Tăng huyết áp cấp cứu (hypertensive emergency) là một tình trạng nguy hiểm. Trong trường hợp này, huyết áp tăng đột ngột lên mức rất cao (thường trên 180/120 mmHg), đồng thời tiểm ẩn rủi ro gây tổn thương các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, và mắt. Vậy cách xử trí tăng huyết áp thế nào? Tìm hiểu ngay cùng Diag!

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Chỉ số huyết áp gồm:

  • Huyết áp tâm thu (số trên): Áp lực trong động mạch khi tim co bóp để đẩy máu đi.
  • Huyết áp tâm trương (số dưới): Áp lực trong động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập.

Theo Mayo Clinic, mức huyết áp bình thường ở người trưởng thành là khoảng 120/80 mmHg. Nếu huyết áp cao hơn mức này liên tục trong thời gian dài, nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Xem thêm: Điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp (hay còn gọi là cao huyết áp) là tình trạng huyết áp đo được thường xuyên cao hơn mức bình thường. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm mà không gây triệu chứng rõ rệt. Về lâu dài, nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột tử, và các vấn đề sức khỏe khác.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), tăng huyết áp được phân loại như sau:

  • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu < 120. Huyết áp tâm trương <80.
  • Tăng huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120 – 129. Huyết áp tâm trương <80.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu 130 – 139. Huyết áp tâm trương 80 – 89.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu ≥ 140. Huyết áp tâm trương ≥ 90.
  • Tăng huyết áp cấp cứu: Huyết áp tâm thu ≥ 180. Huyết áp tâm trương ≥ 120.

Xem thêm: JNC 7 tăng huyết áp

Tăng huyết áp là gì
Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp đo được thường xuyên cao hơn mức bình thường.

Tăng huyết áp cấp cứu là gì?

Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng huyết áp tăng vọt lên mức rất cao (≥ 180/120 mmHg). Bệnh có thể gây tổn thương các cơ quan quan trọng như tim, não, thận, và mắt. Đây là một tình trạng nguy hiểm cần xử lý ngay lập tức vì nếu không, có thể dẫn đến các tổn thương cơ quan đích.

Tăng huyết áp cấp cứu khác với tăng huyết áp thông thường. Người bị tăng huyết áp lâu năm có thể sống chung với huyết áp cao mà không gặp vấn đề ngay lập tức. Nhưng trong trường hợp này, cơ thể bắt đầu bị tổn thương nghiêm trọng do huyết áp quá cao. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp các vấn đề nguy hiểm như đột tử, suy tim, hoặc mù lòa.

Một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể gây tăng huyết áp cấp cứu:

  • Không kiểm soát bệnh: Người bệnh quên uống thuốc khống chế huyết áp hoặc tự ý ngừng thuốc. Có thể khiến huyết áp tăng vọt.
  • Căng thẳng, lo âu quá mức: Stress hoặc rối loạn tâm lý có thể làm huyết áp tăng nhanh đột ngột.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như steroid, thuốc tránh thai, và thuốc cảm cúm chứa pseudoephedrine, hoặc thuốc cường giao cảm có thể làm huyết áp tăng.
  • Do bệnh nền: Suy thận cấp, sản giật, và tiền sản giật ở phụ nữ mang thai, tắc nghẽn động mạch chủ.

Xem thêm: Tư vấn bệnh nhân tăng huyết áp

Tăng huyết áp cấp cứu là gì
Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng huyết áp tăng vọt lên mức rất cao (≥ 180/120 mmHg).

Tăng huyết áp cấp cứu có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp cấp cứu tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe, có thể gây nhiều tổn thương cơ quan đích như:

  • Suy tim cấp: Tim không bơm máu hiệu quả, gây tích tụ dịch trong phổi, dẫn đến khó thở, phù phổi cấp.
  • Nhồi máu cơ tim: Các động mạch nuôi tim bị tổn thương, có thể gây đau ngực dữ dội và nguy cơ tử vong cao.
  • Xuất huyết não: Các mạch máu trong não có thể bị vỡ, gây chảy máu trong não.
  • Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Dòng máu lên não bị tắc nghẽn, làm mất ý thức, liệt nửa người, hoặc hôn mê.
  • Suy thận cấp: Huyết áp tăng cao có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, dẫn đến giảm khả năng lọc máu và loại bỏ nước, chất thải. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị suy thận cấp. Trường hợp không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh thận mạn.
  • Xuất huyết võng mạc: Các mạch máu trong mắt bị vỡ, làm thị lực mờ đi hoặc mất thị lực đột ngột.
  • Tổn thương dây thần kinh thị giác: Khiến người bệnh có thể mù lòa vĩnh viễn.
  • Bóc tách động mạch chủ: Huyết áp quá cao có thể làm rách lớp trong của động mạch chủ (mạch máu lớn dẫn máu từ tim đến toàn bộ cơ thể), dẫn đến chảy máu ồ ạt. Nếu không được cấp cứu ngay, người bệnh có thể tử vong trong vòng vài phút.

"<yoastmark

Ý nghĩa của việc xử trí tăng huyết áp cấp cứu kịp thời

Việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân và giúp ngăn ngừa tổn thương cơ quan đích vĩnh viễn. Mục đích của việc can thiệp y tế kịp thời khi bị tăng huyết áp cấp cứu gồm:

  • Giảm nguy cơ đột tử và nhồi máu cơ tim: Khi huyết áp được kiểm soát từ từ, nguy cơ mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn sẽ giảm, giúp ngăn ngừa các vấn đề này.
  • Bảo vệ thận: Huyết áp cao có thể làm hỏng thận, khiến chức năng lọc máu suy giảm. Nếu được điều trị kịp thời, có thể tránh nguy cơ suy thận nặng và phải lọc máu suốt đời.
  • Giữ thị lực ổn định: Áp lực máu quá cao có thể làm tổn thương mạch máu nhỏ trong mắt, gây mất thị lực. Kiểm soát chỉ số huyết áp tốt giúp bảo vệ đôi mắt khỏi những tổn thương vĩnh viễn.

Xét nghiệm liên quan đến huyết áp chỉ 30k

  • Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
  • Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
  • Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.

GỌI LẠI CHO TÔI

Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút

Dấu hiệu nhận biết cơn tăng huyết áp cấp cứu

Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng nguy hiểm, có thể gây tổn thương cơ quan đích như tim, não, thận, và mắt. Nhận biết sớm các triệu chứng giúp xử trí kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng. Các dấu hiệu thường xuất hiện ở người cao huyết áp cấp cứu:

  • Đau đầu dữ dội. Có thể kèm theo cảm giác chóng mặt, buồn nôn, hoặc nôn mửa. Cơn đau không giảm cả khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.
  • Đau tức ngực, đau thắt vùng ngực. Tim đập nhanh, loạn nhịp, hoặc hụt hơi.
  • Nhìn mờ, hoa mắt, và thấy hình ảnh đôi. Nhiều trường hợp có thể bị mất thị lực tạm thời.
  • Suy giảm trí nhớ, nói lắp, và không nhận thức được xung quanh.
  • Sưng vùng mặt, tay, chân.
  • Đi tiểu ít hơn bình thường. Nước tiểu sậm màu.
  • Nặng hơn có thể co giật, ngất xỉu, và hôn mê.

Xem thêm: Cận lâm sàng tăng huyết áp

Dấu hiệu nhận biết cơn tăng huyết áp cấp cứu
Dấu hiệu nhận biết cơn tăng huyết áp cấp cứu là đau đầu dữ dội

Cách xử trí khi gặp tăng huyết áp cấp cứu

Khi gặp tình huống tăng huyết áp cấp cứu, điều quan trọng nhất là bình tĩnh và xử trí đúng cách để tránh nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là các bước xử trí an toàn mà bạn nên thực hiện.

Bước 1: Kiểm tra huyết áp ngay lập tức

  • Dùng máy đo huyết áp để kiểm tra chỉ số huyết áp.
  • Nếu huyết áp ≥ 180/120 mmHg, hãy ngồi nghỉ ngơi trong 5 phút và đo lại.
  • Nếu huyết áp vẫn cao kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu dữ dội, khó thở, đau ngực, rối loạn thị giác, hay lú lẫn, gọi cấp cứu ngay lập tức.

Bước 2: Gọi cấp cứu y tế ngay lập tức

  • Gọi 115 hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay khi phát hiện dấu hiệu nguy hiểm.
  • Không để bệnh nhân tự lái xe, vì họ có thể bị đột quỵ hoặc mất ý thức đột ngột trong lúc di chuyển.
  • Nếu có thể, hãy mô tả rõ tình trạng của bệnh nhân với nhân viên y tế khi gọi cấp cứu. Mục đích để họ chuẩn bị phương án xử trí kịp thời.

Bước 3: Giữ người bệnh ổn định

  • Để bệnh nhân ngồi hoặc nằm yên, tránh vận động mạnh vì có thể làm huyết áp tăng cao hơn.
  • Hướng dẫn bệnh nhân hít thở sâu và chậm để giúp cơ thể thư giãn và giảm stress.
  • Nếu bệnh nhân đau ngực dữ dội hoặc khó thở, không được cố gắng đi lại, hãy nằm yên và chờ cấp cứu đến.
  • Nới lỏng quần áo, đảm bảo không gian thông thoáng để giúp bệnh nhân dễ thở hơn.

Bước 4: Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp mạnh

Không uống thuốc hạ áp liều cao ngay lập tức, vì làm tụt huyết áp quá nhanh có thể gây thiếu máu lên não và tim.

Lưu ý: Nếu bệnh nhân đang được kê đơn thuốc hạ huyết áp, có thể dùng liều thông thường theo chỉ định bác sĩ. Tuyệt đối không uống gấp đôi liều để hạ nhanh huyết áp.

Phương pháp điều trị tăng huyết áp cấp cứu

Các phương pháp điều trị tăng huyết áp cấp cứu bác sĩ có thể thực hiện:

Điều trị bằng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch:

  • Sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch như nicardipine, nitroprusside, hoặc labetalol. Mục đích để hạ huyết áp một cách an toàn và từ từ.
  • Bác sĩ sẽ theo dõi chỉ số huyết áp liên tục để điều chỉnh thuốc phù hợp.

Kiểm tra và điều trị tổn thương các cơ quan:

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như:

  • Chụp CT não: Kiểm tra nguy cơ đột quỵ hoặc xuất huyết do vỡ mạch máu não.
  • Điện tim (ECG): Đánh giá tim có bị tổn thương hay không.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Kiểm tra xem thận có bị ảnh hưởng hay không.

Nếu phát hiện bất thường ở các cơ quan thì bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nội khoa. Mục đích để giảm thiểu mức tối đa nguy cơ biến chứng.

Xem thêm: Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp

Cách phòng ngừa cơn tăng huyết áp cấp cứu

Duy trì lối sống lành mạnh:

  • Giảm muối trong khẩu phần ăn: Không quá 2.3g/ngày theo khuyến nghị của Mayo Clinic.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, và thực phẩm giàu kali như chuối, khoai lang để kiểm soát huyết áp.
  • Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán, thực phẩm nhiều đường, và chất béo bão hòa.
  • Vận động ít nhất 30 phút/ngày: Đi bộ, bơi lội, hay yoga giúp cải thiện lưu thông máu và giảm huyết áp.

Kiểm soát căng thẳng và theo dõi huyết áp:

  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, vì stress có thể làm huyết áp tăng cao.
  • Học cách thư giãn: Tập thiền, yoga, hoặc hít thở sâu để giảm stress.
  • Đo huyết áp định kỳ ít nhất 1-2 lần/tuần, đặc biệt là người trên 40 tuổi hoặc có tiền sử tăng huyết áp.

Tuân thủ điều trị:

  • Uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc dù huyết áp có vẻ ổn định.
  • Tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh thuốc và theo dõi sức khỏe.
  • Không sử dụng thuốc lá, rượu bia, vì đây là yếu tố làm tăng huyết áp.

Xem thêm: Cách trị tăng huyết áp tại nhà

Lời kết

Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng nguy hiểm. Việc nhận biết dấu hiệu và xử trí tăng huyết áp đúng cách có thể cứu sống người bệnh và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng. Để phòng ngừa tăng huyết áp cấp cứu, hãy kiểm soát huyết áp bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm stress, cũng như tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

 

Xem thêm: 4 cấp độ dự phòng tăng huyết áp