến giáp. Bằng cách kiêng các thực phẩm gây hại và lựa chọn các thực phẩm hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp, bệnh nhân có thể giảm thiểu triệu chứng và duy trì sự ổn định của cơ thể. Tuy nhiên, việc tham khảo ý kiến chuyên gia và tuân thủ phác đồ điều trị là rất cần thiết để đạt được hiệu quả tốt nhất.