Thuốc chống biến chứng tiểu đường đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và làm chậm quá trình phát triển các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, như bệnh thận, bệnh tim, bệnh thần kinh, bệnh võng mạc… Vậy đâu là các loại thuốc phổ biến và hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của Diag.
Các nhóm thuốc chống biến chứng tiểu đường
Theo dữ liệu Atlas về bệnh tiểu đường của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), năm 2017, bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của khoảng 451 triệu người trên thế giới. Ước tính, đến cuối năm 2045, con số này có thể đạt đến 693 triệu người. Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là các nhóm thuốc chống biến chứng đái tháo đường được sử dụng phổ biến.
Xem thêm: Thuốc tiểu đường
Thuốc điều trị biến chứng bệnh thần kinh tiểu đường
Thuốc điều trị biến chứng thần kinh do tiểu đường tập trung vào việc giảm đau, làm chậm sự tiến triển của bệnh và kiểm soát các triệu chứng cụ thể. Các loại thuốc này phối hợp để giải quyết nhiều khía cạnh của bệnh thần kinh tiểu đường.
Các loại thuốc được chỉ định gồm:
- Thuốc chống co giật: Để giúp người bệnh giảm đau thần kinh tiểu đường, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc gồm pregabalin (Lyrica), gabapentin (Neurontin), tapentadol…
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định để điều trị bệnh thần kinh do đái tháo đường dù người bệnh không bị trầm cảm. Trong đó:
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Các loại thuốc như amitriptyline và nortriptyline, thường được sử dụng để điều trị cơn đau thần kinh mức độ vừa.
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI): Duloxetine (Cymbalta) và venlafaxine (Effexor XR) là các loại thuốc mới hơn, giúp giảm đau thần kinh với ít tác dụng phụ hơn.
Xem thêm: Tiền tiểu đường có cần uống thuốc không?
Thuốc chống biến chứng tiểu đường ảnh hưởng đến thận
Thuốc điều trị bệnh thận do tiểu đường tập trung vào việc kiểm soát albumin niệu, tăng huyết áp và giảm mức lọc cầu thận…
Các loại thuốc chính bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs): Thuốc ức chế men chuyển angiotensin và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II được sử dụng để kiểm soát huyết áp và bảo vệ thận.
- Thuốc kiểm soát đường huyết: Insulin và các thuốc uống như metformin, giúp duy trì mức đường huyết ổn định, điều rất quan trọng để bảo vệ chức năng thận.
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc này được sử dụng để giảm lượng nước thừa trong cơ thể, giúp giảm áp lực lên thận.
- SGLT2 inhibitors: Nhóm thuốc mới có khả năng giảm đường huyết và bảo vệ thận bằng cách giảm áp lực và viêm trong thận, giúp làm chậm sự phát triển của bệnh thận đái tháo đường.
Xem thêm: Các nhóm thuốc tiểu đường
Thuốc chống biến chứng bệnh tiểu đường gây rối loạn chức năng dạ dày
Để làm giảm các triệu chứng nhẹ của bệnh liệt dạ dày như khó tiêu, ợ hơi, buồn nôn hoặc nôn, người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn. Ngoài ra, tùy vào mức độ nghiêm trọng của rối loạn chức năng dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Metoclopramide: Thuốc chống biến chứng tiểu đường Metoclopramide giúp kích thích cơ trơn dạ dày, tăng cường khả năng co bóp và đẩy thức ăn qua hệ tiêu hóa nhanh hơn. Metoclopramide cũng có thể giảm buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, cần cẩn thận với các tác dụng phụ như mệt mỏi hoặc thay đổi thần kinh.
- Domperidone: Một lựa chọn khác để tăng cường hoạt động của dạ dày, giúp cải thiện các triệu chứng buồn nôn, khó tiêu và đầy bụng. Domperidone ít ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương hơn so với metoclopramide.
- Erythromycin: Thuốc này có tác dụng kích thích nhu động ruột, giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn nhanh hơn. Tuy nhiên, tác dụng có thể giảm dần theo thời gian.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại như opioid, thuốc kháng cholinergic, chất chủ vận thụ thể GLP-1, pramlintide và chất ức chế dipeptidyl peptidase 4…
Thuốc chống biến chứng hạ huyết áp thế đứng
Để điều trị biến chứng huyết áp thế đứng cần bắt đầu bằng những thay đổi lối sống lành mạnh hơn như không sử dụng rượu, uống nhiều nước và thay đổi tư thế như từ ngồi sang đứng một cách chậm rãi.
Một số loại thuốc có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp để điều trị. Trong đó, Midodrine là loại thuốc được chỉ định phổ biến.
Thuốc chống biến chứng tiểu đường gây võng mạc do tiểu đường
Thuốc chống biến chứng bệnh võng mạc do đái tháo đường thường tập trung vào việc kiểm soát mức đường huyết để làm chậm quá trình tổn thương võng mạc và giảm nguy cơ mất thị lực. Dưới đây là những loại thuốc được chỉ định phổ biến:
- Thuốc ức chế VEGF: Đây là nhóm thuốc tiêm vào mắt nhằm ức chế hoạt động của yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), yếu tố thúc đẩy sự phát triển bất thường của mạch máu trong võng mạc. Một số thuốc ức chế VEGF phổ biến bao gồm ranibizumab (Lucentis), aflibercept (Eylea) và bevacizumab (Avastin). Những thuốc này giúp giảm tình trạng phù nề hoàng điểm và ngăn chặn quá trình mất thị lực.
- Thuốc chống biến chứng tiểu đường corticosteroid: Một số loại thuốc thuộc nhóm corticosteroid như dexamethasone và fluocinolone acetonide có thể được sử dụng giúp kiểm soát tình trạng sưng phù hoàng điểm do tiểu đường.
- Thuốc kiểm soát đường và huyết áp: Ngoài thuốc điều trị trực tiếp cho võng mạc, việc kiểm soát tốt mức đường huyết với insulin, trị rối loạn lipid máu hoặc thuốc uống điều trị đái tháo đường như metformin hay sulfonylurea cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, thuốc kiểm soát huyết áp như ACE inhibitors hoặc ARB cũng có thể được kê đơn giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường.
Thuốc trị biến chứng loét bàn chân do tiểu đường
Thuốc trị biến chứng loét bàn chân do tiểu đường tập trung vào việc kiểm soát nhiễm trùng, tăng cường quá trình lành vết thương và giảm nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến cắt cụt chi. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Nếu vết loét bị nhiễm trùng, bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Các loại kháng sinh phổ biến bao gồm cephalexin, amoxicillin-clavulanate, hoặc fluoroquinolones, tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và vi khuẩn gây bệnh.
- Thuốc giảm đau và chống viêm: Để kiểm soát đau đớn và viêm do loét, các loại thuốc như acetaminophen hoặc NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) như ibuprofen hoặc naproxen có thể được chỉ định.
- Thuốc hỗ trợ quá trình lành vết thương: Một số loại kem hoặc thuốc bôi có tác dụng kích thích quá trình lành vết thương và kiểm soát nhiễm trùng tại chỗ, chẳng hạn như mupirocin (Bactroban) hoặc silver sulfadiazine (Silvadene).
- Liệu pháp tăng cường: Trong trường hợp loét bàn chân không lành sau điều trị thông thường, các bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp oxy cao áp hoặc các yếu tố tăng trưởng để thúc đẩy quá trình hồi phục.
Tầm quan trọng của kiểm soát biến chứng
Bệnh đái tháo đường không chỉ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường mà còn gây ra các biến chứng nguy hiểm đến các cơ quan khác như tim mạch, thận, mắt và thần kinh.
- Ngăn ngừa tổn thương lâu dài: Việc kiểm soát tốt đường huyết giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng như bệnh võng mạc tiểu đường, tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh tiểu đường), suy thận… Khi đường huyết không được kiểm soát, các mạch máu nhỏ và lớn có thể bị hư hại, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
- Giảm nguy cơ biến chứng cấp tính: Ngoài các biến chứng mãn tính, người mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ gặp phải các biến chứng cấp tính như hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết đột ngột. Những tình huống này có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
- Tiết kiệm chi phí y tế: Biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến những chi phí điều trị lớn như giá thuốc chống biến chứng tiểu đường, chăm sóc y tế, chi phí phẫu thuật lớn… Kiểm soát tốt bệnh từ sớm giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính liên quan đến các biến chứng này.
Xem thêm: Khi nào phải uống thuốc tiểu đường?
Lưu ý khi sử dụng thuốc chống biến chứng tiểu đường
Khi sử dụng thuốc chống biến chứng tiểu đường, có một số lưu ý quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị, cụ thể:
- Theo dõi chặt chẽ đường huyết: Việc kiểm soát mức đường huyết là yếu tố cốt lõi để giảm nguy cơ biến chứng. Thuốc chống biến chứng thường được dùng song song với các biện pháp kiểm soát đường như insulin hoặc thuốc hạ đường huyết. Người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên, xây dựng chế độ ăn uống khoa học để đảm bảo không bị hạ hoặc tăng đường huyết quá mức.
- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Việc sử dụng thuốc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc đột ngột để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
- Tác dụng phụ tiềm ẩn: Một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, hoặc phản ứng dị ứng. Đặc biệt, các thuốc như pregabalin hoặc duloxetine có thể gây buồn nôn hoặc ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các triệu chứng bất thường.
Lời kết
Việc sử dụng thuốc chống biến chứng tiểu đường là một phần thiết yếu trong chiến lược điều trị tổng thể của bệnh tiểu đường. Bên cạnh việc kiểm soát đường huyết, các loại thuốc này giúp bảo vệ các cơ quan quan trọng, ngăn ngừa tăng nguy cơ tổn thương lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, người bệnh cần có sự phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, tuân thủ các chỉ định điều trị và xây dựng chế độ ăn uống khoa học.
Xem thêm: Thuốc tiểu đường tuýp 2