Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Nếu không kiểm soát đúng cách, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và suy tim. Trong bài viết này, Diag sẽ tư vấn bệnh nhân tăng huyết áp về cách chăm sóc và theo dõi. Điều này giúp kiểm soát huyết áp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Huyết áp là gì?
Huyết áp là lực đẩy của máu lên thành động mạch khi tim bơm máu đi nuôi cơ thể. Đây là một chỉ số quan trọng giúp đánh giá sức khỏe tim mạch.
Hai chỉ số quan trọng của huyết áp:
- Huyết áp tâm thu: Áp lực của máu khi tim co bóp để đẩy máu đi khắp cơ thể. Chỉ số này càng cao, tim càng phải làm việc nhiều hơn.
- Huyết áp tâm trương: Áp lực của máu khi tim thư giãn giữa các nhịp đập. Chỉ số này phản ánh độ giãn nở của mạch máu.
Xem thêm: Điều trị tăng huyết áp
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp là khi áp lực máu lên thành động mạch cao hơn mức bình thường trong thời gian dài. Khi cao huyết áp, tim và mạch máu phải làm việc nhiều hơn, lâu dài có thể gây tổn thương tim, não, thận, và các cơ quan khác.
Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như:
- Triệu chứng đau đầu kéo dài.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Mờ mắt, suy giảm thị lực.
- Khó thở, đau tức ngực.
- Mệt mỏi, mất ngủ.
- Chảy máu cam nhưng ít gặp hơn.
Theo Báo cáo lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về Phòng ngừa, Phát hiện, Đánh giá và Điều trị Tăng huyết áp (JNC 7 tăng huyết áp), huyết áp được phân loại:
- Huyết áp bình thường: <120/80 mmHg.
- Tiền tăng huyết áp: 120-139/80-89 mmHg.
- Tăng huyết áp giai đoạn 1: 140-159/90-99 mmHg.
- Tăng huyết áp giai đoạn 2: ≥160/100 mmHg.
Xem thêm: 4 cấp độ dự phòng tăng huyết áp
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân:
- Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn): Chiếm 90-95% trường hợp, không có nguyên nhân cụ thể, nhưng có liên quan đến tuổi tác, di truyền, chế độ dinh dưỡng, và lối sống.
- Tăng huyết áp thứ phát: Chiếm 5-10% các trường hợp. Thường do các bệnh lý như tiểu đường, các rối loạn như rối loạn lipid máu, cường giáp, bệnh tim bẩm sinh, và tác dụng phụ của thuốc.
Các yếu tố nguy cơ:
- Tuổi tác: Nguy cơ tăng huyết áp tăng dần theo tuổi.
- Tiền sử gia đình: Nếu cha mẹ hoặc người thân mắc bệnh, nguy cơ tăng huyết áp cũng cao hơn.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới trước tuổi 65, nhưng sau 65 tuổi, phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.
- Béo phì hoặc thừa cân: Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng áp lực lên thành động mạch. Người thừa cân, béo phì cần giảm cân để duy trì sức khỏe ổn định.
- Ăn nhiều muối: Tiêu thụ quá mức natri làm cơ thể giữ nước, gây tăng huyết áp.
- Ăn ít rau xanh, thực phẩm giàu kali: Kali giúp cân bằng tác động của muối lên huyết áp.
- Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và cholesterol: Góp phần làm xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.
- Lối sống ít vận động: Không tập thể dục thường xuyên làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
- Hút thuốc lá: Nicotine làm co mạch máu, tăng nhịp tim và huyết áp, gây tổn thương thành động mạch, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
- Uống rượu bia nhiều: Uống quá mức làm tăng huyết áp. Ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Căng thẳng kéo dài: Stress làm tăng giải phóng hormone gây co mạch, làm tăng huyết áp.
- Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc hoặc ngủ kém chất lượng.
Biến chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Đột quỵ: Tăng huyết áp làm tổn thương và thu hẹp động mạch não, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông hoặc vỡ mạch máu. Bệnh xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn, khiến não không nhận đủ oxy và dưỡng chất. Người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao gấp 4 lần so với người bình thường, có thể dẫn đến liệt, mất trí nhớ, hoặc tử vong.
- Nhồi máu cơ tim: Tình trạng dòng máu đến tim bị chặn lại, gây tổn thương hoặc hoại tử mô tim. Huyết áp tăng cao làm hẹp động mạch vành, khiến tim không nhận đủ oxy, dễ dẫn đến tắc nghẽn do cục máu đông.
- Suy thận: Huyết áp cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận (cầu thận), khiến chức năng lọc máu suy giảm. Đây là bệnh mạn tính xảy ra khi thận mất khả năng lọc chất thải và dịch dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích tụ độc tố trong cơ thể, gây phù nề và rối loạn điện giải. Trường hợp nặng có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
- Bệnh võng mạc tăng huyết áp: Tổn thương ở võng mạc do huyết áp tăng cao kéo dài, làm hỏng các mao mạch trong mắt, khiến máu và dịch rò rỉ vào võng mạc, gây xuất huyết hoặc phù nề. Biến chứng gây mờ mắt, xuất hiện điểm đen trong tầm nhìn, mất thị lực, và có thể dẫn đến mù lòa nếu không điều trị sớm.
- Suy tim: Tình trạng tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Huyết áp cao làm tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài dẫn đến rối loạn nhịp tim. Điều này khiến cơ tim dày lên, mất khả năng bơm máu hiệu quả, gây khó thở, mệt mỏi, phù nề, và có thể tử vong.
- Phình động mạch: Tình trạng một phần của động mạch bị giãn nở quá mức, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào. Huyết áp cao làm suy yếu thành động mạch, khiến nó giãn ra và tạo thành túi phình. Nếu phình động mạch vỡ, có thể gây xuất huyết nội, đột tử.
- Suy giảm chức năng nhận thức: Tăng huyết áp làm giảm lưu lượng máu lên não, gây tổn thương tế bào não, và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Từ đó dẫn đến mất trí nhớ, khó tập trung, rối loạn hành vi, và làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Xem thêm: Xử trí tăng huyết áp
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân tăng huyết áp
Chế độ ăn hợp lý:
- Hạn chế muối dưới 5g/ngày.
- Tăng cường thực phẩm giàu kali, canxi, và magie (chuối, sữa, rau lá xanh).
- Giảm chất béo bão hòa, đường tinh luyện, và thức ăn chế biến sẵn.
- Uống đủ nước, hạn chế rượu bia, cà phê.
Thực hiện lối sống lành mạnh qua vận động:
- Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, yoga, hay bơi lội ít nhất 30 phút/ngày.
- Tránh tập nặng gây tăng nhịp tim và huyết áp đột ngột.
Kiểm soát căng thẳng:
- Áp dụng thiền, yoga, và kỹ thuật hít thở sâu.
- Ngủ đủ giấc (7-8 giờ/đêm).
Xem thêm: Cận lâm sàng tăng huyết áp
Tuân thủ điều trị theo y lệnh bác sĩ
Các loại thuốc hạ áp điều trị thường dùng:
- Thuốc lợi tiểu (Diuretics): Hydrochlorothiazide giúp giảm thể tích máu.
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors): Enalapril, Lisinopril giúp giãn mạch.
- Thuốc chẹn beta (Beta-blockers): Atenolol, Metoprolol làm giảm nhịp tim.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Amlodipine giúp hạ huyết áp bằng cách giãn mạch.
Lưu ý: Không tự ý ngừng hoặc sử dụng thuốc điều trị không có chỉ định của bác sĩ, vì có thể gây tăng huyết áp đột ngột dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Theo dõi huyết áp tại nhà
- Đo huyết áp hàng ngày vào buổi sáng và tối.
- Sử dụng máy đo huyết áp bắp tay tự động để có kết quả chính xác.
- Ghi chép kết quả vào sổ theo dõi để cung cấp thông tin cho bác sĩ.
- Giáo dục sức khỏe về tầm quan trọng của việc theo dõi huyết áp thường xuyên.
Xét nghiệm liên quan đến huyết áp chỉ 30k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Xem thêm: Cách trị tăng huyết áp tại nhà
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho bệnh nhân tăng huyết áp
Ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chỉ số huyết áp. Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bệnh nhân tăng huyết áp nên tuân theo chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension). Đây là phương pháp ăn uống khoa học được chứng minh giúp duy trì các chỉ số hiệu quả.
Nguyên tắc chính của chế độ ăn DASH:
Tăng cường thực phẩm tốt cho tim mạch:
- Rau củ và trái cây: Ít nhất 4-5 phần mỗi ngày. Các loại rau lá xanh, cà chua, cam, chuối, và táo rất tốt cho huyết áp.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch, và bánh mì nguyên cám giúp cung cấp chất xơ, hỗ trợ kiểm soát huyết áp.
- Sữa ít béo: Bổ sung canxi và protein mà không làm tăng cholesterol.
Hạn chế muối:
- Giảm lượng tiêu thụ dưới 5g/ngày (tương đương 1 thìa cà phê).
- Tránh thực phẩm chứa nhiều muối: Đồ hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, mì ăn liền, khoai tây chiên.
- Thay thế bằng gia vị tự nhiên: Hành, tỏi, gừng, tiêu, và chanh giúp món ăn đậm đà.
Hạn chế chất béo và cholesterol:
- Giảm mỡ động vật, đồ chiên rán, và thức ăn nhanh.
- Sử dụng dầu thực vật có lợi cho tim mạch như dầu ô liu, dầu hạt cải thay vì bơ động vật.
- Ăn cá ít nhất 2 lần/tuần thay vì thịt đỏ (bò, heo).
Giảm đường và đồ uống có gas:
- Tránh nước ngọt có gas, nước ép đóng chai chứa nhiều đường.
- Ưu tiên nước lọc, trà thảo mộc, và nước ép trái cây tươi không đường.
Hạn chế rượu bia và thuốc lá:
- Nếu uống, nam giới không nên vượt quá 2 ly/ngày, nữ giới không quá 1 ly/ngày.
- Rượu bia nhiều có thể làm giảm tác dụng của thuốc hạ huyết áp và tăng nguy cơ tim mạch.
- Ngưng hút thuốc để ổn định huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Khuyến nghị về hoạt động thể lực cho bệnh nhân tăng huyết áp
Tập thể dục đều đặn là cách hiệu quả để ổn định huyết áp, cải thiện sức khỏe tim mạch, và giảm stress. Tuy nhiên, bệnh nhân tăng huyết áp cần lựa chọn bài tập phù hợp, tránh hoạt động quá sức gây áp lực lên tim.
Lợi ích của tập thể dục đối với bệnh nhân tăng huyết áp:
- Giúp tim khỏe mạnh hơn, giảm áp lực lên động mạch.
- Hỗ trợ giảm cân, kiểm soát chỉ số mỡ máu, đường huyết.
- Giảm stress, cải thiện giấc ngủ.
Các bài tập phù hợp:
- Đi bộ nhanh: Thực hiện ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Giúp cải thiện lưu thông máu, hỗ trợ tim hoạt động hiệu quả hơn.
- Bơi lội: Bài tập ít tác động đến khớp, phù hợp với người lớn tuổi hoặc người có vấn đề xương khớp, giúp giãn nở mạch máu, giảm áp lực lên tim.
- Đạp xe chậm: Tăng cường sức bền cho tim mà không làm tăng huyết áp đột ngột. Có thể đạp xe trong nhà hoặc ngoài trời, 30-45 phút/lần, 3-5 lần/tuần.
- Yoga và thiền: Giúp giảm stress, cải thiện khả năng kiểm soát huyết áp. Một số động tác yoga nhẹ nhàng như tư thế chiến binh, tư thế cây cầu rất tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Các bài tập cần tránh:
- Nâng tạ nặng, gắng sức đột ngột: Có thể làm tăng huyết áp đột ngột, gây nguy hiểm.
- Chạy nước rút, tập HIIT cường độ cao: Tăng áp lực lên tim quá nhanh.
- Các môn thể thao đối kháng mạnh như bóng đá, bóng rổ: Gây áp lực lớn tim mạch.
Lưu ý:
- Khởi động kỹ trước khi tập và giãn cơ sau khi tập.
- Nếu cảm thấy chóng mặt, đau ngực, và khó thở khi tập, cần dừng ngay và nghỉ ngơi.
- Bệnh nhân có tiền sử tim mạch nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện.
Lời kết
Tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người bệnh có phương pháp chăm sóc đúng cách. Việc tư vấn bệnh nhân tăng huyết áp về chế độ ăn uống, luyện tập, và tuân thủ điều trị giúp duy trì huyết áp ổn định, giảm nguy cơ biến chứng.