Trụy tim mạch là gì?
Trụy tim mạch là tình trạng suy giảm chức năng tim hoặc khi tim ngừng hoạt động đột ngột. Cơ tim không thể duy trì đủ áp lực và lưu lượng máu qua các mạch máu, hoặc do tình trạng mất máu lớn. Điều này khiến máu không thể lưu thông hiệu quả tới các mô và cơ quan bên trong cơ thể. Các cơ quan như não, thận, gan sẽ thiếu oxy và dưỡng chất, dẫn đến suy chức năng của các cơ quan này.
Trụy tim mạch đe dọa tính mạng ngay lập tức, do đó cần phát hiện và can thiệp sớm để đảm bảo sức khỏe ổn định. Nếu không được điều trị kịp thời, trụy tim mạch có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn, suy đa tạng, hoặc thậm chí tử vong.
Nguyên nhân trụy tim mạch
Nguyên nhân gây trụy tim mạch có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó bao gồm các vấn đề về tim, mạch máu và sự mất cân bằng trong cơ thể.
1. Suy tim
Suy tim có thể xảy ra do một số vấn đề về cơ tim như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, hoặc bệnh động mạch vành. Trụy tim mạch sẽ xảy ra khi tim không thể co bóp hiệu quả khiến tuần hoàn trong cơ thể bị gián đoạn. Hệ quả là giảm lượng oxy cung cấp đến các cơ quan.
- Nhồi máu cơ tim: Khi một phần của cơ tim bị thiếu máu và oxy do tắc nghẽn mạch máu, các tế bào cơ tim sẽ chết đi. Điều này làm suy yếu khả năng co bóp của tim và giảm hiệu quả bơm máu vào hệ thống tuần hoàn.
- Viêm cơ tim: Viêm nhiễm ở cơ tim có thể làm giảm khả năng co bóp của tim.
- Bệnh cơ tim giãn: Khả năng bơm máu của tim cũng bị suy giảm khi cơ tim trở nên yếu và không thể co lại bình thường.
2. Giảm thể tích tuần hoàn
Đây là tình trạng cơ thể mất quá nhiều máu hoặc chất lỏng dẫn đến trụy tim mạch. Nguyên nhân có thể do chấn thương, chảy máu, hoặc mất nước nghiêm trọng.
- Mất máu quá nhiều: Thể tích máu trong cơ thể thường giảm xuống khi có sự mất máu lớn, chẳng hạn như do tai nạn, chấn thương hoặc phẫu thuật. Điều này làm giảm áp lực máu và giảm lưu lượng máu đến các cơ quan.
- Mất chất lỏng quá nhiều: Mất nước do tiêu chảy, nôn mửa hoặc mất chất lỏng qua da (như trong trường hợp bỏng nặng) cũng làm giảm thể tích tuần hoàn. Thiếu nước trong cơ thể làm giảm huyết áp và cản trở khả năng lưu thông máu.
3. Rối loạn nhịp tim
Trụy tim mạch có thể xảy ra do sự rối loạn nhịp tim, đặc biệt là trong bệnh lý rung thất hoặc khi nhịp quá nhanh.
- Rung thất: Trong tình trạng rung thất, các xung điện trong tim không có tổ chức khiến cơ tim co bóp không hiệu quả. Điều này làm suy giảm khả năng bơm máu của tim, dẫn đến thiếu oxy nghiêm trọng và ngừng tim đột ngột.
- Nhịp nhanh: Khi tim đập quá nhanh, các buồng tim không kịp thời đầy máu giữa các nhịp đập. Từ đó làm giảm lượng máu được bơm ra ngoài, gây ra tình trạng thiếu máu, thiếu oxy và gây trụy tim mạch.

4. Sốc phản vệ
Sốc phản vệ xảy ra khi có sự giãn nở quá mức của các mạch máu và làm giảm áp lực máu trong hệ thống tuần hoàn. Tình trạng này xảy ra khi có nhiễm trùng, dị ứng nghiêm trọng hoặc tổn thương thần kinh.
- Nhiễm trùng: Khi cơ thể phản ứng với nhiễm trùng nặng, các chất gây viêm được giải phóng vào máu và khiến mạch máu giãn nở. Mặc dù lượng máu trong cơ thể vẫn đủ, nhưng do sự giãn nở này mà máu không thể lưu thông hiệu quả và không đủ áp lực để cung cấp máu-oxy cho các cơ quan.
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: Một số trường hợp cơ thể phản ứng mạnh với một tác nhân gây dị ứng (như thuốc, thực phẩm), các hóa chất như histamine được giải phóng vào máu. Histamine sẽ khiến các mạch máu giãn nở và khiến huyết áp giảm mạnh, dẫn đến trụy tim mạch.
5. Tắc nghẽn mạch máu
Tắc nghẽn các mạch máu lớn như động mạch phổi hoặc động mạch chủ có thể gây ra tình trạng trụy tim mạch. Trong đó, những nguyên nhân phổ biến là do tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông hoặc tắc động mạch phổi.
- Tắc nghẽn động mạch phổi: Khi một cục máu đông di chuyển từ các bộ phận khác của cơ thể và chặn đường lưu thông của máu đến phổi, nó làm giảm khả năng oxy hóa máu và làm tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các phổi bị tắc nghẽn. Điều này có thể dẫn đến suy tim và trụy tim mạch.
- Tắc nghẽn động mạch chủ: Máu không thể lưu thông từ tim đến các cơ quan quan trọng khi một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn động mạch chủ. Điều này gây thiếu máu và dẫn đến trụy tim mạch.
Biểu hiện và triệu chứng trụy tim mạch
Triệu chứng của trụy tim mạch rất đa dạng và phụ thuộc vào nguyên nhân gây tình trạng này. Trong đó bao gồm những triệu chứng phổ biến như:
- Mệt mỏi đột ngột, suy kiệt cơ thể: Người bệnh cảm thấy yếu, không có sức lực, có thể rơi vào trạng thái lơ mơ, mất ý thức.
- Da tái nhợt, lạnh ẩm: Do giảm lưu lượng máu đến da, bệnh nhân có thể xuất hiện da xanh xao hoặc tím tái.
- Ra nhiều mồ hôi lạnh: Hệ thần kinh giao cảm phản ứng với tình trạng thiếu oxy và giảm huyết áp, gây ra đổ mồ hôi nhiều.
- Huyết áp tụt mạnh: Huyết áp tâm thu có thể giảm xuống dưới 90 mmHg hoặc tụt nhanh hơn so với bình thường.
- Nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường: Tim có thể đập nhanh (trên 100 lần/phút) hoặc chậm (dưới 60 lần/phút) tùy theo nguyên nhân gây trụy tim mạch. Nhịp tim không đều có thể xuất hiện trong trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng.
- Khó thở cấp tính: Bệnh nhân cảm thấy khó thở, thở gấp, có thể thở rít hoặc thở nông. Trường hợp nặng có thể gây ra thở dốc và có bọt hồng từ miệng.
- Tím tái: Thiếu oxy kéo dài có thể gây tím môi, đầu ngón tay và ngón chân.
- Lú lẫn, mất định hướng: Người bệnh có thể trở nên hoang mang, nói nhảm hoặc mất khả năng nhận thức.
- Ngất xỉu: Do não không nhận đủ oxy, bệnh nhân có thể mất ý thức đột ngột.
- Hôn mê: Nếu tình trạng kéo dài mà không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê sâu.

Phương pháp chẩn đoán trụy tim mạch
Chẩn đoán lâm sàng là bước đầu tiên trong việc nhận diện trụy tim mạch. Bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân để đưa ra đánh giá ban đầu. Sau đó người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu để xác định nguyên nhân gây trụy tim mạch.
Bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm máu như:
- Công thức máu (CBC): Kiểm tra tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng hoặc rối loạn đông máu.
- Điện giải đồ: Xác định nồng độ kali, natri và canxi, các yếu tố quan trọng trong hoạt động của tim.
- Troponin: Nếu chỉ số này tăng cao, có thể bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim.
- BNP: Giúp phát hiện suy tim cấp.
- Xét nghiệm chức năng gan, thận: Đánh giá tác động của trụy tim mạch lên các cơ quan này.
Ngoài ra, một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể cần thiết như:
- Điện tâm đồ (ECG): Giúp phát hiện những bất thường trong hoạt động điện của tim, hỗ trợ phát hiện các bệnh lý về rối loạn nhịp tim.
- Siêu âm tim: Giúp đánh giá chức năng bơm máu của tim, hỗ trợ phát hiện nhồi máu cơ tim, bệnh van tim hoặc tràn dịch màng ngoài tim.
- Chụp X-quang: Giúp nhận diện phù phổi cấp, bóng tim to hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng phổi
- Chụp CT: Hỗ trợ xác định tình trạng thuyên tắc phổi, chảy máu nội tạng; phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ hoặc tổn thương não do thiếu oxy.
Một số trường hợp cần xác định mức độ suy tim sẽ sử dụng phương pháp đánh giá cung lượng tim. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đo lượng máu tim bơm mỗi phút. Nếu chỉ số này giảm mạnh, người bệnh có thể đang trong tình trạng sốc tim nghiêm trọng.

Cấp cứu bệnh nhân trụy tim mạch
Khi một người bị trụy tim mạch, họ sẽ mất ý thức chỉ trong vài giây. Nếu bỏ qua thời điểm này mà không thực hiện các biện pháp cấp cứu thì não và các cơ quan quan trọng có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Việc này khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch với tỷ lệ tử vong rất cao.
Hồi sức tim phổi (CPR) là cách cấp cứu tạm thời bằng cách ép ngực liên tục nhằm duy trì lượng máu lưu thông đến não và các cơ quan. Nếu là người sơ cứu thì bạn có thể thực hiện hô hấp nhân tạo để cung cấp thêm oxy cho bệnh nhân.
Đồng thời, bạn cũng cần gọi cấp cứu ngay lập tức đến số điện thoại cấp cứu 115 để các nhân viên y tế hỗ trợ người bệnh sớm nhất. Họ sẽ sử dụng các máy khử rung tim để hỗ trợ khôi phục nhịp tim trở lại bình thường.
Trên thực tế, nếu CRP hoặc các biện pháp cấp cứu khác (như khử rung tim) được thực hiện trong vòng 3 – 5 phút đầu tiên sẽ tăng cơ hội sống sót lên đến 70%. Do đó việc cấp cứu đúng lúc là rất cần thiết để đảm bảo tính mạng người bệnh.
Điều trị và theo dõi lâu dài trụy tim mạch
Sau khi cấp cứu thành công, bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị để đảm bảo tim hoạt động ổn định và không bị tổn thương nghiêm trọng. Một số phương pháp sau có thể được áp dụng:
- Ổn định nhịp tim: Nếu tim của bệnh nhân vẫn có rối loạn nhịp, bác sĩ có thể sử dụng thuốc hoặc sốc điện để điều chỉnh nhịp tim về bình thường.
- Hạ thân nhiệt điều trị: Não có thể bị tổn thương do thiếu oxy khi tim ngừng đập trong một khoảng thời gian. Các bác sĩ có thể làm mát cơ thể bệnh nhân xuống khoảng 32-36°C trong 24-48 giờ để bảo vệ não.
- Điều trị nguyên nhân gây trụy tim mạch: Nếu trụy tim mạch do tắc nghẽn động mạch vành, bác sĩ có thể thực hiện các phương pháp như đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Đây là hai phương pháp phổ biến nhằm cải thiện khả năng lưu thông máu cũng như tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.

Một số trường hợp bệnh nhân sẽ cần cấy máy khử rung tim (ICD). Thiết bị này sẽ được đặt dưới da trong trường hợp người bệnh có nguy cơ tái phát cao. Nó sẽ theo dõi nhịp tim và tự động sốc điện để khôi phục nhịp tim về bình thường nếu phát hiện rối loạn nhịp nguy hiểm.
Bên cạnh đó, theo dõi lâu dài sau điều trị là rất cần thiết để ngăn ngừa tái phát trụy tim mạch. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc giúp kiểm soát nhịp tim, giảm nguy cơ đông máu hoặc kiểm soát cholesterol để bảo vệ tim. Đồng thời, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, kiểm soát huyết áp, tiểu đường, bỏ thuốc lá và rượu bia.
Hướng dẫn phòng ngừa trụy tim mạch hiệu quả
Để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ trụy tim mạch, các chuyên gia y tế khuyến cáo bạn nên thực hiện những thói quen sau:
- Ăn nhiều rau củ quả giúp bổ sung dinh dưỡng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa nhằm bảo vệ tim.
- Tăng cường ăn nhiều các béo (như cá hồi, cá thu) để bổ sung omega-3.
- Bổ sung các loại hạt nhiều dinh dưỡng (như hạnh nhân, óc chó, hạt chia, hạt lanh) và ngũ cốc nguyên hạt.
- Tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày và duy trì ít nhất 5 ngày/tuần.
- Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia, tránh các chất kích thích
- Giảm căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc.
- Quản lý tốt bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn cholesterol máu và tình trạng thừa cân, béo phì.
Xét nghiệm tim mạch chỉ 92k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Lời kết
Như vậy bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về trụy tim mạch. Đây là một vấn đề nguy hiểm cần phát hiện và phòng ngừa từ sớm. Việc phòng ngừa trụy tim mạch không quá khó khăn, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và thay đổi thói quen sống tránh các chất kích thích. Quan trọng nhất là bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và chủ động phát hiện sớm các triệu chứng.