Cơ chế tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bệnh lý này. Khi hệ thống điều hòa trong cơ thể như hệ renin-angiotensin-aldosterone hoặc chức năng nội mô bị rối loạn, huyết áp có xu hướng tăng cao. Tìm hiểu chi tiết qua bài viết bên dưới của Diag.
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Đây là một trong những chỉ số quan trọng giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tim mạch.
Huyết áp đo qua hai chỉ số chính:
- Huyết áp tâm thu (systolic pressure): Áp lực máu khi tim co bóp để đẩy máu từ tâm thất vào động mạch. Chỉ số huyết áp tâm thu thường đứng trước trong kết quả đo, ví dụ như số 120 trong 120/80 mmHg.
- Huyết áp tâm trương (diastolic pressure): Áp lực máu khi tim ở trạng thái nghỉ ngơi, giữa các lần co bóp. Chỉ số huyết áp tâm trương nằm sau trong kết quả đo, ví dụ số 80 trong 120/80 mmHg.

Huyết áp được đo bằng đơn vị mmHg (milimét thủy ngân). Mức huyết áp lý tưởng ở người trưởng thành thường dao động khoảng 120/80 mmHg. Tuy nhiên, nếu chỉ số này tăng lên quá cao trong thời gian dài, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp, hay cao huyết áp, xảy ra khi áp lực của máu lên thành động mạch vượt quá mức bình thường trong thời gian dài. Đây là tình trạng nguy hiểm, vì nó không chỉ làm tổn thương mạch máu mà còn gây áp lực lớn cho tim và các cơ quan khác như não và thận. Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Các loại tăng huyết áp
Tăng huyết áp được chia thành hai loại chính dựa trên nguyên nhân gây bệnh:
Tăng huyết áp tiên phát (nguyên phát)
Chiếm phần lớn (khoảng 90-95%) các trường hợp, tăng huyết áp nguyên phát không có nguyên nhân rõ ràng nhưng thường liên quan đến các yếu tố như:
- Di truyền học.
- Tuổi tác (nguy cơ tăng huyết áp cao hơn ở người lớn tuổi).
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh (chế độ ăn nhiều muối, ít vận động).
Xem thêm: Yếu tố nguy cơ tăng huyết áp
Tăng huyết áp thứ phát
Dạng này thường do một nguyên nhân cụ thể như:
- Bệnh thận mãn tính.
- Rối loạn nội tiết, chẳng hạn như hội chứng Cushing hoặc cường aldosteron nguyên phát.
- Tác dụng phụ của thuốc, như thuốc tránh thai hoặc corticosteroid.
Xem thêm: Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp
Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Đột quỵ: Do mạch máu não bị tổn thương hoặc tắc nghẽn.
- Bệnh tim mạch: Bao gồm nhồi máu cơ tim, suy tim do tim phải làm việc quá sức.
- Bệnh thận mạn tính: Áp lực máu quá cao gây nhiều tổn thương ở thận như hẹp động mạch thận, dẫn đến giảm khả năng lọc máu.
- Tổn thương mắt: Tăng huyết áp có thể gây hại cho các mạch máu trong mắt, dẫn đến giảm thị lực.
Xem theme: Biến chứng tăng huyết áp
Cơ chế gây tăng huyết áp
Tăng huyết áp là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp bên trong cơ thể. Những yếu tố này có thể liên quan đến sự mất cân bằng trong các hệ thống điều hòa huyết áp, như hệ thần kinh, nội tiết, và chức năng thận.
Cơ chế bệnh sinh tăng huyết áp
Cơ chế bệnh sinh là cách mà các quá trình sinh lý và bệnh lý trong cơ thể gây ra tăng huyết áp. Có ba yếu tố quan trọng:
Hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAAS)
Hệ RAAS giúp điều hòa huyết áp và giữ cân bằng nước – muối. Khi huyết áp giảm hoặc cơ thể mất nước, thận tiết ra enzyme renin, khởi động chuỗi phản ứng tạo ra angiotensin II. Chất này làm co mạch máu, khiến huyết áp tăng lên.
Ngoài ra, angiotensin II kích thích tuyến thượng thận tiết aldosterone, hormone giữ lại muối và nước trong cơ thể. Sự tích tụ này làm tăng thể tích máu, khiến huyết áp cao hơn. Nếu hệ RAAS hoạt động quá mức, nó có thể gây ra tăng huyết áp mãn tính.
Hoạt động của hệ thần kinh giao cảm
Hệ thần kinh giao cảm là một phần của hệ thần kinh tự chủ. Đây là hệ giúp điều chỉnh các hoạt động quan trọng như nhịp tim và sự co giãn của mạch máu. Khi hệ này hoạt động quá mức, nó làm cho các mạch máu co lại, khiến máu khó lưu thông hơn. Điều này làm tăng áp lực trong mạch máu và dẫn đến huyết áp cao.
Bên cạnh đó, hệ giao cảm còn làm nhịp tim nhanh hơn và tim co bóp mạnh hơn, khiến lượng máu mà tim bơm đi mỗi phút tăng lên. Đây cũng là một nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao hơn.
Rối loạn chức năng thận
Thận giúp kiểm soát huyết áp bằng cách loại bỏ nước và muối dư thừa ra khỏi cơ thể. Khi thận hoạt động kém, nước và muối không được thải ra ngoài đủ, khiến chúng tích tụ trong cơ thể.
Điều này làm tăng lượng máu trong mạch, gây áp lực lớn hơn lên thành động mạch và dẫn đến huyết áp cao. Nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh tăng huyết áp.
Cơ chế sinh lý tăng huyết áp
Huyết áp trong cơ thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó ba yếu tố sinh lý quan trọng nhất là:
Cung lượng tim
Cung lượng tim là khối lượng máu được tim bơm vào động mạch mỗi phút. Khi tim đập nhanh hoặc co bóp mạnh, lượng máu được đẩy ra nhiều hơn. Điều này làm áp lực trong mạch tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng huyết áp tăng.
Sức cản mạch ngoại vi
Sức cản mạch ngoại vi là lực cản khi máu chảy qua các mạch máu nhỏ. Khi mạch máu co lại, máu lưu thông khó khăn hơn, làm tăng áp lực trong động mạch. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra huyết áp cao.
Rối loạn chức năng tế bào nội mô
Nội mô là lớp tế bào bên trong thành mạch máu, có nhiệm vụ điều tiết sự co giãn của mạch. Khi nội mô bị tổn thương, các chất giúp giãn mạch như nitric oxide giảm, khiến mạch máu dễ co lại hơn. Điều này làm tăng sức cản và dẫn đến huyết áp cao.
Cơ chế điều hòa huyết áp cao
Cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp để điều hòa và duy trì huyết áp ở mức ổn định. Các cơ chế chính bao gồm:
Điều hòa thần kinh
Hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm cùng kiểm soát huyết áp. Hệ thần kinh giao cảm làm nhịp tim nhanh hơn và khiến mạch máu co lại, giúp tăng huyết áp khi cần thiết. Đồng thời giúp thư giãn mạch máu và làm chậm nhịp tim. Từ đó giúp hạ huyết áp khi không cần áp lực máu cao.
Điều hòa thể dịch
Hệ RAAS và các hormone như vasopressin (hormone chống bài niệu) tham gia vào việc điều chỉnh lượng nước và muối trong cơ thể. Vasopressin làm tăng khả năng giữ nước của thận, khiến thể tích máu tăng lên và dẫn đến huyết áp cao hơn.
Các yếu tố khác
- Tuổi tác: Người lớn tuổi dễ bị tăng huyết áp do mạch máu mất đi tính đàn hồi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới trước tuổi mãn kinh.
- Lối sống: Ăn nhiều muối, ít vận động, và căng thẳng kéo dài có thể làm huyết áp tăng. Những thói quen lành mạnh giúp cải thiện khả năng kiểm soát huyết áp của cơ thể.
Triệu chứng tăng huyết áp
Nhiều người mắc tăng huyết áp không có triệu chứng rõ ràng, nên bệnh thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Một số triệu chứng lâm sàng có thể gặp bao gồm:
- Đau đầu, đặc biệt ở vùng sau đầu.
- Hoa mắt, chóng mặt.
- Đau ngực, khó thở.
- Đánh trống ngực, mệt mỏi.
Nếu không chẩn đoán và điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Ví dụ như xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ, và tổn thương thận.
Xem thêm: Triệu chứng tăng huyết áp
Xét nghiệm liên quan đến huyết áp chỉ 30k
- Nhanh chóng, không chờ đợi với hệ thống 40 chi nhánh Diag.
- Lấy mẫu ngoài giờ hành chính.
- Có ngay kết quả trong vòng 24h qua Zalo.
Diag sẽ liên hệ lại trong vòng 5 phút
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp
Một số yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát bao gồm:
- Tuổi tác: Nguy cơ tăng huyết áp tăng theo độ tuổi.
- Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ cao hơn nữ giới trước tuổi mãn kinh.
- Di truyền: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tăng huyết áp có nguy cơ cao hơn.

Những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được bao gồm:
- Chế độ ăn uống: Tiêu thụ quá nhiều muối, ít rau quả có thể làm tăng huyết áp.
- Thừa cân, béo phì: Tăng áp lực lên tim và mạch máu.
- Ít vận động: Lối sống ít vận động làm suy giảm khả năng điều hòa huyết áp.
- Stress: Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến tăng huyết áp.
Điều chỉnh lối sống lành mạnh giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và cải thiện sức khỏe tim mạch.
Xem thêm: Tăng huyết áp uống nước chanh được không?
Lời kết
Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến và nguy hiểm nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Việc hiểu rõ cơ chế tăng huyết áp, từ nguyên nhân đến các yếu tố điều hòa giúp chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị.
Xem thêm: Điều trị tăng huyết áp