Bênh ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm, gây tử vong nhiều nhất ở nước ta. Đây là căn bệnh không hiếm gặp, xuất hiện nhiều ở độ tuổi trưởng thành và người có thói quen hút thuốc lá.

Nhận biết những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư phổi là một cách chủ động hạn chế những rủi ro mà bệnh gây ra, giúp bác sĩ có phác đồ điều trị hiệu quả, nâng cao tỷ lệ hồi phục, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. 

Bệnh Ung Thư Phổi Là Gì?

Bệnh ung thư phổi hay còn được gọi là bệnh ung thư phế quản. Đây là một căn bệnh ung thư ác tính khó điều trị, tỷ lệ thành công thấp. Khi bệnh nhân mắc bệnh trong phổi sẽ xuất hiện khối u ác tính phát triển từ biểu bì mô phế quản, các tuyến phế nang…

Nếu không được điều trị kịp thời khối u này sẽ phát triển một cách nhanh chóng. Sau đó lan rộng ra bên ngoài phổi, đến các mô. Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ phổi mà các bộ phận khác cũng bắt đầu có khối u ác tính. Quá trình này được gọi là di căn.

Ung thư phổi là ung thư ác tính khó điều trị

Bệnh ung thư phổi hiện nay được chia thành 2 loại là:

  • Bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ với tỷ lệ khoảng 15 – 20%.
  • Bệnh ung thư phổi không tế bào chiếm đến 80 – 85%.

Mức Độ Nguy Hiểm Của Bệnh Ung Thư Phổi Như Thế Nào?

Tại Việt Nam ung thư phổi đang xếp hạng thứ 2 trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất. Không chỉ vậy đây là bệnh ung thư khó phát hiện ở giai đoạn sớm, triệu chứng vô cùng mơ hồ hoặc không có triệu chứng, gây khó khăn cho việc điều trị. Dẫn đến bệnh chỉ được phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn, kết quả điều trị thấp, tỷ lệ biến chứng gây tử vong rất cao.

Theo thống kê tỷ lệ ung thư phổi ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Vào năm 2010 có 126.000 người mắc ung thư phổi, dự đoán số người mắc bệnh ung thư phổi vào năm 2020 sẽ lên đến con số là 190.000 người.

Như vậy mỗi năm có khoảng 20.000 ca mắc bệnh ung thư phổi và có đến 17.000 ca tử vong. Tỷ lệ người mắc ung thư phổi nhưng sống trên 5 năm rất thấp. Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ chỉ dừng ở mức 6%. Còn đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ là 18%.

Với những số liệu này quả thực là một tình trạng báo động rằng người dân cần có ý thức nâng cao sức khỏe bản thân để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nguyên Nhân Dẫn Đến Bệnh Ung Thư Phổi

Nguyên nhân của bệnh ung thư phổi chưa thực sự rõ ràng, nhưng qua những trường hợp mắc bệnh, các bác sĩ đã tìm ra những yếu tố khiến những đối tượng dễ mắc bệnh ung thư phổi như sau:

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư phổi

Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến ung thư phổi. Theo thống kê có đến 90% người mắc bệnh ung thư phổi là do thói quen hút thuốc lá. Trong khói thuốc có rất nhiều chất độc hại, khi con người trực tiếp hít vào sẽ gây tổn hại đến phổi, tăng nguy cơ ung thư phổi gấp 13 lần so với người thường.

Không chỉ đối tượng chủ động hút thuốc lá mà ngay cả những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) trong một khoảng thời gian kéo dài cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Ô nhiễm không khí

Khi nguồn không khí bị ô nhiễm, có thể xuất phát từ hơi đốt của các hộ gia đình, đốt rác có các chất độc hại từ ni lông và thực phẩm ôi thiu, các xí nghiệp nhà máy thải khí, và ngay cả khí từ các động cơ thải ra đối với những người làm nghề sửa xe, hoặc tham gia giao thông thường xuyên không có đồ bảo hộ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi.

Ô nhiễm không khí cũng là một nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi

Nghề nghiệp

Nghề nghiệp cũng là một yếu tố tác động khiến con người có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Nhất là những đối tượng làm việc trong nghề mỏ kền, mỏ phóng xạ, ngành công nghiệp hoá dầu, khí đốt, xí nghiệp… Và ngay cả các giáo viên thường xuyên sử dụng phấn để viết bảng cũng rất dễ mắc bệnh.

Các bệnh liên quan đến phổi

Những người từng mắc các bệnh liên quan đến phổi như sẹo cũ đã lành do phổi từng bị tổn thương, bị lao phổi cũ… Thì cũng có nguy cơ các khối u ác tính sẽ phát triển trên vết sẹo gây ra ung thư phổi.

Tiếp xúc với tia phóng xạ

Tia phóng xạ rất độc hại với sức khỏe con người. Là nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư khác nhau trong đó có ung thư phổi.

Khi làm việc trong môi trường không đảm bảo như các mỏ mỏ uranium, fluorspar, người bệnh có thể sẽ hít phải khí radon trong không khí và tiếp xúc trực tiếp với tia phóng xạ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao.

Triệu Chứng Bệnh Ung Thư Phổi

Tuỳ thuộc vào vị trí khối u trong phổi mà người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Nhưng khi bệnh ở giai đoạn sớm các triệu chứng khá mơ hồ, không gây đau đớn quá mức nên khó phát hiện. Đến khi phổi bị tổn thương nghiêm trọng và khối u phát triển mạnh thì các triệu chứng mới rõ ràng. Đây cũng là lúc khó khăn cho việc điều trị.

Một số dấu hiệu của bệnh ung thư phổi mà bạn có thể nhận biết như sau:

Ho nhiều

Một trong những triệu chứng hàng đầu của ung thư phổi là ho. Khi bệnh nhân mắc ung thư phổi có đến 70% trường hợp có triệu chứng này. Những cơn ho thường kéo dài, dai dẳng. Nặng hơn là ho ra máu, khó thở, thở ngắn, tức ngực, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần.

Một trong những triệu chứng hàng đầu của ung thư phổi là ho nhiều

Đau vai, tay và các ngón tay

Khi các khối u nằm ở vị trí đỉnh phổi gây ra tình trạng xâm lấn thành ngực, chèn ép mạng thần kinh cánh tay. Từ đó, dẫn đến các biểu hiện như cảm thấy đau ở vai, cánh tay và bị dị cảm da. Tình trạng này còn được gọi là hội chứng Pancoast.

Khi hệ thần kinh giao cảm bị khối u xâm lấn cũng gây ra tổn thương cho thị giác như lõm mắt, sa mí mắt, đồng tử co lại, phía bên mặt bị tổn thương sẽ không bài tiết mồ hôi nữa.

Sụt cân khó kiểm soát

Ở người bệnh ung thư phổi còn xuất hiện một triệu chứng nữa chính là sụt cân không kiểm soát. Trong trường hợp bạn không ăn kiêng để giảm cân nhưng tình trạng sụt cân vẫn diễn ra một cách bất thường, không rõ nguyên nhân là một điều đáng lo ngại. Sụt cân này có thể bắt nguồn từ nguyên nhân các bệnh lý trong cơ thể.

Không chỉ riêng ung thư phổi, khi trong người có khối u sẽ gây ra tình trạng người mệt mỏi, ăn không ngon miệng, cân nặng giảm đột ngột… Lúc này, bạn cần đến các bệnh viện để được chẩn đoán, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân chính xác của triệu chứng trên.

Dễ bị nhiễm trùng

Nhiễm trùng đường hô hấp là một tình trạng có thể do ung thư phổi gây ra. Dẫn đến các bệnh lý thường gặp như nhiễm trùng mãn tính, viêm phế quản và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Nếu bị nhiễm trùng phổi mãn tính, kéo dài không dứt, người bệnh cần đi đến bệnh viện chụp X quang để được chẩn đoán liệu rằng mình có nguy cơ mắc ung thư phổi hay không.

Khi các khối u bắt đầu xâm lấn hoặc bạch huyết ở trung thất bị di căn có thể khiến cho người bệnh bị khàn tiếng, tắt tiếng nặng hơn là liệt dây âm thanh.

Mô vú có dấu hiệu bất thường

Các tế bào ung thư còn có khả năng kích thích sự rối loạn nội tiết tố dẫn đến các mô ở vùng ngực sưng lên một cách bất thường. Tình trạng này xuất hiện ở nam giới cao hơn nữ giới.

Một số dấu hiệu ung thư khác

Một số dấu hiệu ung thư phổi khác hiếm gặp hơn là tình trạng người bệnh bị tổ hoại tử bướu, mắc các bệnh lý xương khớp, ngón tay bị dùi trống, hội chứng đông máu…

Bệnh Ung Thư Phổi Có Lây Nhiễm Không?

Bệnh ung thư phổi có lây nhiễm không? Bệnh ung thư phổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau chủ yếu là môi trường độc hại và khói thuốc. Tuy nhiên, bệnh ung thư phổi có tính chất giống các bệnh ung thư khác, hoàn toàn không lây nhiễm từ người sang người. Nên người nhà và những đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân ung thư phổi có thể hoàn toàn yên tâm.

Điều Trị Ung Thư Phổi Như Thế Nào?

Ban đầu các bác sĩ sẽ chẩn đoán ung thư phổi thông qua các triệu chứng và thông tin mà bệnh nhân cung cấp để làm các xét nghiệm kiểm tra tình trạng bệnh như:

  • Chụp X Quang phổi.
Chụp X Quang phổi để chẩn đoán ung thư phổi
  • Chụp cắt lớp điện toán ngực giúp các bác sĩ xác định được vị trí, mức độ phát triển của khối u.
  • Làm sinh thiết ở những vùng khác thường của phổi để làm xét nghiệm tìm tế bào ung thư.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị ung thư phổi riêng tuỳ theo giai đoạn ung thư phát triển trên cơ thể người bệnh, bao gồm nhiều phương pháp khác nhau như:

  • Phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u.
  • Phương pháp xạ trị để điều trị ung thư phổi.
  • Điều trị bằng hóa chất thường cho kết quả tích cực ở giai đoạn sớm.
  • Điều trị hỗ trợ: Thường áp dụng đối với bệnh nhân ở giai đoạn muộn, giúp người bệnh giảm được cảm giác đau đớn do bệnh gây nên.
  • Liệu pháp miễn dịch tự thân.

Phòng Ngừa Ung Thư Phổi

Để phòng ngừa ung thư phổi chúng ta nên thay đổi một số thói quen không tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ mắc bệnh như:

  • Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi, từ bỏ thuốc lá là một cách hiệu quả để ngăn ngừa ung thư và bảo vệ các thành viên trong gia đình tránh xa việc hút thuốc lá thụ động.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khoẻ, tốt cho hệ miễn dịch và cơ thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý, nên tăng cường bổ sung các loại rau xanh vào thực đơn hằng ngày.

Tập thể dục và bổ sung dinh dưỡng để tránh sụt cân,
tăng hệ miễn dịch phòng ngừa ung thư phổi
  • Tránh tiếp xúc với các chất phóng xạ và kim loại nặng. Đối với những trường hợp bắt buộc phải làm việc trong môi trường có chứa chất phóng xạ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ an toàn.

Ung thư phổi đang là mối nguy hại lớn cho sức khỏe con người, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh với tỷ lệ tử vong cao. Chính vì thế, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách có lối sống khoa học là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, cần đi khám sức khỏe định kỳ, nhận biết những dấu hiệu sớm của ung thư phổi để điều trị ở giai đoạn sớm là cách tránh được những biến chứng nguy hiểm mà căn bệnh này gây ra.

Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.