Tỷ lệ ung thư buồng trứng ở Việt Nam đang tăng cao mỗi năm. Đây là căn bệnh ung thư ác tính có diễn biến âm thầm, dấu hiệu mơ hồ khiến nhiều chị em chủ quan, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa thông thường. Đến khi bệnh phát triển ở giai đoạn muộn việc điều trị vô cùng phức tạp, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe sinh sản, thậm chí dẫn đến vô sinh.
Ung Thư Buồng Trứng Là Gì?
Khi các tế bào trong buồng trứng phát triển bất thường sẽ hình thành nên các khối u ác tính ở 1 bên hoặc cả 2 bên buồng trứng được gọi là ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng nếu không được điều trị sớm sẽ khiến các tế bào ung thư có cơ hội phát triển mạnh và bắt đầu xâm lấn ra các mô cơ xung quanh buồng trứng làm suy giảm và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Ở giai đoạn cuối của ung thư buồng trứng, các tế bào ung thư sẽ bắt đầu di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể và hình thành khối u mới tiếp tục phát triển thông qua đường bạch huyết.
Ung Thư Buồng Trứng Có Mấy Giai Đoạn?
Ung thư buồng trứng phát triển theo 4 giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn 1: Khối u bắt đầu hình thành và bị giới hạn trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Ở giai đoạn này chưa có sự xâm lấn ra các cơ quan khác. Đây là giai đoạn dễ điều trị và tỷ lệ phục hồi cao nhất.
- Giai đoạn 2: Khối u vẫn nằm trong buồng trứng nhưng có dấu hiệu xâm lấn ra các cơ quan lân cận trong xương chậu như vòi trứng, tử cung…
- Giai đoạn 3: Khối u phát triển và có kích thước lớn hơn 2cm, bắt đầu di căn ra các cơ quan trong ổ bụng như niêm mạc bụng, buồng trứng… thậm chí xa hơn như lá lách, gan. Theo thống kê trường hợp phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn 3 chiếm đến 51%.
- Giai đoạn 4: Là giai đoạn cuối cùng, các khối u di căn ra các cơ quan ngoài ổ bụng. Đây là giai đoạn gây khó khăn cho việc điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tốn kém chi phí rất nhiều.
Dấu Hiệu Ung Thư Buồng Trứng
Nhận biết những dấu hiệu ung thư buồng trứng sớm có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị và phục hồi. Một số dấu hiệu ung thư buồng trứng chị em có thể nhận biết như sau:
- Cảm thấy ăn không ngon miệng, ăn rất ít nhưng luôn có cảm giác no.
- Bị rối loạn tiêu hoá kéo dài, đau bụng, buồn nôn.
- Vùng bụng có thể bị sưng nhẹ kèm theo cảm giác đầy hơi, thường kéo dài khoảng vài tuần.
- Đau buốt khi đi tiểu.
- Người luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo bất thường, người bệnh có cảm giác đau đớn.
- Chảy máu nhỏ giọt khi ở giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Có cảm giác đau khi quan hệ vợ chồng.
- Thường bị đau lưng và đau ở vùng chậu không có nguyên nhân cụ thể.
Nguyên Nhân Gây Ung Thư Buồng Trứng
Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, cho đến hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh. Tuy nhiên, có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng như sau:
Yếu tố di truyền: Khi các thành viên ruột thịt trong gia đình như mẹ, chị hoặc em bị mắc ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú hay ung thư đại tràng thì các thành viên khác cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác.
Tiền sử bản thân: Những người đã từng mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư đại tràng cũng là những đối tượng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng rất cao.
Tuổi tác: Theo các nghiên cứu, tuổi tác càng cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ ung thư buồng trứng thường tăng cao ở nữ giới khi bước vào độ tuổi từ 50 – 60 tuổi.
Sinh con: Những người đã từng sinh con hoặc sinh nhiều con thường có nguy cơ bị ung thư buồng trứng thấp hơn rất nhiều so với phụ nữ chưa từng sinh con.
Điều trị bằng hormone thay thế: Việc điều trị hormone thay thế sau khi bước vào thời kỳ mãn kinh cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng.
Bột talc: Người thường xuyên sử dụng bột talc (có trong các loại mỹ phẩm và phấn rôm giúp da khô thoáng) khi bột tiếp xúc với cơ quan sinh dục có nguy cơ hình thành ung thư buồng trứng.
Điều Trị Ung Thư Buồng Trứng
Tùy theo từng giai đoạn, việc điều trị ung thư buồng trứng đem lại kết quả khác nhau. Theo các thống kê, cơ hội sống trên 5 năm đối với ung thư buồng trứng giai đoạn 1 lên đến 95%, giai đoạn 2 là 70%.
Nhưng khi ung thư đã bước sang giai đoạn 3 khả năng sống trên 5 năm giảm chỉ còn 39%, ở giai đoạn cuối tỷ lệ sống sót rất thấp, chủ yếu can thiệp giúp bệnh nhân kéo dài sự sống.
Khi bệnh nhân bị nghi ngờ mắc ung thư buồng trứng sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán, sinh thiết, chất chỉ điểm khối u, siêu âm… Sau khi đã có kết quả chính xác về tình trạng và giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường, sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật, xạ trị và dùng thuốc.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn. Thông qua sự tư vấn của bác sĩ, bệnh nhân sẽ cần phải thay đổi một số thói quen như rèn luyện thể dục thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống khoa học, bổ sung những chất dinh dưỡng tốt cho quá trình điều trị…
Ung Thư Buồng Trứng Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Sinh Sản Như Thế Nào?
Nhiều trường hợp chị em thắc mắc, khi bị ung thư buồng trứng ở giai đoạn buộc phải cắt bỏ buồng trứng thì việc cắt bỏ buồng trứng có ảnh hưởng gì không?
Một điều không mong muốn sau khi điều trị ung thư buồng trứng không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh mà khả năng sinh con sau phẫu thuật cắt buồng trứng cũng bị ảnh hưởng tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Buồng trứng và ống dẫn trứng là cơ quan có chức năng quan trọng trong việc sinh sản, là nơi dẫn tinh trùng gặp trứng để thụ tinh và mang thai. Tuy nhiên, 2 buồng trứng có hoạt động độc lập không liên quan đến nhau. Vì vậy, tùy theo trường hợp cắt bỏ 1 bên hay cả 2 bên buồng trứng sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Cắt 1 bên buồng trứng có con được không? Trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng ở 1 bên, buồng trứng còn lại vẫn hoạt động tốt có nghĩa là khả năng sinh sản vẫn còn nhưng tỷ lệ đậu thai chỉ ở mức 50%.
Tuy nhiên, việc phẫu thuật cắt buồng trứng cũng gây ra những tổn thương nhất định do can thiệp đến vùng chậu và để lại sẹo. Có những trường hợp sẽ gây ra những biến chứng tiềm ẩn trong cơ thể bệnh nhân, có khả năng dẫn đến việc mang thai ngoài tử cung gây ra nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Việc cắt bỏ 1 bên buồng trứng cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng, cần thời gian cho các vết thương phục hồi, nên hạn chế sinh hoạt vợ chồng trong vòng 6 tháng. Bên cạnh đó, do estrogen giảm tiết dịch nhầy âm đạo cũng gây ra những trở ngại làm giảm cảm giác trong sinh hoạt tình dục.
Cắt 2 bên buồng trứng có con được không? Việc cắt cả 2 bên buồng trứng là trường hợp không mong muốn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và làm mất khả năng sinh sản ở nữ giới.
Ngoài việc mất chức năng sinh sản, đối với những người chưa dậy thì, việc mất 2 buồng trứng sẽ làm dấu hiệu sinh lý mất đi do không còn khả năng tiết các loại hormone sinh sản dẫn đến mất kinh, ngực không phát triển nữa.
Trường hợp người đã qua tuổi dậy thì cắt buồng trứng ở cả 2 bên sẽ dẫn đến hiện tượng mãn kinh sớm, thường xuyên bị bốc hỏa, người mệt mỏi, cáu gắt, giảm trí nhớ và khô âm đạo. Lúc này, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc để cải thiện tình trạng này.
Mặc dù mất đi khả năng thụ thai tự nhiên do không còn sản xuất được trứng nhưng vẫn có thể mang thai.
Ngày nay với sự tiến bộ của y khoa, các cặp vợ chồng có thể yên tâm rằng đối với bệnh nhân mất cả 2 buồng trứng có thể xin noãn từ người khác thông qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và kỹ thuật can thiệp y khoa sẽ giúp người vợ có khả năng mang thai.
Ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Ngược lại, nếu bệnh ở giai đoạn muộn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người bệnh thậm chí gây tử vong. Chính vì vậy, mỗi người cần có ý thức bảo vệ bản thân, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát phát hiện bệnh điều trị kịp thời.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.