Để kiểm soát tiểu đường thai kỳ, chế độ dinh dưỡng lành mạnh đóng vai trò tiên quyết. Tuy nhiên, nhiều thai phụ vẫn chưa nắm rõ tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng gì để bảo vệ sức khỏe bản thân và đảm bảo sự tăng trưởng cho con. Hãy cùng Diag giải đáp vấn đề này qua nội dung bài viết.
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của mẹ và bé?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu tăng do những rối loạn chuyển hóa đường ở phụ nữ mang thai. Dù bệnh thường tự khỏi sau khi sinh nhưng người mẹ có khả năng cao mắc tiểu đường type 2. Đặc biệt, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể gây nên những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho mẹ và bé.
- Đối với mẹ: Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu, đa ối, sinh non, phải mổ lấy thai…
- Đối với bé: Thai quá to so với tuổi, suy hô hấp, hạ đường huyết sơ sinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, béo phì, tiểu đường di truyền, thai chết lưu…
Điều quan trọng khi điều trị bệnh tiểu đường là duy trì lượng đường trong máu càng gần mức bình thường càng tốt và bạn hoàn toàn có thể thực hiện được điều này thông qua việc duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Vậy thực đơn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần gì và kiêng gì?
Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng gì?
Mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống để kiểm soát đường huyết, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Khi xây dựng thực đơn cho phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần chú ý các nguyên tắc sau:
- Chia nhỏ bữa ăn: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày giúp tránh tăng đường huyết đột ngột.
- Kiểm soát khẩu phần ăn: Đo lường lượng thức ăn để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng mà không làm tăng đường huyết.
- Kết hợp nhiều loại thực phẩm: Đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Uống đủ nước: Giúp cơ thể đào thải đường và các chất độc hại.
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
Tiểu đường thai kỳ ăn gì để con tăng cân và mẹ khỏe mạnh là vấn đề được nhiều thai phụ quan tâm. Dưới đây là những thực phẩm nào nên ưu tiên:
- Hạt dinh dưỡng: Hạt chia, hạt lanh, hạt bí… là nguồn chất xơ, omega-3 dồi dào, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và tốt cho tim mạch. Hạnh nhân, óc chó, hạt điều… là nguồn chất béo tốt, vitamin E và khoáng chất, giúp ổn định đường huyết và bảo vệ tim mạch.
- Rau xanh: Rau bina, cải xoăn, cải xanh… không chỉ giàu chất xơ mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp ổn định đường huyết và tăng cường hệ miễn dịch.
- Protein: Thịt gà, cá, đậu nành là nguồn protein chất lượng cao, giúp xây dựng và sửa chữa các tế bào, đồng thời tạo cảm giác no lâu. Ngoài ra, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen… không chỉ giàu protein thực vật mà còn chứa nhiều chất xơ và vitamin B, hỗ trợ tiêu hóa và cung cấp năng lượng bền vững.
- Trái cây ít đường: Lựu, dâu tây, mâm xôi, kiwi… giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất, giúp kiểm soát đường huyết và tăng cường sức đề kháng.
- Sữa tiểu đường và sản phẩm từ sữa ít béo: Cung cấp canxi, protein và các vitamin cần thiết cho cả mẹ và bé.
- Dầu thực vật: Dầu olive, dầu hạt lanh… giúp giảm viêm, bảo vệ tim mạch và hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu.
Tiểu đường thai kỳ kiêng ăn gì?
Bên cạnh việc bổ sung các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng trên, phụ nữ mang thai cũng cần hạn chế các nhóm thực phẩm có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. Chẳng hạn:
- Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao: Đây là những thực phẩm khiến đường huyết tăng nhanh và đột ngột, gây gánh nặng cho tuyến tụy như gạo trắng, bánh mì trắng, bánh mì ngọt, các loại mì gói, bún phở, bánh kẹo, nước ngọt có ga, kem, các loại bánh ngọt, trái cây sấy khô, nước ép trái cây đóng hộp…
- Thực phẩm giàu carbohydrate: Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu thai phụ tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng đường huyết nhanh chóng. Mẹ bầu cũng nên hạn chế các loại củ quả có chỉ số GI cao như khoai tây, khoai lang, ngô (báp)…
- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol xấu trong máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, da gà, da vịt, sữa nguyên kem, phô mai béo…
- Thức ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thức ăn nhanh như hamburger, pizza, khoai tây chiên… chứa nhiều dầu mỡ, muối, đường và calo. Bên cạnh đó, thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều đường, muối, chất béo, chất bảo quản và các chất phụ gia thực phẩm khác, không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
- Đồ uống có ga và có cồn: Các loại đồ uống này chứa nhiều đường, caffeine và cồn, có thể làm tăng huyết áp, gây mất nước và ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể khiến tình trạng tiểu đường thai kỳ trầm trọng hơn.
Bằng cách tuân thủ chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ có thể kiểm soát tốt đường huyết, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé và giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng. Tuy nhiên, để kiểm soát tốt bệnh đồng thời tránh ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Ngoài ra, thai phụ cũng cần duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên để đánh giá tình trạng sức khỏe và có sự điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp. Bạn có thể chọn xét nghiệm đường huyết tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín. Trong đó, trung tâm y khoa Diag là một trong những đơn vị hàng đầu về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Trung tâm có hơn 35 chi nhánh tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn nên rất thuận tiện cho việc di chuyển và rút ngắn thời gian chờ. Đặc biệt, bạn có thể đăng ký thời gian để bác sĩ gọi điện tư vấn sau khi nhận kết quả xét nghiệm theo lịch trình phù hợp. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa của trung tâm sẽ đưa ra những khuyến nghị phù hợp, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng nhằm góp phần cải thiện bệnh và nâng cao sức khỏe thai phụ.
Phụ nữ nên ăn gì để tránh tiểu đường thai kỳ?
Khác với các loại bệnh tiểu đường khác, bệnh tiểu đường thai kỳ đặc trưng ở phụ nữ mang thai. Thai phụ có thể chủ động phòng tránh bằng việc duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp. Dưới đây là những nhóm chất nên bổ sung trong thực đơn dành cho phụ nữ mang thai:
- Thực phẩm giàu protein: Protein đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi trong suốt thai kỳ. Protein là nguyên liệu chính để xây dựng và phát triển các mô, cơ quan của thai nhi, đặc biệt là não bộ. Ngoài ra, protein còn giúp giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cả mẹ và bé, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Các thực phẩm giàu protein như: thịt nạc, cá, trứng, đậu nành, đậu lăng, hạt, ngũ cốc nguyên hạt…
- Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ giúp cơ thể hấp thụ đường chậm hơn, từ đó giúp ổn định lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Mẹ bầu có thể bổ sung chất dinh dưỡng này thông qua các thực phẩm như: trái cây, rau xanh, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt…
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất như axit folic, sắt, canxi, kẽm, vitamin D… đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các cơ quan, hệ thống của thai nhi, đặc biệt là não bộ, xương và hệ thần kinh. Thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như dị tật ống thần kinh, thiếu máu… Các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất nên bổ sung vào thực đơn như: Cam, quýt, bưởi, dâu tây, kiwi, cải xoăn, bông cải xanh, cà rốt, thịt đỏ…
- Thực phẩm chứa chất béo không bão hòa: Chất béo không bão hòa, đặc biệt là omega-3 và omega-6, đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Trong đó, omega-3 là thành phần cấu tạo nên màng tế bào não, giúp tăng cường sự phát triển của não bộ; omega-6 đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển não bộ, đặc biệt là sự hình thành các tế bào thần kinh. Bạn có thể tìm thấy nhóm chất béo này trong các thực phẩm như: cá hồi, cá ngừ, cá thu, hạt chia, hạt óc chó, hạt điều, dầu oliu, dầu đậu nành…
- Cung cấp lượng carbohydrate (bột đường) vừa đủ: Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Một số thực phẩm giàu chất bột đường như loại ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, các loại đậu. Tuy nhiên, thai phụ cần chú ý tránh nạp quá nhiều chất bột đường khiến cho năng lượng dư thừa, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Lời kết
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng tránh và cải thiện tình trạng tiểu đường thai kỳ. Hy vọng rằng qua những chia sẻ của Diag, bạn đã có thêm thông tin về bệnh tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và kiêng gì từ đó xây dựng thực đơn phù hợp. Tuy nhiên, mỗi mẹ bầu sẽ có thể trạng khác nhau, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chi tiết.