Quai bị là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, nhưng khi xảy ra ở nam giới sau tuổi dậy thì, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng – đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vậy tại sao quai bị gây vô sinh? bệnh có thể điều trị được không? Hãy cùng Diag tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau nhé!

Tổng quan về bệnh quai bị

Bệnh quai bị là gì?

Quai bị (tên tiếng Anh: Mumps) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Mumps thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, thông qua dịch tiết nước bọt khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần. Đặc trưng của bệnh là sưng đau tuyến mang tai, có thể kèm theo sốt, đau đầu, mệt mỏi.

Theo thống kê từ CDC và WHO, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi chưa tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, những trường hợp mắc bệnh sau tuổi dậy thì – đặc biệt là ở nam giới sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.

Dấu hiệu mắc bệnh quai bị

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh khoảng 16–18 ngày. Tuy nhiên, Một số người mắc quai bị có thể không có triệu chứng rõ ràng, nhưng vẫn có khả năng lây bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Sưng và đau một hoặc hai bên tuyến mang tai (gần tai, dưới hàm) – dấu hiệu điển hình nhất.
  • Sốt nhẹ đến cao.
  • Đau đầu, đau cơ, chán ăn.
  • Mệt mỏi toàn thân.
  • Đôi khi có thể kèm theo viêm tinh hoàn (ở nam), viêm buồng trứng (ở nữ) hoặc viêm màng não.
Dấu hiệu mắc quai bị phổ biến là sưng, đau ở tuyến mang tai
Dấu hiệu mắc quai bị phổ biến là sưng, đau ở tuyến mang tai

Nếu bạn đang nghi ngờ cơ thể có các vấn đề liên quan đến sinh sản hoặc có nguy cơ vô sinh, bạn có thể đến Diag để được xét nghiệm sức khỏe sinh sản. Diag là phòng khám đa khoa và trung tâm xét nghiệm y khoa với 25 năm kinh nghiệm, 40+ chi nhánh. Tại đây sử dụng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn chứng chỉ ISO 15189:2022, trả kết quả nhanh chóng với chi phí tối ưu. Liên hệ Diag tại:

  • Trang chủ Diag: https://diag.vn/
  • Hotline: 1900 1717
  • Chi nhánh Diag trên toàn quốc: https://diag.vn/location/

Tại sao bệnh quai bị gây vô sinh? Quai bị ảnh hưởng thế nào đến chức năng sinh sản?

Quai bị có thể gây vô sinh vì virus tấn công trực tiếp vào cơ quan sinh sản, đặc biệt ở nam giới sau tuổi dậy thì. Biến chứng viêm tinh hoàn làm tổn thương mô sinh tinh, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng. Ở nữ, dù hiếm gặp hơn, viêm buồng trứng do quai bị cũng có thể gây rối loạn chức năng sinh sản. Dưới đây là cơ chế ảnh hưởng ở từng giới tính khi mắc bệnh:

Ở nam giới

Nam giới sau tuổi dậy thì là nhóm đối tượng dễ gặp biến chứng sinh sản nghiêm trọng khi nhiễm virus quai bị. Biến chứng phổ biến nhất là viêm tinh hoàn do quai bị (mumps orchitis).

Viêm tinh hoàn thường xuất hiện 4–8 ngày sau khi sưng tuyến mang tai. Khi đó, virus xâm nhập vào mô tinh hoàn và gây viêm tinh hoàn, dẫn đến:

  • Sưng đau tinh hoàn, thường ở một bên nhưng có thể ảnh hưởng cả hai.
  • Tổn thương tế bào Sertoli và Leydig, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng và hormone testosterone.
  • Phá vỡ hàng rào máu-tinh hoàn, khiến hệ thống miễn dịch tấn công tinh trùng.
  • Teo tinh hoàn trong 30–50% trường hợp viêm nặng. Teo tinh hoàn gây suy giảm khả năng sinh tinh lâu dài hoặc vĩnh viễn.
Virus quai bị có thể gây viêm tinh hoàn ở nam giới
Virus quai bị có thể gây viêm tinh hoàn ở nam giới

Sự tăng sinh TNF-α trong tế bào Sertoli khi nhiễm virus quai bị là nguyên nhân chính phá vỡ hàng rào bảo vệ tinh hoàn – từ đó dẫn đến tổn thương mô tinh, viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn và tiềm ẩn nguy cơ vô sinh.

Ở nữ giới

Mặc dù hiếm gặp hơn, phụ nữ cũng có thể chịu ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu mắc bệnh. Biến chứng thường thấy là viêm buồng trứng (oophoritis).

Viêm buồng trứng do quai bị có thể gây:

  • Đau vùng bụng dưới, sốt, khó chịu vùng chậu.
  • Tổn thương mô buồng trứng, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.
  • Trong một số trường hợp hiếm, có thể gây rối loạn nội tiết dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới vô sinh do quai bị rất thấp, hiếm có bằng chứng rõ ràng về tổn thương lâu dài đến chức năng sinh sản như ở nam giới.

Biến chứng của bệnh quai bị

Ngoài ảnh hưởng đến hệ sinh sản, bệnh còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác nếu không được điều trị và theo dõi đúng cách, đặc biệt ở người lớn.

Một số biến chứng thường gặp bao gồm:

  • Viêm tinh hoàn: Nguy cơ viêm tinh hoàn cao nhất ở nam sau dậy thì, có thể dẫn đến teo tinh hoàn và giảm khả năng sinh tinh.
  • Viêm buồng trứng: Hiếm gặp ở nữ, nhưng có thể gây đau và rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
  • Viêm màng não: Xảy ra khi virus lan đến hệ thần kinh trung ương, gây đau đầu dữ dội, cứng cổ, buồn nôn.
  • Viêm tụy: Gây đau bụng, nôn, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
  • Giảm thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn: Một số trường hợp hiếm gặp có thể mất thính lực do virus gây tổn thương dây thần kinh tai trong.

Trẻ em bị quai bị có bị vô sinh không?

Trẻ em mắc quai bị thường ít gặp biến chứng vô sinh. Nguy cơ này chủ yếu xảy ra ở nam giới sau tuổi dậy thì, khi tinh hoàn đã phát triển hoàn thiện và dễ bị tổn thương do phản ứng viêm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, nếu trẻ bị biến chứng nặng như:

  • Viêm tinh hoàn (rất hiếm khi xảy ra ở trẻ nhỏ)
  • Viêm màng não hoặc viêm tụy

Nếu trẻ bị biến chứng nặng thì vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Dù vậy, theo CDC trẻ mắc quai bị trước tuổi dậy thì hầu như không bị ảnh hưởng đến chức năng sinh sản về sau.

Trẻ em bị quai bị có thể vô sinh nếu gặp biến chứng nặng
Trẻ em bị quai bị có thể vô sinh nếu gặp biến chứng nặng

Bị quai bị 2 lần có vô sinh không?

Trên lý thuyết, quai bị là bệnh có khả năng miễn dịch tự nhiên suốt đời sau khi mắc. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn ghi nhận một số ca mắc quai bị lần hai – thường là do:

  • Hệ thống miễn dịch yếu
  • Lần nhiễm đầu tiên không đủ tạo miễn dịch bền vững
  • Chủng virus khác biệt

Nếu bị tái nhiễm sau tuổi dậy thì, nguy cơ vô sinh vẫn tương đương như lần đầu mắc bệnh, đặc biệt nếu có biến chứng viêm tinh hoàn. Do đó, bị quai bị lần hai hoàn toàn có thể gây vô sinh nếu xuất hiện biến chứng sinh sản.

Vô sinh do quai bị có chữa được không?

Vô sinh do quai bị không dễ điều trị, đặc biệt khi mô tinh hoàn hoặc buồng trứng đã bị tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên, khả năng phục hồi còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương và thời điểm can thiệp:

Ở nam:

  • Nếu chỉ một bên tinh hoàn bị ảnh hưởng, bên còn lại có thể vẫn sản xuất tinh trùng bình thường.
  • Trong trường hợp tinh hoàn teo hoặc không còn sản xuất tinh trùng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị sau:
    • Điều trị nội tiết hỗ trợ sinh tinh
    • Lấy tinh trùng trực tiếp từ mô tinh hoàn (TESE)
    • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI)
Nếu không thể sản xuất tinh trùng, bác sĩ có thể thụ tinh trong ống nghiệm
Nếu không thể sản xuất tinh trùng, bác sĩ có thể thụ tinh trong ống nghiệm

Ở nữ:

  • Tổn thương buồng trứng thường không nghiêm trọng và có thể tự hồi phục.
  • Nếu ảnh hưởng đến nội tiết, có thể điều trị bằng thuốc kích thích rụng trứng hoặc hỗ trợ sinh sản.

Việc phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ vô sinh sau khi mắc bệnh.

Những lưu ý và cách phòng ngừa quai bị

Đây là bệnh có thể phòng tránh hiệu quả bằng vaccine và thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng. Dưới đây là những lưu ý quan trọng để ngăn ngừa bệnh và tránh biến chứng nguy hiểm:

1. Tiêm vắc xin MMR đầy đủ

  • Vaccine MMR (sởi – quai bị – rubella) để giúp cơ thể tạo ra kháng thể là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
  • Lịch tiêm chuẩn gồm 2 liều:
    • Liều 1: khi trẻ 12–15 tháng tuổi
    • Liều 2: khi trẻ 4–6 tuổi

Theo CDC, hiệu quả phòng bệnh khi tiêm đủ 2 mũi vaccine quai bị đạt khoảng 88%.

2. Tránh tiếp xúc với người bệnh

  • Quai bị lây truyền qua đường hô hấp và dịch tiết nước bọt.
  • Người bệnh cần cách ly ít nhất 5 ngày kể từ khi sưng tuyến mang tai.

3. Tăng cường hệ miễn dịch

  • Ăn uống đầy đủ chất, ngủ đủ giấc, giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh tay chân miệng sạch sẽ.

4. Theo dõi biến chứng sau mắc bệnh

  • Đặc biệt ở trẻ nam sau dậy thì, nếu có dấu hiệu sưng đau tinh hoàn, cần thăm khám sức khỏe chuyên khoa để được theo dõi và can thiệp kịp thời.

Lời kết

Quai bị là bệnh truyền nhiễm lành tính nhưng có thể gây biến chứng nặng nề nếu không được phòng ngừa và điều trị đúng cách, đặc biệt ở nam giới sau tuổi dậy thì. Nếu bạn hoặc người thân từng bị bệnh và có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản, hãy chủ động xét nghiệm và chữa trị kịp thời.