Trong bài viết này, Diag chia sẻ thông tin về các hội chứng tim mạch nguy hiểm. Đây là các hội chứng bệnh tim mạch thường gặp, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó cần nhận biết rõ để có hướng chăm sóc sức khỏe cũng như thay đổi chế độ ăn uống phù hợp.

1. Hội chứng tim mạch X (Cardiac Syndrome X)

Đây là rối loạn tim mạch thuộc nhóm bệnh đau thắt ngực nhưng không phát hiện hẹp tắc trong các động mạch vành lớn khi chụp mạch. Hội chứng tim mạch X còn được gọi là đau thắt ngực vi mạch. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.

Một nguyên nhân phổ biến gây nên hội chứng là do sự rối loạn chức năng vi mạch vành. Nghĩa là các mạch máu nhỏ trong tim hoạt động không đúng cách, từ đó gây ra hiện tượng thiếu máu cục bộ. Bệnh nhân mắc hội chứng có thể gặp tăng nhạy cảm đau của cơ tim, khiến họ cảm thấy đau ngực dù không có sự tắc nghẽn đáng kể nào.

Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng tim mạch X là đau thắt ngực, thường xảy ra khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi. Tình trạng đau ngực này xảy ra tương tự như đau do bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, bệnh nhân còn có thể gặp khó thở, mệt mỏi, hồi hộp, hoặc buồn nôn.

2. Hội chứng mạch vành cấp (Acute Coronary Syndrome – ACS)

ACS là tình trạng cấp tính do giảm đột ngột lưu lượng máu đến cơ tim, xảy ra thường do tắc nghẽn động mạch vành. Hội chứng này bao gồm 3 dạng chính:

  • Đau thắt ngực không ổn định.
  • Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên (NSTEMI).
  • Nhồi máu cơ tim ST chênh lên (STEMI).

Nguyên nhân phổ biến nhất của ACS là sự hình thành cục máu đông trên nền mảng xơ vữa trong động mạch vành. Mảng xơ vữa bị vỡ dẫn đến kích hoạt tiểu cầu và hệ thống đông máu, từ đó tạo ra huyết khối và gây tắc nghẽn dòng máu đến tim.

Ngoài ra, hội chứng ACS còn có thể bị kích thích bởi các yếu tố nguy cơ khác. Chẳng hạn như tuổi cao, giới tính nam, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, và lối sống ít vận động. Nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch thì nguy cơ mắc hội hội chứng mạch vành cấp cũng tăng cao.

Người mắc hội chứng ACS thường có các triệu chứng như đau hoặc khó chịu ở ngực, có thể lan ra cánh tay, cổ, hàm, hoặc lưng. Ngoài ra còn có biểu hiện khó thở, buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt, hoặc ngất xỉu.

Mạch vành cấp là một trong các hội chứng tim mạch nguy hiểm, bao gồm nhiều dạng của nhồi máu cơ tim.
Mạch vành cấp là một trong các hội chứng tim mạch nguy hiểm, bao gồm nhiều dạng của nhồi máu cơ tim.

3. Hội chứng mạch vành mạn (Chronic Coronary Syndrome – CCS)

CCS là tình trạng bệnh lý tim mạch mãn tính, xảy ra khi các động mạch vành bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Trong hội chứng này, lưu lượng máu đến cơ tim bị suy giảm và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Chẳng hạn như suy tim hoặc nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng mạch vành mạn là sự tích tụ mảng xơ vữa động mạch và gây ra tắc nghẽn dòng máu. Đồng thời, cơ chế sinh bệnh cũng liên quan đến tổn thương nội mạc mạch máu, viêm mạn tính, và hình thành cục máu đông khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ. Từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn.

Triệu chứng điển hình của hội chứng mạch vành mạn là cơn đau thắt ngực ổn định. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức hoặc xúc động mạnh, sau đó giảm khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giãn mạch (như nitroglycerin).

Đau thắt ngực gây cảm giác bóp nghẹt, nặng, hoặc đau như bị đè ép ở ngực, đôi khi lan lên cánh tay trái, cổ, hàm hoặc lưng. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy khó thở, mệt mỏi, và giảm khả năng chịu đựng khi hoạt động.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể không điển hình như chỉ cảm thấy khó thở hoặc mệt mỏi mà không có đau ngực, đặc biệt là ở người lớn tuổi hoặc bệnh nhân tiểu đường.

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây nên hội chứng mạch vành mạn.
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây nên hội chứng mạch vành mạn.

4. Hội chứng suy tim cấp (Acute Heart Failure Syndromes)

Suy tim cấp là hội chứng nghiêm trọng xảy ra khi tim đột ngột mất khả năng bơm máu hiệu quả. Điều này dẫn đến việc không cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể. Theo nhiều khảo sát, đây là hội chứng nguy hiểm – là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhập viện ở người trên 65 tuổi.

Nguyên nhân gây nên hội chứng rất đa dạng. Trong đó bao gồm bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim,hoặc bệnh thận giai đoạn cuối. Một số nguyên nhân khác có thể do đái tháo đường, tắc mạch phổi, cường giáp, ngưng thở khi ngủ, và nhiễm trùng virus ảnh hưởng đến tim. Mặc dù vậy, hội chứng cũng có thể xuất hiện ở những người có hoặc không có tiền sử bệnh tim.

Để nhận biết suy tim cấp, người bệnh thường có biểu hiện khó thở (đặc biệt khi nằm), thở gấp, đau ngực, hoặc cảm giác như bị ngạt thở. Ngoài ra, còn có những triệu chứng khác như bất thường nhịp tim, ho, phù nề ở tay hoặc chân, và mất ý thức.

Cảm giác ngạt thở là triệu chứng phổ biến của hội chứng suy tim cấp.
Cảm giác ngạt thở là triệu chứng phổ biến của hội chứng suy tim cấp.

5. Hội chứng Brugada (Brugada Syndrome)

Brugada là hội chứng rối loạn nhịp tim di truyền về kênh ion của tim, ảnh hưởng đến cách các xung điện truyền qua tim. Sự rối loạn này có nguy cơ dẫn đến nhịp tim bất thường nghiêm trọng (loạn nhịp thất), có thể gây ngất hoặc đột tử. Đặc trưng của hội chứng này là hình ảnh đoạn ST chênh lên, và sóng J lớn trên điện tâm đồ (ECG) ở các chuyển đạo trước tim phải (V1-V3).

Hội chứng Brugada do đột biến gen SCN5A gây ra. Gen này ảnh hưởng đến kênh natri của tim, dẫn đến giảm dòng ion natri hoặc canxi vào tế bào, hoặc tăng dòng ion kali ra ngoài. Những bất thường này gây mất điện thế hoạt động, đặc biệt là ở vùng thượng tâm mạc của đường ra thất phải. Từ đó dẫn đến các thay đổi đặc trưng trên ECG và tăng nguy cơ loạn nhịp thất.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân mắc hội chứng không có triệu chứng rõ ràng, và hơn 70% tổng số ca bệnh không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có thể trải qua ngất, đánh trống ngực, chóng mặt, hoặc ngừng tim đột ngột.

Theo các chuyên gia, hội chứng Brugada có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở Đông Nam Á – khoảng 37 trên 10.000 người. Trong đó, phần lớn bệnh nhân là nam giới (chiếm khoảng 85%) và thường gặp ở người trung niên (khoảng 40 tuổi).

Brugada là hội chứng về bất thường nhịp tim di truyền về kênh ion của tim.
Brugada là hội chứng về bất thường nhịp tim di truyền về kênh ion của tim.

6. Hội chứng QT kéo dài (Long QT Syndrome – LQTS)

LQTS là một rối loạn về hệ thống điện của tim khi khoảng QT trên điện tâm đồ kéo dài hơn bình thường. Trong đó, khoảng QT đại diện cho thời gian mà tâm thất co bóp và hồi phục để chuẩn bị cho nhịp đập tiếp theo. Khi khoảng QT kéo dài, tim trở nên dễ bị rối loạn nhịp nghiêm trọng (như xoắn đỉnh) có thể gây ngất xỉu, co giật, hoặc đột tử.

Hội chứng QT kéo dài xuất phát từ sự bất thường trong việc truyền các ion (như natri, kali, và canxi) qua màng tế bào cơ tim. Từ đó dẫn đến thời gian hồi cực của tim kéo dài. Hội chứng này có hai nguyên nhân chính:

  • LQTS di truyền: Do đột biến gen ảnh hưởng đến các kênh ion kiểm soát dòng điện trong tim. Có nhiều loại LQTS di truyền, phổ biến nhất là LQTS 1, 2, và 3. Trong LQTS 1, căng thẳng hoặc tập thể dục nặng (đặc biệt là bơi lội) có thể khiến nhịp tim bị rối loạn. Trong LQTS 2, những cảm xúc cực đoan, chẳng hạn như ngạc nhiên, cũng có thể gây ra rối loạn trong nhịp tim. Trong LQTS 3, nhịp tim chậm khi ngủ có thể khiến nhịp tim bị rối loạn.
  • LQTS mắc phải: Hơn 50 loại thuốc đã được xác định có thể gây ra LQTS. Bao gồm thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc chống trầm cảm, và thuốc chống tâm thần. Ngoài ra, tiêu chảy cấp hoặc nôn mửa nghiêm trọng làm mất nhiều ion kali hoặc natri từ máu cũng có thể gây ra LQTS.

Trên thực tế, nhiều người mắc hội chứng QT kéo dài không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện thông qua điện tâm đồ. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể biểu hiện như sau:

  • Ngất xỉu đột ngột, đặc biệt sau khi tập luyện thể dục hoặc trong lúc căng thẳng cảm xúc.
  • Đánh trống ngực, tim đập nhanh, mạnh, hoặc bất thường.
  • Chóng mặt và choáng váng do nhịp tim bất thường làm giảm lượng máu lên não.
  • Co giật do thiếu máu cục bộ lên não trong thời gian ngắn.
  • Ngừng tim đột ngột hoặc đột tử không rõ nguyên nhân.

7. Hội chứng trái tim tan vỡ (Broken Heart Syndrome)

Hội chứng còn được gọi là bệnh cơ tim Takotsubo, là một dạng suy yếu tạm thời của cơ tim ảnh hưởng chủ yếu đến thất trái. Hội chứng này thường xuất hiện đột ngột sau những sang chấn tâm lý hoặc căng thẳng cực độ. Từ đó dẫn đến các triệu chứng tương tự như nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, khi kiểm tra bằng chụp mạch vành thì người bệnh không có dấu hiệu tắc nghẽn động mạch.

Nguyên nhân chính của hội chứng trái tim tan vỡ là sự gia tăng đột ngột hormone căng thẳng, đặc biệt là khi adrenaline tăng cao. Lượng adrenaline thường tăng cao trong trường hợp cơ thể đối mặt với một cú sốc cảm xúc (mất người thân, ly hôn, và tai nạn nghiêm trọng) hoặc căng thẳng thể chất (phẫu thuật, bệnh nặng). Lúc này người bệnh có thể gặp tình trạng co thắt mạch máu nhỏ trong tim hoặc tê liệt cơ tim tạm thời. Hệ quả là thất trái bị suy yếu, phình to và suy giảm khả năng bơm máu.

Người bệnh thường có triệu chứng đau ngực dữ dội, xuất hiện đột ngột ngay sau một sự kiện căng thẳng. Đồng thời, họ cũng cảm thấy khó thở, choáng váng, tim đập nhanh hoặc không đều, và đôi khi bị ngất. Mặc dù triệu chứng có thể nghiêm trọng nhưng phần lớn người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Người mắc hội chứng trái tim tan vỡ thường cảm thấy khó thở và đau ngực dữ dội.
Người mắc hội chứng trái tim tan vỡ thường cảm thấy khó thở và đau ngực dữ dội.

Lời kết

Như vậy, bài viết đã chia sẻ đầy đủ thông tin về các hội chứng tim mạch phổ biến. Đây là những hội chứng nguy hiểm, cần nhận biết và phát hiện sớm để có hướng can thiệp kịp thời. Chẳng hạn như cần xét nghiệm máu, siêu âm tim, hoặc thực hiện điện tâm đồ.