Tiểu đường là một bệnh lý liên quan đến glucose máu và hormone insulin. Khi insulin giảm thấp nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm toan ceton. Vậy nhiễm toan ceton là gì? Cùng Diag tìm hiểu về nhiễm toan ceton do tiểu đường, các tiêu chuẩn chẩn đoán, và cách điều trị bệnh.

Nhiễm toan ceton là gì?

Nhiễm toan ceton (Diabetic Ketoacidosis – DKA) là tình trạng rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt insulin trầm trọng, được biết đến là một biến chứng của bệnh tiểu đường. Khi insulin không đủ, tế bào không thể sử dụng glucose để tạo năng lượng. Thay vào đó, cơ thể phân giải chất béo chất béo để tạo năng lượng và tạo ra các sản phẩm phụ gọi là thể ceton. Các thể ceton này tích tụ trong máu, gây ra sự gia tăng tính axit của máu (nhiễm toan).

Cơ chế nhiễm toan ceton do tiểu đường

Cơ chế nhiễm toan diễn ra khi có tình trạng thiếu insulin nghiêm trọng. Khi cơ thể không có đủ insulin, glucose không thể đi vào tế bào để được sử dụng làm năng lượng. Điều này dẫn đến đường huyết tăng cao và kích thích gan sản xuất glucose qua quá trình tân tạo đường, làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Cùng lúc đó, sự thiếu hụt insulin cũng làm tăng các hormone đối kháng, chẳng hạn như glucagon, cortisol và epinephrine. Đây là những hormone kích thích phân giải glycogen và tân tạo đường mời, đồng thời làm giảm khả năng hấp thu glucose ở cơ bắp và mô mỡ. Từ đó góp phần làm tăng đường huyết và các thể ceton trong máu.

Khi không có đủ năng lượng từ glucose, cơ thể chuyển sang phân hủy mỡ (triglyceride) trong mô mỡ. Kết quả là axit béo tự do và glycerol được giải phóng vào máu. Glycerol tham gia tân tạo đường, trong khi axit béo được chuyển hóa ở gan.

Lúc này sẽ diễn ra quá trình chuyển hóa các chất ở gan. Tại gan, axit béo tự do trải qua beta-oxidation tạo acetyl-CoA. Tuy nhiên, do chu trình Krebs bị hạn chế bởi thiếu oxaloacetate (vì cơ thể đang ưu tiên dùng cho tân tạo đường), acetyl-CoA không được chuyển hóa hoàn toàn mà hình thành các thể ceton như acetoacetate, beta-hydroxybutyrate và acetone.

Khi thể ceton được tạo ra quá nhiều thì chúng sẽ tích tụ lại trong máu. Vì có tính axit nên các thể ceton sẽ làm giảm độ pH của máu, gây nên nhiễm toan chuyển hóa. Triệu chứng đặc trưng nhất của tình trạng này là hơi thở có mùi trái cây, khi thể ceton được đào thải qua hơi thở.

Cơ chế nhiễm toan ceton diễn ra khi có tình trạng thiếu insulin nghiêm trọng, hệ quả là hơi thở có mùi trái cây.
Cơ chế nhiễm toan ceton diễn ra khi có tình trạng thiếu insulin nghiêm trọng, hệ quả là hơi thở có mùi trái cây.

Nguyên nhân gây nhiễm toan ceton

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân chủ yếu của nhiễm toan ceton. Trong đái tháo đường, người bệnh thường bị suy giảm khả năng chuyển hóa glucose trong máu cũng như có sự kháng insulin. Hai tình trạng này thường đi cùng với nhau, nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự thiếu hụt insulin trầm trọng, gây nên nhiễm toan ceton.

Hơn nữa, người bệnh đái tháo đường type 1 cũng dễ đối mặt với nhiễm toan ceton, nếu không được cung cấp đủ insulin. Trong bệnh lý này, tuyến tụy không thể sản xuất insulin do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tế bào beta của tuyến tụy. Nếu bệnh nhân quên liệu, ngừng tiêm hoặc dùng không đúng liều insulin sẽ khiến tế bào không thể sử dụng glucose đúng cách. Lúc này cơ thể chuyển sang phân hủy chất béo để tạo năng lượng, dẫn đến sản xuất quá nhiều thể ceton.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến nhiễm toan ceton như:

  • Nhiễm trùng: Khi xảy ra nhiễm trùng thì cơ thể tăng tiết hormone đối kháng insulin nhằm đối phó với tình trạng stress. Từ đó làm tăng đường huyết và sự phân giải mỡ, thúc đẩy sự hình thành thể ceton. Chẳng hạn như trong viêm phổi hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Stress chuyển hóa: Chấn thương hoặc phẫu thuật lớn làm tăng nồng độ hormone đối kháng, làm giảm tác dụng của insulin. Lúc này cơ thể cần nhiều năng lượng hơn nhưng không thể sử dụng glucose hiệu quả, dẫn đến tích tụ thể ceton.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Bao gồm corticosteroid, thuốc lợi tiểu và thuốc loạn thần. Các loại thuốc này ảnh hưởng đến sự cân bằng insulin và glucose, tạo điều kiện cho sự tích tụ thể ceton.
  • Mất nước: Khả năng đào thải glucose và thể ceton qua nước tiểu bị giảm khi cơ thể mất nước, như do nôn mửa, lợi tiểu hoặc thiếu nước uống. Từ đó dẫn đến tích tụ nhiều thể ceton trong máu. Nếu mất nước nghiêm trọng sẽ làm giảm khả năng kiểm soát pH máu, khiến cơ thể bị nhiễm toan nhanh hơn.

Triệu chứng nhiễm toan ceton

Hơi thở mùi trái cây: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất, có mùi như trái cây chín hoặc sơn móng tay. Đây là dấu hiệu của một thể ceton là acetone được cơ thể đào thải qua hơi thở.

Khát nước nhiều và tiểu nhiều (Lợi tiểu thẩm thấu): Thận cố gắng loại bỏ glucose qua nước tiểu khi mức đường huyết tăng cao. Trong quá trình loại bỏ, glucose kéo theo nước và dẫn đến tình trạng tiểu nhiều. Đồng thời, việc mất nước này cũng làm cho người bệnh có cảm giác khát liên tục.

Mệt mỏi và suy nhược: Cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo năng lượng do thiếu insulin. Do đó năng lượng sẽ được tạo ra từ chất béo thay vì glucose, khiến cơ thể nhanh chóng mệt mỏi và kiệt sức.

Buồn nôn và nôn mửa: Nhiễm toan ceton có ảnh hưởng đến tiêu hóa. Các cơ quan trong hệ tiêu hóa phản ứng bằng cách co bóp mạnh, dẫn đến buồn nôn và nôn ói.

Lú lẫn và lơ mơ: Triệu chứng này xảy ra khi não không nhận đủ glucose và mất cân bằng điện giải trở nên nghiêm trọng. Người bệnh có thể mất phương hướng và lơ mơ.

Thở nhanh và sâu (thở Kussmaul): Khi máu trở nên quá axit, cơ thể cố gắng cân bằng pH bằng cách thải bớt CO₂ qua phổi. Điều này dẫn đến các triệu chứng thở sâu, chậm và nhanh.

Người bị nhiễm toan ceton thường có biểu hiện thở Kussmaul.
Người bị nhiễm toan ceton thường có biểu hiện thở Kussmaul.

Hệ quả của nhiễm toan ceton đến sức khỏe người bệnh

Nhiễm toan ceton ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do rối loạn chuyển hóa và mất cân bằng nội môi.

Tình trạng đường huyết tăng cao và tích tụ thể ceton dẫn đến mất nước nặng do lợi tiểu thẩm thấu, làm giảm thể tích tuần hoàn và gây sốc. Điều này khiến các cơ quan quan trọng như thận, tim và não thiếu máu và oxy cần thiết để duy trì hoạt động.

Sự mất cân bằng điện giải (như kali, natri) gây rối loạn chức năng tim mạch, bao gồm loạn nhịp tim và suy tim. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng này có thể dẫn đến ngừng tim nếu không được xử lý kịp thời. Đồng thời, giảm kali còn ảnh hưởng đến hoạt động cơ bắp, gây ra yếu cơ hoặc tê liệt.

Hơn nữa, nhiễm toan kéo dài còn gây suy giảm chức năng thần kinh, dẫn đến lú lẫn, co giật và hôn mê. Tình trạng thiếu glucose và rối loạn điện giải trong thời gian dài cũng gây tổn thương não, từ đó dẫn đến nhiều di chứng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng này có thể gây tử vong.

Tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm toan do tiểu đường

Chẩn đoán nhiễm toan ceton do đái tháo đường được áp dụng dựa trên các tiêu chuẩn từ WHO và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA). Đây là các tiêu chuẩn quan trọng đã được áp dụng trong các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tại Việt Nam theo. Cụ thể là tại Quyết định số 5481/QĐ-BYT của Bộ Y Tế về “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2.”

Các tiêu chuẩn theo chẩn đoán nhiễm toan ceton theo Quyết định số 5481/QĐ-BYT như sau.

Trường hợp tiểu đường có nhiễm toan ceton

  • Tăng đường huyết trong khoảng 350 – 500mg/dL (19,5 – 28,0 mmol/L), một số trường hợp có thể chỉ tăng nhẹ.
  • Toan chuyển hóa có tăng khoảng trống anion.
  • Tăng ceton máu.

Trường hợp tăng đường huyết có tăng áp lực thẩm thấu

  • Đường huyết tăng cao trên 600mg/dL (33.3 mmol/L).
  • Tăng áp lực thẩm thấu > 320 mosmol/kg.
  • Khí máu với độ pH > 7.3 và bicarbonate máu > 20 mEq/L.
  • Ceton máu có thể tăng nhẹ.

Trường hợp tiểu đường có nhiễm toan lactic

  • Lactate máu ≥ 5 mmol/L (4 mEq/L), ngay cả khi không có nhiễm toan rõ.
  • Khí máu với độ pH < 7.35 và bicarbonate < 10 mmol/L.
  • Khoảng trống anion > 16 mEq/L.
  • Nồng độ metformin trong máu có thể cao.

Xét nghiệm liên quan đến bệnh mãn tính chỉ 137k

  • Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
  • Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
  • Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.

GỌI LẠI CHO TÔI

Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút

Điều trị nhiễm toan ceton do tiểu đường

Điều trị nhiễm toan ceton tập trung vào ba mục tiêu chính: bù nước và phục hồi thể tích tuần hoàn, điều chỉnh rối loạn điện giải, và hạ đường huyết và giảm thể ceton.

Trước tiên, do mất nước nghiêm trọng nên cơ thể cần được bù nước nhanh chóng để phục hồi thể tích tuần hoàn. Người bệnh thường được truyền dung dịch muối sinh lý 0.9% qua đường tĩnh mạch để cải thiện huyết áp và nhịp tim. Khi thể tích tuần hoàn được ổn định, bác sĩ sẽ điều chỉnh loại dịch truyền dựa trên tình trạng natri máu.

Tiếp theo, việc mất nước và nhiễm toan dẫn đến sự mất cân bằng điện giải, đặc biệt là kali. Lượng kali trong máu giảm có thể gây nguy hiểm cho chức năng tim và cơ bắp, dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tim. Bệnh nhân sẽ được theo dõi nồng độ kali máu thường xuyên và bổ sung kali nếu cần thiết. Nếu kali máu quá thấp, bác sĩ có thể trì hoãn điều trị với insulin cho đến khi mức kali ổn định.

Cuối cùng, insulin là yếu tố quan trọng trong việc hạ đường huyết và giảm thể ceton. Insulin được truyền qua tĩnh mạch với liều nhỏ để từ từ làm giảm đường huyết. Khi đường huyết giảm xuống dưới 250 mg/dL, bác sĩ có thể bổ sung dung dịch glucose để ngăn ngừa hạ đường huyết quá mức nhưng vẫn duy trì việc giảm thể ceton. Insulin giúp chuyển glucose vào tế bào, ngừng quá trình phân hủy chất béo và giảm tích tụ thể ceton, từ đó cân bằng lại pH máu.

Việc điều trị cần dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm toan ceton.
Việc điều trị cần dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm toan ceton.

Ngoài ra, điều trị nhiễm toan ceton còn bao gồm việc xử lý các nguyên nhân gây khởi phát, như nhiễm trùng hoặc stress chuyển hóa. Nhiễm trùng được điều trị bằng kháng sinh. Trong khi đó, các yếu tố khác như chấn thương, căng thẳng hoặc tác dụng phụ của thuốc cần được kiểm soát để ngăn ngừa tái phát.

Bác sĩ cũng thường xuyên theo dõi các chỉ số như đường huyết, điện giải và ceton máu xuyên suốt quá trình điều trị. Điều này nhằm đảm bảo bệnh nhân đang đáp ứng tốt với liệu pháp điều trị, cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, tổn thương não hoặc suy thận.

Lời kết

Như vậy bài viết đã chia sẻ đầy đủ các thông tin về nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường, có thể dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.