Thuốc tiểu đường tuýp 2 là chìa khóa kiểm soát mức đường huyết trong cơ thể. Từ đó ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, tổn thương thần kinh. Phác đồ sử dụng thuốc có sự khác biệt dựa trên tình trạng sức khỏe. Tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết bên dưới của Diag.
Bệnh tiểu đường type 2 là gì?
Tiểu đường tuýp 2, hay còn gọi là đái tháo đường, xảy ra khi cơ thể không sử dụng insulin một cách hiệu quả. Bệnh dẫn đến tình trạng kháng insulin.
Insulin là hormone chịu trách nhiệm vận chuyển glucose từ máu vào tế bào để cung cấp năng lượng. Khi cơ thể xuất hiện tình trạng đề kháng insulin, glucose không được chuyển hóa đúng cách, khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2:
- Người thừa cân, béo phì: Gan không lưu trữ glucose, tụy phải sản xuất nhiều insulin hơn để giảm lượng đường trong máu.
- Người trung niên và lớn tuổi: Tụy sản xuất không đủ insulin, cùng với rối loạn chuyển hóa, kháng insulin.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường.
- Người bị tiền tiểu đường: Nếu không kiểm soát đường huyết, dễ tiến triển thành đái tháo đường type 2.
- Người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu.
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Người có vấn đề sức khỏe tâm thần: Tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, hoặc dùng thuốc chống loạn thần.
- Người có lối sống không lành mạnh: Hút thuốc, uống rượu bia, và lười vận động.
Các triệu chứng điển hình của đái tháo đường type 2:
- Tăng số lần đi tiểu: Đi tiểu nhiều lần hoặc thường xuyên.
- Khô miệng, cảm giác khát nước.
- Thèm ăn, nhanh đói.
- Giảm hoặc tăng cân bất thường.
- Đau, tê tay chân: Cảm giác kiến bò, nặng hơn có thể sưng đau.
- Vết thương lâu lành, dễ nhiễm trùng: Do tuần hoàn máu kém, hệ miễn dịch suy yếu.
- Mờ mắt: Do thay đổi thủy tinh thể.
- Sạm da: Ở vùng nách, cổ, bẹn.
- Phù, suy thận, nhiễm khuẩn tiết niệu nhưng hiếm gặp hơn.
Xem thêm: Thuốc tiểu đường
Tiểu đường tuýp 2 trị được không?
Hiện nay, đái tháo đường tuýp 2 không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể quản lý bằng thuốc và lối sống lành mạnh. Nếu duy trì chế độ sinh hoạt tốt, đường huyết có thể ổn định mà không cần dùng thuốc. Ngược lại, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp y tế.
Các biến chứng tiềm ẩn của bệnh đái tháo đường type 2 gồm:
- Biến chứng bệnh tim và động mạch: Hình thành mảng bám, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ.
- Biến chứng thận: Tổn thương mạch máu nhỏ ở thận, dẫn đến suy thận, giảm chức năng sinh lý bình thường.
- Biến chứng thần kinh: Tổn thương dây thần kinh gây đau, liệt, hoặc rối loạn tiêu hóa, liệt dương, bàng quang.
- Biến chứng thị giác: Giảm thị lực, mù lòa do tổn thương võng mạc, đặc biệt nếu có kèm cao huyết áp hoặc tăng cholesterol.
- Nhiễm trùng: Suy giảm miễn dịch khiến dễ nhiễm trùng răng lợi, đường tiết niệu, cơ quan sinh dục, nhiễm toan ceton, nhiễm toan lactic.
Xem thêm: Thuốc chống biến chứng tiểu đường
Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2
Thuốc trị tiểu đường tuýp 2 Metformin
Đây là thuốc có tác dụng duy trì mức đường trong máu, từ đó giảm nguy cơ biến chứng. Tác dụng của thuốc là giảm hấp thụ glucose từ ruột, giảm sản xuất glucose ở gan và cải thiện độ nhạy insulin của cơ thể.
- Cách dùng: Uống 1–3 lần/ngày trong bữa ăn, tối đa 2000 mg/ngày.
- Lưu ý: Không dùng cho người cao tuổi, suy giảm chức năng thận. Không nhai thuốc.
- Tác dụng phụ: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, cảm giác kim loại trong miệng.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Thở dốc, mệt mỏi nghiêm trọng, vàng da, đau hoặc yếu cơ, rối loạn thị lực.
Thuốc tiểu đường type 2 Sulfonylurea
Sulfonylurea là nhóm thuốc chữa bệnh đái tháo đường tuýp 2, gồm: Glipizide (Glipizide ER), Glimepiride (Amaryl), Glyburide (Diabeta, Glynase). Tolbutamide cũng là một loại thuốc điều trị đái tháo đường type 2 trong nhóm Sulfonylurea nhưng ít được sử dụng hơn.
Nhóm thuốc Sulfonylurea hoạt động bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Tác dụng của thuốc là hạ lượng đường trong máu. Vì vậy, Sulfonylurea chỉ phát huy tác dụng ở bệnh nhân tuyến tụy vẫn còn khả năng sản xuất insulin.
- Cách dùng: Uống 1–2 lần/ngày, trong hoặc sau bữa ăn. Không gộp liều khi quên thuốc.
- Tác dụng phụ: Hạ đường huyết, tăng cân, buồn nôn, phát ban.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Ngất xỉu, dị ứng nặng, vàng da, sạm da khi ra nắng.
Xem thêm: Các nhóm thuốc tiểu đường
Thuốc trị tiểu đường type 2 Glinides
Glinides là nhóm thuốc đái tháo đường type 2 có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất insulin. Các loại thuốc thuộc nhóm Glinides gồm Nateglinide (Starlix) và Repaglinide (Prandin). Thuốc có tác dụng duy trì đường huyết ổn định sau bữa ăn, phù hợp cho những bệnh nhân có mức đường huyết cao.
- Cách dùng: Uống 1–3 lần/ngày, trước bữa ăn 15–30 phút.
- Phản ứng phụ: Hạ đường huyết, đau khớp, lo lắng, mờ mắt.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Ngất xỉu, dị ứng nặng, đau bụng dữ dội.
Thuốc ức chế DPP-4 (ức chế Dipeptidyl peptidase-4)
DPP-4, hay Gliptins, là nhóm thuốc dùng để điều trị đái tháo đường tuýp 2. Nhóm thuốc gồm Sitagliptin (Januvia), Saxagliptin (Onglyza), Linagliptin (Trajenta) và Vildagliptin (Galvus). Thuốc có tác dụng ức chế enzyme DPP-4, tăng hormone incretin để kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, giúp duy trì mức đường huyết ổn định.
- Cách dùng: Uống 1 lần/ngày, trước hoặc sau ăn.
- Tác dụng phụ: Cảm lạnh, đau khớp, nổi phát ban.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Đau bụng, khó thở, phản ứng dị ứng.
Thuốc Thiazolidinediones
Thiazolidinediones (TZDs), hay glitazones, là thuốc uống có tác dụng trong việc điều trị đái tháo đường tuýp 2. Tác dụng của thuốc giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, từ đó kiểm soát lượng đường trong máu. Hiện có hai loại chính là Pioglitazone và Rosiglitazone.
- Cách dùng: Uống 1 lần/ngày, trước hoặc sau ăn.
- Tác dụng phụ: Phù chân, tăng cân, gãy xương, mờ mắt.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Phù nặng, khó thở, đau xương.
Thuốc ức chế SGLT2 (ức chế đồng vận chuyển natri-glucose 2)
Thuốc SGLT2 (gliflozins) là nhóm thuốc uống có tác dụng trong việc điều trị đái tháo đường tuýp 2. Nhóm thuốc này giúp giảm đường huyết bằng cách ngăn thận hấp thu lại đường và loại bỏ qua nước tiểu. Một số loại thuốc phổ biến gồm Canagliflozin, Dapagliflozin, Empagliflozin, Ertugliflozin.
- Cách dùng: Uống 1 lần/ngày.
- Tác dụng phụ: Nhiễm nấm, tiểu nhiều, táo bón, đau lưng.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Mất nước, hạ huyết áp.
Thuốc ức chế alpha-glucosidase
Thuốc ức chế alpha-glucosidase (như Acarbose và Miglitol) là thuốc có tác dụng kiểm soát đường huyết ở người tiểu đường tuýp 2. Thuốc làm chậm quá trình hấp thụ đường từ thức ăn trong ruột non, từ đó giảm mức đường trong máu sau bữa ăn.
- Cách dùng: 25 mg/ lần, 3 lần/ ngày. Tối đa 50 mg x 3 lần/ ngày.
- Tác dụng phụ: Đau bụng, đầy hơi. Tiêu chảy.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Nổi ban đỏ, sưng tấy. Sốt, tức ngực, khó thở. Sưng mặt, môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng. Vàng da, vàng mắt. Chảy máu trực tràng.
Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 (vận thụ thể glucagon-like peptide-1)
Thuốc GLP-1 là một lựa chọn điều trị đái tháo đường tuýp 2, đồng thời giúp giảm cân hiệu quả. Thuốc có tác dụng kích thích sản xuất insulin, ức chế glucagon để ổn định đường huyết. Ngoài ra, GLP-1 còn làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ kiểm soát đường máu và cải thiện cân nặng.
- Cách dùng: Tiêm dưới da hoặc uống hằng ngày.
- Tác dụng phụ: Nôn, tiêu chảy, ngứa râm ran.
- Liên hệ bác sĩ nếu: Đau bụng nặng, khó thở, phản ứng tiêm kéo dài.
Xem thêm: Tiền tiểu đường có cần uống thuốc không?
Những lưu ý khi sử dụng thuốc tiểu đường type 2
Trong quá trình điều trị bằng phương pháp sử dụng thuốc đái tháo đường type 2, mọi người cần lưu ý:
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Uống thuốc đúng liều lượng và thời gian khuyến cáo để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất. Tuyệt đối không tự ý uống hoặc ngưng thuốc, thay đổi thuốc để tránh gây ra các tác dụng phụ.
- Kiểm tra mức đường huyết thường xuyên để đánh giá tác dụng của thuốc.
- Không bỏ bữa hoặc ăn không đủ chất để tránh bị hạ đường huyết trong thời gian uống thuốc đái tháo đường type 2.
- Cung cấp thông tin, tiền sử bệnh lý, đặc biệt là người bệnh gan, thận, tim mạch.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng.
- Không sử dụng rượu, bia.
- Theo dõi các biến chứng đái tháo đường để kịp thời phát hiện và xử lý.
Việc sử dụng thuốc tiểu đường type 2 đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Để đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn bác sĩ, kết hợp với lối sống lành mạnh, cũng như nên theo dõi sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường.
Xem thêm: Khi nào phải uống thuốc tiểu đường?