Tăng huyết áp và suy thận là hai tình trạng bệnh lý liên quan chặt chẽ, thường tạo thành vòng luẩn quẩn. Tại sao tăng huyết áp gây suy thận? Tìm hiểu chi tiết cơ chế tổn thương và cách hạ huyết áp qua bài viết bên dưới của Diag.
Sơ lược về tăng huyết áp và suy thận
Tăng huyết áp và bệnh thận là hai tình trạng sức khỏe có mối quan hệ mật thiết, ảnh hưởng sâu sắc đến nhau.
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp, hay huyết áp cao, là tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch ở mức cao hơn bình thường. Tình trạng này kéo dài buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Từ đó gây căng thẳng cho hệ tim mạch và nhiều cơ quan khác, bao gồm thận.
Huyết áp được biểu diễn qua hai chỉ số chính:
- Huyết áp tâm thu: Áp lực máu trong động mạch khi tim co bóp để bơm máu.
- Huyết áp tâm trương: Áp lực máu trong động mạch khi tim ở trạng thái nghỉ giữa các lần co bóp.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO):
- Huyết áp bình thường: Dưới 120/80 mmHg.
- Tăng huyết áp: Khi một trong hai chỉ số vượt ngưỡng:
- Huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên.
- Hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp có thể diễn ra âm thầm mà không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, cao huyết áp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nếu không kiểm soát.

Suy thận là gì?
Suy thận là bệnh lý xảy ra khi thận suy giảm chức năng lọc máu, loại bỏ chất độc, chất thải, và nước dư thừa, hoặc ngưng đột ngột. Điều này khiến nước, chất độc hại tích tụ lại trong máu, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe.
Dựa trên tốc độ tiến triển và mức độ tổn thương mà bệnh thận được chia thành hai dạng, gồm:
Bệnh cấp tính (Acute Kidney Injury – AKI):
- Xảy ra đột ngột, thường trong vài giờ hoặc vài ngày.
- Nguyên nhân có thể là mất nước nghiêm trọng, tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu, hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có khả năng hồi phục.
Bệnh thận mạn tính (Chronic Kidney Disease- CKD):
- Tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Nguyên nhân phổ biến bao gồm bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, hoặc viêm cầu thận.
- Khi tiến triển đến giai đoạn cuối, bệnh nhân cần điều trị thay thế như chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Các triệu chứng của suy thận:
- Mệt mỏi và yếu sức: Do chất độc tích tụ trong cơ thể gây rối loạn chuyển hóa.
- Phù nề: Nước tích tụ, gây sưng ở chân, tay, hoặc mặt.
- Nước tiểu bất thường: Ít hơn, màu sẫm, có bọt, lẫn máu.
- Tăng huyết áp: Thận không loại bỏ được natri, gây tăng thể tích máu.
- Tích tụ chất độc trong máu: Gây ngứa, buồn nôn, và hơi thở có mùi amoniac.

Mối liên hệ giữa tăng huyết áp và suy thận
Tăng huyết áp và bệnh thận có mối liên hệ rất chặt chẽ và phức tạp. Một bên có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng của bên còn lại, tạo thành vòng lặp ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Tăng huyết áp gây tổn thương thận, làm thận suy yếu.
- Bệnh thận lại làm huyết áp tăng cao hơn, gây tổn thương thêm cho thận.
Hai tình trạng này thúc đẩy lẫn nhau, khiến sức khỏe tổng thể của người bệnh suy giảm nhanh chóng nếu không được kiểm soát.
Tại sao tăng huyết áp lại gây suy thận?
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh thận, đặc biệt là ở những người có tiền sử bệnh kéo dài. Tình trạng này làm tổn thương các bộ phận quan trọng trong thận, khiến chức năng lọc máu suy giảm.
Cơ chế tăng huyết áp gây tổn thương thận:
- Tổn thương mạch máu trong thận: Khi huyết áp tăng cao, các mạch máu nhỏ trong thận phải chịu áp lực lớn. Điều này khiến chúng dày lên, cứng lại, hoặc thu hẹp động mạch thận. Điều này khiến lưu lượng máu đến thận bị giảm, làm ảnh hưởng đến khả năng lọc máu.
- Tổn thương đơn vị lọc máu (tiểu cầu thận): Khi huyết áp quá cao, áp lực này có thể làm hư hại các tiểu cầu thận – cơ quan đảm nhận vai trò lọc máu. Dấu hiệu điển hình là hiện tượng protein niệu.
- Thận bị quá tải: Khi huyết áp cao, thận phải hoạt động nhiều hơn để điều chỉnh lượng nước và muối trong cơ thể. Việc làm việc quá mức lâu ngày sẽ khiến thận suy yếu nhanh hơn.

Tại sao suy thận gây tăng huyết áp?
Khi thận bị tổn thương, chúng không thể kiểm soát tốt áp lực máu, dẫn đến huyết áp tăng cao hơn. Đây là lý do nhiều người bị suy thận cũng mắc bệnh cao huyết áp. Cơ chế suy thận gây cao huyết áp:
- Giữ nước và muối trong cơ thể: Thận có nhiệm vụ loại bỏ nước thừa và muối ra khỏi cơ thể. Khi chức năng thận suy giảm, nước và muối tích tụ, làm tăng thể tích máu. Thể tích máu lớn hơn sẽ làm tăng áp lực lên các mạch máu, gây ra huyết áp cao.
- Sản xuất nhiều hormone gây tăng huyết áp hơn bình thường: Thận sản xuất renin, hormone đảm nhận vai trò kiểm soát huyết áp. Khi thận bị tổn thương, lượng hormone này có thể tăng lên bất thường. Renin làm các mạch máu co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao.
Xét nghiệm liên quan đến huyết áp chỉ 30k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Cách hạ huyết áp cho bệnh nhân suy thận
Để điều hòa huyết áp, mọi người nên:
- Không ăn quá nhiều muối trong một ngày.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, dưa chua…
- Sử dụng các loại thuốc điều trị như ức chế men chuyển (ACE inhibitors), thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) theo chỉ định bác sĩ.
- Không tự ý ngưng, bỏ thuốc, hoặc thay đổi liều lượng.
- Đo huyết áp tại nhà hàng ngày để theo dõi và kịp thời phát hiện bất thường.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Tránh để cơ thể thừa cân, béo phì
- Rèn thói quen tập thể dục, vận động ít nhất 30 phút/ngày hoặc tùy theo thể trạng mỗi người. Có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội…
- Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng.
- Uống nước theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách phòng ngừa cao huyết áp cho người suy thận
Người bị suy thận cần đặc biệt chú ý phòng ngừa cao huyết áp để tránh làm tổn thương thận nặng hơn.
- Bổ sung chất xơ qua rau xanh, trái cây, và ngũ cốc nguyên hạt.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa ít béo, sữa hạt, và hạnh nhân…
- Sử dụng chất béo lành mạnh như cá hồi, quả óc chó, hạt lanh, dầu ô liu, v.v…
- Ăn các loại protein nạc lành mạnh như thịt gà bỏ da, thịt heo, thịt bò nạc, cá nạc, đậu phj, trứng…
- Tránh đồ ăn mặn, thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt có ga, thực phẩm nhiều đường…
- Uống nước theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh uống quá ít hoặc quá nhiều vì có thể gây hại cho thận.
- Bỏ thuốc lá, rượu bia…
- Đo huyết áp và thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện bất thường.
- Ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái.
- Tập thể dục nhẹ nhàng, như đi bộ hoặc yoga, để giúp hạ huyết áp.

Lời kết
Hiểu rõ tại sao tăng huyết áp gây suy thận là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe thận và cơ thể. Việc kiểm soát huyết áp, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, và theo dõi sức khỏe định kỳ sẽ giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.