Tiểu đường là một bệnh nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Trên thực tế, bệnh được chia thành 2 dạng gồm: đái tháo đường không phụ thuộc insulin và đái tháo đường phụ thuộc insulin. Vậy tiểu đường không phụ thuộc insulin là gì? Hãy cùng Diag tìm hiểu về sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin nhé.

Tiểu đường không phụ thuộc insulin là gì?

Tiểu đường không phụ thuộc insulin còn được gọi là tiểu đường tuýp 2 hoặc đái tháo đường type 2. Đây là bệnh lý mãn tính liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa đường (glucose) trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả để điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều này dẫn đến mức đường huyết cao và gây nên nhiều vấn đề sức khỏe đáng chú ý.

Đái tháo đường type 2 phát triển qua hai cơ chế chính:

  • Kháng insulin: Insulin là một hormone do tuyến tụy tiết ra có vai trò giúp glucose từ máu đi vào tế bào để cung cấp năng lượng. Khi các tế bào trong cơ thể trở nên “kháng” với tác dụng insulin, chúng sẽ không tiếp nhận được glucose. Từ đó glucose dần tích tụ nhiều trong máu, gọi là tăng đường huyết.
  • Suy giảm chức năng tế bào beta: Tế bào beta ở tuyến tụy có nhiệm vụ sản xuất insulin. Ở người mắc đái tháo đường tuýp 2, các tế bào beta dần suy yếu theo thời gian. Chúng không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Kết quả là dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự kháng insulin và suy giảm chức năng tế bào beta. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ có tác động đến tiến triển của bệnh.

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin có thể là:

  • Người lớn tuổi, đặc biệt là từ 45 tuổi trở lên.
  • Mắc bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường.
  • Phụ nữ mang thai có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ.
  • Tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Chế ăn uống không lành mạnh: ít chất xơ, thường tiêu thụ nhiều đường, đồ ăn nhanh và thức ăn chế biến.
  • Lối sống ít vận động hoặc thể dục thể thao.

Tiểu đường không phụ thuộc insulin là một bệnh phức tạp với nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Tuy nhiên, lối sống kém lành mạnh là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh. Điều này có thể xảy ra kể cả khi không có các yếu tố nguy cơ về bệnh lý liên quan.

Đái tháo đường không phụ thuộc insulin có nguy hiểm không?

Triệu chứng của đái tháo đường type 2 thường phát triển chậm và có thể không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng chính bao gồm:

  • Khát nước quá mức.
  • Khô miệng
  • Đi tiểu nhiều.
  • Mệt mỏi, kiệt sức và suy nhược.
  • Mắt mờ và thị lực kém.
  • Sụt cân bất thường.
  • Dễ nhiễm trùng, kể cả ở những vết thương nhỏ.
  • Vết thương lâu lành hơn bình thường.

Nếu không được kiểm soát tốt, đái tháo đường type 2 có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng này thường xuất phát từ việc kiểm soát đường huyết kém. Từ đó dẫn đến tổn thương các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Thậm chí là gây tử vong ở những trường hợp nghiêm trọng.

Biến chứng về tim mạch:

  • Xơ vữa động mạch: Đái tháo đường sẽ gây tăng huyết áp. Từ đó hình thành các mảng bám trong thành động mạch và gây xơ vữa động mạch. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao.
  • Tổn thương cơ tim: Tình trạng này có thể gây phì đại cơ tim, giảm khả năng co bóp của tim và suy tim.
  • Suy tim: Là hệ quả của nhiều yếu tố như xơ vữa động mạch, tổn thương cơ tim và tăng huyết áp. Suy tim có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Biến chứng về thần kinh:

  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Biểu hiện qua cảm giác tê, đau, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở tay, chân, bàn chân. Điều này làm tăng nguy cơ bị chấn thương mà người bệnh không nhận ra. Các vết thương nếu không chữa trị sớm sẽ gây loét hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Bệnh thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát hệ tiêu hóa, bàng quang và nhiều cơ quan khác. Từ đó gây nên nhiều vấn đề như: tiêu hóa kém, liệt dạ dày, rối loạn chức năng bàng quang, rối loạn nhịp tim…

Biến chứng về thận:

  • Protein niệu: Là hệ quả do các mạch máu trong thận bị tổn thương. Protein sẽ bị rò rỉ ra ngoài qua nước tiểu. Khi xét nghiệm có protein niệu cho thấy thận đang bị tổn thương.
  • Suy thận mạn: Lượng đường trong máu quá cao sẽ tạo áp lực lên thận. Thận phải lọc quá mức và dần suy yếu. Trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến suy thận mãn tính. Lúc này người bệnh có thể phải cần lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Biến chứng về mắt:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường: Làm suy giảm hoặc mất thị lực do mạch máu võng mạc bị tổn thương. Người bệnh không thể nhìn rõ hoặc do hình ảnh bị biến dạng khi nhìn.
  • Đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp: Thị lực bị suy giảm không thể nhìn rõ. Tăng nhãn áp nặng có thể gây tổn thương thần kinh thị giác vĩnh viễn. Cả 2 tình trạng này đều có thể gây mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

Biến chứng về da và nhiễm trùng:

  • Nhiễm trùng da: Tăng đường huyết làm suy giảm miễn dịch. Cơ thể sẽ khó chống lại virus, vi khuẩn và nấm. Điều này dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở da và mô mềm.
  • Loét do tiểu đường: Là hệ quả do sự tổn thương thần kinh và tuần hoàn kém. Các vết thương nhỏ có thể khó lành. Từ đó dễ phát triển thành loét nặng và có nguy cơ phải cắt cụt chi.

Biến chứng về hệ tiêu hóa:

  • Liệt dạ dày: Là tình trạng dạ dày hoạt động kém, không thể đẩy thức ăn xuống ruột một cách bình thường. Liệt dạ dày kéo dài có thể gây suy kiệt và suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
  • Táo bón và tiêu chảy: Người bệnh bị tổn thương dây thần kinh tự chủ kiểm soát ruột. Do đó có thể gặp phải tình trạng táo bón kéo dài hoặc tiêu chảy.

Để hạn chế tối đa các biến chứng, chuyên gia y tế khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra đường huyết và thực hiện lối sống lành mạnh. Đây là những giải pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo sức khỏe ổn định, ngay cả khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin

1. Tiểu đường không phụ thuộc insulin khác gì so với đái tháo đường phụ thuộc insulin?

Tiểu đường tuýp 1 (đái tháo đường phụ thuộc insulin) là bệnh tự miễn. Trong đó, hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào beta của tuyến tụy, làm cơ thể không thể sản xuất insulin. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành trẻ tuổi. Nguyên nhân chính là do yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố khác, như nhiễm virus, để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Còn tiểu đường tuýp 2 (tiểu đường không phụ thuộc insulin) xảy ra khi cơ thể trở nên kháng insulin cùng với sự suy giảm chức năng tuyến tụy. Nguyên nhân gây bệnh còn do nhiều yếu tố nguy cơ tác động như thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động… Bệnh thường gặp ở người trưởng thành trên 45 tuổi. Tuy nhiên, đái tháo đường type 2 đang gia tăng ở người trẻ do lối sống không lành mạnh.

2. Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin nên ăn gì?

Người bệnh tiểu đường tuýp 2 nên ưu tiên các loại thực phẩm sau:

  • Rau củ xanh: cải bó xôi, bông cải xanh…
  • Ngũ cốc nguyên hạt: gạo lứt, yến mạch…
  • Các loại đậu: đậu lăng, đậu xanh…
  • Protein nạc từ động vật: thịt gà không da, các loại cá, trứng.
  • Protein nạc từ thực vật: đậu hũ, đậu nành.
  • Chất béo lành mạnh: dầu oliu, dầu cá, bơ, các loại hạt…
  • Trái cây ít đường: táo, bưởi, cam, dâu tây…

3. Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin không nên ăn gì?

Người bệnh đái tháo đường type 2 không nên ăn các thực phẩm sau:

  • Các loại trái cây ngọt: chuối chín, xoài, sầu riêng…
  • Thực phẩm chứa đường tinh chế và carbohydrate tinh chế: bánh kẹo, đồ ngọt, nước ngọt có ga, đường trắng, bánh mì trắng, gạo trắng và các loại bánh quy, bánh ngọt.
  • Thức ăn chiên rán và chứa nhiều chất béo bão hòa: khoai tây chiên, gà rán, thức ăn nhanh, thịt mỡ, bơ động vật và các sản phẩm từ sữa béo (như phô mai, kem).
  • Thực phẩm giàu muối: Đồ hộp, thịt xông khói, xúc xích, món ăn chế biến sẵn…
  • Rượu bia và đồ uống có cồn.

4. Phòng bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin như thế nào?

Phòng bệnh tiểu đường tuýp 2 tập trung vào việc thay đổi lối sống lành mạnh. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh.

  • Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc và chất béo lành mạnh.
  • Tránh tiêu thụ đường tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh và chất béo bão hòa.
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày 1 tuần.
  • Ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần.
  • Thường xuyên theo dõi đường huyết bằng cách tự đo tại nhà hoặc tại trung tâm y tế.

5. Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin sống được bao nhiêu năm?

Thời gian sống của người bệnh sẽ thay đổi dựa trên nhiều yếu tố. Nếu tiểu đường không được kiểm soát tốt thì tuổi thọ ngắn hơn từ 5 – 10 năm so với người không mắc bệnh. Nếu bệnh được kiểm soát tốt thì tuổi thọ sẽ kéo dài hơn, tương tự như người bình thường.

6. Tiểu đường E11 là gì?

E11 là mã số để chỉ bệnh tiểu đường tuýp 2, được sử dụng trong Bảng phân loại Quốc tế bệnh tật ICD-10. Mã E11 thường sử dụng trong hồ sơ y tế và bảo hiểm để xác định loại tiểu đường của người bệnh.

Trong phân loại ICD-10, tiểu đường tuýp 2 E11 còn được mở rộng thêm các chữ số khác. Các mã này dùng để chỉ rõ các tình trạng và biến chứng liên quan đến tiểu đường tuýp 2 như:

  • E11.2 – Bệnh đái tháo đường type 2 biến chứng thận.
  • E11.3 – Bệnh đái tháo đường type 2 biến chứng mắt.
  • E11.4 – Bệnh đái tháo đường type 2 biến chứng thần kinh.
  • E11.8 – Bệnh đái tháo đường type 2 biến chứng không xác định.

Lời kết

Như vậy bài viết đã chia sẻ đầy đủ về bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Đây là một loại tiểu đường rất nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh. Trên thực tế, bệnh có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp điều trị sớm. Việc tìm hiểu thông tin về bệnh là rất cần thiết, giúp lên phương án quản lý và kiểm soát bệnh hiệu quả.