Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không? Đây là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng cho tát cả mọi người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Cùng Diag tìm hiểu những ảnh hưởng nguy hiểm đối với sức khỏe và cách chăm sóc, điều trị bệnh.
Tổng quan về suy tim ở người già
Suy tim là tình trạng tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết để đáp ứng nhu cầu oxy và dưỡng chất của cơ thể. Đây là một bệnh lý mãn tính, tiến triển dần theo thời gian và thường gặp ở người cao tuổi.
Khi tuổi tác tăng, các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tim, dần suy yếu. Đặc biệt, cơ tim mất đi sự đàn hồi và khả năng bơm máu hiệu quả. Đồng thời, người cao tuổi thường mắc các bệnh lý nền kéo dài, làm tăng nguy cơ suy tim.
Ảnh hưởng của suy tim đến sức khỏe người già
- Giảm khả năng vận động: Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi, thậm chí không thể thực hiện các hoạt động nhẹ như đi bộ hoặc leo cầu thang.
- Chất lượng cuộc sống giảm sút: Các triệu chứng như phù chân, ho khan vào ban đêm và mất ngủ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
- Nguy cơ biến chứng cao: Nếu không kiểm soát tốt, suy tim có thể dẫn đến phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, đột quỵ hoặc suy thận.
Xem thêm: Suy tim có nguy hiểm không?

Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không?
Suy tim ở người già là một bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt khi tiến triển đến giai đoạn nặng, dễ gây ra những tiến triển nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Dưới đây là những biến chứng phổ biến và mức độ nghiêm trọng của chúng. Các biến chứng của suy tim ở người già:
- Phù phổi cấp là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất. Khi dịch bị ứ lại trong phổi, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở dữ dội, thở nhanh, khò khè hoặc ho ra bọt hồng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
- Rối loạn nhịp tim: Người bị suy tim dễ gặp phải các dạng rối loạn nhịp như rung nhĩ hoặc nhịp nhanh thất. Những cơn rối loạn nhịp nặng có thể khiến tim ngừng đập đột ngột, gây ngừng tim.
- Suy thận: Khi tim không bơm đủ máu, thận sẽ không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến suy giảm chức năng hoặc thậm chí suy thận mạn tính.
- Đột tử: Xảy ra khi tim ngừng hoạt động một cách đột ngột. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, thường do rối loạn về nhịp tim hoặc ngừng tim.
Nguyên nhân gây nên suy tim ở người già
Người già dễ bị suy tim vì đây là giai đoạn mà cơ thể đã chịu nhiều tổn thương tích lũy từ các bệnh lý mạn tính. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Tăng huyết áp:
Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim. Áp lực máu cao kéo dài buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến phì đại cơ tim, lâu ngày làm suy giảm khả năng co bóp của tim.
- Bệnh động mạch vành:
Động mạch vành là mạch máu chính cung cấp máu cho tim. Khi các động mạch này bị tắc nghẽn do mảng xơ vữa, lượng máu đến cơ tim bị giảm, khiến tim bị thiếu oxy, lâu ngày gây suy tim.
- Tiểu đường:
Đường huyết cao kéo dài làm tổn thương các mạch máu nhỏ và dây thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim, dẫn đến suy tim.
- Rối loạn nhịp tim:
Khi nhịp tim bất thường (quá nhanh hoặc quá chậm), tim không thể bơm máu hiệu quả, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn và suy tim. Bệnh còn có thể gây cục máu đông, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Tiền sử nhồi máu cơ tim:
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng một phần cơ tim bị hoại tử do thiếu máu nuôi. Sau cơn nhồi máu, chức năng co bóp của tim giảm mạnh, khiến tim khó duy trì hoạt động bơm máu bình thường, dẫn đến suy tim.
- Tuổi tác:
Khi tuổi càng cao, cơ tim mất dần sự đàn hồi và khả năng co bóp. Đồng thời, các van tim dễ bị thoái hóa, làm giảm hiệu suất hoạt động của tim.
Triệu chứng suy tim ở người già
Các triệu chứng thường tiến triển âm thầm, nhưng khi xuất hiện triệu chứng rõ ràng, bệnh đã ở giai đoạn đáng lo ngại. Suy tim ở người già có nhiều triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm phế quản, suy thận hoặc thiếu máu. Vì vậy, nếu xuất hiện những biểu hiện nghi ngờ cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Khó thở (Đặc biệt khó thở khi vận động hoặc nằm): Do dịch bị ứ trong phổi, cản trở quá trình trao đổi oxy. Người bệnh thường thấy khó thở khi leo cầu thang, đi bộ hoặc khi nằm thẳng. Ở giai đoạn nặng, người bệnh phải ngồi dậy để thở (khó thở kịch phát về đêm).
- Mệt mỏi kéo dài, uể oải: Tim suy yếu làm giảm lượng máu giàu oxy đến các cơ quan, đặc biệt là cơ bắp và não. Người bệnh cảm thấy kiệt sức dù chỉ làm những việc nhẹ như nấu ăn, đi bộ hoặc thay quần áo.
- Sưng chân, mắt cá chân (Phù ngoại biên): Suy tim gây ứ trệ tuần hoàn, khiến dịch tích tụ ở các mô, đặc biệt là ở chân và mắt cá. Phù thường xuất hiện vào buổi chiều hoặc tối, khi ấn nhẹ vào vùng sưng sẽ thấy lõm và lâu phẳng trở lại.
- Ho khan, nhất là vào ban đêm: Dịch ứ trong phổi kích thích phản xạ ho. Người bệnh sẽ bị ho kéo dài và thường nặng hơn khi nằm xuống. Một số trường hợp ho ra bọt hồng (dấu hiệu của phù phổi cấp, cần cấp cứu ngay).
- Tiểu đêm nhiều lần: Khi nằm, máu từ các chi dưới trở về tim nhiều hơn, thận nhận được nhiều máu hơn, tăng cường lọc và bài tiết nước tiểu.Người bệnh thường phải thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu, gây gián đoạn giấc ngủ.
Ngoài các triệu chứng chính trên, bệnh còn có thể gây ra:
- Chán ăn, buồn nôn: Do ứ dịch ở gan và hệ tiêu hóa, khiến người bệnh cảm thấy đầy bụng, khó tiêu.
- Chóng mặt, ngất xỉu: Do tim không bơm đủ máu lên não.
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều: Tim cố gắng bù đắp việc bơm máu kém bằng cách đập nhanh hơn, dễ dẫn đến rối loạn nhịp.
- Da xanh xao, lạnh: Do giảm lưu lượng máu ngoại vi.

Phương pháp chẩn đoán suy tim ở người già
Chẩn đoán suy tim cần sự kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
1. Khám lâm sàng giúp bác sĩ nhận diện các dấu hiệu đặc trưng của suy tim và xác định các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng (khó thở, phù chân, ho về đêm, tiểu đêm). Xác định các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim. Bác sĩ sẽ tiến hành khám
Nghe tim, phổi nhằm phát hiện tiếng ran ẩm (do dịch ứ trong phổi) hoặc tiếng tim bất thường.
Khám phù để kiểm tra phù ngoại biên (phù chân, mắt cá chân).
Đo nhịp tim, huyết áp hỗ trợ nhận diện dấu hiệu tim đập nhanh hoặc huyết áp cao.
2. Siêu âm tim (Echocardiography) là phương pháp quan trọng nhất để chẩn đoán và đánh giá mức độ suy tim. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cơ thể thông qua:
- Phân suất tống máu (EF): Đo lường khả năng bơm máu của tim. Bình thường EF > 50%, suy tim khi EF < 40%.
- Kích thước buồng tim: Phát hiện tim to hoặc dày thành tim.
- Chức năng van tim: Kiểm tra hẹp hoặc hở van, nguyên nhân phổ biến gây suy tim ở người già.
- Mức độ ứ dịch màng ngoài tim hoặc màng phổi: Gợi ý suy tim nặng.
3. Điện tâm đồ (ECG) đánh giá hoạt động điện học của tim, phát hiện các bất thường dẫn đến suy tim. Phương pháp này giúp đánh giá tình trạng suy tim thông qua:
- Rối loạn nhịp tim (rung nhĩ, block nhĩ thất) là nguyên nhân hoặc hậu quả của suy tim.
- Dấu hiệu phì đại tâm thất do tim phải làm việc quá sức khi bị tăng huyết áp.
- Di chứng nhồi máu cơ tim hỗ trợ nhận biết vùng tim bị tổn thương cũ.
4. Xét nghiệm máu giúp phát hiện dấu hiệu tổn thương tim và các biến chứng liên quan. Các chỉ số quan trọng:
- BNP hoặc NT-proBNP là chỉ dấu sinh học đặc hiệu cho suy tim. Nồng độ BNP tăng cao khi tim bị quá tải.
- Troponin hỗ trợ đánh giá tổn thương cơ tim (thường tăng cao khi có nhồi máu cơ tim).
- Chức năng thận (ure, creatinine) giúp phát hiện suy thận do biến chứng của suy tim.
- Điện giải (Natri, Kali) giúp đánh giá ảnh hưởng của thuốc điều trị hoặc biến chứng suy tim.
- Chỉ số men gan (AST, ALT) hỗ trợ đánh giá suy gan do sung huyết, thường gặp ở bệnh nhân suy tim phải.

5. Chụp X-quang ngực hỗ trợ phát hiện các dấu hiệu gián tiếp của suy tim. Phương pháp này giúp đánh giá các thông tin như:
- Bóng tim to: Gợi ý tim giãn hoặc phì đại (dấu hiệu suy tim mạn tính).
- Ứ dịch phổi: Xuất hiện hình ảnh mờ ở phổi (dấu hiệu phù phổi hoặc sung huyết phổi).
- Đường Kerley B: Biểu hiện tình trạng ứ dịch mô kẽ phổi do suy tim.
- Tràn dịch màng phổi: Dấu hiệu nặng của suy tim giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó bác sĩ có thể đề xuất thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán bổ sung khác khi cần.
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) đánh giá cấu trúc và chức năng tim chi tiết hơn, đặc biệt trong suy tim do bệnh cơ tim.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim hỗ trợ phát hiện bệnh mạch vành hoặc đánh giá tổn thương động mạch lớn.
- Thông tim và chụp động mạch vành được chỉ định khi nghi ngờ bệnh mạch vành là nguyên nhân chính gây suy tim.
Điều trị suy tim ở người già
Điều trị suy tim ở người già cần được cá nhân hóa dựa trên mức độ bệnh và sức khỏe tổng thể. Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ.
Điều trị nội khoa (Dùng thuốc)
Đây là phương pháp điều trị chính, giúp kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển của suy tim. Các nhóm thuốc phổ biến gồm:
1. Thuốc lợi tiểu (Diuretics): Giúp cơ thể loại bỏ muối và nước dư thừa, giảm áp lực cho tim và giảm phù chân, mắt cá. Cần theo dõi lượng nước tiểu, điện giải (đặc biệt là Kali) khi sử dụng thuốc để tránh mất cân bằng Các loại thuốc thường dùng:
- Furosemide
- Spironolactone
- Hydrochlorothiazide.
2. Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) giúp giãn mạch máu, giảm áp lực trong các buồng tim, ngăn ngừa tổn thương cơ tim. thuốc có thể gây ho, hạ huyết áp. Nếu không dung nạp ACE, bác sĩ có thể chuyển sang nhóm ARB (Losartan, Valsartan). Loại thuốc thường dùng:
- Enalapril
- Lisinopril
- Perindopril
3. Thuốc chẹn beta (Beta-blockers) hỗ trợ làm chậm nhịp tim, giảm áp lực làm việc của tim, ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực và đột tử do rối loạn nhịp. Cần lưu ý bắt đầu sử dụng thuốc với liều thấp và tăng dần để tránh hạ huyết áp quá mức hoặc làm nặng thêm suy tim. Thuốc thường dùng:
- Bisoprolol
- Carvedilol
- Metoprolol
4. Thuốc chống đông máu (Anticoagulants) hỗ trợ ngăn ngừa hình thành cục máu đông, đặc biệt quan trọng khi bệnh nhân bị rung nhĩ hoặc có tiền sử nhồi máu cơ tim. Cần theo dõi chỉ số INR (với Warfarin) để đảm bảo hiệu quả và tránh xuất huyết. Thuốc thường dùng:
- Warfarin
- Rivaroxaban
- Apixaban.
5. Thuốc kháng Aldosterone (Aldosterone antagonists) hỗ trợ ngăn ngừa ứ dịch và bảo vệ cơ tim khỏi tổn thương do hormone Aldosterone. Khi sử dụng thuốc cần lưu ý theo dõi nồng độ Kali để tránh tăng Kali máu. Các loại thuốc thường dùng:
- Spironolactone
- Eplerenone.
Can thiệp và phẫu thuật (khi cần thiết)
Khi thuốc không còn đủ hiệu quả hoặc suy tim tiến triển nặng, các phương pháp can thiệp được xem xét:
1. Cấy máy trợ tim nhằm hỗ trợ kiểm soát nhịp tim, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim có rối loạn nhịp hoặc block nhĩ thất. Các loại máy gồm có:
- Máy tạo nhịp 2 buồng: Phối hợp hoạt động giữa hai tâm thất, giúp tim bơm máu hiệu quả hơn.
- Máy khử rung tự động: Phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất.
2. Phẫu thuật bắc cầu mạch vành hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim bằng cách tạo một đường dẫn mới (bắc cầu) cho máu đi quanh chỗ tắc nghẽn trong động mạch vành. Phương pháp này thường được chỉ định khi suy tim là hậu quả của bệnh động mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim.
3. Ghép tim là giải pháp cuối cùng cho suy tim giai đoạn cuối. Phương pháp này hỗ trợ thay thế tim bị hư hại bằng một quả tim khỏe mạnh từ người hiến tạng. Phẫu thuật ghép tim được chỉ định khi suy tim đã tiến triển đến giai đoạn cuối, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên phương pháp này cũng gặp những khó khăn do khan hiếm người hiến tạng và cần dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.
Xét nghiệm tim mạch chỉ 92k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Phối hợp chăm sóc và lối sống lành mạnh hỗ trợ điều trị
Điều trị suy tim không chỉ dựa vào thuốc và phẫu thuật mà cần kết hợp quản lý lối sống:
1. Chế độ ăn uống:
- Hạn chế muối (dưới 2g/ngày) để tránh giữ nước.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo bão hòa.
2. Vận động nhẹ nhàng: Lựa chọn các bài tập thể thao phù hợp với sức khỏe. Luyện tập đều đặn để tăng cường sức khỏe tổng thể và tim mạch.
3. Theo dõi cân nặng thượng xuyên, nếu tăng >2kg trong 2-3 ngày cần báo bác sĩ.
4.Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên tự ý ngừng thuốc. Nếu có vấn đề bất thường cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn và thay đổi phác đồ điều trị phù hợp hơn.
Tổng kết
Bệnh suy tim ở người già là vấn đề nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và chăm sóc tốt, người bệnh vẫn có thể duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hãy giữ lối sống lành mạnh và thăm khám thường xuyên để bảo vệ sức khỏe trái tim!