Một số bệnh về máu và tim mạch: 10 bệnh lý tim mạch thường gặp
1. Rối loạn nhịp tim
Đây là tình trạng nhịp tim đập không đều, có thể quá nhanh, quá chậm hoặc không theo một nhịp bình thường. Rối loạn nhịp xảy ra khi hệ thống điện của tim gặp vấn đề, làm gián đoạn cách tim co bóp và bơm máu đi khắp cơ thể. Từ đó gây ra những triệu chứng như hồi hộp, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở, đau tức ngực hoặc mệt mỏi.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim rất đa dạng. Trong đó phổ biến là do bệnh động mạch vành, cao huyết áp, rối loạn van tim, hoặc tổn thương cơ tim do nhồi máu cơ tim. Một số trường hợp có thể xảy ra do căng thẳng, sử dụng caffeine, rượu bia, thuốc lá hoặc tác dụng phụ của thuốc.
Rối loạn nhịp tim là một tình trạng nguy hiểm. Nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim hoặc ngừng tim đột ngột nếu không được kiểm soát. Do đó cần cân nhắc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh.
Thông thường, những trường hợp rối loạn nhịp nhẹ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì cần thiết phải can thiệp y khoa. Bác sĩ có thể chỉ định thay đổi lối sống, sử dụng thuốc điều chỉnh nhịp tim, đặt máy tạo nhịp hoặc thực hiện các thủ thuật như cắt đốt điện tim.
2. Bệnh van tim
Bệnh lý tim mạch này xảy ra khi một hoặc nhiều van trong tim không hoạt động đúng cách, ảnh hưởng đến lưu lượng máu và chức năng tim. Trái tim mỗi người có bốn van chính, bao gồm van hai lá, van ba lá, van động mạch chủ và van phổi. Các van này có nhiệm vụ đảm bảo máu chảy theo một hướng qua các buồng tim. Khi các van này bị hẹp (hẹp van), không đóng kín (hở van), bị tổn thương hoặc có cấu trúc bất thường, chúng có thể gây ra các vấn đề về tuần hoàn và tăng gánh nặng cho tim. Hệ quả là tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và suy yếu dần theo thời gian.
Một người có thể gặp bệnh lý van tim sau khi nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc), do bệnh thấp tim hoặc tăng huyết áp kéo dài. Một số trường hợp khác có thể do tuổi tác cao hoặc mắc bệnh do dị tật bẩm sinh.
Trên thực tế, bệnh van tim có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau ngực, chóng mặt, tim đập nhanh hoặc ngất xỉu. Nếu không được chữa trị, bệnh có thể dẫn đến suy tim hoặc đột quỵ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật can thiệp để sửa chữa hoặc thay thế van tim để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

3. Bệnh động mạch vành
Đây là tình trạng các động mạch cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn do sự tích tụ mảng bám trên thành mạch máu. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch, xảy ra khi cholesterol, mỡ và nhiều chất khác tích tụ trên thành mạch. Khi các mảng xơ vữa tích ngày càng dày thì lưu lượng máu đến tim sẽ giảm dần, khiến tim không nhận đủ oxy để hoạt động bình thường. Hệ quả là người bệnh phải trải qua các cơn đau thắt ngực, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống thường ngày.
Nguyên nhân gây bệnh mạch vành chủ yếu do thói quen sống không lành mạnh. Ngoài ra có nhiều yếu tố khác như béo phì, di truyền, huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường, hút thuốc lá cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.
Bệnh mạch vành đặc biệt nguy hiểm khi các mảng xơ vữa mạch máu dày lên hoặc vỡ ra. Hậu quả là làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, có thể dẫn đến các biến cố nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim hoặc suy tim.
Để tránh biến chứng, việc chẩn đoán và điều trị cần thực hiện ngay từ giai đoạn đầu. Thông qua các kết quả hình ảnh học như điện tâm đồ, siêu âm tim hoặc chụp mạch vành, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Từ đó có hướng chữa trị phù hợp như thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Nếu cần thiết thì cần phải đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành để khôi phục lưu lượng máu đến tim.

4. Bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là hệ quả của tình trạng xơ vữa động mạch. Trong đó, bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi các động mạch ở chân/tay bị hẹp hoặc tắc nghẽn do tích tụ mảng bám xơ vữa trên thành mạch. Trên thực tế, đây là một bệnh lý tim mạch rất phổ biến và có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Hệ quả là làm giảm lưu lượng máu đến các chi, gây ra các triệu chứng như:
- Đau chân.
- Đau hoặc chuột rút ở chân khi đi bộ hoặc tập thể dục, giảm khi nghỉ ngơi.
- Yếu cơ.
- rụng lông chân, da chân mịn và bóng.
- Da lạnh khi chạm.
- Mạch yếu hoặc không có ở bàn chân.
- Vết loét hoặc vết thương ở chân hoặc bàn chân khó lành.
- Ngón chân lạnh hoặc tê.
Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, PAD có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như loét chân và hoại tử mô. Nhiều trường hợp nặng có thể phải cắt cụt chi.
Việc điều trị bệnh động mạch ngoại biên cũng tương tự như bệnh mạch vành. Người bệnh cần thay đổi lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường tập luyện thể thao và ngừng uống rượu bi, bỏ hút thuốc lá. Nếu cần thiết thì phải sử dụng thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Nếu tình trạng hẹp động mạch nghiêm trọng thì cần đặt stent, nong mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch. Đây là những biện pháp can thiệp y khoa quan trọng để khôi phục lưu lượng máu nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

5. Suy tim
Đây là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để cung cấp oxy và dưỡng chất cho cơ thể, khiến các cơ quan không hoạt động hiệu quả. Suy tim thường xảy ra do bệnh động mạch vành, cao huyết áp, bệnh van tim, khi tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài và dần suy yếu.
Bệnh nhân suy tim thường có biểu hiện sưng phù chân, mắt cá chân, khó thở, mệt mỏi và tim đập nhanh hoặc không đều. Đây là hệ quả khi tim suy yếu dẫn đến ứ dịch trong cơ thể. Suy tim kéo dài không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc suy các cơ quan khác.
Vậy nên suy tim cần phải được chẩn đoán và chữa trị sớm. Việc chữa trị sẽ tùy thuộc vào mức độ bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ cần thay đổi thói quen sống và dùng thuốc để kiểm soát. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định ghép tim hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ tim.
Xem thêm: Các bệnh về tim mạch ở người già

6. Phình động mạch chủ
Đây là tình trạng động mạch chủ bị phình to bất thường do thành mạch yếu đi theo thời gian. Trong đó, động mạch chủ là mạch máu chính có nhiệm vụ dẫn máu từ tim đến nhiều hệ thống trong cơ thể. Tình trạng này có thể xảy ra ở nhiều vùng cơ thể, chẳng hạn như ngực hoặc bụng.
Theo các chuyên gia y tế, xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân chính gây phình động mạch chủ. Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ khác như huyết áp cao, hút thuốc lá, tuổi tác, béo phì hoặc yếu tố di truyền.
Trên thực tế, hầu hết các trường hợp phình động mạch chủ phát triển chậm và không gây triệu chứng. Điều này khiến nhiều người không biết bản thân mắc bệnh cho đến khi vỡ hoặc bóc tách động mạch chủ. Hệ quả là gây nên các cơn đau đột ngột ở ngực, bụng hoặc lưng, khó thở, huyết áp thấp và thậm chí là ngất xỉu. Trong một số trường hợp nặng khi thành mạch bị vỡ có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Để điều trị hiệu quả, bác sĩ sẽ sẽ theo dõi bằng siêu âm hoặc chụp CT định kỳ, kết hợp dùng thuốc để kiểm soát huyết áp trong trường hợp phình nhẹ. Nếu phình quá lớn hoặc có nguy cơ vỡ cao thì cần phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế đoạn động mạch bị tổn thương. Đây là những giải pháp cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

7. Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật ở tim xuất hiện ngay từ khi sinh ra có ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim. Một số trường hợp dị tật nhẹ có thể không gây triệu chứng. Tuy nhiên, dị tật nặng có thể gây khó thở, tím tái, chậm phát triển ở trẻ sơ sinh hoặc dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim khi trưởng thành.
Trên thực tế có nhiều bệnh lý tim mạch bẩm sinh khác nhau và có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh. Chẳng hạn như:
- Lỗ hổng trên vách ngăn tim: Gây trộn lẫn máu giàu oxy và máu nghèo oxy, làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể. Tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng oxy thiếu hụt, dễ dẫn đến suy tim nếu không được điều trị. Bệnh còn gây tăng áp lực phổi và làm tổn thương mạch máu phổi theo thời gian.
- Hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu: Cản trở dòng máu lưu thông, khiến tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua đoạn hẹp. Tình trạng này dẫn đến tăng huyết áp, đau tức ngực, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Nếu hẹp nghiêm trọng, có thể gây đột quỵ hoặc suy tim sớm. Trường hợp tắc nghẽn hoàn toàn có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Van tim phát triển bất thường: Nếu van hẹp hoặc không đóng kín, tim phải làm việc quá mức để bơm máu. Hệ quả là làm tăng nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc nhiễm trùng van tim. Một số trường hợp nặng có thể cần phẫu thuật thay thế hoặc sửa chữa van tim để đảm bảo tim hoạt động bình thường.
- Thiếu một phần của tim: Bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng nhất, có khả năng gây suy tim ngay từ khi sinh ra. Do đó trẻ sơ sinh thường cần phẫu thuật ngay sau khi sinh để duy trì sự sống. Ngay cả khi đã phẫu thuật thành công thì bệnh nhân vẫn cần được theo dõi suốt đời để đảm bảo tim hoạt động ổn định.
Xem thêm: Các bệnh về tim mạch ở người già

8. Bệnh màng ngoài tim
Đây là tình trạng viêm của màng ngoài tim – một lớp màng mỏng bao quanh và bảo vệ tim. Khi bị viêm, màng này có thể sưng lên hoặc tích tụ dịch, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Người bệnh có thể có biểu hiện khó thở, sốt nhẹ, mệt mỏi, tim đập nhanh và đau nhói ở ngực, đặc biệt là khi hít thở sâu hoặc nằm xuống.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây viêm màng ngoài tiêm như:
- Nhiễm trùng: Phổ biến nhất là do nhiễm virus Enterovirus, Adenovirus hoặc HIV. Ngoài ra có thể do nhiễm vi khuẩn lao, vi khuẩn Staphylococcus aureus, Neisseria meningitidis. Hoặc nhiễm trùng nấm như Candida spp.
- Nhồi máu cơ tim: Tổn thương cơ tim sau cơn đau tim có thể dẫn đến viêm màng ngoài tim.
- Chấn thương hoặc phẫu thuật tim: Tổn thương trực tiếp đến tim hoặc vùng ngực.
- Bệnh lý tự miễn: Các bệnh như lupus ban đỏ hệ thống hoặc viêm khớp dạng thấp.
- Nguyên nhân khác: Sử dụng một số loại thuốc, suy thận hoặc ung thư.
Nếu không được điều trị, tình trạng viêm có thể dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim hoặc viêm màng ngoài tim co thắt. Trong đó, tràn dịch màng ngoài tim xảy ra do dịch tích tụ quá nhiều gây chèn ép tim. Còn viêm màng ngoài tim co thắt là do màng dày lên làm cản trở hoạt động của tim.
Để tránh các biến chứng này, bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng viêm để cải thiện tình trạng bệnh, thường là thuốc NSAIDs, colchicine, corticosteroids. Nếu bệnh tiến triển nặng thì có thể cân nhắc chọc hút dịch màng ngoài tim hoặc phẫu thuật để đảm bảo sức khỏe.

9. Bệnh mạch máu não
Đây là nhóm bệnh lý tim mạch liên quan đến mạch máu trong não, có khả năng gây giảm lưu lượng máu hoặc gây chảy máu trong não. Trong đó bao gồm các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, phình động mạch não, xuất huyết não và bệnh động mạch cảnh.
- Đột quỵ: Là tình trạng lưu lượng máu đến não bị gián đoạn, làm cho các tế bào não không nhận đủ oxy và chết trong thời gian ngắn. Đột quỵ có thể gây liệt một bên cơ thể, suy giảm nhận thức và mất khả năng nói. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
- Phình động mạch não: Là tình trạng một đoạn của động mạch não bị giãn nở bất thường do thành mạch yếu, hình thành túi phình chứa máu có nguy cơ vỡ. Khi túi phình vỡ ra có thể dẫn đến xuất huyết não và gây tổn thương não nghiêm trọng, hôn mê hoặc tử vong.
- Xuất huyết não: Là tình trạng mạch máu trong não bị vỡ, khiến máu tràn vào mô não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Xuất huyết não làm tăng áp lực trong não, có thể gây hôn mê, mất chức năng vận động hoặc tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
- Bệnh động mạch cảnh: Là tình trạng động mạch chính đưa máu từ tim lên não bị hẹp hoặc tắc nghẽn do xơ vữa động mạch. Lúc này dòng máu lên não bị giảm hoặc hình thành cục máu đông, có thể gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nếu không điều trị có thể dẫn đến đột quỵ nặng, gây tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Các bệnh mạch máu não đặc biệt nguy hiểm, do đó đòi hỏi sự theo dõi và chữa trị kịp thời để tránh những biến cố nghiêm trọng. Tùy trường hợp có cách chữa khác nhau, bao gồm đặt stent, phẫu thuật bóc mảng xơ vữa, phẫu thuật lấy máu tụ hoặc giảm áp lực trong não.
Tổng đài tư vấn sức khỏe tim mạch MIỄN PHÍ
- Hơn 40 chi nhánh tại TPHCM.
- Đối tác của hơn 6500+ bác sĩ và hơn 500+ bệnh viện.
- Xét nghiệm sức khỏe tiện lợi, không chờ đợi.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Lấy mẫu tại nhà miễn phí.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
10. Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là tình trạng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu, thường xảy ra ở chân. Bệnh lý này xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như do tổn thương tĩnh mạch từ phẫu thuật, chấn thương hoặc viêm nhiễm. Một số trường hợp có thể do máu lưu thông chậm khi ngồi lâu hoặc nằm liệt giường gây nên DVT.
Trên thực tế, người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gặp những triệu chứng sau:
- Sưng ở chân bị ảnh hưởng.
- Đau hoặc cảm giác đau nhói ở chân, thường bắt đầu ở bắp chân.
- Thay đổi màu da chân, như đỏ hoặc tím.
- Cảm giác ấm ở vùng chân bị ảnh hưởng.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng. Trong đó, nguy hiểm nhất là thuyên tắc phổi – một biến chứng xảy ra khi cục máu đông di chuyển đến phổi và gây tắc nghẽn mạch máu phổi. Dấu hiệu của thuyên tắc phổi bao gồm khó thở đột ngột, đau ngực khi hít thở sâu hoặc ho, nhịp tim nhanh và có thể ho ra máu. Đây là tình trạng cấp cứu y tế cần được xử lý ngay lập tức để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Lời kết
Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về một số bệnh về máu và tim mạch thường gặp. Đây là những bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Việc tìm hiểu về các bệnh lý tim mạch này rất hữu ích giúp bạn dễ dàng phòng ngừa từ sớm.
Xem thêm: Các hội chứng tim mạch
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2878263/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430927/
https://www.cdc.gov/heart-defects/about/index.html
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16749-arrhythmia