Tiểu đường thai kỳ là tình trạng xảy ra khi mức đường huyết cơ thể mẹ tăng cao, thường xuất hiện trong giai đoạn mang thai. Vậy tại sao bị tiểu đường thai kỳ? Tình trạng này gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi thế nào? Tìm hiểu ngay qua bài viết bên dưới của Diag.
Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ (Gestational diabetes) là tình trạng mức đường huyết của mẹ tăng cao trong giai đoạn mang thai. Bệnh có xu hướng biến mất sau khi sinh con.
Bệnh xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin – hormone kiểm soát đường huyết – để đáp ứng với nhu cầu. Lúc này, lượng đường trong máu không được vận chuyển đúng cách sẽ tích tụ lại, khiến mức đường huyết tăng cao.
Dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ
Các dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ thường không quá rõ ràng, khó nhận biết vì có thể giống với những thay đổi khi mang thai. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện qua xét nghiệm đo mức đường huyết.
Những dấu hiệu điển hình của tiểu đường thai kỳ gồm:
- Khát nước nhiều hơn bình thường dù đã uống đủ nước. Tình trạng này xảy ra do cơ thể cố gắng loại bỏ lượng đường dư qua nước tiểu gây mất nước.
- Tăng số lần đi tiểu, đặc biệt vào ban đêm do cơ thể loại bỏ đường dư qua nước tiểu.
- Khô miệng.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng do cơ thể không sử dụng đường để cung cấp năng lượng hiệu quả.
- Mờ mắt.
- Ngứa vùng kín, dễ bị nấm.
Xem thêm: Nếu bị tiểu đường thai kỳ thì phải làm sao?
Vì sao bị tiểu đường thai kỳ?
Tình trạng kháng insulin
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tiểu đường thai kỳ là tình trạng cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả, gọi là kháng insulin. Insulin là hormone do tuyến tụy sản xuất, giúp chuyển đường từ máu vào tế bào để cơ thể sử dụng làm năng lượng.
Khi mang thai, cơ thể mẹ sản xuất thêm nhiều hormone như estrogen và progesterone để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, những hormone này cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của insulin. Lúc này, cơ thể mẹ phải sản xuất nhiều insulin hơn để kiểm soát lượng đường trong máu.
Ở một số phụ nữ, tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin để đáp ứng nhu cầu tăng cao này. Khi đó, lượng đường trong máu sẽ tăng lên, dẫn đến tình trạng tiểu đường thai kỳ. Đây là lý do tại sao việc kiểm tra đường huyết định kỳ trong thai kỳ là rất quan trọng để phát hiện sớm và có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Do chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống không lành mạnh cùng lối sống ít vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Nếu thường xuyên ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm chứa tinh bột như bánh mì trắng, cơm và ít bổ sung chất xơ từ rau củ, trái cây hoặc ngũ cốc nguyên hạt, cơ thể cần phải sản xuất nhiều insulin hơn để kiểm soát lượng đường trong máu. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra hiện tượng kháng insulin.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
Do thừa cân, béo phì
Ngoài ra, phụ nữ béo phì, thừa cân trước khi mang thai có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân do lượng mỡ thừa trong cơ thể làm giảm khả năng hoạt động của insuslin. Dẫn đến mức đường huyết tăng cao.
Do lối sống ít vận động
Lối sống ít vận động cũng là một nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ. Nếu không duy trì hoạt động thể chất thường xuyên, cơ thể sẽ khó sử dụng lượng đường trong máu làm năng lượng. Tình trạng này dẫn đến thừa cân và khó kiểm soát đường huyết, gây ra tiểu đường thai kỳ.
Các yếu tố nguy cơ khác
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ gồm:
- Di truyền: Có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ nếu gia đình có tiền sử mắc tiểu đường. Nguyên nhân do yếu tố di truyền ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể.
- Tuổi tác: Phụ nữ mang thai ở độ tuổi từ 25 trở lên, đặc biệt trên 30, có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn. Nguyên nhân do khả năng sử dụng insulin của cơ thể có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.
- Tiền sử mắc tiểu đường thai kỳ: Phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước thì khả năng tái phát trong những thai kỳ sau. Nguy cơ tái phát càng cao ở phụ nữ không kiểm soát bệnh tốt hoặc có các yếu tố nguy cơ như thừa cân sau sinh.
- Sinh con lớn: Phụ nữ từng sinh em bé nặng hơn 4 kg có thể cơ thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết. Trong lần mang thai tiếp theo có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ.
Xét nghiệm tiểu đường chỉ 159k
- Kiểm tra các chỉ số đường huyết và chuẩn đoán tiểu đường.
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Tiểu đường thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu không được kiểm soát tốt. Các biến chứng của tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở mẹ bầu và thai nhi gồm:
Đối với mẹ bầu
Cao huyết áp và tiền sản giật
Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ huyết áp cao và tiền sản giật, một tình trạng nghiêm trọng trong thai kỳ. Tiền sản giật khiến huyết áp của mẹ tăng cao và có thể có protein trong nước tiểu. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây tổn thương gan, thận, hoặc thậm chí dẫn đến đột quỵ.
Tăng nguy cơ sinh mổ
Mức đường huyết trong máu của mẹ tăng cao có thể khiến thai nhi phát triển quá lớn (trên 4 kg), gây ra tình trạng thai nhi thừa cân. Điều này làm tăng nguy cơ sinh khó, buộc mẹ phải sinh mổ để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, việc sinh con lớn cũng có thể gây tổn thương cho mẹ trong quá trình sinh nở, ví dụ như rách tầng sinh môn.
Xem thêm: Bị tiểu đường có sinh mổ được không?
Tiềm ẩn nguy cơ mắc tiểu đường type 2
Phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển thành tiểu đường type 2 sau khi sinh. Điều này đặc biệt xảy ra nếu các yếu tố nguy cơ như cân nặng, chế độ ăn uống hoặc lối sống không được kiểm soát tốt.
Dễ nhiễm trùng
Mức đường huyết tăng cao khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc chống lại vi khuẩn và nấm, dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Những vấn đề nhiễm trùng mẹ bầu có thể gặp phải gồm nhiễm trùng đường tiểu (gây đau, buốt khi đi tiểu), nấm âm đạo (ngứa ngáy, ra khí hư bất thường).
Các vấn đề nhiễm trùng này có thể khiến mẹ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý. Ngoài ra, nếu không điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Biến chứng sang nhiều vấn đề sức khỏe khác
Nếu tiểu đường thai kỳ không được kiểm soát tốt, mẹ bầu có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe lâu dài sau khi sinh. Mức đường huyết cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, như tăng huyết áp, đột quỵ, hoặc nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra đường huyết cao cũng có thể gây tổn thương cho thận, dẫn đến các vấn đề về thận sau này. Hơn nữa, nếu không kiểm soát tốt, tiểu đường còn làm rối loạn chuyển hóa, khiến mẹ dễ mắc các bệnh như béo phì, cholesterol cao, hay các bệnh về mạch máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm?
Đối với thai nhi
Thai nhi thừa cân
Mẹ bầu có mức đường huyết cao thì thai nhi sẽ nhận lượng đường dư thừa qua nhau thai. Điều này khiến bé phát triển nhanh chóng và có cân nặng trên 4 – 5 kg, gây tình trạng thai nhi thừa cân (Macrosomia).
Trong trường hợp này, bé có thể gặp các vấn đề khi sinh như gãy xương vai, chấn thương. Trường hợp cần thiết buộc phải sinh mổ vì cân nặng bé quá lớn, mẹ không có khả năng sinh thường.
Sinh non
Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non trước tuần 37 của thai kỳ. Đối với em bé sinh non có thể gặp các vấn đề liên quan đến hô hấp như khó thở. Hệ miễn dịch của bé cũng sẽ yếu hơn. Trường hợp nặng có thể chậm phát triển về thể chất và trí tuệ so với các bé sinh đủ tháng.
Bị Hội chứng hô hấp cấp tính (RDS)
Em bé sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ tiềm ẩn nguy cơ mắc Hội chứng hô hấp cấp tính (RDS). Nguyên nhân do khi sinh, phổi của bé chưa phát triển hoàn chỉnh gây khó thở. Lúc này, bé cần máy thở hỗ trợ đến khi phổi phát triển hoàn thiện.
Hạ đường huyết sau sinh
Nguyên nhân do bé đã quen với lượng đường huyết cao nhận từ mẹ trong giai đoạn mang thai. Sau khi sinh, bé không nhận lượng đường từ mẹ nữa dẫn đến tình trạng đường huyết máu của bé giảm nhanh chóng. Nếu không can thiệp y tế kịp thời, bé có thể bị co giật hoặc ảnh hưởng đến não bộ.
Vàng da
Em bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ tiềm ẩn nguy cơ bị vàng da sau sinh. Nguyên nhân do cơ thể bé sản xuất quá nhiều hồng cầu để cung cấp đủ oxy. Sau khi chào đời, lượng hồng cầu dư sẽ bị phá vỡ, dẫn đến tình trạng vàng da.
Tiềm ẩn nguy cơ các vấn đề sức khỏe sau này
Mặc dù tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh, nhưng trẻ sơ sinh có nguy cơ cao gặp các vấn đề sức khỏe trong tương lai. Bé có thể gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì khi trưởng thành và có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngoài ra, các vấn đề về tim mạch cũng có thể xuất hiện khi trẻ lớn.
Phương pháp chẩn đoán tiểu đường thai kỳ
Tất cả phụ nữ mang thai nên được sàng lọc tiểu đường thai kỳ từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ, ngay cả khi không có các triệu chứng điển hình.
Nếu mẹ bầu có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, có tiền sử gia đình mắc tiểu đường, hoặc đã từng mắc tiểu đường thai kỳ trong những lần mang thai trước, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra sớm hơn.
Các phương pháp chẩn đoán tiểu đường thai kỳ gồm:
- Xét nghiệm 1 bước: Uống 75g glucose sau đó lấy máu tĩnh mạch đo nồng độ glucose vào 1 giờ, 2 giờ sau khi uống. Thực hiện ở thai phụ không có chẩn đoán tiểu đường trước đó.
- Xét nghiệm 2 bước: Uống 50g glucose và đo lại đường huyết sau đó 1 giờ. Nếu mức Glucose > 130 mg/dL (~7.2 mmol/L) thì uống 100g và đo lại vào mốc sau đó 1, 2 và 3 giờ.
- Tổng phân tích nước tiểu đo nồng độ Glucose nước tiểu, Ketone.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp TSH, FT4, FT3, hoặc T3.
- Đo Cholesterol toàn phần, HDL-Cholesterol, LDL-Cholesterol, và Triglycerides lúc đói.
- Điện tâm đồ.
- Chụp X-quang ngực thẳng.
- Đo nồng độ Creatinine máu, CFR ước đoán.
- Đo SGOT, SGPT Protid máu.
- Xét nghiệm HbA1c định kỳ 3 – 6 tháng/lần.
Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ có hết không?
Phương pháp điều trị tiểu đường thai kỳ
Mục tiêu điều trị tiểu đường thai kỳ cho thai phụ là duy trì mức đường huyết lúc đói < 95 mg/dL, sau 2 giờ ≤ 120 mg/dL. Các phương pháp thường được bác sĩ chỉ định để điều trị tiểu đường thai kỳ gồm:
- Sử dụng insulin khi cần thiết để kiểm soát đường huyết. Chỉ định dùng insulin khi đường huyết không cải thiện qua chế độ ăn uống và tập luyện.
- Dùng thuốc hạ đường huyết Metformin.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Ăn ít đường và tinh bột. Tăng cường rau xanh, chất xơ và protein nạc.
- Chia thành các bữa nhỏ trong ngày để duy trì đường huyết ổn định.
- Tập thể dục nhẹ như đi bộ hoặc yoga giúp kiểm soát đường huyết.
- Theo dõi, quản lý và điều trị các biến chứng như thai khổng lồ, tiền sản giật và các vấn đề thai nhi.
Tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Hiểu được tại sao bị tiểu đường thai kỳ sẽ giúp áp dụng những biện pháp phòng ngừa hiệu quả từ sớm.
Xem thêm: Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối