Tiểu đường, hay đái tháo đường, là tình trạng rối loạn chuyển hóa mãn tính nguy hiểm. Hậu quả của bệnh tiểu đường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Vậy tiểu đường biến chứng như thế nào? Các biến chứng của bệnh tiểu đường là gì? Cùng Diag tìm hiểu bệnh tiểu đường ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể nhé.

1. Biến chứng tim mạch

Xơ vữa động mạch

Mức đường huyết cao có thể dẫn đến xơ vữa động mạch do tổn thương lớp nội mạc của mạch máu. Đây là tình trạng các mảng bám cholesterol và chất béo tích tụ trong thành động mạch, làm hẹp lòng mạch và cản trở dòng máu chảy. Sự xơ vữa này kéo dài sẽ gây nên nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ, và nguy cơ tử vong rất cao nếu không cấp cứu kịp thời.

Xơ vữa động mạch là một hậu quả của bệnh tiểu đường có thể gây đột quỵ.
Xơ vữa động mạch là một hậu quả của bệnh tiểu đường có thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp…

Tăng huyết áp

Bệnh tiểu đường thường đi kèm với tình trạng tăng huyết áp. Lượng đường huyết cao kéo dài làm tổn thương các mạch máu nhỏ, dẫn đến tình trạng huyết áp cao. Biến chứng này có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ tim và suy tim ở người bệnh.

Tổn thương cơ tim

Tổn thương cơ tim là hệ quả trực tiếp do ảnh hưởng của glucose trong máu cao kéo dài. Tình trạng này có thể dẫn đến phì đại cơ tim, suy giảm khả năng co bóp của tim, và suy tim. Bệnh cơ tim ở người tiểu đường thường tiến triển âm thầm. Bệnh có thể không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi đã tiến triển nặng.

Suy tim

Suy tim là một biến chứng của bệnh tiểu đường rất nguy hiểm. Suy tim xảy ra khi tim không còn đủ khả năng bơm máu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Đây là một tình trạng mãn tính và tiến triển, là hệ quả do sự kết hợp của nhiều tố nguy cơ. Trong đó bao gồm: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, và tổn thương cơ tim do đường huyết cao. Suy tim rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.

2. Biến chứng bệnh thận đái tháo đường

Tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận

Thận chịu trách nhiệm lọc máu, loại bỏ chất cặn bã, và cân bằng nước, điện giải trong cơ thể. Để làm được điều này, thận có các mạch máu nhỏ giúp thực hiện quá trình lọc. Tuy nhiên, mức đường huyết cao ở người tiểu đường sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ này. Từ đó dẫn đến những vấn đề đáng chú ý như:

  • Tăng áp lực lọc cầu thận: Lượng glucose trong máu cao làm tăng áp lực cầu thận. Các cầu thận phải hoạt động quá mức, lâu dần bị suy yếu và mất khả năng lọc máu hiệu quả.
  • Rò rỉ protein: Một dấu hiệu sớm của tổn thương thận là sự xuất hiện của protein niệu. Ở người bình thường, protein không lọt qua được màng lọc thận. Nhưng ở người bệnh đái tháo đường, protein bị rò rỉ vào nước tiểu do các mạch máu trong thận bị tổn thương. Điều này báo hiệu rằng thận đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận.
Các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận.

Suy giảm chức năng lọc của thận

Khi bệnh tiến triển, chất thải trong máu không được loại bỏ hiệu quả và tích tụ nhiều trong cơ thể. Lúc này, khả năng lọc của thận bị suy giảm nặng nề. Từ đó dẫn đến sự mất cân bằng lượng nước và rối loạn điện giải trong cơ thể. Người bệnh sẽ bị tích nước gây phù nề, hoặc có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng về tim và cơ bắp do mất cân bằng điện giải.

Suy thận mãn tính

Khả năng suy thận mạn tính là rất cao nếu tình trạng tổn thương thận do tiểu đường không được kiểm soát. Nặng nhất là dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Đây là trạng thái thận không còn khả năng hoạt động. Người bệnh sẽ cần lọc máu hoặc ghép thận để sống sót.

3. Tổn thương mắt

Bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc là biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất của tiểu đường liên quan đến mắt. Nó xảy ra khi các mao mạch trong võng mạc bị tổn thương do đường huyết cao. Khi mao mạch bị tổn thương sẽ gây nên hiện tượng xuất huyết điểm và phù nề võng mạc. Tình trạng tổn thương võng mạc nặng hơn dẫn đến xuất huyết dịch kính và bong võng mạc. Cuối cùng là bị giảm thị lực, nhìn với màu sắc không rõ ràng hoặc hình ảnh biến dạng méo mó.

Đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể là một cấu trúc trong suốt trong mắt giúp tập trung ánh sáng vào võng mạc. Ở bệnh nhân tiểu đường, mức đường huyết cao làm tăng nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể. Thủy tinh thể trở nên mờ đục và ngăn cản ánh sáng truyền vào võng mạc, gây giảm thị lực.

Tăng nhãn áp

Đây là tình trạng áp lực trong mắt tăng cao và gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Tăng nhãn áp kéo dài sẽ dẫn đến mất thị lực dần dần. Người bệnh có thể bị suy giảm thị lực. Trường hợp nặng sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác vĩnh viễn, và không thể phục hồi thị lực.

Tăng nhãn áp kéo dài dẫn đến mất thị lực dần dần
Tăng nhãn áp là một biến chứng tiểu đường, nếu kéo dài dẫn đến mất thị lực dần dần.

4. Tổn thương thần kinh

Bệnh thần kinh ngoại biên

Đây là dạng phổ biến nhất của bệnh thần kinh do tiểu đường. Bệnh ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở tay, chân, và bàn chân, với các triệu chứng như:

  • Tê bì: Mất cảm giác ở tay, chân, và bàn chân, lâu dần có thể làm loét chân. Người bệnh khó cảm nhận được vết thương, bỏng, hoặc các tác động vật lý khác.
  • Ngứa ran và đau: Có cảm giác như kim châm, bỏng rát hoặc điện giật ở chân và tay. Cơn đau này có thể trở nên rất nghiêm trọng vào ban đêm.
  • Yếu cơ: Gặp khó khăn khi đi lại, cầm nắm, hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Nguyên nhân do các dây thần kinh điều khiển vận động bị ảnh hưởng. Yếu cơ cũng làm tăng nguy cơ té ngã và chấn thương.

Bệnh thần kinh tự chủ

Bệnh ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát các chức năng tự động của cơ thể. Trong đó bao gồm hệ tiêu hóa, tim mạch, và các tuyến mồ hôi. Sự xuất hiện của những biến chứng này sẽ gây nên nhiều vấn đề nghiêm trọng như:

  • Liệt dạ dày: Tình trạng dạ dày không thể co bóp bình thường để đẩy thức ăn xuống ruột non. Biến chứng gây khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết do thức ăn không được tiêu hóa đều đặn.
  • Suy dinh dưỡng: Rối loạn thần kinh trong ruột có thể gây ra tiêu chảy kéo dài hoặc táo bón nặng. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng.
  • Nhịp tim bất thường: Tổn thương các dây thần kinh điều khiển nhịp tim gây ra rối loạn nhịp tim. Điều này tăng nguy cơ mắc biến chứng tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim.
  • Mất kiểm soát bàng quang: Người bệnh có thể không kiểm soát được bàng quang, dẫn đến rò rỉ nước tiểu hoặc tiểu khó. Tình trạng này gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

5. Tăng nguy cơ nhiễm trùng

Tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do tác động tiêu cực lên hệ miễn dịch và khả năng hồi phục của cơ thể. Lúc này, các vùng bị thương dễ trở thành mục tiêu của vi khuẩn và nấm.

  • Nhiễm nấm: Đường huyết cao tạo điều kiện thuận lợi để nấm phát triển. Nấm thường tập trung ở các vùng da ẩm ướt như dưới ngực, nách, và vùng kín.
  • Nhiễm trùng da do vi khuẩn: Thường xuất hiện ở chân. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan rộng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Lượng glucose cao trong nước tiểu do đái tháo đường là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho vi khuẩn. Điều này khiến chúng phát triển mạnh mẽ trong hệ tiết niệu. Các triệu chứng thường là tiểu gắt, tiểu buốt, và tiểu ra máu.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Hệ miễn dịch suy yếu do tiểu đường khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh, cúm, và viêm phổi. Điều này cũng tăng nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn so với người không mắc bệnh.
Tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp như bệnh cúm.
Tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp như bệnh cúm, viêm phổi…

6. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Ngoài liệt dạ dày, tiêu chảy, hoặc táo bón mãn tính, người bệnh có thể mắc hội chứng ruột kích thích. Đây là một rối loạn tiêu hóa mãn tính. Sự kết hợp giữa hội chứng này và bệnh tiểu đường sẽ khiến việc quản lý sức khỏe người bệnh trở nên khó khăn hơn. Bởi cả hai tình trạng này đều có thể ảnh hưởng nặng đến chức năng tiêu hóa và đường huyết.

Ngoài ra, tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do suy giảm miễn dịch. Triệu chứng phổ biến thường là tiêu chảy, nôn mửa, và đau bụng.

7. Tăng nguy cơ mắc biến chứng thai sản

Cả mẹ và thai nhi đều có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường. Các biến chứng thai sản có thể xuất phát từ tiểu đường trước khi mang thai hoặc tiểu đường thai kỳ. Trong đó, tiểu đường thai kỳ là một dạng tiểu đường xảy ra trong quá trình mang thai.

  • Nguy cơ đối với mẹ: Tiền sản giật, sảy thai, nhiễm trùng vết thương sau sinh, tăng huyết áp, nguy cơ sinh mổ và mắc tiểu đường tuýp 2 sau sinh.
  • Nguy cơ đối với thai nhi: Dị tật bẩm sinh, sinh non, thai lưu, thai lớn gây chấn thương khi sinh nở, hạ đường huyết sơ sinh, nguy cơ béo phì và tiểu đường tuýp 2 sau này.

8. Hạ đường huyết

Đây là tình trạng cấp tính, là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường. Hạ đường huyết thường xảy ra nhanh chóng và không được nhận biết kịp thời. Khi đường huyết giảm quá thấp (dưới 70 mg/dL) có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tình trạng này có thể gây hôn mê, tổn thương não vĩnh viễn, hoặc tử vong.

Hạ đường huyết rất nguy hiểm, có thể gây hôn mê, tổn thương não vĩnh viễn, hoặc tử vong.
Hạ đường huyết rất nguy hiểm, có thể gây hôn mê, tổn thương não vĩnh viễn, hoặc tử vong.

9. Hôn mê

Hôn mê là biến chứng cấp tính. Tình trạng này nếu không được can thiệp y tế kịp thời sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Các loại hôn mê do đái tháo đường thường là:

  • Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu: Thường gặp ở người mắc tiểu đường type 2, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Biến chứng này rất nguy hiểm khi có thể gây tử vong do mất nước nghiêm trọng, rối loạn điện giải, và suy đa cơ quan.
  • Hôn mê nhiễm toan ceton: Thường xảy ra ở người mắc tiểu đường type 1. Tình trạng nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể phải phân giải mỡ tạo ra ceton để có năng lượng. Biến chứng này sẽ gây phù não, sốc, suy đa cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.
  • Hôn mê nhiễm toan axit lactic: Rất hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng, có thể xảy ra ở người mắc tiểu đường loại 2. Nhiễm toan axit lactic có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt là ở những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.

Lời kết

Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ các thông tin về hậu quả của bệnh tiểu đường. Các biến chứng của bệnh tiểu đường có ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh. Khi cơ thể mắc một trong các biến chứng thì sức khỏe đã suy giảm đáng kể. Điều này báo hiệu cần phải được can thiệp y tế kịp thời để chăm sóc sức khỏe ổn định. Bên cạnh đó, cần thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.