Dị ứng sữa ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời có thể khiến bé cảm thấy khó chịu, chán ăn,…Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé.
Dị Ứng Sữa Là Gì?
Dị ứng là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng dị ứng xảy ra để chống lại các chất lạ trong môi trường gọi là chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng có thể là phấn hoa, lông thú, một số loại thực phẩm,… Các phản ứng dị ứng thường xảy ra nhanh chóng và có thể dự đoán được.
Dị ứng sữa là phản ứng dị ứng của cơ thể đối với các protein có trong sữa. Nghĩa là, hệ thống miễn dịch sẽ bị nhầm protein sữa là các chất lạ gây hại cho cơ thể và bắt đầu hoạt động để chống lại chúng. Từ đó gây nên biểu hiện dị ứng sữa.
Đối Tượng Dễ Bị Dị Ứng Sữa
Dị ứng sữa có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ bị dị ứng sữa nhất. Do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa được phát triển toàn diện nên thường có nguy cơ dị ứng cao hơn.
Đối với những đứa trẻ có cơ địa dị ứng với bất kỳ tác nhân nào thì khả năng dị ứng với sữa của đứa trẻ đó cũng thường cao hơn so với những em bé khác. Đặc biệt, nếu bé bị viêm da dị ứng mãn tính thì khả năng bé bị dị ứng với sữa cũng cao hơn.
Trẻ em có người thân, đặc biệt là cha, mẹ có tiền sử dị ứng, mề đay, chàm, hen phế quản,…thì phần trăm bé bị dị ứng sữa cũng rất cao.
Dấu Hiệu Trẻ Bị Dị Ứng Sữa
Dị ứng sữa thường dễ bị nhầm với chứng không dung nạp lactose ( hay còn gọi là chứng không dung nạp đường sữa) vì biểu hiện khá giống nhau.
Chứng không dung nạp lactose xảy ra khi cơ thể thiếu enzyme lactase giúp chuyển hóa lactose có trong ruột (lactose là loại đường đặc trưng có trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa). Dấu hiệu là khi cơ thể dung nạp lactose sẽ gây ra các rối loạn về tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, …
Chứng không dung nạp lactose có thể xảy ra cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Đặc trưng của chứng bệnh này là không liên quan tới hệ miễn dịch. Đối với trẻ mắc chứng không dung nạp lactose, cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm phù hợp thay thế để cung cấp đầy đủ và cân bằng chế độ dinh dưỡng cho trẻ phát triển bình thường.
Dị ứng sữa là phản ứng của hệ miễn dịch với thành phần protein sữa gây ra hiện tượng dị ứng. Dị ứng sữa thường xảy ra vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa và ăn các sản phẩm chế biến từ sữa. Dị ứng sữa thường phổ biến hơn ở trẻ em.
Các biểu hiện của dị ứng sữa của trẻ thường là tổng hợp của nhiều triệu chứng và tùy thuộc vào cơ địa, môi trường sống, chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Nếu cha mẹ có tiền sử dị ứng sữa thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ mắc dị ứng sữa.
- Các dấu hiệu dị ứng ngay sau khi tiêu thụ sữa có thể bao gồm: phát ban, ói mửa, thở khò khè,..
- Các dấu hiệu sau vài giờ tiêu thụ sữa có thể bao gồm: Đau quặn bụng ở trẻ sơ sinh, thở khò khè, nổi mẩn ngứa trên da (thường quanh miệng), tiêu chảy, phân lỏng (có thể có máu), …
- Đôi khi dị ứng sữa có thể gây sốc phản vệ – Đây là phản ứng đặc biệt nghiêm trọng có thể đe dọa tới tính mạng.
Nguyên Nhân Gây Dị Ứng Sữa
Hệ thống miễn dịch cho rằng protein sữa là có hại cho cơ thể nên nó sản sinh ra kháng thể immunoglobulin E (lgE) để trung hòa các protein có trong sữa (chất gây dị ứng). Khi trẻ dung nạp các protein này, các kháng thể lgE nhận ra chúng và gửi tín hiệu về hệ thống miễn dịch để sản sinh ra histamin và các hoạt chất khác gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng.
Các loại thực phẩm từ sữa bò là nguyên nhân hàng đầu gây dị ứng sữa ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các loại sữa công thức. Tuy nhiên các loại sữa từ cừu, dê, trâu và các động vật có vú khác cũng có thể gây phản ứng dị ứng. Có 2 loại protein chính trong sữa bò là Casein và whey protein.
- Casein thường có trong thành phần chất rắn của sữa (các loại phomai thường có hàm lượng casein cao).
- Whey protein thường có trong phần chất lỏng của sữa còn lại sau khi lắng cục.
Trẻ dị ứng sữa có thể dị ứng một trong hai thành phần protein ở trên hoặc dị ứng cả hai thành phần.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ em bị dị ứng sữa một phần có thể do di truyền từ cha mẹ. Nếu cha, mẹ của các bé đã từng bị dị ứng với sữa khi còn nhỏ thì con của họ khi sinh ra cũng có nguy cơ bị dị ứng sữa cao hơn so với những đứa trẻ khác.
Một nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng dị ứng sữa ở trẻ nhỏ có thể là do cơ địa, chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày hoặc môi trường sống gây nên.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác nào cho tình trạng dị ứng sữa. Tùy trường hợp khác nhau mà các nguyên nhân gây dị ứng sữa cũng có thể khác nhau.
Cách Dự Phòng
Đối với những đứa trẻ có nguy cơ dị ứng sữa cao, bạn cần dự phòng cho bé bằng những phương pháp sau:
- Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng đầu đời. Nếu có thể bạn hãy cho bé bú sữa mẹ trong thời gian dài hơn. Đây là một trong những giải pháp được khuyến khích để làm giảm nguy cơ dị ứng sữa công thức ở trẻ nhỏ.
- Kiểm tra kỹ thành phần của các loại sữa bột, sữa công thức trước khi cho bé sử dụng. Trên hầu hết các loại sữa trẻ em hiện nay đều có tem nhãn ghi rõ thành phần của sữa. Trước khi cho bé sử dụng, bạn cần kiểm tra bảng thành phần này để xem sữa có thành phần nào gây dị ứng cho bé hay không. Điều này đặc biệt quan trọng với các bé có cơ địa dị ứng.
- Thông báo cho người thân thường xuyên chăm sóc trẻ như ông bà, các cô giáo mầm non, người trông trẻ,…biết bé bị dị ứng sữa, để tránh cho bé sử dụng các loại sữa không phù hợp.
- Luôn chuẩn bị sẵn trong nhà một số loại thuốc chống dị ứng (theo chỉ dẫn của bác sĩ) để sử dụng khi cần thiết. Tuyệt đối không được sử dụng tùy tiện mua và sử dụng thuốc dị ứng cho trẻ nếu không được sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ.
- Thực hiện xét nghiệm cho bé để tìm ra nguyên nhân dị ứng, từ đó dễ dàng tìm ra các xử lý phù hợp.
Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Về Dị Ứng Sữa Cha Mẹ Cần Biết
Khi nào bé hết dị ứng đạm sữa bò?
Dị ứng đạm sữa bò thường diễn ra trong thời gian ngắn và thường xảy ra khi trẻ còn nhỏ cụ thể theo một số khảo sát của bộ y tế đã chỉ ra như sau:
- Trẻ từ 0 – dưới 1 tuổi có tỷ lệ dị ứng sữa chiếm từ 10- 30%.
- Trẻ từ 1 – dưới 3 tuổi thì tỷ lệ dị ứng sữa giảm xuống
- Từ trên 3 tuổi thì có tới 75% trẻ không còn bị dị ứng sữa.
- Ngoài ra, vẫn còn một số trường hợp đặc biệt, có trẻ có thể bị dị ứng sữa suốt đời.
Do đó, cha mẹ cần theo dõi các biểu hiện của con sau khi sử dụng các sản phẩm từ sữa để có biện pháp xử lý phù hợp.
Trẻ dị ứng sữa công thức phải làm sao?
Hiện tượng dị ứng sữa thường xảy ra với trẻ nhỏ khi sử dụng sữa công thức. Vậy cha mẹ phải làm sao khi trẻ dị ứng sữa công thức?
- Thứ nhất: Cho trẻ sử dụng từ lượng nhỏ khi bắt đầu sử dụng loại sữa công thức mới. Sau đó, cha mẹ cần quan sát kĩ biểu hiện của trẻ sau khi sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường, cần đưa ngay trẻ tới các cơ sở y tế để kiểm tra hoặc cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp.
- Thứ hai: Thay đổi loại sữa công thức khác nếu thấy trẻ có biểu hiện phản ứng không phù hợp.
- Thứ ba: Nếu trẻ mắc chứng dị ứng sữa thì cần xác định xem trẻ dị ứng với thành phần protein nào trong sữa (whey hay casein hay cả hai).
- Thứ tư: Đọc kỹ hạn sử dụng và thành phần khi mua các loại sữa công thức để có lựa chọn sản phẩm phù hợp cho trẻ.
Sữa là một loại thực phẩm cung cấp nguồn dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, cách duy nhất để ngăn chặn phản ứng dị ứng sữa là không sử dụng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa.
Nếu con bạn mắc chứng dị ứng sữa thì cần đến gặp bác sĩ để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và được hướng dẫn chế độ dinh dưỡng phù hợp, cũng như lựa chọn các sản phẩm thay thế phù hợp.
Với những chia sẻ trên đây về dị ứng sữa ở trẻ nhỏ. Hy vọng sẽ giúp cha, mẹ hiểu hơn về dị ứng sữa cũng như biết được nguyên nhân và cách xử lý phù hợp nếu thấy bé có những biểu hiện trên.
Để tham khảo về các nhóm xét nghiệm và bảng giá, quý khách vui lòng truy cập Tại Đây.
Trang này không thể và không chứa đựng thông tin tư vấn y khoa. Các nội dung này được cung cấp chỉ nhằm mục đích thông tin và tuyên truyền, không thay thế cho bất kỳ tư vấn y khoa nào. Theo đó, trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào dựa trên thông tin này, vui lòng gặp nhân viên y tế phù hợp để được tư vấn.