Tổng quan về các thang điểm đánh giá nguy cơ tim mạch
Thang điểm đánh giá nguy cơ tim mạch (Cardiovascular Risk Score) là công cụ được sử dụng để ước tính khả năng một người có thể mắc bệnh tim mạch. Cơ sở để công cụ cho ra kết quả được xây dựng dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học dài hạn và sử dụng nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Do đó thang điểm chỉ hỗ trợ ước tính mà không cho biết thông tin cụ thể về khả năng mắc bệnh tim mạch trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 10 năm.
Không phải ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch giống nhau. Bệnh nhân có thể được phân thành nhóm nguy cơ thấp, trung bình hoặc cao dựa trên kết quả của thang điểm. Việc phân loại này nhằm mục đích giúp bác sĩ đưa ra chiến lược theo dõi và lựa chọn phương án điều trị phù hợp với từng cá nhân. Từ đó hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa bệnh lý tim mạch.
Các thang điểm đánh giá nguy cơ tim mạch phổ biến
1. Thang điểm Framingham
Thang điểm Framingham (Framingham Risk Score – FRS) là công cụ đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới của một người. Đây là thang điểm phổ biến, được phát triển từ nghiên cứu Framingham Heart Study nổi tiếng về dịch tễ học đối với bệnh tim mạch bắt đầu từ năm 1948 tại Hoa Kỳ. Dựa trên FRS mà một người sẽ được phân loại theo các nhóm nguy cơ thấp (< 10%), trung bình (10 – 20%) và cao (> 20%).
Để đánh giá nguy cơ tim mạch theo thang điểm FRS cần dựa trên 6 yếu tố nguy cơ chính:
- Tuổi tác: Nguy cơ tăng dần theo tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới trong độ tuổi trung niên.
- Cholesterol toàn phần và HDL cholesterol: Mức cholesterol toàn phần cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong khi HDL cao giúp giảm nguy cơ.
- Huyết áp tâm thu: Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tim mạch, đặc biệt nếu không được kiểm soát bằng thuốc.
- Tình trạng hút thuốc: Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nhiều so với người không hút thuốc.
- Bệnh tiểu đường: Tiểu đường là một yếu tố nguy cơ quan trọng vì nó làm tăng đáng kể khả năng mắc bệnh tim mạch.
Hiện tại công cụ tính dựa trên thang điểm Framingham rất phổ biến và bạn có thể tính trực tuyến để tính toán nguy cơ mắc bệnh của mình. Mỗi người sẽ được chấm một số điểm cụ thể dựa trên từng yếu tố, sau đó tính tổng điểm. Tổng số điểm này sẽ được quy đổi thành tỷ lệ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm.
Trang tính FRS (tiếng Việt): https://msdmnls.co/4iHyKls
Trang tính FSR (tiếng Anh): https://www.uptodate.com/contents/calculator-cardiovascular-risk-assessment-in-adults-10-year-acc-aha-2013-patient-education
Bạn có thể tham khảo cách phân tầng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới dựa trên thang điểm FRS như sau:
- Nguy cơ thấp (< 10%): Nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp.
- Nguy cơ trung bình (10 – 20%): Cần theo dõi và có biện pháp can thiệp lối sống để giảm nguy cơ.
- Nguy cơ cao (> 20%): Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Cần có can thiệp y tế mạnh mẽ như điều trị bằng thuốc hoặc thay đổi lối sống nghiêm ngặt theo chỉ định bác sĩ.
Trên thực tế, một người đàn ông 55 tuổi, huyết áp 140 mmHg, hút thuốc lá, cholesterol toàn phần cao và HDL thấp có thể có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trên 20% trong 10 năm tới.
Trong khi đó, một phụ nữ 45 tuổi, huyết áp bình thường, không hút thuốc, cholesterol bình thường có thể chỉ có nguy cơ dưới 5%.

Mặc dù vậy, thang điểm FRS vẫn có những hạn chế nhất định. Do chỉ được phát triển chủ yếu từ dữ liệu của người Mỹ da trắng, nên có thể không chính xác cho một số nhóm dân tộc khác. Đồng thời thang điểm chỉ có khả năng đánh giá nguy cơ tim mạch 10 năm mà không thể phản ánh được nguy cơ suốt đời.
Hơn nữa, một số yếu tố nguy cơ mới phát sinh trong suốt quá trình nghiên cứu và phát triển mà chưa được đưa vào thang điểm FRS. Chẳng hạn như các yếu tố di truyền, viêm nhiễm hoặc chỉ số hs-CRP cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai.
Vậy nên thang điểm Framingham chỉ mang tính tham khảo. Bác sĩ sẽ kết hợp kết quả từ thang điểm FRS và nhiều yếu tố khác để đưa ra chẩn đoán cùng chiến lược điều trị phù hợp.
2. Thang điểm SCORE2 & SCORE2-OP
SCORE2 (Systematic COronary Risk Evaluation 2) và SCORE2-OP (Systematic COronary Risk Evaluation 2 in Older People) là phiên bản nâng cấp của thang điểm SCORE trước đây. Cả hai đều được phát triển bởi Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) nhằm mục đích dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong vòng 10 năm.
SCORE2 và SCORE2-OP không chỉ tính toán nguy cơ tử vong như phiên bản SCORE cũ mà còn bao gồm nguy cơ mắc bệnh tim mạch không gây tử vong. Chẳng hạn như hồi máu cơ tim hoặc đột quỵ không gây tử vong. Cả hai thang điểm vẫn dựa trên những yếu tố đánh giá cơ bản, bao gồm tuổi, giới tính, huyết áp tâm thu, hút thuốc lá và mức cholesterol.
Mặc dù vậy, điểm đặc biệt ở SCORE2 và SCORE2-OP nằm ở đối tượng áp dụng thang điểm.
- SCORE2: Dự đoán nguy cơ tim mạch ở người trưởng thành từ 40 đến 69 tuổi.
- SCORE2-OP: Dự đoán nguy cơ tim mạch dành riêng cho người từ 70 tuổi.
Theo các chuyên gia, SCORE2-OP được phát triển dựa trên dữ liệu của nhóm đối tượng người cao tuổi. Do đó nó phù hợp để dự đoán nguy cơ tim mạch ở những người từ 70 tuổi trở lên. SCORE2-OP giúp cải thiện độ chính xác trong dự đoán, hỗ trợ đưa ra quyết định về điều trị phòng ngừa hiệu quả hơn SCORE và SCORE2.
Do khác nhau về độ tuổi áp dụng nên cách phân tầng nguy cơ cũng có sự khác biệt. Bạn có thể tham khảo cách phân loại của SCORE2 và SCORE2-OP theo bảng sau.
Mức độ nguy cơ | SCORE2 |
SCORE2-OP |
Nguy cơ thấp |
< 5% |
< 7.5% |
Nguy cơ trung bình |
5 – 10% |
7.5 – 15% |
Nguy cơ cao |
10 – 20% |
15 – 25% |
Nguy cơ rất cao |
> 20% |
> 25% |
3. Thang điểm ASCVD
ASCVD (Atherosclerotic Cardiovascular Disease Risk Score) là thang điểm đánh giá nguy cơ tim mạch do xơ vữa động mạch trong 10 năm hoặc trọn đời. Nó được phát triển bởi American College of Cardiology (ACC) và American Heart Association (AHA). Thang điểm ASCVD giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị dự phòng, đặc biệt là về việc sử dụng thuốc để kiểm soát cholesterol.
Ưu điểm của ASCVD là tích hợp cả nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch tử vong và không tử vong. Đồng thời ASCVD được phát triển trên hệ thống dữ liệu đa quốc gia, đa độ tuổi, do đó có giá trị sử dụng và độ chính xác cao hơn so với một số thang điểm khác.
ASCVD sử dụng nhiều yếu tố hơn, bao gồm các yếu tố mới là chủng tộc và tình trạng dùng thuốc điều trị tăng huyết áp. Đặc biệt, thang điểm có thể được áp dụng cho nhóm đối tượng rất rộng từ 20 đến 79 tuổi.
Hiện tại, thang điểm ASCVD đã được cập nhật mới nhất vào năm 2018 và được ứng dụng rộng rãi trong thăm khám và chữa bệnh trên toàn cầu.
Trang tính ASCVD: https://static.heart.org/riskcalc/app/index.html#!/baseline-risk
Bạn có thể tham khảo cách phân tầng nguy cơ mắc bệnh tim mạch theo ASCVD theo bảng sau.
Mức độ nguy cơ |
Nguy cơ mắc bệnh từ thang điểm ASCVD |
Khuyến nghị điều trị |
Nguy cơ thấp |
Dưới 5% |
Thay đổi lối sống |
Nguy cơ trung bình |
Từ 5% đến dưới 7.5% |
Cân nhắc sử dụng statins cải thiện lipid máu nếu có các yếu tố nguy cơ khác |
Nguy cơ cao |
Từ 7.5% đến dưới 20% |
Cân dùng statins liều trung bình để cải thiện lipid máu |
Nguy cơ rất cao |
Từ 20% trở lên |
Điều trị statins liều cao, cần kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ |
Mặc dù có hiệu quả dự đoán cao nhưng ASCVD vẫn có một số hạn chế nhất định. Cụ thể là ASCVD vẫn chưa tính đến các yếu tố nguy cơ mới như di truyền hoặc chỉ số hs-CRP. Một số trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi có nguy cơ tim mạch dài hạn cao thì vẫn không thể áp dụng thang điểm này.
Do đó, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả nguy cơ từ thang điểm ASCVD, đánh giá lâm sàng khác cùng nhiều chỉ số chuyên sâu để có quyết định điều trị cá nhân hóa và hiệu quả nhất.
4. Thang điểm Reynolds
Thang điểm Reynolds (Reynolds Risk Score – RRS) cũng là công cụ để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm. Nó ban đầu được phát triển chủ yếu dành cho phụ nữ không mắc tiểu đường, sau đó mở rộng cho nam giới.
Điểm khác biệt chính của thang điểm Reynolds so với các thang điểm khác là sử dụng thêm hai yếu tố quan trọng. Bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm (trước 60 tuổi) và chỉ số hs-CRP – một dấu ấn viêm nhiễm liên quan đến bệnh tim mạch. Vậy nên thang điểm Reynolds có khả năng đánh giá nguy cơ tim mạch chính xác hơn các thang điểm truyền thống như Framingham.
Lưu ý quan trọng là thang điểm Reynolds không áp dụng cho người bệnh tiểu đường. Do đó cần đánh giá bằng các thang điểm khác phù hợp hơn, như ASCVD.
Trên thực tế, thang điểm Reynolds thường được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ Framingham trung bình nhưng cần thêm thông tin về hs-CRP và tiền sử bệnh của gia đình để quyết định điều trị.
Bạn có thể tham khảo cách phân loại nguy cơ tim mạch theo thang điểm Reynolds cùng hướng điều trị khuyến nghị như sau.
- Nguy cơ thấp (< 5%): Nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp trong 10 năm.
- Nguy cơ trung bình (5 – 10%): Cần theo dõi và có thể thay đổi lối sống để giảm nguy cơ. Một số trường hợp có thể cân nhắc sử dụng thuốc statins và thuốc kiểm soát huyết áp
- Nguy cơ cao (≥ 10%): Nguy cơ đáng báo động, cần can thiệp y tế như sử dụng statins hoặc thuốc hạ huyết áp. Đồng thời cần kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ.
Các yếu tố nguy cơ tim mạch 10 năm
Tuổi tác
Đây là yếu tố có tác động lớn nhất trong tất cả các thang điểm. Khi chúng ta già đi, các động mạch có xu hướng kém đàn hồi, tăng nguy cơ hình thành mảng bám và gây hẹp lòng mạch máu. Từ đó dẫn đến nhiều biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Đồng thời, những thay đổi về sinh lý theo tuổi cũng có thể làm giảm khả năng tim bơm máu hiệu quả và làm tăng nguy cơ suy tim.
Trên thực tế, nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên rõ rệt sau độ tuổi trung niên. Nguy cơ ở nam giới tăng mạnh sau tuổi 45, trong khi phụ nữ có nguy cơ tăng cao hơn khi mãn kinh (khoảng 55 tuổi).

Chủng tộc
Chủng tộc có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch do khác biệt về di truyền, chế độ ăn uống, lối sống cùng nhiều yếu tố khác.
Yếu tố chủng tộc chủ yếu được sử dụng trong thang điểm ASCVD vì có phạm vi dữ liệu bao quát và rộng lớn nhất. Chẳng hạn, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao hơn người da trắng, nên họ sẽ có điểm số cao hơn khi tính toán.
Trong khi đó, người gốc Nam Á có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn so với người da trắng hoặc Đông Á. Nhóm đối tượng này có xu hướng tích tụ nhiều mỡ nội tạng và dễ mắc tiểu đường, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngược lại, người gốc Đông Á thường có mức cholesterol thấp hơn nhưng lại dễ mắc đột quỵ do huyết áp cao.
Giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim sớm hơn phụ nữ nhờ tác động bảo vệ của hormone estrogen ở nữ giới. Estrogen giúp duy trì mức HDL cholesterol và giữ cho mạch máu linh hoạt hơn, giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, nguy cơ tim mạch ở nữ giới sẽ tăng mạnh sau khi mãn kinh (khoảng tuổi 55) do sự suy giảm trong nồng độ estrogen.
Xét nghiệm tim mạch chỉ 92k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Mức cholesterol và sử dụng statin để điều trị cholesterol cao
Nồng độ cholesterol có ảnh hưởng lớn đến kết quả tính toán của các thang điểm nguy cơ tim mạch. Mức cholesterol toàn phần quá cao có thể dẫn đến sự tích tụ các mảng xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Đồng thời, chỉ số HDL-C thấp cũng góp phần vào nguy cơ này, vì nó cho thấy cơ thể không loại bỏ cholesterol dư thừa hiệu quả.
Để kiểm soát cholesterol cao, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc statins nhằm giảm nguy cơ tổng thể. Do đó tính toán theo các thang điểm có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố này.
Tiền sử gia đình bị đau tim hoặc bệnh tim
Mặc dù một số thang điểm không tính toán dựa trên tiền sử gia đình mắc bệnh tim, nhưng yếu tố này lại đặc biệt quan trọng trong thang điểm Reynolds. Đây là một yếu tố di truyền ảnh hưởng đến cholesterol, glucose máu, huyết áp và chức năng mạch máu. Một người sẽ có nguy cơ tim mạch cao nếu có cha mẹ, anh chị em từng bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trước tuổi 55 ở nam và 65 ở nữ.

Huyết áp
Đây là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến kết quả dự đoán nguy cơ tim mạch. Huyết áp cao được hiểu là tình trạng tăng áp lực lên thành động mạch. Khi huyết áp tăng cao kéo dài, nó gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, đồng thời nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim cũng tăng lên.
Tình trạng đái tháo đường
Đái tháo đường (tiểu đường) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 – 4 lần so với người bình thường. Nguyên nhân do lượng đường trong máu cao làm tổn thương thành động mạch, gây viêm và thúc đẩy quá trình hình thành mảng xơ vữa.
Tiểu đường là yếu tố chính trong thang điểm ASCVD. Các bệnh nhân đái tháo đường thường có điểm số dự đoán cao ngay cả khi các yếu tố khác bình thường. Tuy nhiên, trong một số thang điểm khác như SCORE2 thì yếu tố này không được xem xét đến.
Thói quen hút thuốc
Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây bệnh tim mạch. Nicotine và các hóa chất trong thuốc lá gây tổn thương mạch máu, làm tăng huyết áp và thúc đẩy hình thành cục máu đông. Do đó tất cả các thang điểm dự đoán đều tính toán dựa trên yếu tố này.

Lời kết
Như vậy bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về các thang điểm score đánh giá nguy cơ tim mạch. Đây là những công cụ tính toán quan trọng, giúp bạn và bác sĩ dự đoán được khả năng mắc bệnh tim trong tương lai. Tuy nhiên, thang điểm chỉ mang tính ước lượng và cần phải được đánh giá dựa trên các kiểm tra lâm sàng cùng xét nghiệm chuyên sâu. Điều này sẽ đảm bảo độ chính xác của chẩn đoán, từ đó có hướng điều trị và phòng ngừa hiệu quả.