Khám lâm sàng tim mạch là gì?
Đây là một quy trình kiểm tra tổng quát nhằm đánh giá tình trạng tim mạch của bệnh nhân. Khám lâm sàng giúp xác định sớm nguy cơ hoặc dấu hiệu bệnh lý tim mạch mà chưa cần thực hiện xét nghiệm phức tạp ngay từ ban đầu. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra bệnh sử, khám thực thể và chỉ định xét nghiệm (nếu cần) để kiểm tra tình trạng của tim.
Khám tim mạch lâm sàng gồm những gì?
Hỏi bệnh sử
Đây là bước đơn giản trong quá trình khám. Việc khai thác thông tin bệnh sử rất quan trọng, giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán và lựa chọn các bước khám tiếp theo. Bác sĩ sẽ tập trung khai thác các thông tin và những vấn đề sau:
- Triệu chứng hiện tại: Bao gồm những triệu chứng phổ biến như đau tức ngực, khó thở, hồi hộp, ngất xỉu, mệt mỏi, phù nề. Bác sĩ sẽ hỏi về thời gian, tần suất, mức độ và yếu tố làm nặng hoặc giảm triệu chứng.
- Lối sống và yếu tố nguy cơ: Hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn uống, mức độ vận động thể chất, tình trạng căng thẳng.
- Tiền sử mắc bệnh tim mạch: Bao gồm các bệnh như nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, suy tim, bệnh van tim đã từng gặp.
- Tiền sử bệnh liên quan và bệnh nền: Tiểu đường, bệnh thận, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp…
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim: Kiểm tra yếu tố di truyền và bệnh sử người thân mắc bệnh tim.
- Sử dụng thuốc: Các loại thuốc đang dùng, kể cả thuốc kê toa và không kê toa, thuốc nam, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.

Khám thực thể tim mạch
Khám thực thể tim mạch bao gồm nhiều bước quan trọng. Bao gồm: quan sát tổng quát, sờ nắn, nghe tim, đo huyết áp, khám mạch máu, kiểm tra dấu hiệu phù nề, đánh giá nhịp thở, tiếng thở và các dấu hiệu liên quan khác.
1. Quan sát tổng quát: Giúp phát hiện nhanh các dấu hiệu toàn thân gợi ý bệnh tim mạch như khó thở, tím tái, giãn tĩnh mạch cổ. Từ đó hỗ trợ đánh giá sơ bộ tình trạng tuần hoàn và khả năng bơm máu của tim.
- Quan sát dáng điệu, tư thế, dấu hiệu khó thở (thở nhanh, thở gắng sức).
- Kiểm tra da và niêm mạc để phát hiện tím tái hoặc vàng da, thường ở môi, đầu ngón tay.
- Quan sát tĩnh mạch cổ để đánh giá mức độ giãn tĩnh mạch hoặc dao động (liên quan đến áp lực tĩnh mạch trung tâm).
2. Sờ nắn: Mục đích là kiểm tra vị trí và cường độ của mỏm tim để đánh giá kích thước và hoạt động của tim. Việc sờ nắn có thể giúp phát hiện van tim hẹp van, hở van và sự tuần hoàn máu toàn cơ thể.
- Sờ vùng trước tim (vùng mỏm tim): Đánh giá vị trí và cường độ mỏm tim (PMI).
- Kiểm tra rung động (rung miu): Sờ tại các vị trí của tim (van 2 lá, động mạch chủ, phổi, 3 lá) để phát hiện chấn động hoặc rung động do âm thổi mạnh.
- Sờ mạch ngoại biên: Kiểm tra mạch ở các vùng như mạch quay, mạch chân (đùi, cổ chân) để đánh giá sức mạnh, đều đặn và sự cân đối của mạch.
3. Nghe tim: Nhận biết các âm thanh bất thường như tiếng thổi tim (âm do dòng máu chảy rối) và tiếng cọ màng tim. Nghe tim giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh van tim, rối loạn nhịp tim hoặc các bệnh lý khác như viêm màng ngoài tim.
- Dùng ống nghe để nghe tại 5 vị trí chính: Van 2 lá (mỏm tim), van động mạch chủ (vùng cạnh ức phải), van động mạch phổi (vùng cạnh ức trái), van 3 lá (đáy ức), đáy tim (vị trí lan rộng âm thổi nếu có).
- Bác sĩ sẽ chú ý đến các âm thanh tim: Bao gồm tiếng tim S1, S2, tiếng thổi, click bất thường, tiếng ngựa phi (gallop) hoặc tiếng cọ màng tim.
4. Đo huyết áp: Giúp phát hiện bất thường như cao huyết áp, hạ huyết áp hoặc sự chênh lệch huyết áp giữa hai tay.
- Kiểm tra huyết áp ở cả hai tay để so sánh và phát hiện sự bất đối xứng, các dấu hiệu của hẹp động mạch chủ hoặc bất thường mạch máu lớn.
- Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ tim mạch, còn sự chênh lệch huyết áp có thể gợi ý bệnh động mạch chủ.

5. Khám mạch máu: Bác sĩ kiểm tra sự lưu thông máu và phát hiện các tiếng thổi động mạch. Từ đó phát hiện tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, giúp đánh giá khả năng bơm máu của tim.
- Nghe tiếng thổi động mạch: Nghe tại động mạch cảnh và các động mạch lớn khác để phát hiện âm thổi do hẹp động mạch.
- Sờ mạch cổ và mạch chi: Kiểm tra sức mạnh, tần số và sự đều đặn của mạch máu ngoại biên.
6. Kiểm tra dấu hiệu phù nề: Bác sĩ nhấn nhẹ lên vùng mắt cá chân, cẳng chân để kiểm tra dấu hiệu phù nề (phù ấn lõm). Từ đó có thể nhận biết các vấn đề về tuần hoàn và chức năng tim phải. Nguyên nhân của tình trạng phù nề này thường do suy tim phải, bệnh mạch máu hoặc ứ dịch trong cơ thể.
7. Đánh giá nhịp thở và tiếng thở: Kiểm tra nhịp thở, tiếng thở bất thường để đánh giá tình trạng tim mạch liên quan đến chức năng hô hấp. Bác sĩ sẽ đánh giá mối liên quan giữa tim mạch và hô hấp giúp phát hiện suy tim trái hoặc bệnh lý làm cản trở trao đổi khí. Đặc biệt là khi có ứ dịch ở phổi.
8. Đánh giá các dấu hiệu liên quan khác: Đây là bước giúp phát hiện các biến chứng của bệnh tim như suy tim toàn bộ. Bởi một số bệnh lý tim mạch có thể gây ứ dịch ở gan, phổi và nhiều cơ quan quan trọng khác. Bác sĩ thường kiểm tra gan (gan to trong suy tim phải), phổi (dịch màng phổi), và bụng để phát hiện các dấu hiệu ứ dịch hoặc tuần hoàn kém.
Đánh giá bổ sung
Trong một số trường hợp, bác sĩ cần kiểm tra bổ sung để xác định chẩn đoán sau khi khám thực thể. Từ đó hỗ trợ đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng nhằm có hướng điều trị hiệu quả. Bước này thường bao gồm các xét nghiệm máu cùng các phương pháp hình ảnh.
- Xét nghiệm máu: Đo các chỉ số để phát hiện tổn thương cơ tim hoặc suy tim, chẳng hạn như troponin và BNP.
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim để phát hiện rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, dày thành tim.
- Holter ECG: Ghi lại nhịp tim trong 24 – 48 giờ để phát hiện rối loạn nhịp không liên tục.
- Siêu âm tim: Quan sát cấu trúc và chức năng tim, kiểm tra van tim, khối máu, dịch quanh tim.
- Chụp X-quang ngực: Đánh giá kích thước tim, dịch màng phổi, hoặc tình trạng phổi liên quan đến tim.
- Chụp mạch vành: Chụp X-quang với chất cản quang để đánh giá tình trạng mạch vành, phát hiện tắc nghẽn hoặc hẹp mạch.
- Nghiệm pháp gắng sức: Kiểm tra khả năng đáp ứng của tim khi hoạt động, thường được thực hiện trên máy chạy bộ hoặc xe đạp.

Quy trình khám tim mạch lâm sàng
Tại Việt Nam, để chẩn đoán chính xác các bệnh lý tim mạch cần trải qua quy trình 3 bước khám lâm sàng. Đây là quy trình được khuyến cáo bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Quy trình khám tim mạch lâm sàng:
- Bước 1: Hỏi bệnh sử và khai thác thông tin liên quan đến bệnh tim mạch.
- Bước 2: Khám thực thể tim mạch.
- Bước 3: Đánh giá bổ sung với các xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu, X-quang ngực.
Đối tượng cần khám tim mạch lâm sàng
- Người cao tuổi.
- Người có dấu hiệu chứng bất thường về tim mạch: Đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, ngất xỉu, hồi hộp, tim đập nhanh hoặc chậm.
- Người gặp các vấn đề liên quan đến tim: Huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường hoặc rối loạn cholesterol máu.
- Người có tiền sử bệnh tim: Từng bị nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ hoặc các bệnh lý tim mạch khác.
- Người có thói quen sống không lành mạnh: Chế độ ăn uống nhiều đường, muối, dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá; thừa cân, béo phì, ít vận động.
- Người bệnh cần chăm sóc chuyên khoa: Bao gồm người mắc bệnh như bệnh thận mãn tính, lupus hoặc các rối loạn tự miễn khác có thể ảnh hưởng tim mạch.
- Người cần chuẩn bị cho các can thiệp y khoa lớn: Như phẫu thuật hoặc điều trị hóa trị liệu.
Lựa chọn khám tim mạch tại Trung Tâm Y Khoa Diag
Diag hiện cung cấp những dịch vụ giúp phát hiện và điều trị toàn diện các vấn đề về tim mạch phổ biến. Trong đó bao gồm các bệnh lý động mạch vành, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, viêm màng ngoài tim…

Không chỉ chuyên sâu trong lĩnh vực khám chữa bệnh tim mạch, Diag cung cấp nhiều dịch vụ xét nghiệm máu chất lượng. Bạn hoàn toàn an tâm khi lựa chọn xét nghiệm tại Diag để kiểm tra chuyên sâu những chỉ số tim mạch quan trọng. Diag luôn đảm bảo kết quả chính xác tuyệt đối và có giá trị cao trong điều trị bệnh.
Bạn có thể đăng ký xét nghiệm, khám chữa bệnh tim mạch với Diag qua các kênh sau:
- Website: https://diag.vn/clinic/bang-gia-kham-tim-mach/
- Hotline: 1900 1717