Chỉ số bao nhiêu là mắc bệnh tiểu đường? Trong bài viết này, hãy cùng Diag tìm hiểu về các kết quả xét nghiệm tiểu đường phổ biến. Hiểu rõ những chỉ số tiểu đường này giúp bạn đưa ra được hướng phòng bệnh phù hợp. Đồng thời chủ động hơn trong việc thăm khám và can thiệp y tế trước khi bệnh tiến triển nặng.
Các chỉ số đo tiểu đường và ý nghĩa của chúng
1. Đường huyết lúc đói
Chỉ số đường huyết lúc đói là mức đường glucose trong máu được đo sau khi đã nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Mục đích của xét nghiệm là nhằm đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết của cơ thể khi không có ảnh hưởng từ thực phẩm. Chỉ số này rất hữu ích trong việc hỗ trợ phát hiện sớm các tình trạng như tiền tiểu đường hoặc tiểu đường type 2.
Chỉ số đường huyết lúc đói có các mức như sau:
- Bình thường: dưới 5.6 mmol/L (100 mg/dL).
- Tiền tiểu đường: từ 5.6 đến 6.9 mmol/L (100 – 125 mg/dL).
- Tiểu đường: từ 7.0 mmol/L (126 mg/dL) trở lên.
2. Đường huyết ngẫu nhiên
Đây là chỉ số đo lường mức đường glucose trong máu vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày mà không cần phải nhịn ăn. Việc kiểm tra chỉ số này thường được thực hiện khi người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ tiểu đường hoặc cần đánh giá nhanh mức đường huyết.
Mức đường huyết ngẫu nhiên chỉ giúp đánh giá tình trạng đường huyết của người bệnh tại thời điểm xét nghiệm. Do đó không được sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường.
Chỉ số đường huyết ngẫu nhiên có các mức như sau:
- Bình thường: dưới 7.8 mmol/L (140 mg/dL).
- Tiểu đường: từ 11.1 mmol/L (200 mg/dL) trở lên.
Cần lưu ý, chỉ có thể xác định một người bị tiểu đường nếu có chỉ số đường huyết ngẫu nhiên từ 11.1 mmol/L trở lên và kèm theo các dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường. Bởi chỉ số này có thể dao động do nhiều yếu tố như căng thẳng hoặc bệnh lý cấp tính. Do đó, bác sĩ thường yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác như đường huyết lúc đói hoặc HbA1c để chẩn đoán chính xác.
3. HbA1c
Đây là chỉ số đo lường mức đường huyết trung bình của người bệnh trong khoảng thời gian 2-3 tháng trước đó. Chỉ số này không bị ảnh hưởng bởi mức đường huyết tạm thời trong ngày, nên sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan hơn về khả năng kiểm soát đường huyết lâu dài.
Xét nghiệm HbA1c thường được thực hiện định kỳ mỗi 3 – 6 tháng để theo dõi tiến trình điều trị và phòng ngừa biến chứng bệnh. Mức độ HbA1c cao cho thấy mức đường huyết của người bệnh tăng cao trong thời gian qua.
Chỉ số HbA1c có các mức như sau:
- Bình thường: dưới 5.7% (39 mmol/mol).
- Tiền tiểu đường: từ 5.7% đến 6.4% (39 – 47 mmol/mol).
- Tiểu đường: từ 6.5% (48 mmol/mol) trở lên.
4. Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Dung nạp glucose đường uống (Oral Glucose Tolerance Test – OGTT) được thực hiện nhằm đánh giá khả năng xử lý glucose của cơ thể. Xét nghiệm thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai để xác định bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, người không mang thai vẫn có thể làm nghiệm pháp này. Thông qua kết quả OGTT, bác sĩ có thể xác định một người đang trong tình trạng tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
Trong xét nghiệm này, người bệnh cần lấy máu vào lúc đói và sau 1 giờ, 2 giờ kể từ lúc uống dung dịch chứa 75g glucose. Kết quả của OGTT thường được phân loại theo mức đường huyết đo vào lúc đói và sau 2 giờ uống glucose.
Chỉ số bình thường:
- Nồng độ glucose lúc đói: dưới 5.6 mmol/L (100 mg/dL).
- Nồng độ glucose sau 2 giờ: dưới 7.8 mmol/L (140 mg/dL).
Chỉ số tiền tiểu đường:
- Nồng độ glucose lúc đói: từ 5.6 đến 6.9 mmol/L (100 – 125 mg/dL).
- Nồng độ glucose sau 2 giờ: từ 7.8 đến 11.0 mmol/L (140 – 199 mg/dL).
Chỉ số chỉ ra bệnh tiểu đường:
- Nồng độ glucose lúc đói: từ 7.0 mmol/L (126 mg/dL) trở lên.
- Nồng độ glucose sau 2 giờ: từ 11.1 mmol/L (200 mg/dL) trở lên.
Tiểu đường type 1 chỉ số bao nhiêu?
Tiểu đường type 1 là một dạng bệnh tiểu đường khi cơ thể không sản xuất insulin hoặc sản xuất rất ít. Điều này dẫn đến mức đường huyết cao. Bệnh cần được chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện của các triệu chứng và kết quả đường huyết.
- Đường huyết lúc đói: từ 7.0 mmol/L (126 mg/dL) trở lên.
- Đường huyết ngẫu nhiên: từ 11.1 mmol/L (200 mg/dL) trở lên.
- HbA1c: từ 6.5% (48 mmol/mol) trở lên.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống sau 2 giờ: từ 11.1 mmol/L (200 mg/dL) trở lên.
Chỉ số tiểu đường bao nhiêu thì phải uống thuốc?
Việc sử dụng thuốc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng kiểm soát đường huyết của người bệnh. Trong một số trường hợp thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc insulin khi việc thay đổi lối sống không thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả.
-
Đái tháo đường type 1: Cần tiêm insulin khi đường huyết lúc đói ≥ 7.0 mmol/L hoặc đường huyết sau 2 giờ ≥ 11.1 mmol/L.
-
Đái tháo đường type 2: Cần uống thuốc khi đường huyết lúc đói ≥ 7.0 mmol/L hoặc đường huyết sau 2 giờ ≥ 11.1 mmol/L. Nếu bA1c ≥ 6.5% thì bác sĩ sẽ xem xét sử dụng thuốc hoặc insulin.
Lời kết
Như vậy bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về các chỉ số tiểu đường. Việc hiểu rõ các chỉ số này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về sức khỏe của mình và có hướng phòng ngừa phù hợp.