1. Tuổi tác
Người cao tuổi, đặc biệt từ 40 tuổi trở lên, có nguy cơ cao mắc bệnh tim do hệ tim mạch trải qua nhiều thay đổi sinh lý bất lợi. Động mạch mất dần tính đàn hồi, trở nên cứng hơn và dễ bị xơ vữa do sự tích tụ của chất béo trong thành động mạch. Điều này làm hẹp lòng mạch và giảm lưu lượng máu đến tim, từ đó tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Cơ tim có xu hướng dày hơn dưới tác động của quá trình lão hóa, dẫn đến suy giảm khả năng co bóp hiệu quả. Đồng thời, hệ thống dẫn truyền tín hiệu điện trong tim cũng có thể bị rối loạn, làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
Thêm vào đó, khả năng phục hồi của tim sau các tổn thương (như nhồi máu cơ tim) giảm dần theo tuổi tác. Nguyên nhân do các tế bào tim không thể tái tạo nhanh như trước, khiến bệnh tim mạch ở người cao tuổi thường nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
2. Giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn khi ở độ tuổi trung niên. Nguyên nhân chủ yếu do mức testosterone cao làm tăng huyết áp, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và gây viêm mạch máu.
Đồng thời, nam giới có xu hướng tích tụ mỡ ở vùng bụng nhiều hơn. Tình trạng này làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa như kháng insulin, đái tháo đường type 2 và rối loạn lipid máu. Thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia cũng góp phần làm tăng nguy cơ này.
Ở nữ giới, nguy cơ mắc bệnh tim mạch thường thấp hơn trước thời kỳ mãn kinh nhờ tác động bảo vệ của estrogen. Hormone estrogen giúp duy trì sự đàn hồi của mạch máu, kiểm soát mức cholesterol và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, nồng độ estrogen suy giảm đáng kể sau mãn kinh, khiến nguy cơ ở nữ giới tăng nhanh và có thể cao hơn nam giới.
Phụ nữ sau mãn kinh cũng có xu hướng tăng cân làm tăng nguy cơ tiểu đường, cao huyết áp và bệnh động mạch vành. Hơn nữa, triệu chứng bệnh tim mạch ở nữ giới thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Chẳng hạn như mệt mỏi, khó thở thay vì đau thắt ngực. Điều này có thể dẫn đến chẩn đoán muộn hoặc kém hiệu quả hơn so với nam giới.

3. Di truyền
Di truyền là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch chính vì nó ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng hệ tim mạch ngay từ khi sinh ra. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm có nguy cơ cao hơn so với những người không có yếu tố này.
Theo nhiều nghiên cứu, một số biến thể gen có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tim mạch. Chẳng hạn như do đột biến gen liên quan đến tăng cholesterol máu có tính gia đình, bao gồm gen LDLR, APOB hoặc PCSK9. Các gen này khiến mức LDL cholesterol máu cao từ khi còn trẻ và thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch sớm.
Ngoài ra, một số rối loạn di truyền khác có thể ảnh hưởng đến cấu trúc mạch máu hoặc hệ thống dẫn truyền điện tim. Chẳng hạn như hội chứng Marfan hoặc Brugada. Các hội chứng này làm tăng nguy cơ phình động mạch hoặc rối loạn nhịp tim nguy hiểm.
4. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Nếu bạn ăn uống không lành mạnh với nhiều chất béo xấu, nhiều muối và đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ ban đầu, dẫn đến hàng loạt các nguy cơ khác có thể gây ra bệnh tim mạch. Trong đó bao gồm những hệ quả như cao huyết áp, tăng đường huyết, rối loạn cholesterol máu, hoặc thậm chí là tăng cân, béo phì.
Bạn có nguy cơ bệnh tim mạch cao nếu ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Những chất béo này có trong thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, thịt đỏ và mỡ động vật. Chúng làm tăng lượng LDL cholesterol máu, thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch và dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Tiêu thụ quá nhiều muối gây tăng huyết áp và tăng áp lực lên hệ tim mạch. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ suy tim, tai biến mạch máu não cùng nhiều biến chứng tim mạch khác. Hệ quả này thường đến từ thói quen tiêu thụ các thực phẩm chế biến sẵn, nước mắm và đồ muối chua.
Chế độ ăn uống giàu đường và tinh bột tinh chế (như bánh kẹo, nước ngọt, thực phẩm làm từ bột mì trắng) có thể làm tăng đường huyết. Việc đường huyết tăng cao dẫn đến tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, ăn uống thiếu rau xanh, trái cây, chất xơ và các chất chống oxy hóa sẽ làm giảm khả năng bảo vệ mạch máu. Hệ quả là cơ thể mất đi sự cân bằng giữa các yếu tố gây viêm và yếu tố chống viêm. Từ đó làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và rối loạn lipid máu.
5. Tăng huyết áp
Huyết áp tăng cao liên tục trong lòng động mạch gây tổn thương trực tiếp đến thành mạch. Đây là nguy cơ quan trọng dẫn đến sự hình thành của các mảng xơ vữa, rối loạn quá trình đông máu, gây huyết khối làm tắc nghẽn và cản trở lưu thông máu.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp cũng cho thấy tim đang trong tình trạng quá tải khi phải bơm máu mạnh hơn. Về lâu dài sẽ gây phì đại thất trái và suy tim.
HUyết áp cao kéo dài còn làm suy yếu chức năng thận, gây giữ nước và muối. Sự rối loạn này môi trường nội môi thúc đẩy huyết áp tăng cao hơn nữa, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm khó kiểm soát.
6. Rối loạn cholesterol máu
Sự mất cân bằng trong nồng độ lipid máu thúc đẩy xơ vữa động mạch. LDL cholesterol máu tăng cao dễ bị lắng đọng vào thành mạch, gây viêm và hình thành mảng xơ vữa. Đồng thời, HDL cholesterol máu giảm thấp cũng làm giảm khả năng loại bỏ cholesterol dư thừa, khiến mảng xơ vữa phát triển nhanh hơn.
Theo thời gian, mảng xơ vữa không chỉ tích tụ lớn dần mà còn có nguy cơ vỡ ra. Khi vỡ, nó có thể gây tắc nghẽn động mạch đột ngột, dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
7. Tăng đường huyết
Người bị tăng đường huyết hoặc đái tháo đường có nguy cơ tim mạch cao hơn nhiều lần so với người bình thường khỏe mạnh. Lượng glucose dư thừa khi đường huyết tăng cao kéo dài sẽ phản ứng với protein và lipid, tạo ra các sản phẩm glycation bền vững (AGEs). AGEs này là một yếu tố gây tổn thương mạch máu, thúc đẩy viêm và quá trình hình thành xơ vữa động mạch.
Tăng đường huyết còn làm tăng kết tập tiểu cầu và rối loạn đông máu. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ hình thành huyết khối cao hơn, dễ gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Hơn nữa, tăng đường huyết làm suy giảm chức năng nội mạc mạch máu. Điều này gây mất cân bằng giữa giãn và co mạch, làm tăng huyết áp và nguy cơ tắc nghẽn động mạch.

8. Thừa cân, béo phì
Béo phì thường đi kèm với mức triglyceride cao, LDL cholesterol cao và HDL cholesterol giảm. Sự rối loạn lipid máu này làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám trong động mạch và cản trở lưu lượng máu đến tim.
Nhiều chuyên gia y tế cho biết, béo phì ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tim và huyết áp. Trọng lượng cơ thể tăng lên khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến tăng gánh nặng cho tim và dễ gây ra suy tim. Do đó cần kiểm soát cân nặng và chỉ số khối cơ thể theo chỉ định của bác sĩ.
Mỡ nội tạng tiết ra nhiều hormone và chất gây viêm như cytokine, góp phần làm tăng huyết áp bằng cách làm co mạch và giữ nước trong cơ thể. Huyết áp cao kéo dài làm tổn thương thành động mạch, tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ và làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Ngoài ra, béo phì cũng có liên quan đến hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một tình trạng gây giảm oxy trong máu, có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và suy tim.
9. Hút thuốc lá
Thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nguyên nhân do các chất độc hại trong thuốc lá làm tổn thương trực tiếp đến hệ tim mạch. Trong đó bao gồm nicotine – một thành phần chính trong thuốc lá. Nicotine kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim, co mạch và tăng huyết áp, từ đó làm tăng gánh nặng cho tim.
Hơn nữa, các hóa chất khác trong thuốc lá còn gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu và làm suy giảm khả năng giãn nở của mạch máu. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Hóa chất trong thuốc lá kích thích sự kết dính của tiểu cầu, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng mạch. Đây là một yếu tố dẫn đến tắc nghẽn động mạch và đột quỵ, đặc biệt nguy hiểm ở những người đã có tiền sử xơ vữa động mạch.
Theo nhiều nghiên cứu, nguy cơ người hít phải khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nguyên nhân trong khói thuốc có chứa carbon monoxide. Đây là chất độc có thể làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu. Chất này khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp oxy cho cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim.
Xét nghiệm tim mạch chỉ 92k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
10. Căng thẳng (stress)
Các hormone (như cortisol,adrenaline) được giải phóng vào máu khi cơ thể căng thẳng. Chúng làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp, khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
Nếu căng thẳng kéo dài, huyết áp cao trở thành một tình trạng mãn tính. Tình trạng này gây tổn thương thành mạch máu, tạo điều kiện hình thành xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
11. Ít hoạt động thể chất
Đây cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch vì nó làm rối loạn quá trình chuyển hóa và tuần hoàn máu. Thói quen này khiến cơ thể dễ bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu (tăng LDL-C, giảm HDL-C), tăng đề kháng insulin và tích tụ mỡ nội tạng. Tất cả đều góp phần vào sự phát triển của bệnh tim mạch.
Ngoài ra, lối sống này còn làm giảm khả năng điều hòa nhịp tim, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn và tăng nguy cơ suy tim về lâu dài.
Lười vận động làm giảm sản xuất nitric oxide (NO) khiến mạch máu mất đi tính co giãn và linh hoạt. Đồng thời, thói quen này cũng kích thích các yếu tố viêm (như CRP, IL-6, TNF-α) gây tổn thương mạch máu. Hệ quả là lòng mạch hẹp dần và dễ hình thành huyết khối, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong sớm.

Như vậy bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về các yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng. Đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó bạn cần theo dõi các chỉ số máu cũng như chủ động thăm khám sức khỏe và thay đổi lối sống lành mạnh hơn để tránh bệnh tim.