Hội chứng chuyển hóa là gì?
Đây là một nhóm các rối loạn về chuyển hóa, bao gồm béo phì (đặc biệt là vùng bụng), kháng insulin, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Sự kết hợp của những bất thường này làm tăng nguy cơ xuất hiện của các bệnh lý tim mạch và tiểu đường type 2.
Dựa vào những điểm liên quan đến bất thường liên quan đến chuyển hóa mà có tên gọi khác là hội chứng rối loạn chuyển hóa, hội chứng X hoặc hội chứng kháng insulin.
Nguyên nhân gây nên hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa liên quan đến sự bất thường trong cách cơ thể xử lý và chuyển hóa năng lượng.
1. Kháng insulin
Insulin là hormone giúp cơ thể hấp thụ đường từ máu để tạo năng lượng. Khi kháng insulin xảy ra, các tế bào trong cơ thể không phản ứng tốt với insulin và khiến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này buộc tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn để duy trì mức đường máu bình thường. Tuy nhiên, khả năng này sẽ suy giảm theo thời gian, từ đó gây ra những rối loạn chuyển hóa khác như tích tụ mỡ và tăng huyết áp.
2. Rối loạn hệ thống nội tiết
Hormone đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chuyển hóa. Khi trải qua căng thẳng kéo dài, cơ thể sẽ tăng sản xuất cortisol – một loại hormone có thể làm tăng lượng đường và mỡ trong máu. Đồng thời, cortisol cũng gây tích tụ mỡ bụng và làm giảm hiệu quả của insulin, tạo thành vòng xoắn bệnh lý làm trầm trọng thêm kháng insulin.
Các rối loạn nội tiết khác, như mất cân bằng hormone tuyến giáp cũng có thể làm chậm quá trình chuyển hóa năng lượng. Điều này khiến cơ thể dễ tích mỡ và gặp khó khăn trong việc duy trì mức glucose và cholesterol máu ổn định.
3. Rối loạn lipid máu
Rối loạn này xảy ra khi cơ thể không xử lý đúng cách các loại chất béo, dẫn đến tình trạng tăng triglycerides và LDL-C trong máu. Quá trình này thường liên quan đến chế độ ăn uống giàu chất béo bão hòa và ít vận động. Từ đó gây tích tụ mỡ trên thành động mạch và giảm lưu thông máu. Đồng thời, rối loạn mỡ máu cũng làm suy giảm nồng độ HDL-C. Điều này khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc loại bỏ mỡ dư thừa khỏi máu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa
- Tuổi tác: Khả năng chuyển hóa các chất ở người lớn tuổi thường kém hiệu quả. Do đó nguy cơ mắc hội chứng này tăng theo tuổi, đặc biệt ở người từ 40 tuổi trở lên.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người từng mắc các vấn đề liên quan đến chuyển hóa thì bạn có nguy cơ cao mắc hội chứng.
- Béo bụng: Việc tích tụ mỡ dư thừa quanh vùng bụng làm gia tăng khả năng kháng insulin và rối loạn chuyển hóa lipid. Mỡ bụng giải phóng các chất gây viêm và hormone làm mất cân bằng chuyển hóa.
- Ít vận động: Lối sống lười vận động gây tích tụ mỡ thừa do giảm khả năng điều chỉnh glucose và lipid máu.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Thường do ăn nhiều đường, chất béo bão hòa và ít chất xơ gây tích tụ mỡ thừa.
- Căng thẳng kéo dài: Tăng tiết hormone cortisol do căng thẳng gây kháng insulin và tích tụ nhiều mỡ.
Hệ quả sức khỏe do hội chứng chuyển hóa
Bệnh tim mạch
Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ tim mạch do tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. LDL-C và triglyceride trong máu tăng cao thường bám vào thành động mạch và gây xơ vữa động mạch. Điều này khiến mạch máu hẹp lại, làm giảm lưu lượng máu đến tim và não, từ đó dẫn đến nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Huyết áp cao do hội chứng chuyển hóa cũng làm tổn thương thành mạch máu. Lực tác động lớn từ máu có thể làm yếu và cứng các mạch máu, làm tăng nguy cơ suy tim. Hơn nữa, tình trạng này còn làm giảm khả năng lưu thông máu và tổn thương các cơ quan khác như thận, mắt.
Tiểu đường loại 2
Kháng insulin là nguyên nhân chính dẫn đến tiểu đường. Khi cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả, đường trong máu tích tụ và tăng cao. Điều này buộc tuyến tụy phải hoạt động quá mức để sản xuất thêm insulin. Tuy nhiên về lâu dài thì tuyến tụy không thể duy trì chức năng này, dẫn đến tăng đường huyết mãn tính.
Lượng đường cao liên tục gây ra nhiều biến chứng. Chẳng hạn như tổn thương mạch máu nhỏ, bệnh võng mạc, suy thận và tổn thương dây thần kinh. Điều này khiến người bệnh dễ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nếu không kiểm soát tốt đường huyết.
Xét nghiệm liên quan đến bệnh mãn tính chỉ 137k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Bệnh thận mãn tính
Hội chứng chuyển hóa làm tổn thương thận qua nhiều cơ chế, đặc biệt là do huyết áp cao và rối loạn chuyển hóa đường. Khi huyết áp tăng cao, áp lực trong các mạch máu nhỏ ở thận cũng tăng, dẫn đến tổn thương và giảm khả năng lọc máu của thận. Lúc này thận không thể loại bỏ chất thải hiệu quả, khiến chúng tích tụ trong cơ thể.
Tiểu đường do hội chứng cũng làm tăng nguy cơ tổn thương thận. Glucose máu cao làm hỏng các mao mạch trong thận, gây ra tình trạng bệnh thận đái tháo đường.
Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD)
Đây là biến chứng xảy ra khi lượng mỡ trong gan tăng cao mà không phải do uống rượu bia. Bệnh làm suy giảm khả năng chuyển hóa năng lượng và thải độc của gan, có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan, hoặc thậm chí là suy gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ có liên quan chặt chẽ với kháng insulin. Khi cơ thể không sử dụng insulin hiệu quả, quá trình tích tụ mỡ nội tạng và gan tăng mạnh. Từ đó làm gián đoạn hoạt động của gan và góp phần làm nghiêm trọng hơn các di chứng của hội chứng chuyển hóa.
Tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa
Các tiêu chuẩn được khuyến cáo bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF). Một người được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa nếu có ít nhất 3 trong 5 tiêu chí sau:
- Béo bụng (tăng vòng eo): ≥ 90cm (nam) và ≥ 80cm (nữ).
- Triglyceride: ≥ 150 mg/dL (1.7 mmol/L).
- HDL cholesterol: < 40 mg/dL (nam) và < 50 mg/dL (nữ).
- Huyết áp: ≥ 130/85 mmHg.
- Glucose máu lúc đói: ≥ 100 mg/dL.

Cách điều trị và phòng ngừa hội chứng chuyển hóa
Việc duy trì cân nặng hợp lý là rất quan trọng, bởi béo phì (đặc biệt là béo bụng) là yếu tố chính gây ra rối loạn chuyển hóa. Do đó bác sĩ thường khuyến cáo giảm cân, kiểm soát căng thẳng cũng như tăng cường hoạt động thể chất. Điều này giúp cải thiện độ nhạy insulin, giảm huyết áp và kiểm soát mỡ máu tốt hơn.
Đồng thời cần hạn chế thực phẩm ngọt, tinh bột tinh chế, chất béo bão hòa vì chúng làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ thừa và kháng insulin. Thay vào đó, hãy tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám và các loại hạt. Các chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, cá béo và omega-3 cũng giúp duy trì lượng mỡ máu tốt trong cơ thể.
Trong một số trường hợp điều trị, nếu thay đổi lối sống không đủ hiệu quả thì cần sử dụng thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
- Thuốc hạ đường huyết: Giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và kiểm soát đường huyết. Bao gồm metformin, thiazolidinediones, SGLT-2 inhibitors, GLP-1 receptor agonists.
- Thuốc hạ mỡ máu: Giảm triglyceride, LDL-C và cải thiện mức HDL-C. Bao gồm statins, fibrates, omega-3 fatty acids, ezetimibe.
- Thuốc hạ huyết áp: Kiểm soát huyết áp, thường là thuốc lợi tiểu và thuốc chẹn beta.

Như vậy bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin bạn cần biết về hội chứng chuyển hóa. Đây là một nhóm các rối loạn chuyển hóa các chất, có khả năng dẫn đến các biến chứng như tiểu đường hoặc bệnh tim mạch. Do đó cần phát hiện và điều trị sớm.