Trong bài viết này, Diag chia sẻ đến bạn 10 biện pháp phòng chống bệnh tim mạch được các chuyên gia y tế khuyến cáo. Đây là những cách phòng tránh bệnh tim mạch rất dễ thực hiện và có thể áp dụng được với nhiều đối tượng khác nhau.

1. Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh

Biện pháp này cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cần thiết để bảo vệ tim mạch. Bạn nên ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ. Đồng thời bổ sung chất béo omega-3 từ các loại cá béo, dầu ô liu và quả hạch. Những thực phẩm này giúp giảm mức LDL-C, giảm viêm, bảo vệ chức năng mạch máu và ngăn ngừa tích tụ mảng bám trong động mạch. Từ đó tránh nguy cơ xơ vữa và bệnh mạch vành.

Ngoài ra, bạn cần hạn chế tiêu thụ muối, đường, thực phẩm chứa chất béo bão hòa hoặc món ăn chế biến sẵn. Từ đó có thể ổn định huyết áp và đường – vốn là những yếu tố có thể gây tiểu đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

2. Tăng cường hoạt động thể chất

Khi vận động đều đặn, cơ tim trở nên khỏe mạnh và bơm máu hiệu quả hơn, giúp giảm áp lực lên các động mạch. Đồng thời, tập thể dục cũng hỗ trợ làm giảm lượng mỡ trong máu. Đặc biệt là giảm mức LDL-C và tăng cholesterol HDL-C, từ đó ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch.

Tập thể dục thường xuyên thúc đẩy cơ thể kiểm soát huyết áp cũng như tăng độ nhạy insulin, giảm căng thẳng và nguy cơ bệnh tiểu đường. Từ đó giúp bạn tránh được những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến các bệnh tim mạch.

3. Kiểm soát cân nặng hợp lý

Bạn cần ăn uống điều độ và tập luyện thể dục hợp lý để kiểm soát cân nặng. Bởi lượng mỡ dư thừa thường gây viêm mãn tính và làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Tình trạng này cản trở lưu thông máu và tăng áp lực lên tim, từ đó tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Mỡ dư thừa cũng góp phần làm mất cân bằng lipid máu, với sự gia tăng LDL-C và triglycerides, cùng lúc làm giảm HDL-C. Đồng thời, béo phì còn làm rối loạn chức năng của hormone insulin, gây ra tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nếu không kiểm soát tốt các rối loạn này thì sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành xơ vữa động mạch cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

4. Không hút thuốc lá

Ngưng hút thuốc là cách phòng ngừa bệnh tim mạch rất hiệu quả. Bởi trong thuốc lá chứa nhiều hóa chất độc hại gây tổn thương trực tiếp đến tim và mạch máu. Chẳng hạn như chất nicotine có thể làm tăng nhịp tim, co thắt động mạch và giảm lượng oxy cung cấp cho tim. Còn carbon monoxide có trong khói thuốc sẽ chiếm chỗ của oxy trong máu. Nó làm giảm khả năng cung cấp oxy cho cơ tim và các cơ quan khác, gây áp lực lớn hơn lên tim.

Hơn nữa, hút thuốc lá cũng làm tăng mức LDL-C, giảm HDL-C, tăng huyết áp, gây viêm và tổn thương lớp nội mạc mạch máu. Những vấn đề này đều góp phần vào việc đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Bỏ hút thuốc lá là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch hiệu quả.
Bỏ hút thuốc lá là biện pháp phòng chống bệnh tim mạch hiệu quả.

5. Hạn chế uống rượu bia

Uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Rượu gây ra sự co thắt mạch máu và khiến tim phải bơm máu mạnh hơn để duy trì lưu thông máu. Khi cao huyết áp kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như suy tim và đột quỵ.

Đồng thời, tiêu thụ nhiều rượu bia cũng gây nên bệnh viêm gan, dẫn đến suy giảm chức năng gan trong quá trình chuyển hóa các chất. Điều này làm trầm trọng thêm các yếu tố dẫn đến bệnh tim.

Do đó, bạn chỉ nên uống rượu ở mức vừa phải hoặc hạn chế. Việc này giúp cơ thể duy trì sự cân bằng chuyển hóa lipid, kiểm soát tốt huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.

6. Quản lý căng thẳng

Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết ra các hormone (như adrenaline, cortisol) khiến huyết áp tăng cao. Nếu tình trạng này kéo dài, áp lực liên tục lên tim và mạch máu có thể gây ra tổn thương. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim.

Bạn nên thực hành các phương pháp như thiền, yoga hoặc tham gia những hoạt động thư giãn. Đây là cách hữu ích giúp tim và mạch máu hoạt động ổn định hơn, cải thiện tốt các vấn đề tim mạch.

7. Ngủ đủ giấc

Đây là một trong các biện pháp phòng ngừa các bệnh về tim mạch mà ít người để ý. Giấc ngủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày giúp cơ thể hồi phục cũng như duy trì các chức năng quan trọng. Chẳng hạn như điều hòa huyết áp, nhịp tim và các quá trình trao đổi chất.

Khi thiếu ngủ, cơ thể bạn dễ bị căng thẳng, khó kiểm soát đường huyết, cân nặng và hàm lượng cholesterol máu. Hệ quả là tăng huyết áp và mức độ viêm nhiễm, từ đó gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.

Ngủ đủ và sâu giấc là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch hữu hiệu.
Ngủ đủ và sâu giấc là cách bảo vệ sức khỏe tim mạch hữu hiệu.

8. Quản lý đường huyết ổn định

Đường huyết cao kéo dài có thể gây tổn thương mạch máu và dẫn đến các biến chứng tim mạch. Do đó người trưởng thành không có nguy cơ tiểu đường nên kiểm tra đường huyết mỗi 3 năm một lần. Nếu có nguy cơ cao hoặc đã mắc bệnh tiểu đường thì cần kiểm tra thường xuyên hơn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

9. Đo lường huyết áp khi cần

Nếu bạn không có tiền sử bệnh tim thì cần kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi 1 – 2 năm một lần. Biện pháp này giúp phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp, từ đó có giải pháp can thiệp kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng liên quan.

Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ cao hoặc đã được chẩn đoán tăng huyết áp thì cần đo lường thường xuyên hơn. Bạn có thể kiểm tra mỗi tuần hoặc mỗi tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

10. Kiểm tra mức cholesterol định kỳ

Đối với người trưởng thành không có nguy cơ cao thì bạn nên kiểm tra cholesterol ít nhất mỗi 4 – 6 năm một lần. Việc tầm soát cholesterol giúp phát hiện sớm tình trạng cholesterol cao, đặc biệt là LDL-C. Nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ tim mạch cao thì cần kiểm tra thường xuyên hơn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Lời kết

Bên trên là 10 biện pháp phòng chống bệnh tim mạch hiệu quả nhất theo các chuyên gia. Hy vọng 10 cách phòng ngừa bệnh tim mạch bên trên giúp bạn dễ dàng chăm sóc sức khỏe trước các bệnh lý tim mạch.