Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đưa ra các tiêu chuẩn giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường, bao gồm tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường và chẩn đoán tiền đái tháo đường. Đây là những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một người có nguy cơ hoặc đang mắc đái tháo đường. Hãy cùng Diag tìm hiểu về các tiêu chuẩn cơ bản giúp chẩn đoán tiểu đường và tiền đái tháo đường.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Các tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường hiện tại đều dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA). Những tiêu chuẩn này giúp xác định nguy cơ mắc chứng rối loạn glucose và xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh lý chuyển hóa này. Khi được áp dụng đúng cách, tiêu chuẩn này sẽ giúp ngăn ngừa sớm, kiểm soát hiệu quả, và giảm thiểu nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến đái tháo đường.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường bao gồm 4 xét nghiệm máu.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường bao gồm 4 xét nghiệm máu.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường type 2 và type 1 về cơ bản là giống nhau. Tiêu chuẩn gồm 4 chỉ số: Đường huyết lúc đói, đường huyết ngẫu nhiên, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, và xét nghiệm HbA1c.

Đường huyết lúc đói

Xét nghiệm đo mức glucose trong máu, giúp xác định khả năng chuyển hóa glucose và phát hiện tình trạng kháng insulin. Mức đường huyết lúc đói từ 126 mg/dL (7,0 mmol/L) trở lên được chẩn đoán mắc tiểu đường.

Đường huyết ngẫu nhiên

Xét nghiệm đo lường mức glucose trong máu tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Xét nghiệm rất hữu ích trong việc phát hiện đái tháo đường, đặc biệt khi có các triệu chứng như khát nước, tiểu nhiều, hoặc mệt mỏi. Mức đường huyết ngẫu nhiên từ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) trở lên được chẩn đoán mắc đái tháo đường.

Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (OGTT)

Xét nghiệm đo lường cách cơ thể xử lý glucose sau khi bệnh nhân uống một lượng dung dịch glucose. Mức đường huyết thường được đo lại sau 2 giờ và ở nhiều thời điểm khác nhau (tùy thuộc vào nghiệm pháp được sử dụng). Xét nghiệm cũng đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện và chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Mức đường huyết từ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) trở lên được chẩn đoán mắc đái tháo đường.

Xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm đo mức đường huyết trung bình trong 2 – 3 tháng trước đó nhằm đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết lâu dài. Kết quả HbA1c từ ≥ 6,5% (48 mmol/mol) trở lên được chẩn đoán mắc tiểu đường.

Xem thêm: Tiểu đường 80 có nguy hiểm không?

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền đái tháo đường

Để chẩn đoán tiền đái tháo đường, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đưa ra 3 tiêu chuẩn, bao gồm: Đường huyết lúc đói, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống, và xét nghiệm HbA1c. Nếu bệnh nhân có một trong các kết quả theo tiêu chuẩn này thì được chẩn đoán mắc tiền đái tháo đường.

  • Đường huyết lúc đói: Mức đường huyết từ 100 – 125 mg/dL (5,6 – 6,9 mmol/L).
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống – 2 giờ sau ăn: Mức đường huyết từ 140 – 199 mg/dL (7,8 – 11,0 mmol/L).
  • Xét nghiệm HbA1c: Mức A1C từ 5,7% – 6,4% (39 – 46 mmol/mol).

Xem thêm: Chỉ số tiểu đường bình thường

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền đái tháo đường gồm 3 tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền đái tháo đường gồm 3 tiêu chuẩn.

Lời kết

Dựa trên những tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường ADA, có thể nhận biết một người có đang mắc tiểu đường hay không. Đây được xem là các tiêu chuẩn cơ bản, được ứng dụng tại nhiều bệnh viện, phòng khám, và trung tâm xét nghiệm. Trên thực tế, đái tháo đường là bệnh mãn tính rất nguy hiểm. Vậy nên, cần xét nghiệm để phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm, từ đó có hướng điều trị phù hợp.