Các nhóm thuốc tiểu đường có nhiều loại khác nhau và có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh, giảm biến chứng và cải thiện sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo hiệu quả. Cùng Diag tìm hiểu về các nhóm thuốc, cùng các ưu nhược điểm của từng nhóm.
Tổng quan về bệnh tiểu đường
Tiểu đường, hay còn được gọi là đái tháo đường, là một bệnh mạn tính ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose bên trong cơ thể. Insulin, hormone do tuyến tụy tiết ra, giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, đường huyết sẽ tăng cao dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: tổn thương mắt, thận, thần kinh, và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 là một bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta ở tuyến tụy – nơi sản xuất insulin. Bệnh thường xuất hiện từ nhỏ hoặc trong tuổi thanh thiếu niên.
Tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường tuýp 2 chiếm đa số các ca mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu. Cơ thể người bệnh trở nên kháng insulin, khiến glucose không được sử dụng hiệu quả, dẫn đến tích tụ glucose trong máu. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường liên quan đến lối sống thiếu vận động, thừa cân, và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường huyết tăng cao trong quá trình mang thai và thường xảy ra vào khoảng tuần 24 – 28 của thai kỳ. Nếu không được kiểm soát tốt, tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai cho trẻ khi sinh ra.
Xem thêm: Bệnh tiểu đường có trị hết không?
Các nhóm thuốc điều trị tiểu đường hiện nay
Việc lựa chọn thuốc điều trị tiểu đường dựa trên tình trạng bệnh của từng bệnh nhân và loại tiểu đường mắc phải (tuýp 1, tuýp 2 hay tiểu đường thai kỳ). Dưới đây là các nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị tiểu đường hiện nay.
Nhóm thuốc tăng tiết insulin
Nhóm thuốc này có tác dụng kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Insulin do tuyến tụy tiết ra giúp các tế bào cơ thể hấp thu glucose từ máu, từ đó giảm mức đường huyết.
- Meglitinides:Các loại thuốc thuộc nhóm này như Repaglinide và Nateglinide, có tác dụng kích thích tiết insulin nhanh và ngắn hạn ngay sau khi ăn. Thuốc có hiệu quả nhanh trong việc kích thích tiết insulin nhưng có nguy cơ hạ đường huyết và tăng cân.
- Sulfonylureas: Đây là nhóm thuốc quen thuộc trong điều trị tiểu đường tuýp 2, bao gồm các loại như Glimepiride, Glipizide, và Glibenclamide. Chúng hoạt động bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất insulin liên tục.
Thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4)
Nhóm thuốc này có khả năng ức chế enzyme DPP-4, một loại enzyme phá hủy các hormone incretin. Hormone incretin, đặc biệt là GLP-1, giúp kích thích sản xuất insulin khi đường huyết cao và ức chế tiết glucagon – hormone làm tăng đường huyết.
Một số loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Sitagliptin (Januvia), Saxagliptin (Onglyza), và Linagliptin (Tradjenta).
Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1
Các loại thuốc thuốc nhóm này gồm: Exenatide (Byetta, Bydureon) và Liraglutide (Victoza).
Nhóm thuốc này hoạt động tương tự hormone incretin GLP-1 bên trong cơ thể, kích thích tuyến tụy tiết insulin khi đường huyết cao và ức chế tiết glucagon. Bên cạnh đó thuốc còn làm chậm quá trình tiêu hóa trong dạ dày, giúp kiểm soát đường huyết sau ăn.
Thuốc làm tăng độ nhạy cảm insulin
Nhóm thuốc này giúp tăng khả năng sử dụng insulin của các tế bào trong cơ thể, từ đó làm giảm tình trạng kháng insulin – một trong những nguyên nhân chính gây ra tiểu đường tuýp 2.
1. Metformin
Metformin là loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị tiểu đường tuýp 2. Thuốc này hoạt động bằng cách ức chế sản xuất glucose tại gan và cải thiện độ nhạy cảm của các tế bào với insulin.
Một số tên thương mại phổ biến của metformin gồm có: Glucophage, Fortamet, và Riomet.
2. Thiazolidinedione
Nhóm này bao gồm các loại thuốc như Pioglitazone và Rosiglitazone.
Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách tăng độ nhạy cảm của các tế bào với insulin tại các mô cơ, mỡ và gan. Thuốc này không gây hạ đường huyết và phù hợp với bệnh nhân có tình trạng kháng insulin cao.
Nhóm thuốc làm chậm quá trình hấp thu chất béo, glucose từ ruột
Một số loại thuốc ức chế men alpha-glucosidase thuộc nhóm thuốc này gồm có: Acarbose (Precose) và Miglitol (Glyset).
Nhóm thuốc ức chế men có thể giúp làm chậm quá trình phân giải carbohydrate thành glucose tại ruột non. Điều này giúp làm giảm lượng đường huyết sau bữa ăn.
Nhóm thuốc ức chế SGLT2
Nhóm thuốc ức chế SGLT2 ngăn cản quá trình tái hấp thu glucose tại thận, từ đó loại bỏ glucose qua nước tiểu. Điều này giúp làm giảm lượng đường huyết mà không phụ thuộc vào insulin.
Các loại thuốc phổ biến trong nhóm này bao gồm Dapagliflozin (Farxiga), Canagliflozin (Invokana) và Empagliflozin (Jardiance).
Insulin được coi là phương pháp điều trị chủ đạo cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, và cũng được sử dụng ở nhiều bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 khi các biện pháp điều trị bằng thuốc uống không còn hiệu quả. Tuy nhiên khi sử dụng insulin, người bệnh cần được theo dõi sát sao liều lượng, vì việc dùng sai có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng.
Hiện nay có nhiều dạng Insulin khác nhau gồm insulin tác dụng nhanh (như Insulin Lispro, Aspart) và insulin tác dụng kéo dài (như Insulin Glargine, Detemir).
Các loại thuốc khác
Một số loại thuốc khác có thể được sử dụng trong điều trị tiểu đường như:
- Pramlintide (Symlin) có thể được sử dụng cùng với insulin để kiểm soát đường huyết sau ăn
- Colesevelam (Welchol) có thể giúp giảm mức cholesterol trong máu và kiểm soát đường huyết ở người tiểu đường tuýp 2.
Ưu, nhược điểm của nhóm thuốc tiểu đường
Mỗi nhóm thuốc điều trị tiểu đường có ưu và nhược điểm riêng, và cần được đánh giá cẩn thận dựa trên tình trạng sức khỏe và yêu cầu điều trị của bệnh nhân:
Meglitinides
- Ưu điểm: thuốc giúp kiểm soát lượng đường huyết nhanh chóng sau bữa ăn.
- Nhược điểm: là phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày (mỗi bữa ăn đều cần uống thuốc) và có nguy cơ gây hạ đường huyết nếu bữa ăn không đủ carbohydrate hoặc dùng sai liều lượng.
Sulfonylureas
- Ưu điểm: hiệu quả trong việc làm giảm đường huyết nhanh chóng.
- Nhược điểm: có thể gây hạ đường huyết quá mức, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc người có chức năng thận kém. Ngoài ra, việc sử dụng nhóm thuốc này cũng có thể dẫn đến tăng cân, do insulin làm tăng lưu trữ chất béo trong cơ thể.
Thuốc ức chế men Dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4)
- Ưu điểm: có khả năng kiểm soát đường huyết ổn định mà không gây ra hạ đường huyết quá mức. Thuốc này phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi.
- Nhược điểm: nhóm thuốc có chi phí điều trị khá cao và có thể gây các tác dụng phụ như viêm họng, viêm mũi, đau đầu hoặc buồn nôn nhẹ.
Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1
- Ưu điểm: có khả năng kiểm soát đường huyết sau bữa ăn và góp phần giúp bệnh nhân giảm cân – yếu tố rất quan trọng đối với người mắc tiểu đường tuýp 2.
- Nhược điểm: do thuốc thường được tiêm dưới da nên gây phiền phức cho một số bệnh nhân, và có thể gây buồn nôn hoặc rối loạn tiêu hóa ở giai đoạn đầu sử dụng.
Metformin
- Ưu điểm của Metformin là hiệu quả cao, giá thành thấp và ít nguy cơ gây hạ đường huyết. Đặc biệt, thuốc này còn giúp kiểm soát cân nặng, do không gây tích tụ chất béo như một số loại thuốc khác.
- Nhược điểm: người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa, đặc biệt khi mới bắt đầu sử dụng. Để hạn chế tác dụng phụ, bác sĩ thường khuyên người bệnh bắt đầu dùng với liều thấp và tăng dần.
Thiazolidinedione
- Ưu điểm: Thuốc không gây hạ đường huyết và phù hợp với bệnh nhân có tình trạng kháng insulin cao.
- Nhược điểm: có thể gây tăng cân do giữ nước và tăng tích tụ mỡ trong cơ thể. Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài có thể gây các vấn đề về tim mạch hoặc tăng nguy cơ loãng xương.
Thuốc ức chế men alpha-glucosidase
- Ưu điểm: kiểm soát tốt đường huyết sau khi ăn mà không gây hạ đường huyết quá mức.
- Nhược điểm: do thuốc tác động lên hệ tiêu hóa nên có thể gây đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy và khó tiêu, làm giảm sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Nhóm thuốc ức chế SGLT2
- Ưu điểm: ngoài việc giảm đường huyết, chúng còn có lợi ích trong việc bảo vệ thận và tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người tiểu đường.
- Nhược điểm: tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu và nhiễm trùng nấm men ở vùng sinh dục do đường trong nước tiểu tăng cao, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Xem thêm: Tác dụng phụ của thuốc tiểu đường
Tổng kết
Qua các thông tin trên, có thể thấy có rất nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, và các nhóm thuốc tiểu đường sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau. Mọi người cần lưu ý rằng quá trình lựa chọn, điều trị bằng thuốc phải được bác sĩ theo dõi, điều chỉnh dựa trên đáp ứng của cơ thể và tình trạng lâm sàng. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và theo dõi thường xuyên giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, phòng ngừa biến chứng, và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Xem thêm: Cách trị bệnh tiểu đường giai đoạn đầu