Bàn chân đái tháo đường là một trong những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải ở người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh lý này có thể gây ra những tổn thương khó lành ở chân, thậm chí có nguy cơ phải cắt bỏ chi nếu không được điều trị kịp thời. Diag sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường qua bài viết.
Bàn chân đái tháo đường là gì?
Bàn chân tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường lâu năm hoặc khi đường huyết không được kiểm soát. Biến chứng có thể dẫn đến các vấn đề ở chân như nhiễm nấm, hình thành các vết chai, xuất hiện bọng nước, móng chân lệch, móng mọc ngược, viêm loét bàn chân, phù chân,…Trong nhiều trường hợp biến chứng nặng, người bệnh phải cắt cụt chân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân dẫn đến biến chứng tiểu đường ở chân
Nguyên nhân chính gây ra bàn chân đái tháo đường bao gồm tổn thương dây thần kinh, lưu thông máu kém và sự tác động của các yếu tố sinh lý và thói quen sống thiếu lành mạnh.
Tổn thương dây thần kinh
Tình trạng này còn được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên, xảy ra do đường huyết cao kéo dài làm suy yếu các dây thần kinh, đặc biệt là ở các chi dưới. Khi hệ thần kinh bị tổn thương, người bệnh dần mất khả năng cảm nhận các kích thích như đau, nhiệt độ và áp lực.
Theo đó, ngay cả khi bàn chân gặp phải các vết thương nhỏ, vết trầy xước hay phồng rộp, người bệnh thường không nhận ra. Người bệnh mất cảm giác dẫn đến việc không xử lý kịp thời những tổn thương ban đầu, tạo điều kiện cho vết thương trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến loét bàn chân tiểu đường và nhiễm trùng mà không hề có dấu hiệu báo trước.
Để hạn chế tình trạng này, việc kiểm tra đường huyết vô cùng quan trọng. Người bệnh tiểu đường nên theo dõi đường huyết thường xuyên, nhất là trước và sau khi ăn, trước khi ngủ, sau khi vận động, khi có triệu chứng hạ hoặc tăng đường huyết,…Bên cạnh việc kiểm tra tại nhà, bệnh nhân nên xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở y tế để được đánh giá toàn diện về tình trạng bệnh lý và hướng dẫn kiểm soát bệnh phù hợp.
Trung tâm y khoa Diag là một trong những đơn vị hàng đầu chuyên cung cấp dịch vụ xét nghiệm đường huyết nói riêng và tiểu đường nói chung. Trung tâm được trang bị trang thiết bị hiện đại cho kết quả nhanh chóng, chuẩn xác. Hiện, Diag có hơn 35 chi nhánh khắp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác, bạn có thể đến bất kỳ chi nhánh nào để được tư vấn và xét nghiệm.
Lưu thông máu kém
Lưu thông máu kém là một yếu tố quan trọng khác trong việc hình thành bàn chân tiểu đường. Đái tháo đường làm xơ cứng, tổn thương mạch máu do hẹp các động mạch ngoại biên, từ đó làm giảm lượng máu cung cấp đến bàn chân và các chi. Khi máu lưu thông kém, quá trình cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết cho việc tái tạo mô và chữa lành vết thương bị suy giảm nghiêm trọng làm cho các vết thương dù nhỏ cũng mất rất nhiều thời gian để lành và dễ bị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường.
Lưu thông máu kém cũng làm suy yếu khả năng miễn dịch tại chỗ, khiến nguy cơ loét trở thành nhiễm trùng sâu, có thể dẫn đến hoại tử và nguy cơ phải cắt bỏ chi nếu không được điều trị kịp thời.
Các yếu tố khác
Một số yếu tố liên quan đến lối sống và sinh lý cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn:
- Không chăm sóc vệ sinh bàn chân đúng cách: Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.
- Thói quen đi chân trần: Thói quen này khiến người bệnh dễ giẫm đạp lên dị vật mà không nhận biết do mất cảm giác, gây tổn thương.
- Cắt móng chân và da không đúng cách: Vấn đề này gây tổn thương ngón chân, tạo điều kiện cho nhiễm trùng.
- Mang giày dép không phù hợp: Giày dép quá chật hoặc cứng dễ gây cọ sát, tạo ra vết loét hoặc tổn thương da.
- Can thiệp không an toàn: Người bệnh bôi dầu nóng, ngâm nước nóng hoặc sử dụng thiết bị nhiệt để giảm đau có thể gây bỏng hoặc làm trầm trọng thêm tổn thương.
- Thói quen hút thuốc lá: Việc hút thuốc lá có thể gây hẹp mạch máu, làm giảm lưu thông máu đến chân và kéo dài thời gian lành vết thương.
- Thừa cân, béo phì: Tình trạng này tạo áp lực lớn lên bàn chân, tăng nguy cơ loét.
- Suy giảm sức đề kháng và miễn dịch: Hệ miễn dịch suy yếu làm chậm quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Dấu hiệu biến chứng tiểu đường ở chân là gì?
Các triệu chứng của bàn chân đái tháo đường thường xuất hiện âm thầm và khó nhận biết, chẳng hạn:
- Mất cảm giác ở bàn chân: Người bệnh có thể cảm thấy tê bì, kim châm hoặc không nhận biết được đau khi có vết thương.
- Thay đổi màu sắc da: Da ở bàn chân có thể trở nên khô, nứt nẻ, có màu sắc bất thường như sậm hơn hoặc xuất hiện các vết loét khó lành.
- Loét và nhiễm trùng: Các vết loét trên bàn chân không lành hoặc nhiễm trùng có thể lan rộng và gây hoại tử, cần phải can thiệp y tế ngay lập tức.
- Đau, sưng đỏ, chảy dịch: Nếu người bệnh tiểu đường bị đau chân, sưng đỏ, xuất hiện dịch cho thấy nguy cơ nhiễm trùng cao.
Chẩn đoán biến chứng bàn chân tiểu đường
Tầm soát biến chứng bàn chân đái tháo đường là giải pháp giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe ở bàn chân của người bệnh tiểu đường để điều trị bàn chân đái tháo đường kịp thời và ngăn ngừa biến chứng. Quá trình thăm khám gồm:
- Ghi nhận thông tin: Bác sĩ sẽ ghi nhận các thông tin liên quan đến tiền sử bệnh lý, các triệu chứng bệnh, các loại thuốc kháng sinh đang sử dụng, kiểm tra loại giày, dép đang mang,…
- Khám da: Bác sĩ sẽ khám da bàn chân, móng chân để phát hiện tình trạng khô, nứt nẻ, vết chai, bọng nước, loét, nhiễm nấm,…Bệnh nhân sẽ nhắm mắt và cho biết khi cảm nhận được sợi nylon chạm vào chân.
- Kiểm tra thần kinh:
- Kiểm tra monofilament: Bác sĩ sử dụng sợi nylon mềm (monofilament) để chạm vào các điểm khác nhau trên bàn chân. Bệnh nhân nhắm mắt và cho biết khi cảm nhận được sự tiếp xúc giúp kiểm tra mức độ nhạy cảm của bàn chân.
- Kiểm tra ngưỡng cảm nhận rung: Bác sĩ dùng một chiếc âm thoa hoặc thiết bị rung để kiểm tra khả năng cảm nhận rung của bệnh nhân tại các vị trí khác nhau trên bàn chân.
- Phản xạ mắt cá chân: Bác sĩ gõ nhẹ vào gân Achilles của bệnh nhân để kiểm tra phản xạ. Mất phản xạ có thể chỉ ra tổn thương thần kinh.
- Kiểm tra kim châm: Bác sĩ sử dụng một kim nhỏ để nhẹ nhàng chạm vào ngón chân cái, kiểm tra xem bệnh nhân có cảm giác hay không.
- Kiểm tra xương: Bệnh nhân được tiến hành kiểm tra hình dạng của các ngón chân, tìm kiếm các vấn đề như ngón chân bị cong, chồng chéo, viêm xương…Những biến dạng này có thể gây áp lực lên da và làm tăng nguy cơ loét.
- Kiểm tra mạch máu: Bác sĩ có thể kiểm tra mạch máu ở bàn chân và mắt cá chân để đảm bảo máu được lưu thông tốt. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ so sánh huyết áp ở mắt cá và cánh tay (Ankle-brachial index) để xác định sự suy giảm tuần hoàn nếu có.
Biện pháp điều trị và phòng ngừa bàn chân tiểu đường
Việc điều trị các bệnh lý liên quan đến bàn chân do đái tháo đường phụ thuộc vào từng loại vấn đề và cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân không nên tự điều trị tại nhà để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, bệnh nhân cần nhập viện điều trị chuyên sâu. Nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng và không thể kiểm soát, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ chi để tránh lan sang các phần khác.
Cách tốt nhất để bảo vệ đôi chân của bạn là kiểm soát đường huyết hàng ngày. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tổn thương dây thần kinh và mạch máu trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những giải pháp giúp hạn chế biến tiểu đường ở chân:
- Kiểm tra chân hàng ngày: Người bệnh nên chú ý đến các vết cắt, đỏ da và những thay đổi khác trên da và móng chân như mụn cóc hoặc các vết thương có thể bị giày cọ xát để kịp thời xử lý.
- Vệ sinh chân mỗi ngày: Bệnh nhân nên sử dụng nước ấm và xà phòng để vệ sinh chân, tránh ngâm chân vì có thể làm khô da. Sau khi rửa, bạn có thể dùng bột ngô để rắc giữa các ngón chân, giúp thấm hút độ ẩm và ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu sử dụng kem dưỡng, hãy tránh bôi ở giữa các ngón chân.
- Mang giày, tất hoặc dép phù hợp: Điều này sẽ giúp bảo vệ chân của bạn khi đi lại. Bạn không nên đi chân trần, ngay cả khi ở trong nhà.
- Bảo vệ chân khỏi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp: Bạn nên sử dụng kem chống nắng cho các vùng da tiếp xúc với ánh nắng và không đi chân trần ở bãi biển. Vào mùa lạnh, hãy mang tất ấm thay vì sưởi ấm chân gần lò sưởi.
- Duy trì lưu thông máu tốt cho chân: Khi ngồi, bạn hãy đặt chân lên cao và cử động các ngón chân và xoay bàn chân thường xuyên giúp máu lưu thông tốt hơn.
- Kiểm tra chân định kỳ: Bệnh nhân cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và nhờ bác sĩ kiểm tra chân của mình. Việc này giúp phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn và bảo vệ sức khỏe của đôi chân.
Lời kết
Bàn chân đái tháo đường là một biến chứng nguy hiểm và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, việc phòng ngừa đúng cách có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng. Người bệnh nên duy trì kiểm soát đường huyết chặt chẽ, chăm sóc bàn chân hàng ngày và thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.